Đặc San 2006 ( Trở về trang Hải Trình )
  Bản quyền (c) Đệ Nhị Hổ Cáp * Khóa 20 SQHQ/NT  

 
Đại Hội 2006 :

Tâm tư gửi bạn
    CungVĩnhThành

Những HC2 rời đàn
    NguyễnXuânDục

Hồi ký 36 năm ra khơi
    AnhChịHuỳnhvănBảnh

Thoáng giấc mơ qua
    ChịNguyễnNgọcChâu

Bút ký đh2006
    AnhChịNguyễnPhúcVĩnhViễn

Thuyền lại bến xưa
    TônThấtCường

Cảm nghỉ về đh2006
    20 và thân hữu


Đặc San 2006 :

Trang bìa
    TrầnTuấnĐức
Giới thiệu
    CungVĩnhThành

Những chuyện kể năm xưa
    Gia đình 20

Hiệp định ngưng bắn Paris và ...
    TrầnĐìnhTriết

36 năm ra khơi
    Chị LêvănTài

Nhớ về khóa 20
    ĐặngNgọcKhảm

Hội trùng dương
    CungVĩnhThành

Nẻo đường Thi Sách
    NguyễnvănĐệ

Hội ngộ
    ViễnHuy

Hai chuyến đi
    LêvănChâu

PCE08
    NgôThiệnTánh

Ông thần râu kẽm
    LêvănThạnh

Triệu đóa hồng
    NguyễnÁnh

Vĩnh biệt Nguyễn H. Tâm
    LưuĐứcHuyến

Nhớ anh trong tù
    LêKimCúc

Nhớ em trong tù
    HuỳnhvănBảnh

Một kiếp hải hồ
    LêvănTài

Mây tháng tám
    NgôThiệnTánh

Nam vang đi dể khó về
    HuỳnhKimChiến

Biển chiều
    CungVĩnhThành

Đi tìm mẩu xương xườn thất lạc
    NguyễnvănHùng

Thu, vỏ ốc và chuyến tàu khuya
    ThânHữu

Thầm hỏi? Nổi niềm
    VõKimMai

Lá thư bâng quơ
    VõthịĐồngMinh

Lục bát biển
    NgôThiệnTánh

Kỷ niệm vui buồn trên HQ9610
    ĐặngNgọcKhảm

Tìm tự do
    LêKimCúc

Nổi trôi
    NguyễnvănVang

Bố và con
    QuỳnhChâu

Những mảnh đời cải tạo
    HuỳnhKimChiến

Chuyện đàn bà
    NguyễnvănHùng

Đêm ngồi nghe thác đổ
    NgôThiệnTánh

Trang nhà khóa 20
    LêvănChâu

Bạn tôi
    NguyễnvănChín

Vượt thoát
    NguyễnÁnh

Bàn nhảm về chử Nôm
    NguyễnvănHùng

Chúng tôi muốn sống
    NguyễnvănChín

Trang cuối
    TrầnTuấnĐức


nổi trôi



Sống ở Mỹ hơn 30 năm, và trải dài quãng đường đời hơn nửa thế kỷ, bây giờ hồi tưởng lại mới thấy rằng cá nhân tôi và gia đình đã được nhiều may mắn, nói theo sự bình thường là trong cái rủi có cái may, nói theo niềm tin Tôn giáo là do Thiên Chúa đã an bài. Thật vậy, có nhiều điều và nhiều sự việc đến với tôi và gia đình tôi đã làm cho cá nhân tôi không hiểu nổi và đôi lúc vì không thể giải thích được hoặc không cưỡng lại được đành chấp nhận hay cứ để cho mọi chuyện nổi trôi tới đâu hay tới đó.
       T rước năm 1954, Ðại gia đình nội ngoại tôi đều ở ngoài Bắc, làng Ðồng Xá, tỉnh Hải Dương. Làng tôi được chia làm hai, có thôn trên, hầu hết người dân ở đây họ theo đạo Ông bà hay đạo Phật, có đình có chùa, thôn dưới là một xứ đạo với nhà thờ to lớn so với một số làng quanh vùng, tuy cùng làng nhưng không có sư liên hệ máu mủ nào và do đó cũng có khác biệt về chính trị từ khi có phong trào Việt Minh, vì thế làng tôi thời gian sau này đã có hiện tượng, ban ngày là Tây, ban đêm là Việt Minh. Hàng đêm đã được hay bị Mẹ hoặc Bố tôi dắt đi tham dự những buổi họp gọi là mít tinh tại một nhà gia đình nào đó do các cán bộ Cộng sản nằm vùng tổ chức, tôi đã được nghe những đêm nói về kết quả của trận đánh Ðiện Biên Phủ và được dạy hát, nhảy múa điệu “son đố mì” qua bài ca:
“Ðêm hôm nay trăng sao,
Gió đưa về thôn làng,
Nhà Ông Bang Tá cháy,
Nhà Ông Bang Tá cháy…”.
Theo cha mẹ di cư vào miền Nam Việt Nam năm 1954, khi được 10 tuổi, cái tuổi chỉ biết nghịch, chẳng biết gì, tôi còn nhớ Mẹ đã căn dặn Bố tôi là gần trưa ngày hôm đó phải dắt 3 anh em chúng tôi ra chợ ở đầu làng, nếu có ai hỏi thì nói rằng dẫn các cháu ra chợ mua thức ăn trưa và gặp Mẹ các cháu, vì 2 đứa em tôi còn nhỏ, đứa lên 5, đứa 2 tuổi. Với cái tuổi ngây thơ đâu có hiểu tại sao Mẹ cứ căn dặn đi căn căn dặn lại Bố thật kỹ điều này, sau này tôi mới hiểu rằng đó chỉ là câu trả lời bình thường để tránh Việt Minh ngăn cản người bỏ làng nước ra đi di cư.
