Đại Hội 2009     trang đầu * LVChâu   lời mở đầu * CVThành   những hổ cáp 2 lìa đàn * NXDục   họp mặt hổ cáp * GĐNội   40 năm đệ nhị hổ cáp * NĐHoàng   hội ngộ lần đầu * LVLai   dư âm đại hội * NÁnh   người phụ nữ với chiếc quần 200 năm đi mượn * NĐHoàng   cảm nghĩ về đại hội 2009 * 20
Đặc San 2009     trang bìa * TTĐức   nội dung * BBT   tâm thư * BBT   lời nói đầu * BBT   điệp khúc tình yêu * NaNa & TigônHồng   những chuyện kể năm xưa *20   thơ quân trường *NTTánh   mỹ quốc định cư, hành trình kí sự *NĐHoàng   hổ cáp tự truyện *HKC   cho anh cung đàn đã lỡ *NTTánh   miếng cơm thừa *NVChín   xuân trên phố *NTTánh   hq615 *PNLong   tù không án *VHLý   tù quản chế *VHLý   chuyến tàu định mệnh *HKChiến   quả mơ *TKen   em về với mộng đêm nay *ThưKhanh   lịch sử các chiến hạm và chiến đỉnh HQ/VNCH*HKChiến   di tản bất như ý *VHLý   những đoạn thơ rời *CVThành   mãng đời tỵ nạn *NHHãi   thơ quân trường *NTTánh   hải hành *CVThành   những người bạn VTT và một thời để nhớ *NXDục   bài hát tình tang *ĐNViêm   bạn tôi *NVChín   một thoáng quê nhà gợi nhớ *CVThành   bóng rợp sân trường cánh hải âu *NĐHoàng   một linh hồn giữa biển khơi *NTTánh   tàn thu *NÁnh   buổi lễ vượt xích đạo *DTTùng   một chuyến hải hành đêm *NTTánh   mười hai con giáp, mười hai chòm sao *LVChâu   chén canh rau muống *NVChín   ngày xuân năm ấy *HKChiến   ý thiếp cùng tình chàng hổ cáp *ChịNVThước   tâm tình *ĐDVy   những ngày tháng không quên *NÁnh   tiếng gọi từ vũng lầy * NXDục   lời tạm biệt *NVĐệ   trang cuối * TTĐức



người phụ nữ với chiếc quần
hai trăm năm đi mượn




     K hi vua Minh-Mạng ra lệnh cho các nữ thần dân của mình mặc quần như phụ nữ nhà Thanh, chị em phụ nữ nước nhà xôn xao lo lắng:
Tháng tám có lệnh vua ra,
Mặc quần không đáy người ta hãi hùng
Không đi thì chợ không đông,
Đi thì phải mượn quần chồng sao đang.

Chữ đang sao mà đắt. Nó vừa là nỗi lo cho đấng phu quân sẽ vì mình mà phải "truổng cời" cùng với nỗi ưu tư thế sự đang có những đổi thay khiến chợ thưa người vắng. Nhưng dù đang hay chẳng đang thì phận má đào nước ta cũng phải theo lệnh vua quan mượn quần chồng ra chợ vì, cứ như những điều còn truyền lại thì sau khi lệnh trời ban xuống, chị nào ra đường còn mặc váy sẽ bị nọc ra giữa chợ đánh đòn, một hình phạt đủ sức làm chùn bước những chị em táo tợn nhất.
Xem chừng việc mượn quần chồng không tránh khỏi gây nên những xáo trộn xã hội nuớc ta buổi ấy. Cũng may mọi việc rồi cũng êm xuôi. Lịch sử triều Nguyễn không hề ghi lại phong trào phản kháng hoặc một cuộc bạo loạn nào do việc mượn quần chồng gây ra. Việc ấy có thể nhờ cái uy của triều đình do một ông vua giỏi nhất nhưng cũng khắc nghiệt nhất nhà Nguyễn đang ngự trên ngai vàng và cũng có thể do phụ nữ nước nhà coi việc mượn quần chồng cũng chỉ là "chuyện nhỏ", còn đấng phu quân lúng túng trong cảnh mất quần thì xin chàng vì thiếp mà tự lo liệu bằng "vốn tự có" sao cho khỏi xấu thiếp hổ chàng thì thôi.
