Đặc San 2006 ( Trở về trang Hải Trình )
  Bản quyền (c) Đệ Nhị Hổ Cáp * Khóa 20 SQHQ/NT  

 
Đại Hội 2006 :

Tâm tư gửi bạn
    CungVĩnhThành

Những HC2 rời đàn
    NguyễnXuânDục

Hồi ký 36 năm ra khơi
    AnhChịHuỳnhvănBảnh

Thoáng giấc mơ qua
    ChịNguyễnNgọcChâu

Bút ký đh2006
    AnhChịNguyễnPhúcVĩnhViễn

Thuyền lại bến xưa
    TônThấtCường

Cảm nghỉ về đh2006
    20 và thân hữu


Đặc San 2006 :

Trang bìa
    TrầnTuấnĐức
Giới thiệu
    CungVĩnhThành

Những chuyện kể năm xưa
    Gia đình 20

Hiệp định ngưng bắn Paris và ...
    TrầnĐìnhTriết

36 năm ra khơi
    Chị LêvănTài

Nhớ về khóa 20
    ĐặngNgọcKhảm

Hội trùng dương
    CungVĩnhThành

Nẻo đường Thi Sách
    NguyễnvănĐệ

Hội ngộ
    ViễnHuy

Hai chuyến đi
    LêvănChâu

PCE08
    NgôThiệnTánh

Ông thần râu kẽm
    LêvănThạnh

Triệu đóa hồng
    NguyễnÁnh

Vĩnh biệt Nguyễn H. Tâm
    LưuĐứcHuyến

Nhớ anh trong tù
    LêKimCúc

Nhớ em trong tù
    HuỳnhvănBảnh

Một kiếp hải hồ
    LêvănTài

Mây tháng tám
    NgôThiệnTánh

Nam vang đi dể khó về
    HuỳnhKimChiến

Biển chiều
    CungVĩnhThành

Đi tìm mẩu xương xườn thất lạc
    NguyễnvănHùng

Thu, vỏ ốc và chuyến tàu khuya
    ThânHữu

Thầm hỏi? Nổi niềm
    VõKimMai

Lá thư bâng quơ
    VõthịĐồngMinh

Lục bát biển
    NgôThiệnTánh

Kỷ niệm vui buồn trên HQ9610
    ĐặngNgọcKhảm

Tìm tự do
    LêKimCúc

Nổi trôi
    NguyễnvănVang

Bố và con
    QuỳnhChâu

Những mảnh đời cải tạo
    HuỳnhKimChiến

Chuyện đàn bà
    NguyễnvănHùng

Đêm ngồi nghe thác đổ
    NgôThiệnTánh

Trang nhà khóa 20
    LêvănChâu

Bạn tôi
    NguyễnvănChín

Vượt thoát
    NguyễnÁnh

Bàn nhảm về chử Nôm
    NguyễnvănHùng

Chúng tôi muốn sống
    NguyễnvănChín

Trang cuối
    TrầnTuấnĐức


vượt thoát



       Chồng tôi qua Mỹ được 2 năm thì tôi bắt đầu đưa 3 con đi vượt biên. Qua sự giới thiệu của ông anh họ, chúng tôi làm khách của một người trung gian tên Phiên. Đầu năm 1988 mới ra quân lần thứ nhất đã bị thất bại ê chề. Mới tờ mờ sáng, tôi đưa các con và thằng em út đến đường Trần Quốc Toản cũ để lên xe đò của tổ chức đón về thị xã Sóc Trăng. Tôi thấy trên xe ngoài 2 thanh niên “đờ lô,” có khoảng hơn 20 người vừa nam, phụ, lão ấu, thanh niên thiếu nữ. Xe đến Sóc Trăng lúc trời vừa sập tối, đám người chúng tôi được đưa vào nghỉ trong một ngôi chùa nhỏ kín đáo, người đàn bà tên Hoa, và người đàn ông tên Nam đang chờ tại đây, họ là những người có trách nhiệm về bãi đổ của chuyến đi này. Trời hơi về khuya, khi mọi vật đã lắng chìm vào giấc ngủ thì chúng tôi được dẫn ra phía sau chùa để xuống “taxi” đang đậu dưới bến, cách cổng sau của chùa chỉ băng qua con đường đất rộng chừng 3,4 mét. “Taxi” là một chiếc ghe không lớn lắm, được ngụy trang dưới hình thức chở lá dừa lợp nhà đi bán nên phía trên chất đầy những manh lá dừa, chỉ chừa một lổ nhỏ ở đầu ghe