Chúng tôi ra đến chợ, gần bót đồn của Tây, coi như Bố con chúng tôi đã được an toàn không còn bị ai ngăn cản, leo lên chiếc xe đò để gặp Mẹ tôi thì cũng gặp được Bà Nội tôi đã ngồi trên xe hồi nào. Bà Nội tôi biểu lộ sự bối rối và xấu hổ khi gặp gia đình chúng tôi vì Cụ ra đi không cho các con cháu của Cụ biết. Để tránh đi cái không khí ngột ngạt đó, Cụ nói với Bố Mẹ tôi:”Tao tính xuống đến Hải Phòng rồi sẽ cho người về báo tin cho tụi mày biết”. Một Cụ già sắp gần đất xa Trời còn sợ Cộng sản đến như thế và không có một sự tin tưởng nào nơi con cháu khi mình có quyết định di cư, các Cụ đã sợ tai vách mạch rừng, âm thầm quyết định. Dân làng hầu hết là người thôn dưới, chẳng ai bảo ai một cách công khai, rồi cũng tập trung gần hết dân làng tại khu tạm cư phố Liễu Rinh, Hải Phòng để chờ ngày xuống tàu vào Nam do sự hướng dẫn của Ông cha xứ. Ngày ấy chính là ngày lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, ngày 15 tháng 8 năm 1954, sáng sớm ngay sau khi đi lễ nhà thờ về bước vô nhà, Mẹ tôi đã thấy một hiện tượng lạ lùng xảy ra, đó là khung hình ảnh Ðức Mẹ được treo trên tường bao nhiêu ngày tháng trước bỗng dưng bị rơi xuống nền nhà, một điềm không lành, Mẹ tôi bảo thế. Bà đã vội vã có quyết định phải di cư ngay, để tránh con mắt đang rình rập gia đình tôi, vì đã có người lạ mà gia đình tôi không hề quen biết vào nhà mượn chiếc ghế và ngồi canh chừng trước cửa tiệm mỗi ngày. Bao nhiêu là hàng hóa đang bày bán giở được bỏ lại trong tiệm, nhà tôi bán tạp hóa và bà đã gánh hai bồ thuốc ngụy trang ra chợ ở đầu làng để bán thuốc như mọi ngày và dặn Bố tôi làm như lời Mẹ dặn 1 tiếng đồng hồ sau đó để kịp chuyến xe đò. Ngoài buôn bán tạp hóa, Mẹ tôi còn là một bà Lang chuyên bán thuốc gia truyền, cao đơn hoàn tán, đôi khi cả thuốc Tây, thường là Aspirin cho ngưòi bị cảm mạo hay Garnidan cho người đau bụng đi cầu. Mẹ tôi, Bà Lang Tọa đã có tiếng mát tay thời đó và nhờ đó đã tạo được một uy tín không nhỏ, là vốn liếng lập nghiệp sau này. Do không biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt, Bố Mẹ tôi mới tạo dựng được cái sản nghiệp là căn nhà ngói 2 tầng vừa làm nhà ở vừa làm cửa tiệm tạp hoá vừa phòng bốc thuốc ngay cổng vào nhà thờ trên con đường cái chính của làng và có thể nói rất khang trang nhất làng thời ấy mà phải đành đoạn nuốt nước mắt vào trong lòng, dứt từng khúc ruột dứt bỏ mà ra đi. Nỗi sợ hãi Cộng Sản đã vây bủa, ám ảnh, xua đuổi Bố Mẹ tôi, nhưng con người cả đời gắn bó với làng với nước, với bà con đi đến quyết định một mất một còn: ra đi! Cho dẫu rằng cái hướng đi tới đầy diệu vợi mờ mịt, chưa có gì để bảo đảm cho cuộc sống tương lai khá hơn, ít sợ hãi hơn.
Vào đến miền Nam, gia đình chúng tôi cùng dân làng được cho định cư tại một khu rừng. Những ngày đầu, chúng tôi tạm trú trong những túp lều quân đội cá nhân bên khu rừng cao su có tên là Michelin; bên kia đường đất đỏ là khu rừng đầy cây cối lớn nhỏ. Dần dần, chúng tôi phải khai hoang để làm nhà ở và sinh sống tại đây, sau được gọi là trại Rạch Bắp 4. Từ quận Dầu Tiếng đến quận Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương có có 4 trại di cư dọc theo đường đất đỏ, sau Dầu Tiếng là trại Rạch Bắp 1, Rạch Bắp 2, Rạch Bắp 3 và Rạch Bắp 4. Chúng tôi phải đi lượm các hột cao su