Oái oăm thay chiếc quần đi mượn để đối phó với lệnh vua ban lại phát huy tác động nghịch thường của nó. Nó thích hợp với đường cong nét uốn trên thân thể người phụ nữ, và thích hợp ngay với chiếc áo dài truyền thống khiến chị em giữ rịt lấy nó đến nỗi quên luôn chiếc váy sồi, váy lĩnh từng là người bạn tình của chiếc áo dài mớ ba mớ bẩy suốt mấy ngàn năm lịch sử, bởi ... Quên chiếc váy, các chị cũng quên luôn việc trả lại quần cho đấng phu quân ngày trông đêm đợi. Đã gần hai trăm năm trôi qua, nói theo giọng lưỡi văn học quan phương thì việc trả lại chiếc quần đi mượn chưa hề được diễn ra trên bình diện luật pháp cũng như trong văn học. Chiếc váy sồi váy lĩnh bỗng nhiên bị quên lãng và chỉ còn được nhớ tới như những hồi ức của dĩ vãng khi xuất hiện trên sân khấu những buổi liên hoan hay văn nghệ. Đến nỗi khi người Tây phương xuất hiện cùng với ông Tây và các bà đầm xòe cũa họ, đúng nghĩa chữ đầm xòe của dân gian, với chữ đầm có gốc từ chữ "madame" nghĩa là quí bà và xoè, hình tượng chiếc váy xòe rộng thời kỳ Tây thuộc địa mới vào nước ta, nhiều người lầm tưởng văn minh váy vốn đến từ trời Tây.
Thực ra văn minh y phục với chiếc váy cho người phụ nữ vốn là nền văn minh y phục xứ ta. Ông cha ta chẳng đã rất tự hào về nền văn minh váy cũa mình:
Cái thúng mà thũng đôi đầu,
Bên ta thì có bên Tàu thì không
Theo các nhà mỹ thuật học, hình ảnh người đàn bà trang trí trên di vật cổ "dao găm có cán hình người" giai đoạn Đông Sơn, ở vào giữa thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên đến thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên với một mếng vải (hoặc miếng da) che hạ thể chính là tiền thân của chiếc váy sau này: "Cán dao găm ỏ Bảo tàng lịch sử (Hà Nội) được nghệ sĩ thể hiện ra một người phụ nữ đứng, tay chống háng tóc tết lại thả ra sau gáy, đầu bịt khăn để tóc phồng to phía trên hai tai có vòng khuyên to, hai cổ tay đeo hai chiếc vòng. Tất cả y phục là một chiếc khố hình chữ nhật che phủ phía trước chổ kín. Trên ngực thấy rõ đôi bồng đảo. Gương mặt dài có hai mắt tròn xoe như đang nhìn một vật gì trước mặt. Với tất cả vẻ đơn giản của một tác phẩm cổ đại, ta phải nhận tác giả cán dao găm có óc nhận xét trong việc thể hiện hình dáng và tư thế nhân vật" (Nguyễn Phi Hoanh -Mỹ Thuật Việt Nam- Ấn bản 1984).
Trên vành thứ tư của trống đồng Ngọc Lữ, kể từ ngoài vào, thuờng được coi là vành trang trí quan trọng nhất vì gồm nhiều hình ảnh mô tả một số nét sinh hoạt của tổ tiên ta thời thượng cổ, cũng đã có hình ảnh người đàn bà và chiếc váy: "Trong vành 4, ta thấy một nhà sàn có nóc hình tròn như mui thuyền, trong nhà có hình một người hai tay cầm dùi đánh vào những vật giống như cái chiêng treo hai bên vách. Bên phải ngôi nhà có một người tóc dài mặc váy, hai tay đưa lên như xua đuổi một con chim to từ phía nhà bay ra". (Nguyễn Phi Hoanh-Sách đã dẫn) Chiếc váy như thế đã xuất hiện rất sớm và tồn tại hàng ngàn năm trong lịch sử trang phục nước nhà.
