trang mở đầu || LVChâu lời chào mừng || CVThành những HC2 lìa đàn || HC2 chuyến hải trình của những chai CB từ OC đến Montréal || TDTín 12 bến nước, 13 bến tình || Chị TPHồng đại hội HC2 || Chị NVThước những ngày vui ở Canada || NVHùng mắt lệ cho người || TKHoàng tường trình ĐH2012 || Chị NVThước cảm nghĩ về ĐH2012 || HC2    trang bìa || TTĐức    tâm thư || CVThành    lời nói đầu || BBT    hội ngộ ||  CVThành    mây trôi lang thang || Chị NVThước    vỉnh biệt nvnlãng || NTTánh    cửa việt, những hồi ức || NĐHoàng    chuyện của SVSQ ẩm thực || TDTín    bạn thân || HKChiến    HQ402 ||  HC2    dzĩ dzãng dzá dzíu chạy dzìa || NVHùng    những vì sao chợt tắt trong chòm HC2 || NTTánh    bảo tình || LVChâu    tình yêu trên cao || NTTánh    chuyến vượt biển tìm tự do || LNQuang    thơ cvt || CVThành    4 mùa thương nhớ || LVLai    tính một đàng sang một nẽo || VHLý    mùa xuân đã qua chưa || NTTánh    vài chặng đường đã qua || TĐQuí    đít gà và bò cạp || Chị NVThước    thơ lkc&hvb || LKCúc&HVBảnh    hoàng sa và em || NTTánh    chuyện ma của bác khảm rổ || ĐNKhảm    connecticut, 4 mùa || Chị LVTài    gà trống nuôi con || HKChiến    thơ đnv || ĐNViêm    những ngày tháng không quên || Chị LVTài


Hải Vận Hạm Lam Giang HQ-402


Sĩ Quan HQ Khóa 20 và Hải Vận Hạm Lam Giang HQ-402 Trong Chuyến Ra Khơi Cuối Cùng, ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Các bạn;
Chuyến ra khơi cuối cùng của những chiến hạm của Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà vào tháng 4 năm 1975 là một cuộc di tản đầy hào hùng nhưng bi thương và nhiều uất nghẹn. Chúng ta đã ra đi trong những giờ phút sau cùng của cuộc chiến, nhưng trật tự vẫn được ổn định và mệnh lệnh vẫn được tuân thủ một cách tương đối hoàn hảo, cho mãi đến ngày 7 tháng 5 năm 1975 khi các chiến hạm của chúng ta chuyển giao lại cho Hải Quân Hoa Kỳ sau một buổi lễ hạ kỳ cờ vàng ba sọc đỏ đầy nước mắt, và buông neo tại Subic Bay. Những chiến hạm của Hải Quân chúng ta khi ra đi đã mang theo được hơn ba mươi ngàn người tỵ nạn Cộng Sản. Nhưng một số lớn chính những quân nhân Hải Quân chúng ta lại đã không có mang theo được thân nhân hay gia đình của mình đi cùng. Đa số các chiến hạm đã rời bến vào đêm ngày 29 tháng 4 năm 1975 để tập trung tại Côn Sơn. Tuy nhiên Hải Vận Hạm Lam Giang HQ-402 lại là một chiến hạm sau cùng, đã rời cầu tầu “E” của Hải Quân Công Xưởng/Sài Gòn vào chiều ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Hải Vận Hạm Lam Giang HQ-402 ra đi đã mang theo được khoảng hơn hai ngàn người dân và quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. Họ ra đi giữa ban ngày, buổi xế trưa ngày 30 tháng 4, khi mà các đơn vị quân Cộng Sản đã tràn ngập Sài Gòn. Họ đã can đảm và chấp nhận bỏ nước ra đi trước mũi súng của xe tăng địch quân, và trên một chiếc tàu với một tình trạng kỹ thuật vá víu, được sửa chữa tạm thời từ một chiến hạm bất khiển dụng đang trong thời gian đại kỳ tại Hải Quân Công Xưởng. Chính chiếc Hải Vận Hạm Lam Giang HQ-402 này cũng đã mang theo được một số sĩ quan Hải Quân Khóa 20, Đệ Nhị Hổ Cáp, của chúng ta. Chúng tôi đã có dịp mạn đàm với một số các bạn sĩ quan Hải Quân Khóa 20 này, và thêm một số những người khác cùng đã di tản trên chiến hạm. Câu chuyện xẩy ra đã gần bốn mươi năm, nên nhiều chi tiết trong trí nhớ của nhiều người đã bị mai một theo thời gian, nhưng qua những lời kể này chúng ta mới có thể mường tượng ra được những khó khăn, và sự nhất quyết chối bỏ và cương quyết chạy trốn Cộng Sản của mọi người để ra đi tìm tự do.
Khoảng thời gian từ 19 giờ ngày 29 tháng 4 năm 1975, các chiến hạm còn khiển dụng của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa tại Sài Gòn đã được lệnh tách bến để tránh tình trạng bị pháo kích, bị tấn công, hay bị chặn họng trên những con đường thủy lộ ra khơi. Tất cả các chiến hạm ra đi đã được mật lệnh nhắm hướng Côn Đảo làm điểm tụ, và chờ lệnh sau.
Sau đây chúng tôi xin tường thuật lại những lời kể lại của chính những người trong cuộc như chị Nguyễn Văn Thước và những sĩ quan Hải Quân Khóa 20, Đệ Nhị Hổ Cáp, đã ra đi trên chiếc Hải Vận Hạm Lam Giang HQ-402 này (chúng tôi xin theo tên từ vần A đến Z) như Chu Văn Chương, Lâm Ngọc Cục, Hồ Ngọc Diệp, Lưu An Huê, Cao Thế Hùng, Nguyễn Hữu Thiện, Nguyễn Văn Thước… Ngoài ra chúng tôi cũng đã có được dịp tiếp chuyện hay nhận được những ký sự của các sĩ quan Hải Quân khác như niên trưởng Trương Văn Hải (K.19) hay các niên đệ như Hoàng Văn Thành (K.23), Nguyễn Đỗ Thiện (K.24), Nguyễn Văn Nở (K.24), Nguyễn Minh Lịch (K.26), Bùi Tấn Lộc (K.26), và anh Ngô Văn Quy đã cùng di tản trên Hải Vận Hạm Lam Giang HQ-402 trong chuyến ra khơi sau cùng này.
Vì giới hạn của Đặc San Khóa 20 nên chúng tôi chỉ xin tường thuật những lời kể của các bạn trong Gia Đình Đệ Nhị Hổ Cáp. Ngoài ra chúng tôi còn được dịp trao đổi e-mail với thuyền trưởng USS KIRK (Captain Paul Jacobs, Commanding Officer, USS KIRK (DE-1087) during Operation Frequent Wind.)
Điều quan trọng chúng tôi muốn xin nhấn mạnh là với những ý chí và lòng qủa cảm của tất cả mọi đóng góp của từng cá nhân, Hải Vận Hạm Lam Giang HQ-402 cũng đã theo kịp, và nhập đoàn được với Hạm Đội của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa trong chuyến ra khơi sau cùng này. Tất cả mọi đóng góp của từng cá nhân trên con tàu này đã đem được con tàu ra khơi đều đáng được đề cao và khâm phục, không nhiều hơn hay ít hơn.
Xin trân trọng cám ơn sự đóng góp của tất cả mọi người đã kể lại cho chúng tôi.
Nguyễn Văn Đệ



1.) Chị Nguyễn Văn Thước:

Tháng Tư trời ... đắng, đất cay.
Chim muông đổ lệ, cỏ cây gục đầu.
Chinh nhân buông súng thảm sầu.
Toàn dân ... tơi tả, bởi đâu họa này?
Nói về ngày 30/4/75 thì đã qua 37 năm nay rồi, không biết bao nhiêu điều để mà kể, tôi chỉ nói đến hoàn cảnh của gia đình chúng tôi trong những ngày tháng đó mà thôi.
Tôi đang ở phận làm "dâu Hổ Cáp" bên nhà chồng ở khu Hạnh Thông Tây. Ông xã tôi thì cứ đi công tác liên miên, và mỗi lần anh về là trông anh bơ phờ mỏi mệt. Anh không ẵm bế con và chơi đùa với chúng như trước nữa, anh chỉ im lặng, thỉnh thoảng lại thở dài, tính anh ít nói, nay lại càng ... ít tệ; có điều làm tôi ngạc nhiên là lần nào đi công tác về anh cũng hết nhẵn ... tiền, thì ra anh đã cho tiền những cháu bé lạc cha mẹ, các ông bà cụ lạc gia đình trong lúc chạy loạn, anh đã cố san sẻ với họ những nỗi bất hạnh đau đớn. Một hôm anh về không chào hỏi ai, không ăn uống gì, anh đi thẳng vào giường nằm. Tôi ... rón rén vào theo, tới ... sờ trán anh, thì anh nắm chặt tay tôi và bảo: “Khi nào anh đi, thì em và con đi với anh, anh sợ anh ra đi mà không có mang được mẹ con em theo.”
Trời ạ, lúc ấy thì tôi còn quá trẻ để có thể hiểu chuyện chiến tranh, và hơn nữa tôi đã được nuôi dưỡng và lớn lên ở một làng quê yên bình. Tôi nghĩ rằng mọi sự rồi cũng sẽ qua đi, như hồi Tết Mậu Thân năm 1968 mà thôi. Tôi biết tôi nói ra thì sẽ bị ... cười. Năm ấy tôi mới 15 tuổi, cái tuổi "ăn không biết no, lo không biết tới". Các làng lân cận chạy tới làng tôi lánh nạn, vì ở làng tôi thì rất bình yên, gái trai tấp nập, thật vui vẻ, vì thế cũng đã có bao nhiêu mối tình đẹp nẩy nở trong thời loạn này, nên tôi đã chẳng để ý gì tới lời anh nói, và tôi chỉ cười và bảo với anh: “Em và con đi với anh, thế còn thầy mẹ và các em thì làm sao?”
Anh nói: “Anh biết thầy mẹ không chịu đi đâu, mà anh thì không thể bỏ em và con để đi một mình được.”
Tôi đã an ủi anh: “Anh nói gì kỳ vậy? Em nghĩ là không có gì đâu, tình hình bây giờ lộn xộn, nhưng rồi sẽ yên thôi, hay để em hỏi thầy mẹ đã, nếu thầy mẹ bằng lòng cho đi thì em mới đi (tôi đang làm dâu ngoan mà.)”
Nhưng nói thì để mà nói thôi, tôi đã chẳng có khi nào có cơ hội để hỏi, và tôi đã cho ... chìm luôn câu hỏi này! Tới ngày 29/4/75 thì tình hình rất tệ, tôi ngủ trong lo âu, có tiếng động ầm ầm và vừa mở cửa thì đã vội vàng lui lại đóng vội cửa lại, hốt hoảng khẽ gọi cả nhà dậy, lấy tay chỉ chỉ ra phía ngoài cửa. Chồng tôi ... he hé nhìn qua khe cửa, chúng tôi thấy ai đó đã đào hầm chung quanh nhà, và lố nhố có người ở dưới hầm. Bố chồng tôi nói: “Phải chạy đi thôi, không ở nhà được nữa, ở nhà là ... chết chắc.”
Ông xã tôi chạy tới giường ... hốt vội đứa con gái thứ hai, mới được 3 tháng, ấn vội vào tay tôi, còn anh với bố mẹ anh thì ... vớ được cái gì thì chất lên xe cái đó (nhà ông xã buôn bán tạp hóa), chiếc xe Lambro dấu trong nhà (bố chồng chạy xe Lambro) xong anh lại bế đứa con lớn đưa cho mẹ anh, còn anh thì phụ đẩy xe ra ngoài để bố chồng tôi lái xe đi ra khỏi nhà. Có lẽ lúc ấy vì quýnh quáng hay là vì thói quen chạy trên tuyến đường: Xóm Mới, Gò Vấp, Quang Trung mà bố chồng tôi chạy một mạch đến nhà thờ Xóm Mới thì bị nhân dân tự vệ chận xe lại không cho chạy nữa, vì họ đang lo ...tự vệ. Họ chỉ cho xe chạy vào sân nhà thờ, và ở đó chúng tôi thấy cũng đã có mấy gia đình ở sẵn đó rồi. Thế là chúng tôi bị ... kẹt tại đó trong ngày 29 và 30, hết vào nhà thờ đọc kinh, ngắm nhìn Chúa ... chịu nạn, hay là ra ... cổng nhìn người qua lại; tối thì ngủ nơi thềm nhà thờ, "nội bất xuất, ngoại bất nhập" làm ai cũng buồn chán, nhưng riêng tôi thì lại thấy hạnh phúc vì có chồng ở ngay bên cạnh, tuy chẳng được ... ”chấm mút” gì!