đem về bán lại cho đồn điền cao su để sinh sống qua ngày, hoặc phá rừng làm rẫy. Nặng nhọc hơn là đi vào rừng sâu để cưa cây lớn, tìm cách mang về gần nhà hầm thành than từ lo than tự đắp lấy rồi sau đó đem than đi lên tỉnh hay thị xã bán. Ở Rạch Bắp 4 được một năm, Bố Mẹ tôi quyết định dọn lên khu Phú Thọ lều gần trường đua ngựa Phú Thọ, Sài Gòn để buôn bán tạp hóa với chút vốn liếng chắt chiu từ Bắc mang vào. Một hai năm sau, trại Phú Thọ lều bị cháy và bị giải tỏa để xây dựng trường Công binh và trường Ðại Học Kỹ thuật. Hàng hóa cứu chữa được từ hoả hoạn lại được chuyển về Xóm Mới gửi nhà ông Bác, nhưng rồi nhà ông Bác cũng bị cháy sau đó vài tháng. Gia đình chúng tôi lại chạy về Rạch Bắp 4 với dân làng mãi cho đến năm 1960, chúng tôi lại phải bỏ Rạch Bắp 4 để về lập nghiệp tại Xóm Mới Gò Vấp và dân làng lúc đó cũng phải di cư lên khu Chợ Cầu gần trại Quang Trung, Hốc môn vì Cộng Sản quấy phá và sau này nơi đó là mật khu R của Việt Cộng. Dù cuộc sống có vất vả lúc ban đầu, nơi đất lạ, năm này qua năm khác, gia đình chúng tôi đã được sống một cách rất Tự Do. Tự do buôn bán, tự do di chuyển nơi này qua nơi khác làm ăn như bao gia đình dân miền Nam hay dân di cư khác mà chẳng có ai làm khó dễ.
Trong suốt thời gian học Trung học, tôi sống với gia đình Ông Chú ruột tôi tại Nha Trang từ năm 1959 nên rất là quen thuộc với các bộ quần áo trắng hay demi-saison của Sinh Viên Sĩ Quan Hải Quân, trông họ sao oai phong và dễ thương quá; nhưng tôi hoàn toàn không có một ý tưởng nào là sau này sẽ gia nhập Hải Quân, chỉ giữ lại trong tôi những hình ảnh thật đẹp của những anh Sinh Viên Sĩ Quan cho đến tận sau này. Chiến tranh vẫn tiếp diễn, các bạn tôi, một số đã trình diện đi Thủ Ðức, một số tiếp tục học Ðại Học. Sau khi thi rớt khóa 24 Võ Bị Ðà Lạt cũng như các khóa Biên Tập Viên Cảnh Sát và khóa Sĩ Quan Kỹ Thuật Không Quân, tôi cố gắng trì hoãn chờ ngày chót trình diện nhập ngũ khóa 3/69 Thủ Ðức là ngày 08 tháng 3 năm 1969. Trước khi đi trình diện Trung Tâm 3 Nhập Ngũ, tôi đã ghé BTL/HQ ở bến Bạch Ðằng nộp đơn và được khám sức khoẻ tổng quát ngay, cũng như được cân đo xem có đủ sức nặng và chiều cao; đến chiều được cho về với lời dặn dò là sẽ thông báo sau. Không một giấy tờ được cấp phát, lúc này là lúc làm cho tâm hồn tôi bất an, làm sao mà yên lòng được khi chưa biết chắc kết quả khám sức khỏe của tôi, và cũng chẳng có giấy tờ gì chứng minh là tôi đã thuộc về Hải quân, trong khi thời gian được ấn định để trình diện tại Trung Tâm 3 Nhập Ngũ đang từ từ trôi qua một cách lặng lẽ. Trên đường về nhà, tôi sẽ là một tội nhân nếu như Cảnh Sát hay nhân viên Quân Cảnh thường đứng chốt tại một ngã tư nào đó xét giấy tờ và ghép cho tôi cái tội trốn quân dịch thì cuộc đời sẽ ra sao. Suốt đêm đó, tôi không thể nào nhắm mắt và chỉ mong cho chóng sáng qua đêm. Sáng sớm ngày hôm sau, 09 tháng 3 năm 1969, tôi bắt thằng em chở tôi lên BTL/HQ một lần nữa để xem tình hình; ngồi phía sau chiếc Kawasaki 2 bánh mà lòng tôi đầy lo sợ, hồi hộp. Ðến được BTL/HQ, tôi thở phào nhẹ nhõm khi nhân viên phòng tuyển mộ cho biết là tôi có đầy đủ sức khỏe. Sau đó, tôi trình diện nhập trại Bạch Ðằng II ngay và trở thành một trong các Sinh Viên Sĩ Quan Hải Quân thuộc Khóa 20. Trong số 270 Sinh Viên Sĩ Quan Hải Quân khóa 20, tôi thấy có 6 anh em cùng ở một Xã, có người đã quen thân trước, nhưng không hẹn và rủ rê để tình nguyện đi Hải Quân một lượt, có lẽ mỗi người có một hoàn cảnh và tình huống riêng tư khác nhau trong thời gian đó, riêng tôi chỉ là một sự tình cờ, hoàn toàn không chủ đích.
