Một góc nhìn về Thơ
T hơ là tiếng vọng từ ấp ủ của con tim. Thơ là ái ngữ tỏ bày cảm xúc. Thi khách mượn nhạc tính của thơ để chuyên chở các hình ảnh vần điệu du dương súc tích và để khai mở các ý tưởng trừu tượng thoát vượt ra ngoài các giới hạn phạm trù các câu nói thông thưởng đến người thưởng ngoạn. Ý thơ có thể trải dài đến vô tận dầu ngôn từ là hữu hạn. Thi hào Trương Kế đời Đường buông những lời thơ thánh thót như một bức tranh thủy mạc ru hồn người đi vào cảm giác tuyệt diệu mà đã làm tác giả rung động với cảnh huống của một tha nhân xa nhà đêm sương lạnh trăng tàn nằm trên chiếc thuyền nghe vang vọng tiếng chuông chùa ngân lảnh lót giữa đêm khuya tỉnh mịch:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn San Tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
Được Tản Đà dịch theo thể lục bát:
Trăng tà chiếc quạ kêu sương
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San
(Tản Đà)
Lời thơ được loài người dệt gấm thêu hoa để thương đời và yêu quý sự sống. Cung bậc của thơ còn được dùng để giải bày thân phận và tìm chiều hướng đi lên. Bài thơ Đường tuyệt tác Hoàng Hạc Lâu của thi hào Thôi Hiệu có hai câu cuối:
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu
mà đã được thi sĩ Vũ Hoàng Chương, vào cuối quãng đường đời của ông, gửi gấm niềm tâm sự bi thương của người dân Việt đi tìm lại bóng dáng chính quê hương yêu dấu của mình sau cuộc đổi đời trầm kha 1975, bằng hai câu ai oán:
Gần xa chiều xuống đâu quê quán?
Chớ giục cơn sầu nữa sóng ơi
(Vũ Hoàng Chương)
Như vậy phải chăng sứ mệnh của thơ là vị nhân sinh. Dầu ai có từ chối vai trò cao cả ấy chăng nữa, thơ vẫn được dùng trong một cung cách khiêm nhường nhất là để gieo mối cảm thông giữa người và người, để chia sẻ cùng người tri âm những niềm vui hay đau khổ, hoan ca hay thống hận, say đắm hay tuyệt vọng. Có thể nói mỗi người VN chúng ta đều có các rung cảm cố hữu của một nhà thơ. Khác nhau chăng, có người bộc lộ nên các âm điệu du dương của vần thơ, có người lại điêu luyện với cách dùng các ngôn từ bằng văn xuôi để trải phơi ý tưởng mà không phải vướng bận các quy luật của thơ:
“Hằng năm vào cuối Thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức bâng khuâng nhớ buổi tựu trường...” (Tôi Đi Học, Thanh Tịnh).