Sáng ngày 30 tháng 4, lệnh kêu gọi quân nhân phải đi trình diện, và bố chồng tôi bắt buộc chồng tôi phải đi trình diện đơn vị. Anh dùng dằng chẳng muốn đi, nhưng bố chồng tôi mắng quá xá, và ông cụ ... hăng hái ... văng “tục” chỉ mặt chồng tôi: “Anh “nà” một sĩ quan, bây giờ đất nước đang “nâm” nguy, Tổng thống kêu gọi quân nhân phải trình diện, mà anh “nại” không đi, anh có xứng đáng “nà” một sĩ quan không? Tôi biết anh không muốn đi “nà” vì anh không muốn xa vợ con, anh cứ đi đi, vợ con anh đã có chúng tôi "no", đừng vì vợ con mà "tốn tách” nhiệm." (bố chồng tôi cũng là một lính pháo binh khi xưa, nên dòng máu hào hùng nhà binh vẫn còn chảy trong huyết quản, và quê ông ở vùng Bùi Chu - Nam Định ngoài Bắc.)
Anh ... thất thểu lấy xách tay ra đi, nhìn anh đi tôi tự nhiên ứa nước mắt khóc, và ôm con vào lòng ... thật chặt.
Sau khi chồng tôi đi, mẹ chồng tôi gọi tôi và cô em gái bảo về lại nhà để cho gà ăn (nhà đang nuôi mấy trăm con gà) và bắt gà để ăn thịt vì đã hết đồ ăn, hai chị em đi bộ từ Xóm Mới về đến Hạnh Thông Tây, tôi chẳng ý thức được giờ giấc, nhưng có lẽ đã gần trưa. Vào nhà thì thấy nhà cũng còn ... yên, nhưng gà thì bị bắt gần hết. Hai chị em bắt theo 10 con gà, cô em xách 6 con, tôi 4 con, vừa ra tới đầu ngõ thì thấy một đoàn trẻ con, đi sau 3 "cán ngố" dép râu, nón cối, áo màu ... cứt ngựa. Đám trẻ vừa đi vừa reo hò chỉ chỏ, thế là tôi nhập vào đám trẻ con đi ... theo xem đám "cán ngố". Họ lơ ngơ đi tới đâu, chúng tôi lò mò đi theo tới đó, và cho tới tận bây giờ tôi cũng không hiểu được tôi, là tại sao lúc ấy tôi đã làm như vậy? Vì óc tò mò hay vì lòng ham vui? Cho tới khi cô em cầm lấy áo tôi giật giật: “Chị ơi đi về, gà chị cầm chết hết rồi!” Lúc ấy tôi mới giật mình nhìn lại 4 con gà, thì đã chết 3 con, và còn 1 con thì đang ngáp ngáp.
Tôi theo cô em băng đồng về nơi gia đình đang tạm trú, trước tiên là tôi thấy bố chồng tôi đang đứng ... sừng sững, định ... tung ra một quả đấm thì cô em đã nhanh chân lui lại đứng phía sau lưng tôi, thế là ông ... rút tay lại, và còn tôi thì sợ đến ... muốn té đái. Mẹ chồng gỡ rối cho chúng tôi: “Chị em chúng mày đi gì mà đi "nâu" vậy? Đầu hàng rồi, bố chúng mày đang nẫu cả ruột gan, không biết phải "nàm thao", chúng mày thì đi ... mất bóng, hai thằng con giai bây giờ cũng không biết chúng chạy đi "lơi" nao (ý bà nói là ông xã tôi và chú em), ông ấy chờ chúng mày về để đi, mà chúng mày “nại” ... mất tăm nên ông ấy ... quẩn.”
Chị em tôi vội vàng ... thẩy mấy con gà vào lòng xe rồi leo lên, bố chồng lái xe ra khỏi cổng nhà thờ thì gặp vợ chồng chú em đang hốt hoảng chạy về, sáng nay chú cũng bị bố bắt đi trình diện. Chú ấy thuộc một đơn vị Không Quân đóng trên Pleiku, và chú chạy kịp khi Pleiku bỏ ngỏ. Chú nói với bố khi bố bắt đi: “Bây giờ con biết đi đâu mà trình diện, bố cho con đem vợ con về Biên Hòa thăm nhà, tiện thể con vào trung tâm Không Quân Biên Hòa xem sao.”
Thế là vợ chồng chú ấy dẫn nhau đi. Bây giờ vợ chồng chú ấy chạy về đúng lúc khi xe vừa chạy ra đến cổng, một sự mầu nhiệm hay là một sự may mắn? Vì đường xá bây giờ không thể nào đi được dễ dàng, vất vả lắm vợ chồng chú ấy mới về tới nhà, và thật đúng lúc.
Bố chống tôi lái xe chạy lên Sàigòn, và ý của ông cụ là phải đi tạm lánh nạn mấy ngày, chờ cho êm êm rồi mới trở về nhà. Tôi cũng cảm thấy lo buồn vì không biết là chồng tôi hiện nay như thế nào? Nhưng cũng không tránh khỏi niềm háo hức vì được đi ... Sàigòn, mặc dầu không biết là sẽ đến đâu ở Sàigòn. Từ khu Xóm Mới ra tới Ngã Năm Chuồng Chó hay lên đến Gò Vấp có những đoạn đường toàn cát ... là cát, những người lớn trên xe đều phải xuống để đẩy xe, còn tôi vì bồng con nên chỉ phải đứng ... nhìn. Khi thấy mẹ chồng, em dâu, và cô em chồng cúi xuống để đẩy xe, gió bay tốc áo lòi ra 3 cái ... ruột tượng quấn quanh bụng, tôi phá lên cười. Mẹ chồng nhìn tôi ..."mát mẻ": “Con thấy hay “nắm” hay sao mà cười?”
Tôi trả lời ... tỉnh bơ: “Hay quá mẹ ơi, 3 người quấn 3 băng đạn quanh bụng.” Hai cô em cười khúc khích phụ họa; mẹ chồng ... ườm chúng tôi mắng: “Chúng mày chỉ ... nõ mồm.”
Xe và người chạy loạn đông quá, nhích nhích từng tí một. Sàigòn đã ... chết thật rồi nên rất hỗn loạn, và chẳng biết được ai là ... ta, mà ai là địch nữa! Băng tay đỏ tràn lan đầy đường cùng với súng đạn, bắn phá lung tung; rải rác đây đó những xác người chết, nhưng chẳng ai còn tâm trí mà để ý tới. Lúc này mạng người có lẽ còn bé nhỏ hơn ... con kiến, và rẻ hơn bèo. Trên mặt mọi người đang xuôi ngược hiện rõ nét lo âu sợ sệt và hoảng hốt. Tôi bật ... khóc, mẹ chồng nói nhỏ vào tai tôi: “Con bế cháu lên xe, ngồi vào giữa, có chuyện gì cũng không được xuống xe.”
Xe ì ạch bò dần đến Ngã Năm Gò Vấp, và đây cũng là một sự mầu nhiệm nữa mà không thể nào hiểu được; ngay đúng Ngã Năm, xe cộ tấp nập, người người xuôi ngược, bỗng chú em buột miệng la lên: “Thầy, thầy dừng xe lại, anh Thước đang đi đàng kia kìa.”
Chú vội nhẩy xuống xe chạy tới kéo chồng tôi lại. Anh vội nhẩy lên ngồi bên cạnh tay lái, còn chú em ngồi xuống sau sàn xe. Tôi nghe hai bố con nói chuyện: “Thầy chạy đi đâu đây?”
“Tôi cứ chạy "niều", chứ không dám về “nại” nhà, định “nên” nhà mấy chú tá túc ít bữa chờ êm êm rồi tính.”
Chồng tôi nói: “Thầy cứ chạy tiếp đi, con nói thầy chạy đường nào thì thầy chạy theo đường đó.”
Xe chạy tới đường nào, và chạy tới đâu thì tôi không biết, nhưng trước mắt tôi là thấy mấy chiếc xe tăng đang chạy rề rề trước đầu xe chúng tôi.
Bố chồng tôi nói: “Phải tính sao đây? Xe tăng nó cứ chạy “nù nù” trước mình!” Chồng tôi trả lời: “Thầy cứ chạy từ từ sau ... tụi nó, để coi chúng đi đâu rồi mình ... hãy tính.”
Mấy chiếc xe tăng chạy tới Dinh Độc Lập, chúng chạy ào ào, ủi sập cổng Dinh Độc Lập rồi chạy thẳng vào trong sân, chúng tôi thấy vậy. Chồng tôi nói: “Thầy chạy ra bến Bạch Đằng.”
“Để “nàm” gì?” ông cụ hỏi.
“Thì coi tàu còn ở đó nữa không, nếu còn thì mình ... đi.”
Tôi thấy tay lái của bố chồng tôi run run. Cụ đang rất lo lắng, sợ hãi vì quyết định này của con trai trưởng, và sẽ đem gia đình đi tới đâu? Tự do hay tù đày? Thiên đường hay hỏa ngục.
Tại bến Bạch Đằng, từ trước đến giờ tôi chỉ được nghe tên, nhưng chưa hề ... biết mặt, kể ra cũng là một sự ... thiệt thòi cho tôi, chồng là Hải Quân mà lại không biết tới ... bến Bạch Đằng, một nơi hò hẹn của những ... trai anh hùng với gái thuyền quyên.
Hải Quân Công Xưởng bây giờ bỏ ngỏ, không còn ai canh gác, không còn cảnh chen lấn dành giựt, nên xe chúng tôi chạy thẳng tới cầu tàu mà không gặp bất cứ một sự cản trở nào. Xuống xe tôi thấy có khá đông người đứng trên bến, nhìn lên tàu thì thấy cũng đã có rất đông người đang ở trên tàu, con tàu thật lớn. Chồng tôi kêu lên mừng rỡ: “Tạ ơn Chúa, tàu chưa đi.” Rồi quay sang nói với bố chồng tôi: “Đây là tàu con đang làm việc, mau mau lên có thể là trễ lắm rồi.”
Có mấy người tiến tới và xin chiếc xe Lambro của chúng tôi, trong khi đó tôi thấy rất là nhiều chiếc xe hơi đủ loại, thật là đẹp và mới thì lại không ... được ai lấy đi, có lẽ xe Lambro này tiện lợi và dễ lái hơn. Bố chồng tôi trao chìa khóa cho một người đàn ông trông còn trẻ, tôi ngây thơ hỏi: “Sao thầy lại cho xe? Rồi mình lấy xe đâu mà về?”
Chẳng ai thèm trả lời vì mọi người đang vội vàng tay xách nách mang chuẩn bị xuống tàu; Chồng tôi ẵm con gái lớn, tôi ôm đứa nhỏ theo chân chồng bước xuống tàu. Vừa tới sân tàu, đặt con xuống, anh lại chạy lên dắt các em xuống. Gia đình tôi lên tàu xong là thấy rút cầu, vì có người thấy (?), và la lên "có xe tăng của Việt Cộng đang chạy vào cổng." Gia đình tôi chen mãi mới có được mỗi người một chỗ đứng. Ngồi nơi vách thành tàu xong thì chồng tôi vội vã chạy đi, máy tầu đang nổ bỗng ngưng bặt, mọi người hốt hoảng nhìn nhau lo sợ Việt Cộng sẽ tới. Một ông Hải Quân cầm loa yêu cầu ai là nhân viên cơ khí, xin xuống ngay hầm máy. Một ông linh mục Công Giáo được đưa cho loa cũng đã yêu cầu ai là người Công Giáo thì xin đọc kinh cầu nguyện, còn ai theo Phật giáo thì cũng xin niệm Phật. Có mấy bà cụ đưa tay làm dấu và lâm râm đọc kinh, và mấy bà cụ chắp tay niệm Phật. Được một lát sau thì tiếng máy tàu nổ lại, pháo tay không dám vỗ mạnh, nhưng trên môi ai cũng nở nụ cười, và tàu ì ạch chạy. Bên ngoài chiếc tàu của chúng tôi hình như còn một hay hai chiếc tàu khác nữa. Tiếng la ơi ới “cắt dây, chặt dây” … và tôi thấy cột cờ trên mấy chiếc tàu kia từ từ trôi ngược ra phía sau lái. Tiếng máy tàu nổ xình xịch nhưng nhìn lên những nóc nhà trên bến thì tôi có cảm tưởng như con tàu cứ ... tới, lui, phải, trái, quay ... tiến một ... lùi hai, phải ba ... trái bốn hoài. Sau cùng rồi cũng thấy ... từ từ tàu ... trôi êm.
Cả mấy ngàn người trên tàu bây giờ kẻ ngồi, người đứng, bắt đầu nói chuyện râm ran. Tàu xình xịch chạy, lâu lâu có tiếng gọi nhau huyên náo, thì ra có lẽ tàu chạy chậm lại cho những người trên ghe thuyền cặp vào leo lên. Màn đêm buông xuống, gió thổi hơi lạnh, tôi ngồi co ro ôm con, bây giờ tôi mới thấy khát nước và đói. Tôi sực nhớ tới là ngày hôm nay từ sáng đến giờ chưa có ăn uống gì. Bụng trống, lòng trống trải, và linh tính cho biết là sẽ ra đi mãi mãi, xa gia đình, cha mẹ, anh chị em làm tôi tủi thân bật khóc nức nở, cô em dâu cũng khóc theo, làm cho bố chồng tôi phải lên tiếng la lên: “Các chị im đi, đang ... rối, đừng “nàm” rối thêm.”
Chỉ còn tiếng ... thút thít nho nhỏ của chúng tôi mà thôi. Tôi nghe tiếng đối đáp của một gia đình (tôi nghĩ thế) đứng ngay trước mặt, cô con gái thì nói khá nặng lời với một người nào đó. Người đàn ông lớn tuổi ôm chặt người vợ đang vật vã khóc lóc. Tôi im lặng nghe, thì ra gia đình này là một gia đình rất giầu có, có tiệm vàng lớn, vàng bạc, châu báu đã gom góp lại hết sẳn sàng cả rồi, chỉ chờ người tới kêu là đi thôi. Nhưng khi người ta tới gọi hối phải đi gấp thì lại bỏ lại hết chỉ chạy mình không, nên bây giờ bà ấy tiếc của đòi nhảy xuống tàu để về nhà, không cho bà về thì bà sẽ tự tử, bà cứ nhào ra thành tàu nên chồng bà phải ôm chặt bà, và bà vật vã khóc lóc thảm thiết.
Chúng tôi ngồi co ro chịu đựng, con nhỏ khát sữa, cả ngày không ăn uống gì thì lấy đâu ra sữa cho con bú? Con khóc thì cho ngậm ... vú da, đói và mệt rồi cũng ngủ thiếp đi, chúng tôi vừa đủ một người một chổ ngồi, mỏi lắm mới dám duổi chân ra được chốc lát, rồi mau mau phải co lại kẻo bị ... đạp. Suốt cả đêm chịu trận như vậy mà chẳng thấy mặt mũi chồng đâu, vừa đói lại vừa tủi thân, giận “bị” chồng bỏ rơi, nên con khóc thì tôi cứ “... phủi” … phành phạch. Mẹ chồng tôi ôm cháu lớn, thấy thế bà … mới moi mãi được một gói mì, bà bẻ một miếng lớn bằng ... chiếc hộp quẹt dúi vào tay tôi: “Con ăn đi cho có … sữa.”
Cha mẹ ơi, một tí mì khô như ... rơm, nhưng lúc đó còn quí hơn cao lương mỹ vị, vì đó là cả tấm lòng yêu thương của bà, bỏ vào miệng nhai mà nước mắt rơi, chảy vào miệng, hòa với mì, làm mì ... mặn thêm. Bà cũng bẻ một miếng đút cho cháu đang bế, và chú em út cũng chẳng lớn hơn con gái lớn của tôi là bao; nhưng cháu còn bé, mì lại cứng, con gái tôi không nhai được, bà bóp vụn, rồi dỗ dành cho cháu ăn, còn những người khác trong gia đình thì chỉ nhìn mà … thèm. Sáng ra chồng tôi mới tới, thấy anh tôi bật khóc tức tưởi, anh chẳng nói năng gì, chỉ đứng yên, lúc đó tôi mới ngước nhìn anh, thấy cặp mắt một mí tình tứ của anh thâm quầng mệt mỏi, có lẽ lúc đó anh mới nhớ tới gia đình chăng? Và không ngờ gia đình mình lại ngồi “… bó rọ” ở đây từ chiều hôm qua tới giờ sao?
Nắng đã bắt đầu lên, mọi người trên tàu bắt đầu xôn xao, ồn ào tiếng khóc, tiếng la. Gia đình chúng tôi vì ngồi ở vách tàu nên nắng chưa tới, sàn tàu nắng chan hòa, may mà có gió biển, nên cũng còn dễ chịu, chưa đến nỗi gay gắt. Chồng tôi lại quay quả bỏ đi, khi chưa có một cử chỉ âu yếm, hay xin lỗi vì đã “… bỏ bê” vợ con. Chúng tôi vẫn ngồi yên tại chỗ, khi thấy mọi người nhốn nháo ào ào đứng lên, tôi thấy những tấm bạt lớn đang được căng lên che nắng cho đoàn người. Chú em ngồi cả đêm cuồng chân, chú đứng lên đi lần tới xem ... sự náo nhiệt, khi chú quay về bị bố mắng: “Anh cứ đi “nung tung”, đông như thế nầy coi chừng “nạc”.” Chú em cười nói: “Con như vầy mà lạc sao? Con đi lại cho đỡ mỏi chân và xem như thế nào, con thấy anh Thước ở trên kia đang phụ căng bạt.” Chú em tiếp: “Thầy ơi, tàu ... mình nó bị gì mà có một tầu khác lớn hơn đang kéo, không biết sao?”