Với chiếc váy, đứng về phương diện xử dụng có tính toán đến sự tiện lợi cho người phụ nữ, tổ tiên ta đã không thua bất cứ dân tộc nào trên thế giới trong chọn lọc và phát triển y phục cũa mình. Chỉ cần "tốc váy" lên là mọi sự sẽ diễn ra thuận tiện, dễ dàng, và mau chóng. Phải có một đầu óc tài hoa về mỹ thuật, tinh tế về kỹ thuật cùng với tính khôi hài đặc di của "liền ông" nước ta, họa sĩ Phạm Tăng mới có thể khắc họa được hình ảnh "liền bà" nước ta đang "dang chân tốc váy" làm mưa làm gió trên dòng sông Seine thơ mộng của nước Pháp rồi đổ tội cho một mụ "đầm xoè" nào đó:
Eiffel như mụ đầm xoè,
Dạng chân tốc váy đứng tè sông Seine.
Nhưng cái sự tốc váy lên bừa bãi hình như cũng đã gây nên môt sự kiện khôi hài khá là đình đám trong văn học tiếu lâm nước nhà:
Đầu làng Ngang có một chỗ lội
Có đền ông Cuội cao vòi vọi
Gái qua đình phải tốc váy lên
Chỗ thì đến hang chỗ đến gối
Và cái sự tênh hênh như thế khiến tai họa xẩy ra;
Ông Cuội ngồi trên tủm tỉm cười
-Cái gì trăng trắng như con cúi
Đàn bà khép nép đứng liên thưa:
Con chót hớ hênh ông xá tội
-Không không con có tội chi mà
Lại đây ông cho giống ông Cuội
Dân làng Ngang vì cái sự hớ hênh của chiếc váy mà mang tiếng là dòng giống của ông Cuội:
Từ đấy làng Ngang đẻ ra người
Đẻ ra rặt những thằng nói dối.
Người hiểu chuyện vẫn cho rằng câu chuyện ở chỗ lội cửa đền ông Cuội cao vòi vọi ở đầu làng Ngang chỉ là bài học của nhà thơ dân gian Tam Nguyên Yên Đổ nhạo báng tính hớ hênh của phụ nữ nước nhà mà cáí váy là kẻ tôi đồ khó có lời biện minh suông sẻ. Và khốn khổ thay, nhà thơ nhân cái váy hớ hênh mà chụp cái mũ "giống ông Cuội" lên đầu những thằng nói dối người làng Ngang khiến dân làng Ngang phải dở khóc dở cười.
Mà có phải chỉ riêng đàn bà xứ ta mới mặc váy "sans sì" ( một sans sú sans sì -mặc quần áo không soutien không slip của các cô Lolita và các cô gái làng chơi Sài Gòn đầu thập niên 70 thế kỷ trước ). Năm 1997, trong lễ hạ kỳ trao trả Hồng Kông cho Trung Cộng, một người lính Anh trong toán chào cờ mặc váy ngắn kỵ binh truyền thống đã quên mặc quần lót khiến cả thế giới bật ngửa khi gió lộng tốc váy chàng lên. Thời hiện đại mà còn như vậy huống hồ thời cụ Yên Đổ ở nước ta.
Cho nên, cái sự hớ hênh của chiếc váy thực ra nào phải đâu tội ở chiếc váy mà chính là do sự khập khiễng trong lịch sử phát triển y phục của nước nhà cũng như của nhân loại. Người viết bài này chưa rõ chiếc quần sì xuất hiện giai đoạn nào trong lịch sử phát triển y phục cũa thế giới. Người dân xứ ta thì chỉ có chiếc khố, gần giống quần sì dành cho liền ông, được chính thức nói tới trong văn học thành văn với câu chuyện cổ tích cha con Chử Đồng Tử cùng chung nhau một chiếc khố. Khi cha mặc thì con phải ở truồng. Gặp buổi Công chúa Tiên Dung tuần du xứ biển, quê hương của Chử Đồng Tử đúng lúc họ Chử là "Sĩ Quan Lên Phiên Ở Truồng" nên Chử đành dấu mình xuống cát. Phuớc họa trùng phùng khiến công chúa chọn ngay nơi Chử ẩn thân quây phòng tắm .Và chàng "Sĩ Quan Đương Phiên" ở truồng hiện ra làm Công chúa lúc đầu chắc cũng đôi chút hốt hoảng rồi ngây ngất mê mệt tạo nên mối tình thần tiên lạ lùng nhất trong kho tàng cổ tích Việt Nam.