Trong Quân trường Hải Quân Nha Trang, tôi trải qua thời gian huấn nhục và sau đó lên đàn anh rồi được đề cử làm Tiểu đội trưởng khóa sinh đàn em. Một chuyện không may đến với tôi là Chuẩn Úy Long đề nghị lên Ðại Ðội Trưởng khóa sinh phạt tôi 4 ngày trọng cấm với tội danh là không chào tay Ông ta khi Ông đi ngang qua chỗ tôi đang dẫn Tiểu đội đàn em đi tạp dịch. Thực sự, tôi đang lo điều động đàn em nên không nhìn thấy Ông ta, chứ tôi không có thái độ thất kính với Sĩ Quan Cán Bộ như Chuẩn Úy Long suy nghĩ. Hơn nữa, trong thời gian này, mỗi khóa sinh chỉ được coi như là một con nòng nọc chưa đứt đuôi, lính không phải lính, quan không phải là quan, chỉ là một khóa sinh đang thụ huấn tại Quân trường. Vì là cán bộ khóa đàn em nên tôi chỉ bị kỷ luật ký giấy 4 ngày mà không phải ngồi tù. Cũng vì bị phạt 4 ngày mà điểm hạnh kiểm kỷ luật ra trường của tôi bị thua sút so với các khóa sinh bình thường khác và đã làm cho tôi bị sụt hạng từ 30 xuống dưới 80 trong danh sách kết quả khảo sát Anh Ngữ (đễ được chọn đi thực tập Ðệ Thất Hạm Ðội sau khi ra trường). Khi được biết chỉ có đủ ngân khoản cho gần 80 Sĩ Quan đi thực tập Ðệ Thất Hạm Ðội mà thôi và tôi phải chọn đơn vị để phục vụ, nỗi thất vọng tràn đầy trong tôi, bao nhiêu dự tính đã bay xa; ngoài sự thất vọng là sự xấu hổ với người bạn gái mới quen mà sau này chính là vợ tôi, tôi đã phải chọn đơn vị HÐ4DP (Hải Ðội 4 Duyên Phòng) là đơn vị đầu tiên đóng tại đảo Phú Quốc, sau khi không còn đơn vị nào ở gần Saigon. Trước khi tân đáo đơn vị, chúng tôi đã lập gia đình với thời gian quen nhau chưa đầy 2 tháng. Có lẽ tôi đã áp dụng câu :
Cưới vợ thì cưới liền tay,
Chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha.
Thời gian 2 năm tung hoành trong vịnh Thái Lan trên chiếc PCF 3800 (PCF: Patrol Craft Fast) với chức vụ Thuyền Trưởng, từ Hòn Chuối mũi Cà Mau, và dọc theo các rạch miệt thứ của Rạch Giá đến Hà Tiên qua Bắc đảo gần Hải cảng Sihanookville của Cam Bốt, cũng như được du ngoạn trên các hòn đảo đầy thơ mộng trong vịnh Thái Lan. Sau mỗi 2 ngày công tác, chúng tôi được về căn cứ nghỉ 1 ngày và anh em Sĩ Quan cùng khóa thường quay quần bên nhau, ngồi sát phạt bên canh xì phé. Trong nhóm này, không có bạn nào có thể qua mặt được Hổ cáp 2 Hoàng Kim Công, mặc dù có 2 Hổ cáp 2 Nguyễn văn Yên tự Yên bột, và Ðoàn Hữu Lượng cũng là những tay cự phách về binh xập xám và xì phé thế mà cũng phải luôn nộp tiền cho Công. Bề ngoài không ai có thể nghĩ rằng Công là tay đánh phé với các cú tháu cáy không ai ngờ. Một nhóm khác kéo nhau tản bộ ra các quán dưới “phố” uống cà phê, nghe nhạc hay làm vài chai để quên đời vì An Thới rất là bé nhỏ, đúng là nơi “đi dăm phút đã về nơi chốn cũ”. Trong thời gian đi PCF, tôi cũng có những kỷ niệm với Hổ cáp 2 Nguyễn Ngọc Châu tự Châu fit và Trần Xuân; đặc biệt với Châu khi đi công tác, luôn luôn trên cột cờ của chiếc ghe Yabuta có lá cờ sọ người với 2 khúc xương bắt chéo dưới lá cờ quốc gia được thả trôi hay neo trong vùng Rạch Giá xen lẫn với các ghe cào cá của ngư dân. Bây giờ nghĩ lại mới thấy đây là thời gian thần tiên của đời Hải nghiệp của tôi, mặc dù ngắn ngủi.