Tôi vẫn thờ ơ với tin này, vì đang giận chồng anh ách, tôi đâu biết anh làm gì trên tàu mà đi suốt không ngó ngàng gì tới vợ con. Đến gần trưa mới thấy anh về chỗ gia đình ngồi, vừa thấy mặt anh tôi gắt lên: “Đi đâu mãi bây giờ mới ... ló mặt về? Sao không đi luôn đi?” Anh chẳng thèm ... chấp nhất, đưa tay ẵm con, và nói: “Đi theo anh, mẹ ẵm cháu theo con luôn.”
Chúng tôi cẩn thận lần mò theo anh từng bước. Anh dẫn chúng tôi vào một căn phòng nhỏ, và anh nói: “Đây là phòng anh ở, bây giờ mình ở đây.” Tôi thấy 2 cái giường tầng, mừng qúa tôi nhào lên chiếc giường dưới mà không để ý đến một người đang đứng bên cạnh chiếc tủ, người đàn ông này có thể lớn tuổi hơn chồng tôi, dáng người sang trọng, trong giây phút hỗn loạn như thế này mà vẫn giữ được phong độ, áo sơ mi, quần ủi thẳng nếp, đang ném ánh mắt giận giữ vào chồng tôi và hách dịch hỏi: “Ai cho các người vào đây?”
Tôi sững sờ ... á khẩu, nhưng chồng tôi trả lời: “Đây là phòng của tôi. Tôi là sĩ quan cơ hữu trên chiếc tàu này. Từ hôm qua cho đến tận bây giờ tôi đã mải lo cho sự vận chuyển của con tàu, và nay mới có thì giờ để đưa vợ con về phòng của mình.”
“Bạn tôi đem tôi vào đây sáng hôm qua,” rồi anh chàng mở hộc tủ lấy ra một khẩu súng nhỏ màu trắng thẩy lên mặt tủ và buông thêm mấy lời mất dạy: “Đ.M. muốn chơi không? Thằng này chơi luôn.”
Tôi thấy chồng tôi lui lại, không biết anh sợ hay là một phản ứng bất ngờ khi bị người ta ... quẳng súng vào mặt và hăm dọa ngay trước mặt vợ con? Mẹ chồng tôi bấy giờ mới lên tiếng: “Thôi con ạ, người ta đã ở đây rồi, mình về lại chỗ cũ, cái gì mình cũng đã bỏ đi không tiếc, thì tiếc làm gì cái ...chỗ nằm.” Bỗng một tiếng nói của một phụ nữ đã sắc sảo vang lên: “Cất ngay đi, không được nói càn. Anh chẳng hiểu chuyện!”
“Mợ, mợ để con giải quyết.”
“Giải quyết cái gì? Anh không thấy cậu ấy là sĩ quan Hải Quân ... thật đó hả?” Trời đất ơi, lại còn là quan thật với quan giả nữa sao? Tôi ngước nhìn người phát ra tiếng ngăn cản “ông” con trai, bà ngồi trên giường tầng trên, chung quanh là túi xách to nhỏ, vali, trên mặt tủ nào là xôi, là bánh mì, giò chả ... Thì ra người ta đã vào đây từ sáng hôm qua, và họ đã chuẩn bị đầy đủ thức ăn cho một chuyến đi dài ngày; Còn mình thì chậm chân hơn lại không biết gì để mà chuẩn bị. Tôi mệt quá lại được nằm ... thẳng cẳng trên giường nên tôi thiếp đi ngay cho đến khi mẹ chồng tôi gọi dậy ăn cơm. Mỗi người được một nắm, đang ăn thì chồng tôi bưng vào thêm một tô cơm nữa; tôi tham lam: “Cả ... đống người mà anh chỉ ... lấy được chừng này cơm thì ai ăn ai nhịn?”
“Phải chia đều cho cả mấy ngàn ấy người thì có đâu mà được nhiều!” Anh nhẫn nại trả lời.
Mẹ chồng tôi bảo: “Được bao nhiêu hay bấy nhiêu con ạ”, rồi bảo chồng tôi: “Con ăn luôn”, nhưng chồng tôi lắc đầu nói: “Con ăn rồi”, rồi anh lại quay quả ra đi, không biết là anh đã ăn thật rồi hay anh nhịn cho gia đình ăn? Ăn vào tí cơm xong thấy tỉnh hẳn người; Tôi nhìn kỹ quanh phòng thì không thấy gia đình kia đâu nữa, họ đã lẳng lặng bỏ đi lúc nào rồi.
Sang ngày thứ ba (2/5/75), có cái ăn rồi thì mới có nhu cầu ... vệ sinh; Tôi lò dò tìm ra ngoài thì nghe mọi người xôn xao, bàn tán là nên chuyển tàu hay nên ở lại. Tôi đứng nghe có người nói là tàu này hư rồi không chạy được nữa, phải di chuyển qua tàu khác thôi, nhưng lại sợ là khi qua tàu khác thì không biết là còn có phát cơm ăn không? Nếu không có thì ... đói chết. Tôi nghe mà lòng ngậm ngùi thương cảm, chúng tôi cũng thế, và lại một ngày qua đi.
Ngày thứ tư ở trên tàu (3/5/75) có thông báo là mọi người phải sang qua tàu khác, còn chiếc tàu này (HQ402) phải bị đánh chìm, vì không thể nào sửa chữa được nữa. Gia đình tôi vẫn bình tĩnh chờ vì chưa nghe chồng tôi nói gì, còn mọi người trên tàu thì đang từ từ chuyển qua một tàu rất lớn cặp sát vào một bên. Tới gần trưa thì chồng tôi tới bảo mọi người sẵn sàng để chuyển tàu, vì tàu này sẽ bị đánh chìm, và chúng tôi lại dắt díu nhau leo lên tàu HQ2.
Trên tàu HQ2, chúng tôi ở ngay gần lan can tàu, và trong đời chưa bao giờ tôi thấy có con tàu nào lớn như vậy. Tôi chăm chú nhìn đoàn người nối đuôi nhau leo thang dây từ tàu nhỏ lên tàu lớn và không biết có ai ... bị lọt sàng không? Khi mọi người đã lên trên tàu HQ2 rồi thì ai ai cũng lo tìm cho mình một nơi chốn ... yên bình, thì chồng tôi lại đứng lặng yên, tay vịn lan can tàu, mặt buồn so, và mắt đăm đăm nhìn chiếc tàu HQ402 đang từ từ trôi lui ra xa. Anh cứ đứng bất động mãi như vậy cho tới khi nắng chiều rọi qua nơi anh đứng, tôi thấy trên tóc anh có ánh bạc, mắt anh cũng có ánh bạc lung linh, anh tiếc thương chiếc HQ402 hay là hơi nước biển thổi lên từ giã người con của biển? Tôi chưa bao giờ thấy anh buồn đến thế!
HQ402 người tình bất tử, là định mệnh của mấy ngàn người, là nuối tiếc của bao người khi nhắc tới HQ402, là ân sủng của trời cao, khi 402 bị tắt máy, hốt hoảng người kêu gọi người, người kêu gọi Trời giúp HQ402, đại diện tôn giáo thì kêu gọi cầu nguyện giúp HQ402, mà quả thật phép lạ đã xẩy ra, con tàu nổ máy lại. HQ402, ôi miên man một thiên ... tình sử.