vừa đủ cho một người chui xuống. Thanh niên thanh nữ đã được họ đưa xuống trước, chỉ còn lại 4 mẹ con tôi, thằng em tôi và 5 mẹ con chị Tươi. Sau khi đòi hỏi tôi và chị Tươi tháo nhẫn vàng và gom hết tiền đưa thêm cho họ, họ mới chịu dẫn chúng tôi xuống “taxi.” Thằng em tôi, con gái tôi và hai đứa con lớn của chị Tươi phải chờ đi cuối cùng. Tôi và chị Tươi tay ẵm con nhỏ, tay dắt đứa áp út âm thầm bước ra khỏi cổng chùa để xuống “taxi.” Vừa chui được vào phía trong, chưa kịp ngồi xuống sàn thì nghe tiếng chân người chạy rầm rộ trên đường, tiếng gọi nhau í ới, tiếng la hét: “phải bắt cho được thằng Phương” òm trời, rồi tiếng một người đàn ông quát lớn:
- Ai ngồi chỗ nào, không được nhúc nhích, đưa hai tay lên đầu, đứa nào nhúc nhích thì bắn bể đầu!
Giựt mình, tôi nhìn ra ngoài, mặt tái xanh, cả người run lẩy bẩy, cả mấy chục họng súng đen ngòm đang chỉa thẳng vào ghe. Thôi rồi! chuyến đi này bị bể rồi! rồi chuyện gì đến đã đến: mấy chục tên công an đứng đầy trên bờ, từ phía cổng sau chùa đến bến ghe đậu, tên chỉ huy ra lệnh chúng tôi lần lượt lên bờ, đứng sắp hàng một dọc theo bờ sông, họ lấy giây điện trói từng người, 2 tay ngoặc ra phía sau, vì đang ẵm con nhỏ nên tôi và chị Tươi khỏi bị trói. Sau đó bọn công an áp giải chúng tôi về đồn. Những bàn chân trần đi trên con đười đầy sỏi nhọn nên chúng tôi bước đi chậm chạp, con trai tôi và con trai chị Tươi níu áo mẹ đi theo, 4 bàn chân nhỏ xíu bị sỏi nhọn đâm đau nên mặt mày nhăn nhó trông rất tội nghiệp.
Tôi ngồi tựa lưng vào vách tường, lầm thầm cầu nguyện cho em tôi, con gái tôi và 2 con chị Tươi được thoát, nhưng chỉ trong thoáng chốc đã thấy công an áp giải vào thêm một đoàn người bị họ bắt trong chùa, trong đó có em tôi và các cháu. Ngay trong đêm ấy bọn công an đưa từng người vào phòng kín để khám xét. Nữ thì do nữ công an khám, nam thì do nam công an khám. Họ bắt chúng tôi cởi hết tất cả quần áo trên người ra, kể cả quần lót và áo nịt ngực, ai cũng trần truồng như nhộng. Bọn họ tịch thu tất cả nữ trang, tiền bạc mà chúng tôi dấu trong áo quần, chúng lục soát rất kỷ, không sót mẩy mây. Tôi thì bị chúng lấy không đáng kể vì chỉ mang theo chút vàng bạc để phòng thân thôi, nhưng chị Tươi thì bị mất rất nhiều, trước khi dẫn 4 con ra đi, chị ấy đã bán nhà được một số tiền lớn, một nửa đổi thành đô la Mỹ được 5 ngàn; để trong túi xách giao cho đứa con gái lớn cầm, khi bọn công an ập vào chùa lục soạt bắt người, nó hoảng hốt ném túi xách vào trong bụi bạc hà, một thằng công an nhặt lấy dấu đi, còn một nửa chị mua vàng đánh vòng khoảng 20 lượng, cột vào 2 bên bắp chân của thằng con trai, khi công an đưa con trai tôi và con trai chị vào phòng khám, sau khi bắt 2 đứa cởi hết áo quần ra, thì lộ 2 xâu vàng, thế là nó vồ lấy.