Ðơn vị thứ 2 của tôi là DÐ42 (Duyên Ðoàn 42) thuộc Vùng 4 Duyên Hải cũng tại An Thới, Phú Quốc. Nhận được lệnh thuyên chuyển mà lòng không vui, tôi tự hỏi chẳng lẽ lại bị đày ở đảo hoài hay sao. Ðang đi tàu sắt xuống đi ghe, cuộc đời con người thường đi lên ai lại đi xuống như thế này. Trong khi một số Sĩ Quan khác cũng đã lần lượt được thuyên chuyển đi các đơn vị khác ngoài các đơn vị tại Phú Quốc, riêng chỉ có mình tôi. Vác ba lô lên vai đi bộ chừng 1 cây số để trình diện đơn vị mới mà lòng đầy hậm hực và bất mãn, nhưng vẫn phải thi hành. Sau vài tuần phục vụ, tôi được chỉ định làm Chỉ Huy Phó đơn vị. Với chức vụ này, tôi được cấp một phòng riêng trong cư xá Sĩ Quan, vì thế mà tôi đã đem vợ con ra Phú Quốc sống với tôi cho đến ngày di tản 30 tháng 4 năm 1975. Trong thời gian 3 năm phục vụ dưới 3 đời Chỉ Huy Trưởng, gia đình tôi và sinh hoạt của đơn vị vẫn bình thường, ngày tháng êm ả trôi, đầy thanh bình.
Một kỷ niệm vui và lo âu trong trách nhiệm của tôi và HQ Trung Úy Trần Xuân khi chúng tôi cùng nhau dẫn 2 chiếc ghe ferro-cement (hay fibro cement) từ Hải Quân Công Xưởng Saigon về đơn vị của Trần Xuân thuộc Duyên Ðoàn 43 tại Hòn Tre, Rạch Giá. Chúng tôi đã hỗ trợ nhau trên đường qua các kinh rạch để tới sông Tiền Giang và Hậu Giang, đổ tới Long Xuyên vào kinh Cái Sắn, chờ nước vừa đủ để chui qua cầu Rạch Sỏi và ra cửa biển để về đơn vị. Chúng tôi đã gặp một tai nạn bất ngờ ngoài sự dự liệu, có lẽ còn thiếu kinh nghiệm địa thế trên sông, khi 2 ghe neo gần nhau bên kia bờ của chợ Mỹ Tho để nghỉ ngơi sau thời gian đầy căng thẳng từ khi rời Saigon, cũng như để nhân viên thuộc quyền đi chợ mua thực phẩm cần thiết cho chuyến đi còn dài.
Nhưng sau khi neo chừng vài tiếng thì 2 chiếc ghe cement của chúng tôi hoàn toàn nằm trên bùn, thật nan giải và nguy hiểm, làm sao đây? Chúng tôi bàn đủ cách nhưng không có cách nào giải quyết vì ghe cement quá nặng nề và dễ bể, nhờ ghe dân kéo ra chưa chắc đã được mà còn bị bể, bứt cả cột trụ cột dây nữa, lại thêm đổ nợ! Chúng tôi chỉ biết chửi thầm, đành áp dụng biện pháp im lặng vô tuyến và chờ nước lên. Với ít thời gian chờ đợi, cuối cùng 2 chiếc ghe cũng được vận chuyển ra khỏi chỗ cạn và chúng tôi báo cáo láo về Trung Tâm Hành Quân vì trở ngại kỹ thuật của một trong 2 ghe. Chúng tôi đã hoàn thành công tác là đã đem 2 chiếc ghe cement về 2 đơn vị an toàn. Ðơn vị tôi nằm trên một đồi cát, gọi là bãi Xép, đến giờ này tôi vẫn chưa biết sự xuất xứ và ý nghĩa của tên bãi Xép, cũng tại nơi đây đã cho tôi bao kỷ niệm đắng cay của các cấp chỉ huy cao cấp của chúng tôi và nhiều vô đạo lý mà một Sĩ quan cấp thấp như tôi đành phải im lặng và chịu đựng. Nhờ vào sự hăng say chịu khó và chịu đựng làm việc trong cương vị Chỉ Huy Phó, gần cuối năm 1974 tôi đã được vinh thăng Ðại Úy nhiệm chức.
Sau khi nghe Tổng Thống Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng trên radio và kêu gọi quân nhân các cấp buông súng để chờ bàn giao cho Việt Cộng, tôi chạy xuống BTL/V4/DH tham dự buổi họp với Tư Lệnh và nghe chỉ thị. Sau đó, đơn vị tôi được tập họp, CHT ra chỉ thị các ghe sẽ tập trung về phía sau của bãi Xép để đón nhân viên đơn vị đi ra biển tránh sự pháo kích của địch, ai muốn đi thì đi. Khi được tin BTL đã di tản xuống các chiến hạm, Chỉ Huy Trưởng và các Sĩ Quan độc thân đơn vị đã leo lên chiếc xe jeep để xuống cầu tàu BTL/V4/DH. Chờ đợi Trung Úy Mạo, Khóa 22, đem xe về chở gia đình tôi, nhưng đợi hoài không thấy tăm hơi, lòng tôi như lửa đốt, đứng ngồi không yên, gia đình tôi đã bị CHT bỏ lại. Thình lình một chiếc xe jeep với Ðại Úy Thành và Ẩn, hình như khóa 17, chạy lên Duyên Ðoàn trong cơn hốt hoảng và hỏi tôi là có phương tiện ghe nào để về Rạch Giá không? Tôi cho họ biết là các ghe của đơn