2.) HQ Trung Úy CK Chu Văn Chương:

Một thoáng im lặng, và thở dài!
Tôi đang theo học trường Sinh Ngữ Quân Đội để chuẩn bị đi du học thì ngày 30 tháng 4 ập đến! Sáng ngày 30 tôi và ba người bạn chở nhau bằng xe gắn máy tìm đường thoát ra khỏi Sài Gòn, hai người bạn thuộc Không Quân, và một người là Bộ Binh. Từ khu Xóm Mới chúng tôi chạy lên hướng Sài Gòn, nghe tin Tân Sơn Nhất đang bị Việt Cộng pháo kích, chúng tôi chạy vào bến Bạch Đằng, và Hải Quân Công Xưởng xem coi còn chiếc tàu nào ra đi hay không? Đến BCH Tiếp Vận nằm gần cầu E, nơi tôi đã từng phục vụ trước kia, thấy bạn Cao Thế Hùng, tôi có hỏi thăm đôi lời. Hùng cho biết HQ 402 đang ở trong tình trạng hư hỏng, không chạy được. Tôi gặp người bạn cùng khóa Nguyễn Hữu Thống chở con gái trên chiếc Honda dame chạy vào, cũng loay hoay tìm tàu ra đi nhưng không thấy hy vọng nên đã quay về nhà, và người niên đệ tên Tân thuộc K.21 cũng đã quay về, nhưng anh đã mang được cả gia đình trở lại và theo kịp lên chiếc HQ 402.
Riêng tôi thì chán nản nên quay trở lại Câu Lạc Bộ HQCX, và định thay đồ dân sự để đi về nhà thì nghe tin TT Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Tôi bỏ hẳn ý định quay trở về nhà, và cùng mấy người bạn chạy ngược qua cầu E, leo lên chiếc HQ-402 vì thấy người ta cũng đang lố nhố leo lên. Trước kia hồi còn ở ngoài Bắc, bố tôi cũng đã từng bị Việt Cộng bắt đi trong một đêm tối để thủ tiêu, nhưng ông đã liều mình nhẩy xuống sông đào thoát được, và chúng tôi cũng đã từng bỏ lại nhà cửa ruộng nương để chạy vào trong Nam lánh nạn Cộng Sản, nên tôi biết chắc là sẽ khó sống được với Cộng Sản. Bạn Cao Thế Hùng và vài người nữa đang loay hoay ráp lại máy đèn; Riêng tôi tuy là dân ngành cơ khí nhưng chưa bao giờ thực thụ được làm một sĩ quan cơ khí phục vụ dưới hầm máy của một chiến hạm, kể cả thời gian tôi phục vụ trên chiếc Khu Trục Hạm Trần Hưng Đạo HQ 1 mà tôi cũng chỉ là là một sĩ quan phòng tai!
Tôi không có kinh nghiệm sửa chữa máy móc tàu nên chẳng giúp gì được, và chỉ “làng sàng” làm thợ vịn mà thôi. Đứng dưới hầm máy chỉ “tổ làm quẩn chân” người khác nên tôi leo lên boong tàu. Chuyện đã qúa lâu rồi nên tôi không còn nhớ rõ những chi tiết, con tàu chật cứng người, đi lại rất khó khăn nhưng nhờ Trời nên không có chuyện gì không hay xẩy ra, và thật là một phép lạ khi con tàu có thể hải hành được trong khi không một ai chỉ huy, và trong lúc tâm trạng ai ai cũng hốt hoảng và lo sợ, người nào biết gì hay thấy gì thì hô lên và mọi việc gần như thật là ăn khớp. Tôi cũng nhớ là có thấy một người Mỹ trên tàu, và khi tàu Mỹ qua đón người này ở gần Côn Sơn thì họ có chuyển cho chúng tôi một thùng táo.
Tôi chuyển qua một chiếc Tuần Dương Hạm, nhưng không có nhớ rõ lắm là số mấy, có lẽ là chiếc HQ-6.

3.) HQ Trung Úy Lâm Ngọc Cục, sĩ quan cơ hữu Hộ Tống Hạm Kỳ Hòa HQ-09

Sau khi tốt nghiệp trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang, tôi đã được thuyên chuyển về Hải Đội 3 Duyên Phòng, phục vụ trên Tuần Duyên Đĩnh Lê Đình Hưng mang số HQ-708 chung với người bạn cùng khóa là anh Ngô Văn Vũ. Sau cùng tôi là thuyền trưởng Duyên Tốc Đỉnh PCF HQ-3825. Chúng tôi có nhiệm vụ tuần tiểu cận duyên bờ biển Việt Nam từ Phan Thiết cho đến Mũi Cà Mau. Đầu năm 1972, tôi đã được thuyên chuyển về Hạm Đội, trực thuộc Hỏa Vận Hạm HQ-475. Gần hai năm sau thì tôi được thuyên chuyển về Giang Đoàn 42 Ngăn Chận thuộc Lực Lượng Trung Ương, hoạt động tại vùng Mộc Hoá, Kiên An, Kiến Phong, Kiến Tường thuộc khu Đồng Tháp Mười. Tại đây, tôi đã gặp các bạn cùng khóa là Lư Đức Hiệp, và Trần Văn Lập. Chúng tôi có nhiệm vụ yểm trợ các đồn bót địa phương nằm dọc theo những con sông lạch trong vùng, giữ an ninh và khai thông các con kinh như kinh Nước Mặn, hay Kinh Tháng 10. Vì nằm gần biên giới Việt-Miên nên Việt Cộng nhiều như rươi. Nhiều khi giang đỉnh đậu lại để nhân viên đi chợ lâu quá mười lăm phút là chúng đã chấm xong tọa độ và pháo kích liền. Mìn trôi, đóng chốt, hay bắn sẻ trong vùng hoạt động của giang đoàn Ngăn Chận là chuyện thường như cơm bữa.
Sau khóa học Tham Mưu Trung Cấp vào đầu năm 1975 tại Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Sài Gòn, tôi được thuyên chuyển về Hạm Đội, trực thuộc Hộ Tống Hạm Kỳ Hoà HQ-09 dưới quyền Hạm trưởng HQ Thiếu Tá Hoàng Đình Báu (K.11). Tháng 4 năm 1975, sau những tháng công tác dài hạn HQ-09 đang ở trong giai đoạn được đại kỳ, nằm ở bên trong Hải Quân Công Xưởng. Ngày 29 tháng 4 năm 1975 tôi về nhà ăn cơm với gia đình, và ở lại nhà hú hí với đứa con mới hai tháng tuổi. Sáng ngày 30, trên đường vào đơn vị tôi đã gặp người bạn cùng khóa là bạn Nghiêm Xuân Chương. Chúng tôi rủ nhau vào quán ngồi uống cà phê trước khi vào đơn vị.
Khoảng 10 giờ sáng, Hạm trưởng cầm chiếc radio transistor ra mở lớn cho mọi người cùng nghe lệnh buông súng đầu hàng của Tổng Thống Dương Văn Minh trên đài phát thanh! Tôi bàng hoàng và hụt hẫng khi nghe tin này. Tôi là dân di cư, tỵ nạn Công Sản, đã chạy từ ngoài Bắc vào Nam năm 1954 nên đã biết thế nào là nếp sống khốn khổ của người dân dưới cái ách của chế độ Cộng Sản.
Tôi hết sức là hoang mang, không biết mình phải làm những gì! Đi về thì không biết là có về được đến nhà hay không? Sau cùng tôi định chạy đi kiếm thử coi còn chiếc tàu lớn nào có thể ra đi được hay không? Hộ Tống Hạm Kỳ Hòa HQ-09 nằm ở vị trí số 1, sát chân cầu E. Tôi gặp người bạn cùng khóa là bạn Cao Thế Hùng đang trên cầu tầu E. Anh nói: “Tao đang sửa tàu tao, chiếc HQ-402 đó.” Chiếc Hải Vận Hạm Lam Giang HQ-402 này cùng nằm ở cầu E nên tôi vội nói, “mày chờ cho tao đi với, tao về chở gia đình đến.” Anh trả lời “mày về mau mau lên, tao sửa xong là đi ngay.” Tôi chạy vội về nhà thưa với ba tôi. Ba tôi nói,” Con phải nhất quyết ra đi, không thôi chúng sẽ giết con. Con còn trẻ, cha đã già rồi nên không cần nữa.” Tôi chuẩn bị ra đi với vợ con và một đứa em, và chúng tôi tạt ngang qua nhà bên bà xã tôi trước khi chạy vào Hải Quân Công Xưởng. Khi chạy đến cầu E, người ta đã lên đầy trên chiếc HQ-402, và lúc đó là khoảng quá trưa ngày 30 tháng 4. Bạn Cao Thế Hùng và một số người nữa đang loay hoay lắp ráp dưới hầm máy. Mọi người sốt ruột, nhưng cương quyết ở lại.
Khoảng gần 2 giờ chiều thì máy chánh có thể khởi động được. Hạm trưởng, hạm phó và những sĩ quan hải hành của HQ-402 đều đã không có mặt, nhưng tôi nghĩ là chúng tôi có đầy đủ tự tin để có thể đưa được chiến hạm tách bến và ra khơi qua những kinh nghiệm cá nhân của chúng tôi và của riêng tôi khi đi hải đội, và phục vụ gần hai năm dưới chiếc hỏa vận hạm HQ-475. Chúng tôi yêu cầu những nhân viên HQ ngành vận chuyển hay giám lộ có kinh nghiệm đi biển lên phòng lái và đài chỉ huy để phụ giúp chúng tôi. Tôi biết trên tàu có ông anh rể của người bạn cùng khóa là một thiếu tá truyền tin nên yêu cầu ông lên phòng truyền tin để bắt máy truyền tin cố liên lạc với những chiến hạm khác. Tôi bắt ống nhòm nhìn thấy xe tăng T-54 của VC đã hiện diện ở khu công trường bến Bạch Đằng. Nằm ngoài chiếc HQ-402 còn một chiếc chiến hạm bất khiển dụng nữa là chiếc hỏa vận hạm HQ-475. Chúng tôi yêu cầu cho chặt dây để thả trôi chiếc này. Mọi người đều xuống hết dưới hầm, không đứng lố nhố bên thành tàu. Tình thế lúc này hết sức là căng thẳng, mấy chiếc xe tăng của VC có thể xả súng bắn chúng tôi khi tàu chạy ngang qua trước cửa Bộ Tư Lệnh. Chúng tôi cho kéo cờ hàng bằng một miếng vải trắng.
Tàu nằm quay hướng hạ lưu, chúng tôi cho chặt tháo dây mũi, mũi tàu từ từ tách bến, và cho chặt đứt dây lái. Máy tiến một, tay lái trái năm để ra giữa dòng. Tay lái điện bất khiển dụng nên lệnh được truyền bằng miệng từ đài chỉ huy xuống đến phòng lái tay tận cuối chiến hạm cũng mất một thời gian khá dài. Bọn VC trên mấy chiếc xe tăng nằm ở công trường bến Bạch Đằng không biết hướng nào là hướng đi ra biển hay hướng nào là hướng từ biển quay về bến, và ý định đào thoát của chúng tôi nên cũng đỡ cho tàu chúng tôi đã không bị chúng làm khó dễ. Cứ như thế chiếc Hải Vận Hạm Lam Giang HQ-402 hết lạng qua bên trái rồi lạng qua phía bên phải để “lết” ra đến ngã ba Nhà Bè. Trên sông Sài Gòn, nhiều ghe thấy chúng tôi chạy qua đã túa ra xin leo lên. Tàu chúng tôi tuy chạy chậm nhưng không đón được những người trên ghe, vì không dám ngưng và thành tàu qúa cao nên rất nguy hiểm và thật khó khăn cho họ leo đu dây lên. Chúng tôi gặp chiếc Tuần Duyên Hạm Tiên Mới HQ-601 đang từ ngoài biển chạy vào. Họ cho biết sông Lòng Tào đã bị VC đóng nhiều chốt dọc bờ sông, nên chúng tôi quyết định theo sông Soài Rạp đi ra biển. Một số giang đỉnh và duyên tốc đỉnh từ căn cứ Nhà Bè, và Cát Lái chạy ra cặp vào để mọi người leo lên. Ra tới biển khơi, tàu không còn khả năng hải hành và chở qúa đông người nên đã được lệnh bỏ tàu; Chúng tôi đã được chuyển qua chiếc Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt HQ-16, và một số người khác đã được chuyển qua những chiến hạm khác.