Hôm sau chúng tôi bị đưa đi giam vào tù Sóc Trăng; đêm nào cũng vậy, cứ bắt chúng tôi tự la lớn để điểm danh cách hàng giờ một, kể cả các cháu bé tuổi chưa quá 12 làm không ai ngủ được. Một tuần sau chúng giải nhóm tù chúng tôi lên trại tù Long Tuyền ở Bình Thủy, cần thơ, một trại tù qui mô, hắc ám và khắc nghiệt. Vừa đến nơi, đàn ông thanh niên bị cắt tóc chỉ còn lún phún 2 phân; con trai tôi và con trai chị Tươi cũng không thoát, rồi 2 đứa trẻ này bị tách rời khỏi mẹ, đưa đi giam nơi khác, mặc cho tôi khóc lóc van xin.
Trong một căn phòng với bề ngang khoảng 5 mét, bề rộng khoảng 7 mét mà chúng giam đến gần 150 mạng, đủ mọi tội trong xã hội: giết người, cướp của, tham nhũng, làm giấy tờ giả, v..v.. nhưng tội vượt biên chiếm đa số. Vì mấy tuần trước có vài nữ tù trong phòng ném thư ra cửa sổ để thông tin với tù đang lao động phía ngoài nên đã bị mụ cán bộ hắc ám tên Kính phạt bằng cách ra lệnh lấy gỗ phong kín hết các cửa sổ nên trong phòng giam quá ngột, khó thở vì thiếu không khí. Mỗi ngày đều có thêm vài ba người bị tống vào nên số người trong phòng đã đông càng thêm đông, đến độ ngủ chỉ nằm nghiêng một bề, không thể nhúc nhích. Bị giam khoảng gần 4 tháng thì một buổi sáng nọ chị Tươi vì bị ngộp nên đã lìa trần, để lại 4 đứa con thơ tuổi từ 2 đến 8, bố các cháu đã bị mất tích trong một chuyến vượt biên, nay lại mất mẹ, thật là tội nghiệp! Sau chuyến đầu tiên bị thất bại, tôi đã đi thêm nhiều lần vẫn do ông Phiên trung gian, cứ lén lút ra đi lại lén lút chạy về. Bãi đổ những chuyến này đều ở vùng Duyên Hải, do một người đàn bà trung niên tên gọi là cô Sáu, là một thượng tá công an Việt cộng đã về hưu làm chủ. Rất nhiều lần phải di chuyển bằng những tam bản nhỏ, mong manh từ đất liền ra cửa biển nằm “ém” để chờ xuống tàu lớn rất là nguy hiểm, hồi hộp. Có vài lần tôi không bao giờ quên được vì sự nguy hiểm, lo âu, hồi hộp đến tột cùng.
Một lần người “đờ lô” chở chúng tôi bằng chiếc xuồng nhỏ để ra “ém” gần cửa biển, họ ngụy trang bằng cách bắt bốn mẹ con tôi và thằng em nằm xuống sát đáy xuồng rồi lấy đống lưới phủ kín lên làm chúng tôi quá ngộp vì mùi hôi tanh nồng nặc của tôm cá. Chúng tôi nằm chịu đựng như vậy hơn cả nửa ngày, rồi họ cho chúng tôi lên bờ, bắt chúng tôi ngồi núp trong bụi cây chờ đêm xuống, người “đờ lô” khác cũng đưa 2 thanh niên đến núp trong bụi cây cạnh chúng tôi. Đang vừa mệt, vừa lo lắng, hồi hộp, sợ bị công an bắt hay bị người ta bỏ rơi thì bỗng nghe tiếng la lớn của một trong 2 người đàn bà đang mò cua mò ốc dưới mé sông:
- Tụi vượt biên đang núp trên bụi cây kia kìa, mình đi báo công an đi. Vừa nghe họ nói, không ai bảo ai, cả bọn chúng tôi vội ào ra khỏi bụi cây và cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng, vì lạ nước lạ cái không biết đâu là đâu nên cứ chạy sâu vô rừng. Em trai tôi tay xách bình nước, lưng cõng đứa con gái út của tôi, còn tôi thì một tay xách giỏ đồ ăn khô, một tay nắm chặt tay 2 đứa con lớn kéo chúng chạy theo, 2 thanh niên kia cũng chạy theo. Khoảng nửa giờ sau chúng tôi dừng chân vì quá mệt. Định thần nhìn kỹ mới biết chúng tôi đang ở trong rừng chà là rậm rạp, những bụi chà là tua tủa những chùm gai nhọn làm chúng tôi không dám chui vào, chỉ ngồi núp ở phía bên ngoài. Chưa kịp hết mệt thì nghe có tiếng người đàn ông nói từ chỗ rất gần:
- Mới thấy họ chạy đến đây mà.
Hoảng hốt, cả bọn bò nhanh vào trong lùm cây, mặc cho những chùm gai nhọn đâm xước đầy tay chân mặt mày. Người “đờ lô” xuất hiện, khom người nhìn vào và nói:
- Mấy người làm tui tìm muốn hụt hơi, ra đây để tụi tui đưa đi chỗ khác.
Nhìn những chùm gai nhọn chỉa ra tua tủa làm chúng tôi ngao ngán, không muốn bò ra, người “đờ lô” phải đi tìm một cành cây khô dài giúp đè tém bớt gai, chúng tôi mới từ từ bò ra. Lần này cũng phải trở về vì tàu lớn không ra được, bốn mẹ con tôi và thằng em cố lết những bàn chân trần bị đâm nhiều gai nhọn về nhà.
Mẹ tôi giọt ngắn giọt dài, dùng cây kim nhọn để lấy những đầu gai từ lòng bàn chân của chúng tôi mất cả ngày. Tội nghiệp hai đứa con tôi, chúng cứ ngồi ôm lấy hai bàn chân mà khóc.
Rồi một lần khác, người “đờ lô” cho 4 mẹ con tôi là cô gái tên Còn, chèo ghe tam bản đưa chúng tôi ra chỗ “ém quân;” em gái của cô ta tên Tùng làm “đờ lô” cho 2 chị em ở Chợ Lớn. Họ đang vừa chèo vừa nói chuyện với nhau thì bất thình lình, trên đoạn sông vắng xuất hiện một chiếc tam bản thứ 3, chận ngang 2 chiếc tam bản của chúng tôi. Ba tên đàn ông đen đúa mình trần trùi trụi, chỉ mặc độc nhất cái quần đùi, tóc tai bờm xờm, râu ria lởm chởm, mặt mày hung tợn, trên tay mỗi tên cầm một cây mã tấu vừa dài vừa nhọn. Bọn chúng là kẻ cướp, ra lệnh cho 2 cô gái “đờ lô” chèo tam bản vào một con lạch nhỏ, chúng lục soát khắp người chúng tôi và lấy hết tiền bạc, nữ trang mà chúng tôi mang theo rồi cho chúng tôi đi tiếp. Bốn mẹ con tôi và anh Huy, Hải quân đại úy Q.L.V.N.C.H., người hoa tiêu của chuyến vượt biên này bị “ém quân” trong một lùm cây đầy kiến đen và ong, nên chúng tôi bị kiến cắn, ong chích khắp cả mặt mày, tay chân, nhưng chúng tôi không dám dời chỗ, sợ bị bỏ rơi, cắn răng chịu đựng. Trời vừa sập tối, 2 cô gái “đờ lô” đến đón chúng tôi trở về vì “chiếc đầu” không ra được, vừa an vị trên tam bản, thì ba tên cướp lúc ban sáng lại xuất hiện, lần này chúng nó lấy tất cả những đồ đạc chúng tôi đem theo, không sót một cái gì, thấy 3 con đang run vì gió lạnh, tôi năn nỉ chúng để xin lại 3 cái áo ấm cho con mà chúng cũng không cho. Những người “đờ lô” khác thì tìm đường khác mà trở về, cho dù phải chèo nước ngược, nhưng hai chị em Còn – Tùng này thì cứ đưa chúng tôi về bằng con đường cũ, vì ngại chèo nước ngược. Quả giống như chúng tôi đã đoán trước, tàu Công an đã mai phục giữa đường; chúng tôi bị bắt, đưa về giam ở nhà tù Duyên Hải, nghĩ lại chuyện xảy ra từng bước, tôi biết chắc chắn rằng nhóm trách nhiệm “đờ lô” cho chuyến này là cùng bọn với lũ cướp, vì không phải chỉ có chúng tôi bị cướp, mà hầu như tất cả khách của chuyến đi này đều bị cướp chận trấn lột hết đồ đạc mang theo; Ôi! Lòng người thật là độc ác, tham lam vô bờ!