vị bây giờ cũng không liên lạc được với họ nữa; thế rồi quay xe trở lại và tôi đã lợi dụng cơ hội này nhờ họ chở gia đình tôi với 3 đứa con nhỏ và một bà bầu 6 tháng xuống cầu tàu Bộ Tư Lệnh. Ðơn vị tôi thực sự đã tan hàng từ giờ phút này. Xuống đến cầu tàu, không thấy xe của đơn vị đâu và mọi người cũng đã xuống các chiến hạm đi hết rồi, chỉ còn sót lại một số chậm chân và những người lưỡng lự không muốn đi với khuôn mặt ngơ ngác như không hồn, sau đó tôi mới nhìn thấy xe đang nằm bên cây cầu gỗ tại tư thất của Tư Lệnh, các chiến hạm đã ra khơi khỏi mũi Ông Ðội. Cá nhân tôi và gia đình cùng một số Sĩ quan khác đã thực sự bị cấp trên bỏ lại. Khốn khổ nhất là mấy chục ngàn đồng bào vừa mới di tản từ miền Trung vào được mấy tuần, đang được tạm trú trong các ngôi nhà tiền chế, bị bỏ hoang sau khi đã trao trả tù Việt cộng qua Hiệp định Paris 1973. Họ đã bị bỏ lại. Đang lóng ngóng chạy lên chạy xuống, từ phòng Trung Tâm Hành Quân xuống đến cầu tàu để hy vọng liên lạc được với các chiến hạm hay với ghe của đơn vị nhưng đều thất vọng, tôi đã phải cầu nguyện xin Chúa giúp tôi phải làm sao, rất may lúc đó một chiếc Quân Vận Hạm LCM (LCM:Landing Craft Medium hay Mechanized) đang tìm cách cập cầu vì mới đi công tác ở Rạch Giá về, chưa biết tình hình trên bờ ra sao. Tôi quát lớn tiếng để anh Thuyền trưởng cập cầu lẹ để chở chúng tôi và một số gia đình khác hầu bắt kịp với mấy chiến hạm, nhưng anh ta cứ lừng chừng vì phải chờ lệnh CHT, CHP. Tôi cho anh ta biết là không còn ai ở đây ngoài tôi là thâm niên hiện diện, anh cũng nhận ra tôi là CHP 42, cuối cùng anh ta bằng lòng cập cầu, mọi người ồ ạt xuống LCM. Tôi yêu cầu anh ta hãy chở mọi người đi theo đoàn chiến hạm để họ vớt chúng tôi, nhưng anh bảo là tàu không đủ dầu vì mới đi công tác về, điều đó có phần nào đúng; một phần anh ta muốn về nhà xem tình hình vợ con anh ra sao, tôi đoán như vậy. Tôi nói với mấy người Hạ Sĩ Quan quen biết với anh Thuyền trưởng là khuyên anh hãy giúp mọi người, nhưng anh ta vẫn không muốn chạy, tìm mọi cách để phân trần với tôi. Tôi liền rỉ tai với 3 Sĩ Quan có gia đình thuộc quyền tôi là hãy tìm cách ra giữ các khẩu 50 ly được trang bị trên tàu và chờ lệnh tôi. Rồi tôi vào cabin phòng lái và mở tủ vũ khí lấy một khẩu M16 với 1 băng đạn được ráp sẵn để trên bệ bên cạnh tay lái cùng với khẩu súng colt 45 cá nhân của tôi vẫn đang đeo bên hông, tôi ra lệnh cho anh Thuyền trưởng hãy đo dầu và báo cáo cho tôi biết. Khi thấy tôi lấy súng trong tủ ra và ra lệnh, với gương mặt nghiêm nghị (trong đầu tôi lúc đó đã có dự tính gạt anh thuyền trưởng bướng bỉnh này ra khi cần thiết để tự mình lái lấy con tàu), anh ta biết điều thi hành đo dầu và báo cáo cho tôi biết là còn hơn 2000 gallons dầu nữa. Tôi văng tục và nói cho anh ta biết rằng đừng có qua mặt tôi, vì kinh nghiệm Thuyền trưởng PCF đã cho tôi biết rằng với số lượng dầu ấy sẽ còn chạy được rất xa. Mặc dù vậy, chiếc LCM vẫn không thể nào bắt kịp được các chiến hạm Hải Quân. Ở đằng xa, khác với hướng các chiến hạm, tôi đã nhìn thấy một số ghe dân sự và một PCF đang cập vào một tàu dân sự Mỹ và nó đang bốc người, tôi đã cho đổi hướng về chiếc tàu Mỹ (có tên là Challenger) này mà cách đó 2 ngày nó đã neo ở ngoài khơi phía trước BTL và cũng chiếc tàu này vài tuần trước đã chở hàng ngàn người tỵ nạn từ miền Trung vào. Ngay sau khi cập vào chiếc Challenger, tôi thấy một số lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đã được bố trí trên đó rồi, khi