4.) HQ Trung Úy Hồ Ngọc Diệp

Tôi đang theo học ngành Công Binh được khoảng hai năm thì gặp ngày 30 tháng 4. Gia đình tôi có quen với thuyền trưởng chiếc Việt Nam Thương Tín, và chúng tôi có được lời hứa là có chỗ trên tàu. Sáng sớm ngày 30 tháng 4 chúng tôi nằm chờ trên chiếc VNTT thả neo nằm trước kho Năm, nhưng không thấy ai vào, và tàu không thấy nhúc nhích nên chúng tôi bỏ tàu và chạy bộ về nhà. Tình hình nguy ngập, gia đình tôi và có cả mấy người hàng xóm chạy theo vào bến Bạch Đằng tìm tàu ra đi. Cuối cùng chúng tôi leo lên chiếc HQ 402. Gặp n/t K19 Tùng và anh bạn cùng khoá Lưu An Huê trên đài chỉ huy.
Tàu mới tách bến thì đã một chút xíu nữa là đâm vào mấy dãy nhà sàn phía bên kia Thủ Thiêm, và cuối cùng chúng tôi cũng ra được đến khu Nhà Bè. Đại tá Dõng và phó Đề đốc Nghiêm Văn Phú (bị thương nhẹ ở ngón tay) lên tàu từ chỗ này, từ đó chúng tôi mới thực sự có người chỉ huy con tàu.

5.) HQ Trung Úy Lưu An Huê:

Sau khi rời Dương Vận Hạm Thị Nại HQ-502, tôi được đi học khóa Trung cấp Tiếp vận tại căn cứ Long Bình, và về làm việc tại BCH/TV/HQ (Khối Quân-nhu/Quân-cụ/Truyền tin). Tôi có nhiệm vụ trong toán FAST-Team đi thanh tra các căn cứ Tiếp vận/HQ, các đài kiểm báo … Chiều ngày 29 tháng 4 năm 1974, tôi gặp người đàn anh K.19, Nguyễn Huy Chương, CHP/Trung tâm Điện toán HQ, cho biết là khoảng 8 giờ tối thì các chiến hạm của HQ sẽ rời bến.
Tôi chạy về kéo gia đình chạy vào cổng Bộ Tư Lệnh HQ khoảng 6 giờ chiều, người dân bu đông nghẹt ngoài hàng rào phòng thủ và như muốn tràn vào, lính canh phải bắn chỉ thiên để cố giữ trật tự. Bà xã tôi bất ngờ bị trúng phải miếng miểng gì không biết, bị chảy máu sơ sơ nên bỏ đi về. Tôi chợt thấy HQ Trung úy Quân Cảnh Phạm Công Hoàng, người bạn cùng khóa, đang từ hướng BTL đi ra nên mừng quá kêu anh bạn giúp cho gia đình tôi được đi vào. Tôi dẫn mấy người em ruột và em vợ leo lên chiếc HQ-6, còn tôi thì quay về nhà với vợ con.
Ngày 30 tháng 4 khoảng 10 giờ sáng, tôi đi vào văn phòng nằm ngay gần cầu E để lấy đồ, thấy người ta đang đứng lố nhố bên phía cầu tàu E và leo lên HQ-402; Tôi tạt ngang leo lên tàu và gặp một anh bạn cùng khóa là HQ Trung úy Nguyễn Văn Thước. Thước dẫn tôi vào gặp một ông linh mục và giới thiệu “Trung úy Huê là người sẽ lái tàu đi!”, rồi tôi chạy về đón vợ con và hẹn khoảng 1 giờ sẽ trở lại. Trên đường trở lại HQCX, chạy đến đường Thống Nhất thì đã thấy xe tăng VC đang chạy về hướng Dinh Độc Lập. Gia đình chúng tôi gồm khoảng 16 người chạy vào Hải Quân Công Xưởng thẳng tới cầu E vì các trạm gác đã bị bỏ hoang.
Chúng tôi vừa chạy lên tàu thì tàu đang cho chặt dây. Đứa em họ tôi luống cuống chút xíu nữa thì rớt khỏi cầu tàu, nhưng may qúa chụp kịp lan can và leo lên kịp thời. Anh bạn cùng khóa HQ Trung úy CK Cao Thế Hùng, cơ khí trưởng HQ 402, lo phần hầm máy, anh bạn cùng khóa HQ Trung úy Nguyễn Văn Thước lo hầm lái tay, và có n/t K.19 Tùng lo phần truyền lệnh miệng từ đài chỉ huy xuống tới hầm lái tay. Chúng tôi cho các ổ súng lên đạn nhưng được bao che lại như không có gì vì đã thấy chiến xa địch ở ngoài công viên Bạch Đằng. Chúng tôi cho chặt dây thả chiếc hoả vận hạm bất khiển dụng HQ-475 đang đậu ở vị trí 2 trôi đi, và HQ-402 được chặt dây để tách bến. Khi bắt đầu vì lệnh lạc từ đài chỉ huy xuống đến phòng lái tay chưa được ăn khớp nên tàu đã một chút xíu nữa là ủi xập mấy dãy nhà sàn nằm ở phía bên kia bến đò Thủ Thiêm.

Cứ như thế, tàu chúng tôi đã từ từ lết ra đến Nhà Bè, vì tàu chạy chậm nên có nhiều ghe hay giang đỉnh cặp vào, và người ta leo lên. Chúng tôi theo sông Soài Rạp vì đã gặp chiếc PGM HQ-601 đang trên đường quay trở lại Sài Gòn cho biết là sông Lòng Tào đã bị Việt Cộng đóng chốt nhiều nơi, và chiếc Việt Nam Thương Tín đã bị bắn B 40. Khoảng 5 giờ chiều thấy nhiều chiến đỉnh của Hải Quân từ trong sông Vàm Cỏ chạy túa ra cặp vào tàu, trong số người lên tàu có HQ Đại tá Lê Hữu Dõng (CHT/Lực Lượng Đặc Nhiệm 99) và cũng có một số quân nhân Bộ Binh. Tàu chạy với vận tốc chậm để tiếp tục tiếp đón các giang đỉnh, trong số những người lên tàu có Phó Đề đốc Nghiêm Văn Phú (TL/Lực Lượng Tuần Thám.)
Trước khi HQ Đại tá Lê Hữu Dõng lên tàu và nắm quyền chỉ huy thì anh em chúng tôi đã chung sức nhau lèo lái con tàu, không ai chỉ huy ai và cũng không ai ra lệnh cho ai, mạnh ai thấy làm được chuyện gì thì làm ngoại trừ hai anh Cơ Khí Trưởng Cao Thế Hùng lo về hầm máy, và anh Nguyễn Văn Thước lo về hầm lái tay. Họ là những sĩ quan cơ hữu của chiến hạm, là những người quen thuộc với chiến hạm và biết được việc của mình làm và phải làm, còn ngoài ra chúng tôi đều là những người không phải nhân viên cơ hữu của chiến hạm, không quen thuộc với việc lèo lái con tàu này. Nhưng nhờ Trời con tàu HQ 402 đã thoát ra được khỏi Sài Gòn vào giờ thứ 25 của cuộc chiến, đem theo được cả hơn hai ngàn người, và sau khi Cộng quân đã làm chủ được mọi nơi, mọi chốn. Xin cám ơn Trời Phật đã phò hộ cho chúng tôi, cho con tàu khốn khó HQ-402 đã ra đi được khỏi Sài Gòn và tập trung được lại với Hạm Đội Việt Nam ngoài Côn Sơn. Tôi cũng xin cám ơn đến Thượng sĩ Huy, Quản Nội Trưởng của HQ-502 và tất cả những anh em Hải Quân mà tôi đã biết đến tên hay chưa được biết tên đã sát cánh cùng với chúng tôi trong chuyến ra khơi sau cùng này của chiếc HQ-402.

6.) HQ Trung Úy CK Cao Thế Hùng, Cơ Khí Trưởng Hải Vận Hạm Lam Giang HQ-402

Sau khi tốt nghiệp Khóa 20 Sĩ Quan Hải Quân/Nha Trang, tôi đã được tân đáo về Trợ Chiến Hạm Linh Kiếm HQ-226. Được ít lâu sau thì chiến hạm đã bị VC đánh mìn chìm ở sông Cổ Chiên. Tôi được chuyển về liên giang đoàn 21/33 Xung Phong đóng ở Đồng Tâm - Mỹ Tho, và làm trưởng khối Tiếp Vận cho chiến dịch Trần Hưng Đạo 40. Được gần hai năm, tôi xin đi học Tham Mưu Trung Cấp tại Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Sài Gòn. Sau khi mãn khóa Tham Mưu Trung Cấp vào khoảng cuối năm 1973 hay đầu năm 1974 mà tôi không nhớ chắc lắm, tôi đã được thuyên chuyển về Hải Vận Hạm Lam Giang HQ-402.
Vào khoảng cuối năm 1974 và đầu năm 1975, tình hình chiến sự thật sôi động. Mặc dù tình trạng chiến hạm rất bết bát vì đã quá hạn để được lên đại kỳ, nhưng Hải Vận Hạm Lam Giang, HQ-402, vẫn được chỉ định liên tiếp thi hành những công tác hoạt động tiếp tế miền Trung. Tháng 3 năm 1975, chiến hạm được lệnh đón những đơn vị TQLC từ Đà Nẵng chở về Cam Ranh để tái phối trí, và rồi lại từ Cam Ranh về trại Chí Linh ở Vũng Tàu trước khi tàu được về Sài Gòn để vào đại kỳ tại Hải Quân Công Xưởng. Chiến hạm đang ở trong tình trạng bất khiển dụng, nằm ở vị trí số 1 tại cầu E, bên trong khuôn viên Hải Quân Công Xưởng. Đêm 29 tháng 4 năm 1975, các chiến hạm Hải Quân được lệnh di tản ra Côn Sơn, tôi chạy về nhà nằm trong cư xá Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia để đón gia đình chạy vào bến Bạch Đằng. Nhưng gia đình tôi đã di tản đi đâu không biết, và không còn một ai chỉ trừ có mỗi một mình bà Ngoại tôi ở lại giữ nhà. Vì tàu bất khiển dụng, nên hầu như mọi người đã bỏ tàu đi di tản theo những tàu khác trong đêm 29, nên đến sáng ngày 30 khi trở lại tàu thì chỉ còn lại một mình tôi và hai hay ba người đoàn viên.
Sau khi ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên làn sóng phát thanh thì tôi rất chán nản và hụt hẫng. Tôi cho tập họp nhân viên cơ hữu thì chỉ thấy còn lại có ba đoàn viên tiếp vụ vì nhà ở xa nên đã ở lại tàu. Tôi cho lệnh tan hàng và bỏ tàu lên bờ, thấy có chiếc xe díp (jeep) của một ai đã bỏ lại, có cả chùm chìa khóa, và còn đầy xăng. Tôi định lấy xe chạy về Cai Lậy để sống vì ba má tôi có một thửa đất ở đây. Chạy ngang Bộ Tư Lệnh Hải Quân thì thấy người bạn cùng khóa là Nguyễn Hữu Thiện hớt hơ hớt hải chận tôi lại nói chuyện. Nghe bàn thấy có lý và nghe bùi tai, nên tôi đã đồng ý quay trở lại tàu để ráng sửa chữa xem coi tàu có thể nổ máy và đào thoát được không? Phần máy chánh thì vẫn còn hoạt động được, nhưng phần điện cơ thì đã tháo ra để chuẩn bị đưa lên HQCX! Bạn Nguyễn Hữu Thiện và tôi hì hục, loay hoay lắp ráp lại hệ thống điện để chạy máy. Đến khoảng 12 giờ hơn thì lắp ráp xong phần máy điện, nhưng máy cũng không chạy được! Lúc này người ta đã leo lên tàu đen nghẹt, tôi nhìn mọi người mà thấy thất thần và thật thất vọng. Trong đám đông tôi đã gặp lại cha Huynh, giám đốc trường trung học tư thục Hưng Đạo ở Sài Gòn, và cha đã dạy tôi môn triết học ở lớp Đệ Nhất. Tôi đã trình bày với cha là tình trạng tàu hư hỏng không thể sửa được nữa, xin cha hãy lấy cái uy tín của cha ra để khuyên bảo mọi người ra về trước khi Cộng Sản ập vào. Sau khi hội ý với nhiều người, cha Huynh đã tìm gặp tôi, và nói với tôi là hãy cứ ráng cố tâm sửa chữa cho con tàu, còn nếu có chết thì mọi người sẽ cùng đồng tâm chết chung với con tàu chứ không chịu bỏ đi.