Bị giam gần 2 tháng, 4 mẹ con tôi được thả về, đến nhà tối ngày mồng 7 tháng 10 năm 1988, nghỉ ngơi chưa lại sức thì khuya mồng 8 rạng ngày mồng 9 tháng 10 năm 1988 tôi lại đưa 3 con và thằng em ra đi vì có chuyến. Chúng tôi đi từ Sàigòn về Cà mau bằng xe đò của “Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh” với danh nghĩa chở cán bộ, đoàn viên và gia đình về thành phố Cà mau để “tham quan” bằng giấy “sứ vụ lệnh” đàng hoang. Bãi đổ là một ga ra sửa xe hơi nằm ngay quốc lộ, trên đường đi về thành phố Cà mau, phía sau là con sông lớn đi ra cửa Ghềnh Hào. Khi xe đến nơi thì ngừng lại bên đường giả bộ như xe bị hư, chờ tới giữa khuya, khi mọi vật lắng chìm trong sự yên tỉnh thì tài xế lái xe nhanh vào phía bên trong ga ra, cổng ga ra được đóng kín! Khách được hướng dẫn xuống xe, vào nhà để ra phía sau mà xuống tàu, tôi rất hồi hộp và lo lắng, sợ bị công an phát hiện, sợ bị lạc các con, sợ không được xuống tàu, miệng tôi lầm thầm cầu nguyện Mẹ Maria cứu giúp.
Màn đêm dày đặc không thấy gì ngoài đầu người di chuyển lố nhố sát nhau, thằng em nắm chặt tay đứa con gái lớn, còn tôi thì vai mang cái giỏ xách nặng đựng nước, thuốc men, lương khô, tay phải ôm đứa con gái út vào lòng, tay trái nắm chặt tay đứa con trai, gót nối gót với đoàn người đang âm thầm di chuyển trong đêm tịch mịch, khi bước chân lên được trên tàu, vì tối thui không thấy gì cả nên tôi phải rà rà bàn chân trần trên sàn tàu mà bước từng bước một. Đang rà rà bàn chân định bước tới thì bị hụt chân, 3 mẹ con bị rớt tỏm xuống phía dưới, té ra tôi đã bước trên miệng hầm của chiếc tàu. Khi rớt đến đáy hầm tàu rồi, tôi định thần xem đang ở nơi đâu nhưng chỉ thấy lờ mờ toàn người và người, họ nằm, họ ngồi san sát vào nhau như cá mòi sắp trong hộp, chợt nhìn thấy bên trong góc có một chỗ trống, tuy rất hẹp nhưng cũng đủ cho ba mẹ con ngồi nép vào nhau, tôi đẩy 2 con vào trước rồi len vào sau, nhưng chỉ ngồi được chốc lát thì ngộp quá chịu không nổi, mới biết chỗ này là hầm máy, dầu nhớt và khói đen phun ra phả vào mặt 3 mẹ con tôi tèm lem, hơi nóng của máy bắn vào da thịt như muốn phỏng.