tàu thả cần trục với cái rọ lưới xuống chiếc LCM của tôi, tôi để vợ cùng với đứa con 13 tháng bế trên tay với cái bụng bầu nặng chĩu vào trong cái rọ lưới bốc rỡ hàng để cho họ bốc lên tàu. Chiếc rọ lưới được kéo lên, lắc qua lắc lại trông thật nguy hiểm, làm cho vợ tôi lọt một chiếc dép xuống biển; từ đó bà ấy đã phải đi chân đất trong suốt cuộc hành trình đến đảo Guam. Càng lúc đồng bào càng ùn ùn kéo nhau ra cập tàu, số người càng đông thêm nên nhân viên trên tàu đã dùng cái thang kê trên chiếc LCM của tôi làm tựa để đón người, và kêu gọi ưu tiên cho phụ nữ và con nít lên trước, mãi cho đến gần 7 giờ chiều 3 cha con chúng tôi mới lên được tàu cũng là nhờ Hổ cáp 2, HQ Trung Úy Lư Ðức Hiệp (cùng đơn vị với tôi) bế một thằng con và tôi ôm một thằng nữa, cố lấn tới cầu thang và 3 cha con chúng tôi đã lên đuợc tàu không bị đuổi xuống vì tôi có con nhỏ; suốt nửa ngày các con tôi không có một giọt nước, đứa nào đứa nấy trông ngơ ngác mệt đừ. Nửa giờ sau, mấy anh lính Thủy Quân Lục Chiến Mỹ cho chặt dây cột chiếc LCM và kéo neo chạy vì thấy có một số ghe của các lính Ðịa Phương Quân và Cảnh sát đang chạy từ phía Dương Ðông xuống An Thới để kiếm phương tiện Hải Quân mà họ nghĩ rằng là Việt Cộng. Cũng vì kéo neo đi gấp rút như thế nên có một số gia đình bị chia ly bởi sự mù quáng và nhát gan của mấy anh lính Mỹ và bạn Hiệp cũng cùng chung một số phận với các đồng bào và các Sĩ Quan khác đã bị bỏ lại. Dù sao, tôi cũng xin cám ơn anh Thuyền trưởng chiếc LCM đó, đã chịu đựng và tuân lệnh tôi để đưa mọi người ra đến tàu Mỹ; anh đã không có dịp được lập thành tích là giữ tàu để nộp cho chính quyền mới, và cám ơn bạn Hiệp đã đi bên cạnh tôi đến phút chót; nhờ có quý vị mà gia đình tôi mới được đoàn tụ và hưởng sự Tự Do cho đến ngày hôm nay. Tôi biết trong thâm tâm Hiệp rất khó khăn trong quyết định đi hay ở, đặc biệt trong thời gian hỗn loạn ấy. Sau này Hiệp và gia đình cũng đã được định cư tai Tiểu bang Georgia sau vài năm bị cải tạo. Cũng may, phải chăng đó là một sự an bài, nếu gia đình chúng tôi được chiến hạm Hải quân vớt và biết đâu rằng lại ở trên chiến hạm HQ 602 như CHT của đơn vị tôi, để rồi cũng sẽ bị tù tội và gia đình tôi sẽ ra sao ngay sau khi HQ 602 trở về Việt Nam trên đường di tản như những người khác. Tuy gia đình chúng tôi đã vượt thoát, nhưng cha mẹ, các em tôi của cả hai bên vợ chồng tôi đã bị bỏ lại tại Sài Gòn.
Sau 4 năm vật lộn với cuộc sống, với hai bàn tay trắng, không có lấy một nghề nào trong tay ngoài cái nghề hải nghiệp mà giờ đây không còn xử dụng được tại nơi gia đình tôi sinh sống. Tôi đã làm đủ nghề miễn là làm sao để sinh tồn cho vợ con tại một thành phố nhỏ Lebanon và sau đó là Nashville, thuộc tiễu bang Tennessee, tôi đã cố gắng dành dụm được một số tiền để chuẩn bị cho một chuyến viễn Tây trong đời, tránh cái giá lạnh của vùng đất heo hút này; dù rằng chưa quen chạy nhiều trên các xa lộ Mỹ, bởi vì trong suốt 4 năm tôi chỉ biết đi làm ban ngày và ban đêm đến trường Ðại Học Cộng Ðồng để học thêm Anh ngữ và điện tử, đâu có nhiều thì giờ để chở vợ con đi đây đi đó như các gia đình khác. Một vài gia đình quen biết ở gần tôi cũng đã bỏ Nashville để về Texas hay California nơi vùng nắng ấm, và vì thế càng tạo cho tôi một quyết tâm đi tìm nơi khí hậu ấm áp với đầy tình Ðồng hương hơn. Tôi đã chọn San Jose, tiểu bang California, dù xa xôi, bởi vì nơi đây kỹ nghệ điện tử phù hợp với tôi hơn. Vì chưa có kinh nghiệm lái xe trên xa lộ xuyên bang và nghe nói