Điện bờ bị cắt, con tàu nằm im lìm lặng lẽ, mọi người cũng im lặng lâm râm cầu nguyện theo tôn giáo của mình. Tôi thấy hình như trong đám đông dân chúng có cả thẩy hai vị linh mục kể cả cha Huynh, và một vị đại đức. Tôi mò xuống lại hầm máy, hầm máy tối đen như mực vì điện bờ đã bị cắt mất, tiếng dầu nhớt hay nước nhỏ giọt rơi xuống đụng sàn tàu nghe tỏng tỏng như tiếng đinh đóng vào quan tài của con tàu chết máy HQ-402. Tôi xin mọi người có đèn pin hãy gom hết lại cho chúng tôi để chiếu sáng hầm máy cho thấy đường để chúng tôi tiếp tục sửa máy tiếp. Phần điện cơ của máy chính vì chúng tôi đã ráp vội vàng khi ban sáng, và vì không có những bộ phận để điều chỉnh sự cân bằng cho chuẩn xác nên tôi đã phải tháo ra và ráp lại. Lần này tôi hết sức chú tâm, và làm thật từ từ. Một số những thanh niên hay quân nhân trên tàu đã mò xuống để phụ giúp. Họ đã theo lệnh của tôi để nhích máy điện cơ qua, nhích lại và cho tôi điều chỉnh trục quay được ngay hàng. Chúng tôi làm trong ánh sáng lấp loáng của những chiếc đèn pin. Xong phần máy điện cơ, chúng tôi còn cần thêm những bình điện để chạy máy ép gió cho việc khởi động máy chánh. Một số thanh niên khoẻ mạnh đã được biệt phái theo tôi chạy lên kho điện khí của HQCX để khiêng về 12 bình điện còn tốt. Chúng tôi cũng rất ngạc nhiên là đã hơn hai giờ chiều rồi mà chưa thấy bóng dáng của một thằng VC nào trong HQCX hết? Tôi khởi động máy chánh thử coi, máy nổ được nhưng dầu nhớt xịt ra văng tùm lum tùm la từ những ống dẫn dầu! Tôi tắt máy, và nhờ anh em lấy vải cuốn chặt vào những khúc nối của ống dẫn dầu và ống nhớt đã bị xì, bị chẩy. Lần này nổ máy thì máy chạy êm, và dầu nhớt không còn bị xịt ra tung toé như trước nữa.
Tôi chạy lên báo tin cho mọi người và đài chỉ huy là tàu đã có thể chạy được, nhưng mọi người cũng đã chẳng cần tôi báo tin, và họ đã hớn hở và tươi tỉnh ngay từ khi thấy máy tàu nổ. Ngay lúc này thì các bạn cùng khóa như Lưu An Huê, Nguyễn Văn Thước và Nguyễn Hữu Thiện cũng đã trở lại tàu, và một số bạn khác mà tôi đã không nhớ. Bạn Nguyễn Văn Thước là sĩ quan cơ hữu ngành chỉ huy của chiến hạm, HQ-402. Bạn Thước sau khi đưa gia đình về khu phòng ngủ sĩ quan thì xuống chỉ huy phòng lái tay vì bạn biết là tay lái điện của tàu đã bất khiển dụng, và chỉ còn một cách cho con tàu xoay chuyển là phải lái bằng tay. Bạn Nguyễn Hữu Thiện là sĩ quan cơ khí thuộc HQCX, và đã phụ cùng tôi trông nom máy tàu. Chúng tôi cho chặt dây để chiến hạm nằm ở vị trí ngoài cùng, vị trí số hai trôi đi theo dòng nước, và tháo dây. Bọn VC đã thấy xuất hiện trên bến Bạch Đằng, và chúng tôi cho treo cờ trắng lên kỳ đài để tránh sự làm phiền và nổ súng ngăn cản của chúng.
Tàu lạng qua, lạng lại trên sông Sài Gòn để đi ra hướng cửa biển vì lệnh truyền miệng từ đài chỉ huy xuống đến hầm lái tay cũng phải mất một thời gian hơi dài nên phản ứng của bánh lái rất chậm. Khoảng 3 hay 4 giờ chiều thì chiến hạm “bò” ra được đến gần ngã ba Nhà Bè thì gặp chiếc Tuần Duyên Hạm Tiên Mới HQ-601 đang từ hướng Vũng Tàu chạy vào. Họ cho biết là đặc công VC đã đóng chốt trên sông Lòng Tào, và chiếc Việt Nam Thương Tín đã bị bắn trên dòng sông này. Rất nhiều ghe dân, và chiến đỉnh của Hải Quân đã chạy theo và cặp vào tàu để leo lên. Tàu hướng ra biển qua ngả sông Soài Rạp. Phó Đề Đốc Nghiêm Văn Phú và HQ Đại Tá Lê Hữu Dõng đã lên tàu ở khúc sông này, và nhận quyền chỉ huy chiến hạm. Ngày 1 tháng 5 năm 1975, nhìn xa xa thấy một tàu chiến của Hoa Kỳ, chiến hạm đã đánh đèn kêu cứu, nhưng họ đã không đến gần. Sáng ngày 2 tháng 5 lại thấy có một chiến hạm của Hoa Kỳ lởn vởn gần tàu chúng tôi. Một hạ sĩ quan Giám Lộ được lệnh đánh đèn để kêu cứu. Khoảng 2 tiếng đồng hồ sau thì một chiếc xuồng từ chiến hạm này chạy đến cặp vào HQ-402. Sau khi giám định tình trạng máy tàu, thì họ lắc đầu và bỏ đi, không quên đem theo một người Mỹ đã đi theo tàu ngay từ Sài Gòn. Người Mỹ này có lẽ là người Mỹ đã được anh Nguyễn Minh Lịch, SVSQ/HQ khóa 26, dẫn chạy theo khi anh đã bất ngờ gặp mặt trên một con đường gần khu Sở Thú trên đường chạy vào HQCX.
Sau này có nhiều bài viết về chuyến đi ngày 30 tháng 4 năm 1975 của Hải Vận Hạm Lam Giang và tôi, nhưng riêng tôi thì lại thích nhất bài thơ của tác giả Hồ Mộng Thiệp đăng trên một tờ báo ở Santa Rosa, California: (trích đăng) “Để tưởng nhớ ‘Dương’ Vận Hạm* 402 bị bắn chìm giữa đại dương vì lý do kỹ thuật sau khi giải thoát gần 3 ngàn đồng bào trong ngày Sài Gòn thất thủ (30-4-1975). Để tỏ lòng tri ân sâu đậm cựu Hải Quân Trung Úy CAO THẾ HÙNG, vị chỉ huy tài ba và dũng cảm”.

ĐI TÌM TỰ DO
Cố Gắng đưa người thoát hiểm nguy,
Nửa đường kiệt sức phải chia ly.
Hoàng hôn lạnh lẽo chôn thân xác
Ai cũng đau lòng, lệ ướt mi...

Anh dũng con tàu BỐN LẺ HAI,
Công ơn cứu tử khó mờ phai.
Mỗi lần nhớ cảnh lâm ly ấy,
Càng tiếc thương tàu Bốn Lẻ Hai.

Ai về nẻo thuộc Thái Bình Dương,
Tìm mộ tàu xưa giữa gió sương.
Thả xuống dùm tôi khi bóng xế,
Vòng hoa tưởng nhớ bạn đồng hương.


(Tác giả đã viết lầm là Dương Vận Hạm, HQ-402 chỉ là một Hải Vận Hạm của HQ/VNCH).

7.) HQ Trung Úy CK Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng Xưởng Đồng Hải Quân Công Xưởng

Tôi thuộc tài nguyên khóa 1 Trung Cấp, nhưng đã được hoãn và lưu giữ lại do nhu cầu công vụ. Làm trưởng xưởng Đồng trong Hải Quân Công Xưởng cho đến những ngày cuối tháng Tư năm 1975 đã cho tôi có nhiều cơ hội nắm bắt được tình hình thời cuộc một cách chính xác hơn nhiều anh em khác. Ngay từ tháng Hai, tôi đã được lệnh cho hai chiếc tạm trú nổi (HQ-9650 và HQ-9651) lên ụ để kiểm tra tình trạng vỏ tàu, và sửa chữa nếu cần. Theo như tin hành lang thì hai chiếc tạm trú nổi này sau khi sửa xong sẽ được kéo ra Vũng Tàu để làm bộ chỉ huy lưu động cũng như nơi tạm trú của gia đình các sĩ quan cao cấp (?) Nhưng khi hai chiếc tạm trú nổi được kéo lên ụ thì tình trạng vỏ tàu đã quá sức tồi tệ, nên chiếc Dương Vận Hạm Cam Ranh HQ-500 được chỉ định thay thế, ngoài ra chiếc HQ-500 còn được thiết trí thêm đường ống dẫn dầu từ một hầm dầu lên sân thượng để có thể trực tiếp tiếp tế xăng cho trực thăng khi cần. Nhưng sau đó thì có thể vì những lý do bảo mật bị hở nên lại được thay thế bằng chiếc Cơ Xưởng Hạm Cần Thơ HQ-801 hoặc Vĩnh Long HQ-802 mà tôi không nhớ rõ! Trung tuần tháng Tư năm 1974 có hai chiếc hải vận hạm của Đại Hàn cập bến Tân Cảng, nhưng một trong hai chiếc bị hư bơm nước biển nên đã xin Bộ Quốc Phòng cho nhân viên HQCX qua thay. Vì tàu cũng đã cũ nên ngoài bơm nước biển thì đường ống còn bị bể vỡ tùm lum, nhưng không có lệnh công tác ngoài bơm nước biển nên tôi phải qua giám định tình hình. Nói chuyện với cơ khí trưởng người Đại Hàn, tôi được biết là hai chiếc tàu này có nhiệm vụ vào đón Hàn kiều và gia đình ra khỏi Việt Nam trước ngày 25 tháng Tư. Tôi móc nối và xin phép cho gia đình tôi được đi theo chiến hạm Đại Hàn này, và hạm trưởng đã đồng ý cấp giấy phép cho gia đình tôi đi theo. Tới ngày hẹn, gia đình tôi kéo đến nhưng lại bị những người lính gác cổng Tân Cảng chận lại, không cho vào mặc dù đã có giấy phép lên tàu của hạm trưởng người Đại Hàn, nhưng vì lệnh từ Tổng Thống Trần Văn Hương nên không lay chuyển được. Gia đình tôi đành phải quay về để chờ đến ngày hôm sau vậy. Nhưng sáng ngày hôm sau trở lại thì hai chiến hạm Đại Hàn đã rời bến từ hồi đêm. Ngày 25 hay 26 tháng Tư, Đại tá Lịch, Chỉ huy trưởng HQCX, cho phép các sĩ quan phục vụ dưới quyền đưa gia đình vào trú ngụ trong phòng ngủ của mình trong HQCX. Bà xã tôi đang ốm nghén, và ngày 27 hay 28 tháng Tư, VC pháo kích và đạn rơi gần khu Hải Quân nên chúng tôi ngần ngại, nên đã không vào tạm trú trong HQCX! Ngày 29 tháng Tư, khoảng 3 giờ chiều tôi chạy về đón gia đình vì thấy có một số gia đình quân nhân HQ cao cấp tay xách nách mang đi vào tạm trú tại những căn nhà phía trong vòng rào HQCX. Mặc dù tôi mang trong tay một Sự Vụ Lệnh đặc biệt được đi ra đi vào 24/24, nhưng Quân Cảnh 201 ở đầu đường Cường Để đã không cho bất kỳ một ai xuất trại! Tôi vội mượn điện thoại và gọi cho một SQ Quân Cảnh quen biết để yêu cầu cho tôi xuất trại, và tôi chạy vội về nhà để đón vợ con. Trên đường về nhà, tôi có ghé qua nhà ba tôi nằm trên đường Công Lý để báo tin. Nhưng khi về đến nhà tôi ở đường Trương Minh Giảng, và đang chất đồ lên xe thì có người em trai tôi đạp xe đạp qua nói “anh chị đi trước rồi sáng ngày mai về đón gia đình đi.” Tôi đâm ra bối rối và thối chí, lại gặp thêm được một anh bạn cũng là SQHQ ở gần nhà và cùng làm việc ở trong HQCX bàn ra, và nhất là anh bạn này đã từng đi du học tại Hoa Kỳ! Bà xã tôi lại lên cơn ốm nghén, nên chúng tôi đành ở lại nhà, và chờ coi đến ngày mai xem sao. Sáng sớm ngày 30 tháng Tư, có ông thiếu tá Thiết Giáp ở gần nhà hốt hoảng gõ cửa và nói “giờ này mà ông còn ngủ hả? Nghe nói tàu HQ chạy hết rồi!” Tôi bảo nhà tôi “em ở nhà lo chuẩn bị, anh chạy vào sở coi tình hình ra sao?” Tôi chạy tạt ngang nhà ba tôi. Tôi chở thêm hai đứa em trai, và ba tôi đèo thêm thằng út chạy đến bến Bạch Đằng. Trên đường đi đã thấy lốm đốm tụi Ba Mươi tháng Tư với băng xanh băng đỏ đeo trên cánh tay. Quân cảnh tại cổng công trường Mê Linh không cho vào dù tôi có năn nỉ cách mấy! Sau cùng ba tôi phải chở thằng út đi về, còn tôi phải nói với ông hạ sĩ quan Quân Cảnh là nếu không cho tôi vào thì phải ký vào giấy SVL của tôi vì hôm nay là ngày tôi trực. Cuối cùng thì họ cũng cho cả ba anh em tôi vào. Khi đi ngang qua cổng Bộ Tư Lệnh thì thấy anh bạn cùng khóa Cao Thế Hùng lái xe díp chạy ngang. Tôi chận lại hỏi “mầy đi đâu vậy?” Hùng trả lời là “Tao đi về Cai Lậy với ông già bà già!” Tôi vội nói “mầy mang lon lá vàng choé và chạy xe díp ra khỏi Sài Gòn là bọn chúng đã bắn mầy chết trước khi về tới Cai Lậy rồi. Sao mầy không đi?” Hùng trả lời là “tàu tao bị bất khiển dụng!” Tôi hỏi cho qua chuyện:” tàu mầy hư làm sao?” Hùng chán nản nói “máy chánh thì phần cơ vẫn còn nhưng phần điện thì không!” Tôi thấy lóe lên tia hy vọng vì máy chánh vẫn còn khiển dụng, vội rủ Hùng quay trở lại tàu xem coi có thể làm được gì vì máy chánh vẫn còn. Trước khi về làm việc tại HQCX thì tôi đã là cơ khí trưởng của chiếc LSSL Trợ Chiến Hạm Nguyễn Ngọc Long HQ-230.