Tàu chạy được vài tiếng đồng hồ thì chính tôi là người lớn mà cảm thấy không thể chịu đựng được nữa huống hồ gì hai con, tôi lo hai con sẽ bị xỉu vì ngộp nên đứng dậy, dùng hết sức mạnh còn sót lại của mình để kéo 2 con ra phía ngoài, nơi có chút ánh sáng lợt lạt từ miệng hầm chiếu xuống, rồi nhấc bổng từng đứa đẩy lên phía trên cabin rồi leo lên. Trên cabin đã chật ních, họ đều là những thanh niên nam nữ mạnh khỏe nhưng là gia đình của ông hoa tiêu (dỏm) nên đã dành chỗ tốt này từ trước, đã vậy mà cả bọn còn nằm dài ngoằn ra, ôm nhau chiếm hết chỗ, vì thương con nên tôi đã làm mặt dày dùng sức đẩy những tấm thân “bồ tượng” đó sát vào nhau mặc cho họ la lối vì không muốn nằm chật, kệ họ nói gì thì nói, la gì thì la, tôi im lặng dẹp được một khoảng trống để đưa 2 con vào, nhìn qua bên cạnh mới thấy đứa con gái lớn nằm rũ rượi không nhúc nhích, tôi vồ tới ôm con, lòng mừng khôn tả.
Tàu vẫn chạy, gió vẫn rít, sóng vẫn gào, biển động mạnh vì đang bão lớn, từng cột sóng đen ngòm, to và dài như dãy núi đánh dồn dập vào con tàu bé nhỏ khiến con tàu cứ đẩy lên ngụp xuống liên tục. Tôi như con gà mẹ xòe hai cánh rộng ôm lấy các con vào lòng để bảo vệ khi có diều hâu xuất hiện, nhưng than ôi! giờ đây con gà mẹ cũng ủ rũ như nuốt phải giây thun, tôi say sóng, bị ói, cứ ói mãi cho tới ói ra mật xanh mật vàng, đầu óc xâm xoàng, thân hình chao đảo ngồi không vững, nhiều lần phải gập mình xuống đè lên thân thể các con đang nằm bất động như những khúc gỗ.
“người ta đi biển có đôi
còn tôi đi biển mồ côi một mình”
lại còn đèo thêm 3 đứa con thơ cần tôi chăm sóc, bảo vệ mà tôi thì đang sống dở chết dở như vậy thì các con làm sao đây? Nước mắt tôi trào ra, tôi thì thầm cầu nguyện Đức Mẹ!
Vừa cầu nguyện vừa khóc, nước mắt rơi xuống ướt cả mặt các con, tự nhiên tôi không còn chóng mặt nữa, không còn muốn ói nữa, tôi ngồi thẳng dậy, cảm thấy trong người khỏe lạ, ngồi trên tàu đang lặn ngụp với sóng mà như ngồi trên mặt đất. Tôi mừng vô cùng, xin tạ ơn Mẹ đã nhận lời con.
Tàu chạy gần 2 ngày 2 đêm, trên tàu thiếu sự tổ chức, chỉ có một nhóm người gốc Cà Mau quen biết với nhau, họ nấu cơm rồi chia nhau ăn chứ không cho khách, tôi thì có thể nhịn đói 1,2 ngày nhưng nhìn 3 đứa con nằm bất động nên tôi rất sợ. Tôi vội tụt xuống dưới hầm tàu để tìm cái giỏ xách đã bị rớt ra lạc mất khi 3 mẹ con bất ngờ bị rớt xuống. Tôi không biết nó đang nằm nơi đâu nhưng tôi rất cần mấy hộp sữa đặc cho các con nên phải cố gắng tìm.
Hai bên lườn tàu người ta nằm san sát vào nhau chân đối chân, nước ngập đến nửa thân hình làm họ bị ướt như chuột lột, họ nằm rũ rượi, im lặng, không ai nói với ai lời nào. Thọc tay sâu xuống vũng nước ngập trong đáy tàu, tôi mò dọc theo hai dãy bàn chân co quắp trong vũng nước mặn do sóng đánh đưa vào, tôi kiên nhẫn rà hai bàn tay xuống mò từ từ, cuối cùng lôi lên được cái giỏ xách ướt sũng trong một góc khá sâu đầy nước, trong lòng vui mừng quá đổi, tôi leo trở lại cabin. Tôi gọi thằng em trai của tôi đang ngồi co ro bên cạnh cái lu đựng nước ngọt đã bị sóng biển đánh vỡ ra làm nhiều mảnh, bảo nó đánh bể hộp sữa, tôi lấy ngón tay chấm vào sữa và quẹt vào miệng từng đứa con, nhìn thấy các con dù đang nằm nhắm mắt bất động nhưng miệng cũng nhóp nhép liếm sữa thì tôi mừng lắm, vậy là các con vẫn còn sống! Cầm hộp sữa trên tay, chốc chốc lại quẹt sữa vào miệng các con để tiếp sức cho chúng.