phải băng qua một sa mạc gần 200 miles của những tiểu bang New Mexico và Arizona không có trạm xăng nào hết, nên tôi phải chuẩn bị thêm một bình battery mới và 2 bình đựng xăng, mỗi bình 5 gallons để an toàn cho chuyến đi. Sau gần 2000 miles lái xe và hơn 1 tuần lễ trên xa lộ, vất vả với chiếc xe Ford Maverick 6 máy, kéo theo 1 cái U-Haul nhỏ chất đầy gia sản bé nhỏ của gia đình chúng tôi, gồm quần áo và các dụng cụ nhà bếp đã được mua từ các garage sale. Cứ mỗi 4 tiếng chạy hay gần 200 miles tôi lại phải kiếm exit xa lộ để thay bu-gi mới hay cạo chùi sạch chất dầu nơi chấu của bu-gi nếu không xe sẽ chạy yếu đi. Cuối cùng, chúng tôi cũng đã đến được California, miền đất hứa, miền đất mộng mơ của bao nhiêu người Việt sống trên đất Mỹ. Ðược các bạn Hổ cáp 2 Hoàng Thế Dân và Bùi Thành Công đang định cư tại đây giúp đỡ kiếm phòng trong Apartment tại đường số 7 thành phố San Jose, sau 1 tuần tạm trú ở nhà của một người bạn thân cùng xóm ở Việt Nam mới mua hãy còn mùi thảm mới.
Với kỹ nghệ điện tử phát triển mạnh tại Silicon Valley, còn được mệnh danh là Thung Lủng Hoa Vàng, người Việt trên khắp các Tiểu bang Hoa Kỳ đã di chuyển ồ ạt về miền đất hứa như gia đình tôi đã thực hiện, cuộc sống người dân Việt tỵ nạn tại đây đã được thăng hoa. Trước khi di chuyển qua California, gia đình người bảo trợ Mỹ đã nói với tôi là :”You are crazy!” khi chúng tôi đến chào từ giã họ để về California. Làm sao không crazy được trong khi gia đình tôi với 5 đứa con còn quá nhỏ, đứa lớn nhất đang học lớp 2. Người Bảo trợ có sự suy nghĩ của Ông ta, nhưng với sự suy nghĩ và tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, nhất là sự tự tin của một Sĩ Quan Hải Quân cũng như với sự giúp đỡ của bạn bè xa gần, gia đình tôi sẽ vượt thoát được các sự trở ngại của cuộc sống tạm dung. Một chuyến viễn Tây đầy hứa hẹn của chúng tôi không thể nào so sánh được với chuyến ra đi không biết mình sẽ đi về đâu, và không biết ngày mai ra sao của ngày buồn thảm 30 tháng 4 năm 1975, trong một chuyến hải hành dài mà chúng tôi không được xử dụng la bàn hay làm point trên một hải đồ, hoàn toàn để cho người khác quyết định số phận của mình.
Ai bảo hải đảo ngục tù?
An ninh bảo đảm, lu bù tiền vô
Không có đĩ điếm ma cô
Ăn no tắm biển long nhong tối ngày
Cuộc sống an nhàn thảnh thơi,
Dập dìu sóng vỗ, từ từ trôi xa
Mặn nồng nước biển, biển Ðông
Mặn nồng hạnh phúc vợ chồng thêm con.
Sống trên đảo Phú Quốc, xa rời nơi chốn phồn hoa và cám dỗ của đô thị, xa rời những tiếng bom đạn ầm ầm của B52 vang vọng hay của đạn pháo kích hằng ngày đêm, đi lính Hải Quân không hiểm nguy khi chiến đấu, với cảm tình nồng hậu giúp đỡ của các Bạn cùng khóa, và rất nhiều người, giờ đây nghĩ lại mới thấy đời mình có phước mà không biết.

       Tháng 5 năm 2005 vừa qua, tôi đã có dịp trở về thăm lại Tennessee, thăm lại những nơi, những con đường phố xá mà gia đình chúng tôi đã ở và đã đi qua với tâm trạng bồi hồi xúc động. Ðặc biệt là thăm lại gia đình người bảo trợ đã giúp đỡ gia đình chúng tôi trong suốt thời gian ở đây. Họ đã vui mừng ôm tôi để chào mừng tôi trở về thăm họ. Một lần nữa tôi đã cám ơn họ, mặc dù phong tục tập quán Ðông-Tây khó hòa hợp, nhưng nó vẫn có một cái gì mà chúng tôi không thể phủ nhận, đó là tình người, tình nhân loại cao quý của người Mỹ.
Tạ ơn Trời, tạ ơn Ðất, tạ ơn Người, tạ ơn nước Mỹ đã cho chúng tôi và nhiều người Việt Nam được hưởng sự Tự Do và Hạnh Phúc ..........


NguyễnvănVang
California August 15, 2005