Nhưng tựu chung phải nói nét đặc thù của mọi người Việt là có một tâm hồn thơ, từ những bài vè đồng quê, các câu ca dao ý nhị, các bài ru con mà mình đã hấp thụ từ thuở nằm nôi bên dòng suối từ sữa mẹ thân yêu, cho đến các vần thơ sâu sắc và thâm thúy vượt thoát ra khỏi các ý tưởng bình dân, có nét chấm phá của một nhân sinh quan và vũ trụ quan mầu nhiệm uyên thâm hơn. Bài thơ Vườn Xưa của Tế Hanh mang những tình cảm quê hương chân tình chan chứa với những lời lẽ hình ảnh bình dị không cầu kỳ:
Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh
Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc
Hai ta ở hai đầu công tác
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
Hai ta như ngày nắng tránh ngày mưa
Như mặt trời mặt trăng cách trở
Như sao Hôm sao Mai không cùng ở
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
Hai ta như sen mùa hạ cúc mùa thu
Như tháng mười hồng tháng năm nhản
Em theo chim đi về tháng tám
Anh theo chim cùng với tháng ba qua
Một ngày xuân em trở lại nhà
Nghe mẹ nói anh có về anh hái ổi
Em nhìn lên vòm cây gió thổi
Lá như môi thầm thì gọi anh về
Lần sau anh trở lại một ngày hè
Nghe mẹ nói em có về bên giòng giặt
Anh nhìn giòng sông sâu trong vắt
Nước như gương soi lẻ bóng hình anh
Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh
Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc
Hai ta ở hai đầu công tác
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
(Tế Hanh, 1957)
Thơ là một hình thức cô đọng của ngôn từ. Nó mang thêm nhạc tính để chuyên chở rung cảm, dễ thấm nhuần vào tiềm thức (subconcious mind). Ta thử nghe các âm điệu sau đây được viết bởi Cao Thị Vạn Giã lúc còn là một nữ sinh ngày chia tay người yêu đi du học xa với trọn vẹn những chân thành của một tình yêu trong trắng lồng trong khuôn khổ Á Đông trước cảnh chia tay sầu ai nhất đời người thiếu nữ:
Tiễn chân anh tận phi trường
Lỗi đi. Lỗi ở. Mười phương lỗi về
Mù sương phi cảng não nề
Thôi anh ở lại, buồn về em mang
Tiễn anh một chén rượu tàn
Một bàn tay nắm, một hàng lệ mau ...
Thơ cũng là một trò chơi tao nhã của người xưa (cầm, kỳ, thi, hoạ) dùng để đối đáp nhau giữa con người, hoặc khi con người không là một đối tượng thích hợp nữa, thì để cất tiếng thét kêu lên cùng cỏ cây vũ trụ. Giai thoại đáp thơ giữa Hồ Xuân Hương và Chiêu Hổ còn lưu truyền bài thơ “Mắng Người Say Rượu” của Hồ Xuân Hương như sau:
Vẫn giả tỉnh, vẫn giả say
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Này này chị bảo cho mà biết
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay
Chiêu Hổ đáp thơ
Nào ai tỉnh, nào ai say
Nào ai ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Hang hùm ví bẳng không ai mó
Sao có hùm con bỗng trốc tay
Vì thơ chuyên chở những suy tư và rung động của con người nên thơ cũng là một tấm gương phản ảnh văn hoá, tức là những sinh động của một tập thể nói chung. Nếu chúng ta có thể nói con người Tây Phương gần gũi nhiều với lý trí do phần ngự trị của bán phần phân tích của não bộ (logical hemisphere), thì có lẽ chúng ta cũng có thể nói người Đông Phương chịu nhiều ảnh hưởng mạnh của bán phần liên hợp của não bộ (relational hemisphere). Con người phân tích đi sâu vào lý luận, vật chất, gần gũi với những gì chứng minh được một cách hiển nhiên thực tiễn và có khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa. Con người liên hợp gần gũi với những trừu tượng, tình cảm, sự liên kết tinh thần, để đi tìm ý nghĩa về vị trí của nhân sinh trong vũ trụ. Khi các âm hưởng trừu tượng của cuộc sống khơi dậy rung động hồn người, lời thơ được bộc phát, để truyền đạt những dư ba âm hưởng tình cảm chan chứa ấy đến người đọc. Bài thơ “Tống Biệt Hành” của Thâm Tâm có một tiết điệu phong vũ, không ủy mị, với nhịp câu độc đáo và vươn mang ẩn uất một chí khí cương quyết:
Đưa người ta không đưa sang sông,
Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng?
Nắng chiều không thắm không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Đưa người, ta chỉ đưa người ấy,
Một giã gia đình một dững dưng.
Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ,
Chí lớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại
Ba năm, mẹ gia cũng đừng mong
Môi trường thơ là một vùng không gian trừu tượng. Vườn thơ thích hợp với những nét đẹp mỹ miều hay những tình cảm yêu thương man mác, những xúc cảm bâng khuâng mà có thể nói là khó diễn tả bằng các lời văn dông dài của ngôn ngữ văn xuôi. Tựa như triết lý về Thiền, càng cố gắng phân tích nhiều lại càng làm cho Thiền tánh trở nên khô cứng và bị giới hạn trong các phạm trù, khiến cho Thiền cạn đi nét uyển chuyển bao quát và vì vậy càng khó được cảm nhận trực tiếp, dễ làm người đọc bị loạn sắc, như các ngôn từ ý thức hệ phức tạp trong một số sách triết. Tiếng thơ càng hay khi lời buông vừa đủ, mà âm ba còn trải dài mãi như tiếng chuông rơi diệu vợi qua hồn người, tưởng chừng như đi xuyên qua mấy tầng trời đâu xuất vào cõi không gian vô tận.
Người viết đến với thơ hoàn toàn bằng một sự tình cờ. Từ những dạo còn mài đũng quần, thơ là một cái gì rất dễ thương do người khác viết, nhưng thật khó khởi đầu khi chính mình muốn viết. Ngày còn học các năm cuối của trung học tôi tập tểnh làm các bài Đường Luật, thấy sao mà khó quá. Các ý tưởng vừa loé lên đều trốn chạy cũng chỉ vì sai niêm, vần, luật. Từ đó bút bị ném đi, và thì giờ được chuyển dành cho những chuyện khác hữu ích thực tiễn hơn là những giờ dài vô tích sự ngồi cắn bút, phí phạm đầu tư đầy thua lỗ để nặn thơ! Nhưng nhờ có sự say mê yêu chuộng văn chương do các phong trào văn học có tác động mạnh mẽ từ nhóm Văn (Nguyễn Đình Vượng, Trần Phong Giao) với các tác phẩm văn chương giá trị được xuất bản đều đặn, và nhờ giá cả nhẹ nhàng vừa túi tiền thích hợp cho các học sinh và sinh viên thời ấy có được thú tiêu khiển hiếm hoi, tôi ham thích mua đầy tủ sách và bị lôi cuốn bởi những tác phẩm của các cây bút như Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Đình Toàn, Doãn Quốc Sỹ, Nguyên Sa, v.v...Có thể nói tôi rất say mê lối văn tự kỷ (introvert) hấp dẫn của Thanh Tâm Tuyền thời ấy, có tác động không khác nào như những lời kêu trầm thống ru hồn huyền hoặc của nhạc sĩ họ Trịnh, vì các ngôn từ đó rất gần gũi với tiếng vọng từ tâm thức của thế hệ chúng tôi. Kết quả là các bài đoản văn đầu đời viết cho bích báo hay đặc san trong lớp. Điều được tôi lưu ý là dù viết văn xuôi, lời văn tôi viết có lẽ được óng ả, mượt mà hơn khi có các cấu trúc và nhịp điệu của thơ. Sau này khi sang Mỹ đi thuyết trình bằng tiếng Anh, các người nghe có diễn tả cho tôi biết âm điệu của các bài thuyết trình của tôi trong các kỳ thi diễn thuyết (World Championship of Public Speaking) có các nhịp vó câu (cadence) của thi văn.
Có những lời thơ làm nung nấu căm hờn. Có giòng thơ làm người đọc miên man. Có những vần thơ làm người ta ngấn lệ. Có lời thơ là lời nỉ non rả rích nỗi đau buồn gặm nhấm, và những giọt sầu lắng đọng từ khoé tâm tư sâu thẳm nhất làm tim người thổn thức. Có điệu thơ là tiếng thét kiêu hùng, có lời hò chan chứa, và diệu du dương óng mượt như dải luạ quyến rũ dịu dàng. Thơ là hồ chứa đựng tất cả những sinh động và sắc màu ấy tỏa ra từ các vui buồn của cuộc sống để làm tăng thêm ý nghĩa và thi vị của cuộc đời. Và phần thưởng quý giá nhất của người thêu dệt các vần thơ phải chăng là nhịp rung cảm tri âm của ai đó trong cái tí tách phù du vô thường của thời gian, cùng rung động hoà nhịp với hồn thơ, đồng điệu với con tim người viết.
Cát Biển NVSáng
( Trở về đầu trang )
|