Khi trở lại chiếc HQ-402 thì nhân viên chỉ còn lại chừng ba người đang hì hục mở khóa cái két sắt để lấy tiền, nhưng két sắt đã không còn đồng nào nữa! Tôi bảo hai đứa em trai vào phòng ngủ sĩ quan chờ tôi rồi theo Hùng xuống hầm máy. Chúng tôi hì hục ráp phần điện cơ của của chiếc máy điện GM-671 vào, chỉ có 10 con ốc, và những ống dầu nhớt để làm nguội máy. Khoảng 12 giờ hơn thì ráp xong nhưng đề máy không nổ, không có điện để chạy máy chánh! Có lẽ vì chúng tôi không có đủ đồ nghề nên đã không ráp phần điện được chuẩn xác, hoặc ống dẫn dầu có hơi hay bị hở! Tôi chạy vội lên xưởng cơ khí trên HQCX, kiếm mấy cái joints về để thay khi gỡ mấy ống dầu ra làm lại. Nhà đèn Chợ Quán cắt mất điện, hầm máy tàu tối thui không thấy đường! Thất vọng tôi và hai người em leo lên bờ, gặp anh bạn cùng khóa là Hồ Ngọc Diệp. Diệp hỏi tôi là “làm sao mà đi xuống? Mọi tàu đang tập trung ngoài Côn Sơn.” Tôi nói tàu hư sửa không được! Chúng tôi cùng chạy ra ngoài Câu Lạc Bộ nổi để hy vọng sẽ tìm được một chiếc PCF nào còn có thể chạy được hay không? Giang đỉnh và tiểu đỉnh đủ loại cặp tùm lum vào CLB nổi. Có một chiếc PCF vẫn còn nổ máy nhưng không chạy được! Chiếc xe gắn máy của tôi đậu trên bờ đang bị mấy người “hôi của” tìm cách nổ máy. Bạn Hồ Ngọc Diệp lấy trên chiến đỉnh một cây M-16 “lia” một tràng lên trời trước khi chĩa mũi súng về phía mấy đứa hôi của trên bờ, làm cho bọn nó bỏ đi. Tôi dẫn hai người em tìm đường qua bên trại Cửu Long. Trên đường gặp người bạn cùng khóa Trần Tuấn Đức ở Sở Thủy Đạo. Tôi gửi lại hai đứa em để chạy về phòng thay đồ dân sự. Chiếc xe gắn máy của tôi lại dở chứng không nổ máy! Tôi phá cửa kho, lấy ra mấy chiếc xe đạp của HQCX. Anh em chúng tôi đạp xe ra đến đầu đường Cường Để thì thấy vọng gác đã bị bỏ trống. Xa xa đã thấy xe tăng treo cờ VC nằm ở khu trường mấy bà phước. Tôi đứng lại và vẫy tay cho mấy đứa em tiếp tục đạp xe đi. Tôi đứng chết trân hồi hộp nhìn mấy đứa em đạp xe từ từ đi qua mấy chiếc xe tăng. Tôi thẫn thờ đạp xe quay trở lại cầu E, leo xuống chiếc HQ-402, và khi ấy hình như đã được bạn Cao Thế Hùng sửa xong. Tôi phụ giúp bạn Cao Thế Hùng lo châm dầu, và lui cui sửa chiếc máy điện. Máy phát điện GM 6-71 là một máy phát điện nhỏ nên chúng tôi phải giảm thiểu tối đa việc sử dụng đèn trên tàu. (Đệ, có một vài đoạn ở dưới hầm máy không được chính xác cho lắm! Tao sẽ sửa lại, nhưng sau 36 năm rồi thì tao nghĩ chắc cũng chẳng cần thiết lắm để tìm hiểu thêm. Tao nghĩ đó là một chuyến tàu định mệnh, một chiếc tàu đã chết nhưng vẫn còn có thể hải hành với một giò, không tay lái điện, với một máy điện GM 6-71 được sửa chữa tạm thời vá víu và chỉ phát đủ một công xuất tối đa là 20 kW. Ngồi dưới hầm máy trong lúc hải hành tao chỉ cầu mong có một điều là “lạy Trời đừng cho cái máy điện này chết máy”, bằng không chiếc tàu sẽ lình bình trên biển cả với bao nhiêu sinh mạng mà họ chẳng hiểu cái sự nguy hiểm này. Đúng là điếc không sợ súng mà hóa ra lại là hay; Đúng là số mệnh của mọi người đã gắn liền với định mệnh của một con tàu HQ-402. Cám ơn mày nhiều; Nguyễn Hữu Thiện)

8.) HQ Trung Úy Nguyễn Văn Thước: Sĩ quan cơ hữu Hải Vận Hạm Lam Giang HQ-402.

Sau ba mươi bẩy năm xa quê hương, nay xin cùng các bạn hồi tưởng lại ngày chúng tôi rời Việt Nam ngày 30 tháng 4 năm 1975 trên con tàu mang tên Hải Vận Hạm Lam Giang HQ-402.
Cuối năm 1974, tôi được thuyên chuyển về Hạm Đội, Hải Vận Hạm Lam Giang HQ-402. Sau những chuyến công tác Đà Nẵng vào dịp Giáng Sinh năm 1974, và chuyến công tác Năm Căn vào chiều ngày 28 Tết Âm Lịch đầu năm 1975, chiến hạm HQ-402 còn thêm một chuyến công tác ra Đà Nẵng vào khoảng gần cuối tháng 3 năm 1975. Trong chuyến công tác ra Đà Nẵng lần cuối cùng này, chiến hạm đã di tản Thủy Quân Lục Chiến ở bãi biển Sơn Trà nằm ở phía Nam Đà Nẵng về Cam Ranh. Trong lần đầu ủi bãi, nước cạn nên tàu đã không vào sát bờ được, và mọi người đã phải lội ra tàu, trong số đó có cả tướng Ngô Quang Trưởng. Sau đó tàu đã ra khơi để chuyển người qua chiếc Hải Vận Hạm Hương Giang HQ-404 nằm ngoài khơi vì cửa đổ bộ của HQ-404 đã không thể mở được. Sau đó HQ-402 lại trở vào ủi bãi lần thứ hai để đón tiếp TQLC. VC từ trên núi pháo kích xuống bờ biển ồ ạt, đạn rơi lõm bõm chung quanh chiến hạm, nên chỉ vớt được một số quân TQLC bơi ra gần được chiến hạm thì đành phải rút lùi ra, và không dám ở lại để đón tiếp. Chiến hạm vận chuyển về đến Cam Ranh để đổ quân TQLC xuống. Sáng ngày hôm sau lại có lệnh cho chiến hạm ra đón gia đình Hải Quân thuộc Trung Tâm Huấn Luyện HQ Nha Trang về Sài Gòn. Từ Sài Gòn HQ-402 đã được lệnh công tác tiếp tế các đơn vị ngoài hải đảo vùng Trường Sa. Chuyến này thì tôi bị trễ tàu nên đã không có dịp theo chuyến hải hành, nhưng khi tàu mới ra tới Vũng Tàu thì máy móc lại bị hư nên đã được quay trở về Sài Gòn để vào đại kỳ.
Sáng ngày 28 tôi đi bờ về nhà ở vùng Xóm Mới, Gò Vấp để ăn cơm trưa, và bị kẹt lại luôn ở lại nhà vào đêm 28 tháng 4. Sáng sớm ngày 29, VC đào hố chôn súng cối ngay trước cửa nhà chúng tôi. Tờ mờ sáng, ba tôi đã đánh thức cả nhà dậy để đi lánh nạn. “Dắt díu” nhau, chúng tôi ra đến gần nhà thờ Xóm Mới thì bị đám Nhân Dân Tự Vệ súng ống lăm lăm, quát tháo: ”Giờ này mà còn đi đâu?” Chúng tôi chạy vào trong sân nhà thờ trú ẩn. Sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, sau lời kêu gọi quân nhân đi trình diện của tướng Minh trên đài phát thanh, tôi từ giã gia đình ra đi trình diện. Vì không có xe nên tôi ghé qua nhà anh bạn cùng khóa Nguyễn Văn Chừng, cũng ở gần nhà để mong qúa giang đi vào đơn vị. Nhưng nhà kế bên đã cho biết là cả gia đình bạn Nguyễn Văn Chừng đã đi từ hồi đêm. Tôi chắc mẩm là mình chỉ còn lại một con đường là ra đi trình diện mà thôi!
Từ nhà bạn Nguyễn Văn Chừng, tôi đã phải cuốc bộ ra đến bến xe lam và xe buýt gần nhà, nhưng bãi vắng hoe, và không còn một chiếc xe nào đón khách nữa! Tôi đã phải tiếp tục đi bộ ra đến tận Tổng Y Viện Cộng Hoà mới đón được chiếc xe Honda ôm chở tới ngã ba đường Cường Để và Hùng Vương. Tôi đi bộ vào chiến hạm, Hải Vận Hạm Lam Giang HQ-402 đang đậu ở cầu E, bên trong Hải Quân Công Xưởng. Khi đến nơi, một số nhân viên cơ hữu của chiến hạm còn lại đã cho tôi biết là Hạm trưởng đã ra đi hồi đêm. Mọi người đã yêu cầu tôi xuống phòng hạm trưởng, lấy qũy còn lại để chia cho anh em lấy làm lộ phí đi về. Sau khi chia đều ra, mỗi người còn lại được $6500. Vào lúc này, những vị trí canh gác Hải Quân tại cổng trên đường Cường Để vẫn còn nghiêm chỉnh và chặt chẽ.
Cơ khí trưởng chiến hạm cũng là một người cùng khoá với tôi, bạn Cao Thế Hùng. Tôi lò mò leo xuống hầm máy, Hùng và một số nhân viên cơ khí đang ra sức lắp ráp lại máy tàu. Tôi hỏi Hùng “Sao, tàu có sửa được không?” Hùng lắc đầu chán nản! Đi ra ngoài, lính gác cổng không cho ra vì còn nghiêm lệnh! Tôi quay trở lại tàu, xuống phòng và thiếp ngủ được một chút. Tỉnh dậy, tôi leo lên boong tàu, gặp một anh bạn cũng ở khu Xóm Mới và thuộc khoá 21 đang chuẩn bị đi về. Hỏi tôi có đi về không? Tôi xin đi quá giang, và chạy vội xuống phòng để lấy cái túi xách cá nhân nhưng leo lên boong thì anh bạn khóa 21 đã đi mất! Tôi gặp lại cơ khí trưởng Cao Thế Hùng, quần áo, đầu tóc lem luốc dính đầy dầu mỡ, đang đứng thở trên boong. Tôi lại hỏi anh về tình trạng sửa chữa con tàu, và anh lại lắc đầu chán nản! Tôi gặp được hai sĩ quan cơ hữu chiến hạm thuộc khóa 25 đang định đi về vì tình hình chiến hạm không sửa được, còn các chiến hạm khiển dụng thì đã ra đi từ hồi đêm ngày 29 rồi! Tôi xin họ cho qúa giang ra đến khu Đa Kao. Lúc này là lúc Tướng Dương Văn Minh đã đầu hàng rồi nên cửa ra vào HQCX và bến Bạch Đằng đã bị bỏ ngỏ.