Gió càng lúc càng mạnh, mưa càng lúc càng lớn, sóng biển như những dãy núi di động, đợt này tiếp đợt khác đánh tới tấp vào con tàu bé nhỏ như muốn nhận chìm xuống đáy biển. Hoa tiêu “dỏm” chấm tọa độ sai trật lất, nhưng may nhờ có anh Sơn, là tài công rành đường biển, tự tin, không nghe theo lời chỉ dẫn của hoa tiêu, nếu không chắc chắn 73 người trên tàu đã về chầu hà bá! Khi phát hiện có 2 tàu hải tặc rượt theo, anh Sơn la lớn:
- Có 2 chiếc tàu của hải tặc rượt theo tàu mình, đàn bà con gái xuống hết dưới hầm tàu rồi lấy dầu nhớt bôi vào mặt cho tèm lem, nhanh lên!
Vài ba thanh niên vội đi tìm mấy can nhựa trống cầm nơi tay chuẩn bị nếu có tình huống xấu xảy ra thì sẵn sàng lao xuống biển.
Mấy người tỉnh táo nhìn bóng dáng 2 con tàu từ xa cố đua với sóng để bắt kịp tàu của chúng tôi thì xanh cả mặt mày, tôi vẫn ngồi yên trong một góc của cabin lâm râm đọc kinh Kính Mừng và cầu nguyện Đức Mẹ, nhìn thấy hai tàu hải tặc ở hai góc biển cố vượt sóng rượt theo tôi càng đọc lớn lên, hình ảnh giết chóc, hãm hiếp của bọn cướp biển Thái Lan đối với người vượt biển ám ảnh tôi làm tôi sợ hãi, miệng đọc kinh liên tục. Những cột sóng cao như núi ào đến đánh tới tấp vào tàu vượt biên bé nhỏ làm cho tàu cứ chao đảo, đã nhiều lần sóng muốn nhận chìm xuống đáy đại dương, nhưng nhờ máy tàu cứ kiên trì nổ và con tàu cứ kiên trì nhảy sóng, vài tiếng đồng hồ sau không còn nhìn thấy bóng dáng của hai chiếc tàu hải tặc nữa, chính nhờ biển động, sóng to gió lớn làm tàu hải tặc rượt theo không kịp nên tàu chúng tôi mới thoát nạn.
Trưa ngày thứ hai của cuộc hải trình, những người ngồi phía trên nhìn thấy một đóm lửa lớn hiện ra từ phía chân trời xa, không ai biết đó là dấu hiệu gì, và anh Sơn đã nhắm đóm lửa ấy mà tiến tới, lúc này biển động nhẹ nên cũng đở lo. Tàu chạy suốt đêm, đến chiều ngày thứ ba thì đến nơi đóm lửa; đó là giàng khoan dầu của Úc; ở hải phận Mã Lai. Chúng tôi kêu cứu, ban đầu người trên giàng khoan có ý cấp cho chúng tôi nước, lương thực và dầu để đi tiếp nhưng anh Sơn và vài người khác bảo ông già, bà lão, đàn bà, con nít lên hết phía ngoài mũi tàu mà kêu khóc, rồi anh Thanh, một người đi trên tàu nói giỏi Anh văn đã đối thoại với vị giám đốc của giàng khoan, cuối cùng họ bằng lòng đưa chúng tôi lên giàng khoan, họ cho tắm rửa, ăn uống, có bác sĩ đến khám bệnh cho thuốc, chỉ mới 3 ngày 3 đêm mà có một số người bị cứng chân đi không được, phải có người dìu bởi vì đã ngâm mình dưới nước. Sau đó họ đưa đoàn người chúng tôi đi đến đảo Pulau Bidong bằng tàu nhỏ của họ.............

NguyễnÁnh