Về các đấng liền bà thì chỉ trần sì chiếc váy vốn rất hớ hênh khi cúi, khi nằm. Vua Minh Mạng có lẽ đã thấy cái sự tênh hênh ấy ngay trong cung cấm của ngài mà tìm phuơng cứu vãn chăng?
Cũng thật là khó hiểu khi tổ tiên ta đã tạo ra "cái yếm", một sáng tạo tuyệt vời trong "kỹ nghệ" làm đồ lót mà lại quên nghĩ tới chiếc quần sì, một vật tùy thân không kém quan trọng của người phụ nữ. Nếu so sánh với chiếc áo lót cổ vuông rất được phụ nữ đời Đường ưa chuộng thì "cái yếm" cổ viền với hai cặp dây cột hững hờ sau cổ và ngang lưng cùng chiếc áo dài tứ thân xẻ tà xem chừng kín đáo hơn nhưng lại khêu gợi những lôi cuốn ngầm khó tả, có lẽ còn khêu gợi hơn cả những chiếc áo đeo dây thời hiện đại. Hồ Xuân Hương, nhà thơ nữ vĩ đại của chúng ta, và có thể của cả thế giới với tư cách nhà thơ nữ đầu tiên của nhân loại dám đụng đến những vấn đề "cấm kỵ đàn ông", hẳn khiến người ta hài lòng khi bà mô tả vẻ lả lơi của "cái yếm" với các dây buộc buông chùng trễ nải:
Trưa hè hây hẩy gíó nồm đông
Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng
Lược ngà biếng chải cài lên tóc
Yếm đào trễ xuống đáy nương long
Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm
Một lạch đào nguyên suối chửa thông
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt
Đi thì cũng dở, ở không xong
(Thiếu nữ ngủ ngày)
Có phải một phần vì những rắc rối mang tính kỹ thuật của chiếc váy mà sau khi mặc quần chồng người phụ nữ liền quên chiếc váy truyền thống và cả "cái yếm", một sáng tạo tuyệt vời của công nghệ đồ lót xứ ta. Lẽ ra, cùng với những ông Tây bà đầm thuộc địa chiếc quần sì đã xuất hiện, giúp bộ váy yếm và chiếc áo dài xẻ tà nước ta có cơ hội bằng vàng để được tái xử dụng trong dân gian và đọ sức cùng những bộ "Lễ phục phụ nữ" thế giới.
Nhưng cơ hội ấy đã không đến vì người phụ nữ vốn mau quên. Những Mỹ thuật gia Việt Nam thì, để chiều lòng các bà mải mê tìm kiếm các mẫu áo dài mới thích hợp với chiếc quần đi mượn. Sự ra đời của chiếc áo cổ "le mur" có nghĩa bức tường để mô tả cổ áo dựng đứng cao sát tới cằm, vừa là tên người tạo ra nó, họa sĩ Cát Tường, là một sáng tạo được coi là có giá trị thời đại trong giai đoạn này. Với việc đóng tà lại bằng cúc, cài cổ, dưới vai, nách và ngang hông, chiếc áo dài của người phụ nữ chính là chiếc áo lương trong bộ "Áo dài khăn đóng" của cánh đàn ông có cải tiến đôi chút. Hóa ra bộ lễ phục của cánh đàn bà, nước ta từ đầu đến chân toàn đồ đi mượn.
Tuy đã có những tìm tòi và cải tiến, nhưng cho đến năm 6o của thế kỷ trước, chiếc áo dài vẫn được cắt may theo phương pháp cổ, được ghi nhận bởi các sứ thần nhà Hán. "Người Việt dùng miếng vải có khoét lỗ để chui đầu qua, chùm lấy thân người làm quần áo". Phần tay áo, để tránh công việc ráp tay vào nách và vai cục kỳ khó khăn, khi cắt áo người ta đã để lại một đoạn tay ngắn, rồi ráp thêm đoạn tay áo còn laị. Đó chính là chiếc áo dài "tay lỡ" ngày trước. Khi mặc, áo bị nhăn ở vai, nách bị cúc gây cảm giác khó chịu.