Tôi xuống xe, đi bộ qua cầu Bông, và lần theo đường Lê Văn Duyệt để về khu Xóm Mới. Khi đến khu Lăng Ông, gần chợ Bà Chiểu, tôi thấy có một chiếc xe GMC chở đầy gạo. Tôi hỏi tài xế, và họ nói phải chở về khu Gò Vấp. Tôi xin đi qúa giang. Xe chạy lòng vòng một hồi, và không biết vì lý do gì xe lại phải quay về chỗ cũ gần chợ Bà Chiểu. Tôi thấy mất thì giờ và không thể đi xa hơn được nên xuống xe và tiếp tục “cuốc” bộ về Gò Vấp. Trên đường đi, nhiều toán Nhân dân Tự Vệ đã quay đầu trở thành dân 30 tháng 4 với băng đỏ đeo ở cánh tay, và đứng chận đường xét người qua lại. Tôi lẩn vào trong một ngõ hẻm tìm chỗ vứt đi cây colt 45 nằm trong túi xách. Nhờ bộ đồ 4 túi màu tím, nên khi đi ngang qua thì bọn chúng không chận lại hạch hỏi lôi thôi. Khi tới bến xe lam và xe buýt ở Gò Vấp thì bất ngờ bắt gặp ba tôi đang chở mọi người trong gia đình trên chiếc xe nhà cũng vừa trờ tới. Tôi nhẩy lên ngồi cạnh ba tôi, và chúng tôi quyết định quay trở lại bến Bạch Đằng với một hy vọng mong manh là sẽ còn có một con đường thoát thân ra khỏi Việt Nam bằng bất kỳ một chiếc tàu hay chiếc ghe nào còn sót lại.
Khi đi ngang qua toà Tỉnh trưởng Gia Định, chúng tôi thấy một đoàn xe chở đầy cán binh Việt Cộng, có cả thiết vận xa đi kèm đang đi về hướng Sài Gòn. Chúng tôi nhập vào đoàn và chạy theo. Đến ngã ba Cường Để và Hùng Vương, đoàn quân xa chở Việt Cộng đi thẳng còn chúng tôi thì quẹo trái vào đường Cường Để để vào trong khu Hải Quân Công Xưởng. Khi đến cầu E, trên chiếc Hải Vận Hạm HQ-402 người ta đã lên đông nghẹt. Tôi đưa gia đình tôi lên tàu, và vừa lên tàu xong thì tàu nổ máy, nên tôi vội vàng để gia đình và vợ con tự tìm lấy chỗ ở. Vì là một sĩ quan cơ hữu nên tôi đã biết chắc là hệ thống tình trạng tay lái điện trên tàu đã bị bất khiển dụng. Tàu đã bắt đầu nổ máy đều được. Tôi gặp người bạn cùng khóa là Lưu An Huê ở ngay dưới chân đài chỉ huy. Tôi bảo với Lưu An Huê là hãy tập họp một số thanh niên tình nguyện để lập một đường dây truyền lệnh miệng từ đài chỉ huy xuống tới cửa hầm lái tay cho tôi. Chúng tôi đã xoay tay lái theo lệnh truyền xuống từ đài chỉ huy. Tay lái tay của chiến hạm cũng hơi giống như tay lái trên phòng lái, nhưng nằm ở phía cuối chiến hạm, và trực tiếp được nối thẳng vào bánh lái tàu qua một hệ thống cơ và dây xích.Tôi ở dưới hầm lái tay miết đến khoảng 5 giờ chiều, thì bạn Lưu An Huê mới chợt nhớ đến là tôi vẫn còn đang phải lui cui ở dưới hầm lái tay, và anh cho kêu người thay thế. Bạn Lưu An Huê và tôi cho lập danh sách những thanh niên tình nguyện để chia ca lái tay theo lệnh của đài chỉ huy. Sau đó tôi leo lên boong tàu, thấy tàu đã ra đến khoảng ngã ba Nhà Bè, và thấy có một chiếc PGM, chiếc Tuần Duyên Hạm Tiên Mới HQ-601 đang từ hướng cửa biển chạy ngược vào. Mọi người trên chiếc PGM đang ở trong nhiệm sở tác chiến. Họ cho biết là sông Lòng Tào đã bị VC đóng chốt. Trong khoảng thời gian từ khi tàu rời cầu E cho đến Nhà Bè thì tôi đã không biết tình hình bên trên, hay tàu có dừng lại để vớt thêm những ai nữa hay không vì còn mải xoay tay lái trong hầm lái tay. Nhưng tại đây thì thấy có nhiều giang đỉnh và những ghe dân túa ra, cặp vào bên hông tàu để mọi người leo lên. Tàu chuyển hướng chạy về phía sông Soài Rạp.
Trời bắt đầu nhá nhem tối, tôi mò vào phòng radar, nằm phía dưới đài chỉ huy, và thử bật máy radar lên coi xem có còn hoạt động hay không? Dàn radar vẫn còn hoạt động bình thường, nên tôi tiếp tục theo dõi màn hình radar vì con tàu còn đang hải hành trên sông. Khoảng 12 giờ đêm thì tàu ra khỏi cửa Soài Rạp, không còn nguy hiểm nữa, nên tôi tắt máy radar và leo lên đài chỉ huy. Đại tá Dõng (?) đang nằm trên võng đong đưa, và theo dõi âm thoại liên lạc vô tuyến giữa những chiến hạm đang trên đường ra Côn Sơn bằng một máy truyền tin PRC-25. Vị sĩ quan đương ca mà tôi không nhớ mặt khi thấy tôi xuất hiện, bèn lẳng lặng leo xuống vì tưởng là tôi lên ca để thay thế! Bất đắc dĩ tôi lại phải đi “ca cách mạng”, và cũng chẳng thấy ai lên thay thế, nên tôi đã phải “gồng mình” tiếp tục đứng trên đài chỉ huy cho đến hừng sáng ngày hôm sau mới thấy có người lên thay thế. Trong thời gian ở trên đài chỉ huy, Đại tá Dõng lâu lâu vẫn nhắc lệnh cho tôi giữ hướng ra đảo Côn Sơn. Xuống ca tôi lại phải vội vàng ra boong lo lấy bạt cho mọi người chăng lên để che nắng. Xong chuyện rồi tôi mới vội vã lo đi tìm vợ con để đưa xuống phòng ngủ của tôi, xuống đến nơi thì chúng tôi thấy là đã có người khác chiếm mất rồi! Tôi đã yêu cầu họ nhường lại cho chúng tôi vì tôi là một sĩ quan cơ hữu của tàu và từ hôm qua cho tới giờ vì mải lo công việc để tàu chuyển vận được, và bây giờ mới có thì giờ đưa vợ con xuống phòng. Tôi yêu cầu một vị linh mục giúp tôi lập danh sách những người trên tàu để hỏa đầu vụ có thể cung cấp cơm cho họ, ưu tiên cho những người đã tình nguyện vận chuyển, và gia đình có con còn nhỏ. Vì trên chiến hạm qúa đông người nên việc này chắc cũng đã không thể nào thực thi cho chu toàn được, nhưng tôi đã làm cố hết sức những gì mà tôi đã có thể thực hiện được.
Khi ra đến gần Côn Sơn thì có chiếc PCE Hộ Tống Hạm Đống Đa HQ-07 (tôi không nhớ rõ đã là chiếc này hay chiếc khác) được lệnh quay trở lại để kéo tiếp sức tàu chúng tôi. Cơ khí trưởng Cao Thế Hùng và một số nhân viên cơ khí vẫn tiếp tục sửa chiếc máy điện, và qua ngày hôm sau, ngày 2 tháng 5 năm 1975 thì sửa xong được một máy phát điện. Vì tình trạng tàu qúa hư hỏng và được sự khuyến cáo của ban cơ khí Hoa Kỳ khi qua giám sát tình trạng máy móc, nên BTL/Hải Quân đã quyết định bỏ chiếc HQ-402 lại. Mọi người đã được chuyển qua những chiến hạm khác của Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà. Gia đình tôi và một số người khác đã được chuyển qua chiếc WHEC, Tuần Dương Hạm Trần Quang Khải HQ-02. Chiếc Hải Vận Hạm Lam Giang HQ-402 đã được tháo valve (Lỗ Lù) hầm máy để cho nước biển vào, và trước khi có lẽ đã được dùng làm vị trí tác xạ cho những chiến hạm khác. Hải Vận Hạm Lam Giang HQ-402 đã được đánh chìm và bỏ xác lại trong hải phận Việt Nam, gần đảo Côn Sơn. Sau khi lên Subic Bay, gia đình chúng tôi đã được chuyển đi trại tỵ nạn trên đảo Wake trước khi được đưa sang Camp Pendleton, và đã được bảo trợ về Texas.
Theo nhận xét cá nhân và đức tin của tôi thì việc chúng tôi đã đào thoát được ra khỏi Việt Nam trên chiếc Hải Vận Hạm Lam Giang HQ-402 là phải do ơn trên sắp đặt. Chúng tôi tạ ơn Thiên Chúa đã xếp đặt đưa gia đình chúng tôi tới đất Mỹ này một cách huyền diệu mà không ai có thể hiểu được sự huyền nhiệm này, và chỉ có những người trong cuộc như chúng tôi thì mới cảm nhận được cái sự sắp xếp của ơn trên này. Gia đình chúng tôi khi ra đi chỉ có 13 người, nay con số này đã được nâng lên đến tổng số là 44 người.

Sau đây là đặc tính của chiếc Hải Vận Hạm Lam Giang HQ-402: Tiền thân là chiếc USS LSM-226 (Landing Ship Medium) thuộc Hải Quân Hoa Kỳ, đóng bởi hãng Dravo Corp. DE. Chiến hạm được đưa vào hoạt động từ ngày 30 tháng 9 năm 1944 tại chiến trường Thái Bình Dương. Chiến hạm đã được chuyển giao cho HQ Pháp mượn từ ngày 7 tháng 4 năm 1954, và chiến hạm đã có tham gia vào cuộc di cư vĩ đại đưa người miền Bắc vào miền Nam Việt Nam để trốn chạy Cộng Sản năm 1954. Chiến hạm đã được chuyển giao cho HQ Việt Nam vào tháng 10 năm 1956, và được thủy táng ngoài khơi bờ biển Việt Nam ngày 2 tháng 5 năm 1975.
Hải Vận Hạm Lam Giang HQ-402 có chiều dài khoảng 62 thước, chiều ngang khoảng 10 thước rưỡi, trọng tải 743 tấn và tối đa là 1095 tấn. Hai máy chánh với hai chân vịt ba cánh, và bốn máy điện. Trong ngày đào thoát ra khỏi Việt Nam, chiến hạm đã chở theo trên hai ngàn người. Con số này chỉ là phỏng đoán, vì đã không có một ai đếm nhân số, nhưng trên sàn tàu, trên boong, người ta nằm ngồi la liệt cho đến nỗi không còn có chỗ để chen chân.
Vì thời gian đã qúa lâu nên có thể có một vài chi tiết tôi đã không nhớ rõ, và đó là tất cả những điều tôi còn nhớ được về chuyến ra khơi sau cùng của Hải Vận Hạm Lam Giang HQ-402.



( Trở về đầu trang )


[ Trang Hải Trình ]