Thời kỳ bà Ngô Đình Nhu làm Chủ tịch Hội Phụ Nữ Liên Đới Đệ Nhất Cộng Hoà, chiếc áo dài cổ khoét rộng tới ngang ngực thường được gọi là áo cổ thuyền có biến thể tròn hoặc vuông, rộng nhất có thể tới chỏm vai, mang hơi hướm áo dài của phụ nữ Chàm, là một cải tiến sớm nhất và cũng tai tiếng nhất mà vì lý do chính trị nhiều hơn vì tính mỹ thuật của chiếc áo, đến nỗi những kẻ độc miệng đặt tên áo là áo dài "Phụ Nữ Liên Đái". Dù tên áo không được đẹp mấy, nó vẫn được nhiều phụ nữ nước ta ưa chuộng.
Cho tới khi chiếc áo dài Raglan xuất hiện vào giữa nhũng năm 60 ở miền nam Việt Nam, chiếc áo dài phụ nữ mới đạt đươc sự toàn bích của nó. Raglan có nghĩa đường chéo, tay áo được ráp vào thân áo bằng hai đường chéo từ nách lên tới cổ. Áo mặc tạo cảm giác thoải máí, không nhăn ở vai, bờ vai nhìn từ phía sau rất đẹp.
Đầu thập niên 70 các nhà thời trang phía Nam lại cho trình làng chiếc áo dài Tunique tà ngắn với tham vọng chiếc áo dài này có thể sống chung với quần Tây và quần jean, để người phụ nữ có bộ đồ làm việc gọn gàng đơn giản nhưng vẫn đầy truyền thống. Tiếc thay, chiếc áo dài mềm mại đã không thể thích hợp với các anh quần quá cứng cỏi nên áo dài Tunique sớm rơi vào quên lãng.
Chiếc quần đi mượn thì hầu như không có cải tiến nào đáng kể ngoài việc chọn ống rộng hay ống hẹp tùy thời điểm. Cho đến nay thì các bà đã may ống quần rộng hết cỡ vải nghĩa là vào khoảng 35 -36cm. ( 14 inches ), nhìn lướt qua không khác chiếc váy bao nhiêu nhưng vẫn không thể là chiếc váy.
Bộ áo dài của người phụ nữ với độ mỏng của các loại vải hiên nay cũng có những điểm yếu khó giải quyết. Nó khiến thân hình người phụ nữ cứ lồ lộ ra dù không cố ý. Và nếu gió bay tà áo thì dù mặc quần cũng chẳng thua mấy thuở "mặc váy sans sì". Điều này ở nơi làm việc hoặc vui chơi thì được, nhưng trong những lễ lạc quan trọng e rằng không mấy thích hợp.
Với chiếc áo xẻ tà mặc như áo khoác và bộ váy yếm, hoặc ngay cả vớí chiếc áo dài hiện nay, cùng chiếc váy có đô buông chùng vừa phải ta hoàn toàn có thể sửa chữa những khiếm khuyết ấy, giúp phụ nữ nước nhà có “Bộ Lễ Phục” đúng nghĩa “Lễ Phục” của nó. Còn bộ áo dài với chiếc quần đi mượn sẽ vẫn là bộ quần áo làm việc, vui chơi vô cùng lả lướt và khêu gợi của phụ nữ Việt Nam. Và chiếc quần đi mượn dù có trả lại cho chàng hay không thì "Bà mặc ông hài lòng" đã là quá đủ phải không quý Đức Ông???
Dĩ nhiên, bài viết dù sao chỉ là những gợi ý, bởi sự cải cách y phục còn tùy thuộc rất nhiều vào ý kiến của nhiều người kết hợp với sự sáng tạo của các nhà mỹ thuật và các nhà tạo mẫu thời trang Việt Nam trong nuớc cũng như hải ngoại.
Riêng đối với Quý Phu Nhân Hổ Cáp 2, bài viết như một lời chào mừng dành cho cuộc thi mẫu áo dài mới; được tổ chức thành công tốt đẹp trong đêm Tao Ngộ Đại Hội Kỷ Niệm 39 năm ngày Đệ Nhị Hổ Cáp Ra Khơi vừa qua.

Viết lại từ Cali July 28, 2009
nguyễn đình hoàng





( Trở về đầu trang )