Đại Hội 2009     trang đầu * LVChâu   lời mở đầu * CVThành   những hổ cáp 2 lìa đàn * NXDục   họp mặt hổ cáp * GĐNội   40 năm đệ nhị hổ cáp * NĐHoàng   hội ngộ lần đầu * LVLai   dư âm đại hội * NÁnh   người phụ nữ với chiếc quần 200 năm đi mượn * NĐHoàng   cảm nghĩ về đại hội 2009 * 20
Đặc San 2009     trang bìa * TTĐức   nội dung * BBT   tâm thư * BBT   lời nói đầu * BBT   điệp khúc tình yêu * NaNa & TigônHồng   những chuyện kể năm xưa *20   thơ quân trường *NTTánh   mỹ quốc định cư, hành trình kí sự *NĐHoàng   hổ cáp tự truyện *HKC   cho anh cung đàn đã lỡ *NTTánh   miếng cơm thừa *NVChín   xuân trên phố *NTTánh   hq615 *PNLong   tù không án *VHLý   tù quản chế *VHLý   chuyến tàu định mệnh *HKChiến   quả mơ *TKen   em về với mộng đêm nay *ThưKhanh   lịch sử các chiến hạm và chiến đỉnh HQ/VNCH*HKChiến   di tản bất như ý *VHLý   những đoạn thơ rời *CVThành   mãng đời tỵ nạn *NHHãi   thơ quân trường *NTTánh   hải hành *CVThành   những người bạn VTT và một thời để nhớ *NXDục   bài hát tình tang *ĐNViêm   bạn tôi *NVChín   một thoáng quê nhà gợi nhớ *CVThành   bóng rợp sân trường cánh hải âu *NĐHoàng   một linh hồn giữa biển khơi *NTTánh   tàn thu *NÁnh   buổi lễ vượt xích đạo *DTTùng   một chuyến hải hành đêm *NTTánh   mười hai con giáp, mười hai chòm sao *LVChâu   chén canh rau muống *NVChín   ngày xuân năm ấy *HKChiến   ý thiếp cùng tình chàng hổ cáp *ChịNVThước   tâm tình *ĐDVy   những ngày tháng không quên *NÁnh   tiếng gọi từ vũng lầy * NXDục   lời tạm biệt *NVĐệ   trang cuối * TTĐức



bạn tôi



Hò ..ơ .. ơ… .. sông Cửu Long đổ ra biển Đô thành chín cửa,
Xót thương người một thủa xa quê,
Gió chiều lay động cành tre.
Người đi xin ơ .. hò .. ơ ..
Người đi xin nhớ làng quê đợi chờ ...
(Dân ca miền Nam)

   N hư tôi đã kể trong phần viết “Bạn Tôi” trong tập Đặc San Đệ Nhị Hổ Cáp 2006, ngay ngày đầu tiên trình diện tân đáo GĐ31XP tại Vĩnh long, tôi đã gặp được thằng bạn cùng khóa là Lư Thế Khiêm. Nó giúp đỡ tôi tận tình. Nó “bù khú-tiếp đãi-ăn nhậu” với tôi hết cỡ. Nó chí tình với tôi hết mực. Mặc dù nó theo ngành cơ khí, còn tôi theo ngành chỉ huy, và chúng tôi cũng chẳng có thân mật hay đi bờ chung trong những ngày ở quân trường, nhưng về đến chung đơn vị là chúng tôi thân với nhau như keo sơn gắn bó ngay. Chúng tôi chỉ có chung một mẫu số chung là Đệ Nhị Hổ Cáp, và cái tình đồng khóa nó là như “dzậy” đó. Thật là khó mà giải thích cho bà Xã hay con cái của chúng tôi hoặc những người “tà tà dân chính” khác biết được cái tình đồng đội trong quân ngũ của chúng tôi nó là như thế đó. Tôi mất liên lạc hay hết còn đi chơi chung với Khiêm khi hắn rời đơn vị trong lúc tôi còn đang lăn lộn trong vùng hành quân tràn đầy khói lửa. Khiêm đã được tân đáo về HQ-16, còn tôi thì trôi nổi theo những giang đỉnh hành quân tuần tiễu, ngăn chặn VC liên miên thêm một thời gian nữa.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, như các bạn sĩ quan khác, tôi bị đi tù “cải tạo” của Việt Cộng, và là một trong những tù nhân cải tạo đã được đầy ải ra những tỉnh ở tận ngoài miền Bắc Việt Nam, vùng đèo heo hút gió của dãy núi Hoàng Liên Sơn. Khiêm giỏi hơn tôi ở tài xoay sở. Trong mọi tình huống khó khăn, hắn đều biết cách “hóa giải”, nên tôi đã tin chắc rằng bạn tôi sẽ không bị khốn khổ như tôi. Vào năm 1979, Khiêm có “tạt” ngang nhà và đã có liên lạc với anh Nguyên, người hàng xóm nhà tôi và cũng là bạn để tìm đường vượt biên. Nhưng chuyện không thành, và tôi đã mất hút tăm tích hắn từ dạo ấy.
Tôi cùng vợ con vượt biên năm 1981, và định cư tại Hòa Lan (Holland). Từ đó đến nay, tôi có ý tìm kiếm bạn tôi, Lư Thế Khiêm, nhưng không có được một chút tin tức nào của hắn! Sau bài viết, Bạn Tôi, về những kỷ niệm một thời “sách súng gươm đi lo chuyện binh đao” của chúng tôi, và lời kêu gọi nhắn nhủ của tôi đã được phổ biến rộng rãi trong giới Hải Quân, tôi đã có nhận đuợc một hai tin tức rất mù mờ về hắn. Riêng về phần gia đình tôi thì đã nhận Hòa Lan làm quê hương thứ hai, nơi đất lạnh nhưng tình người ấm áp. Chính phủ và dân chúng Hòa Lan đã mở rộng vòng tay đón nhận chúng tôi, những người tỵ nạn Cộng Sản Việt Nam. Họ đã mở rộng tấm lòng nhân hậu để đón tiếp chúng tôi, và đã không đòi hỏi ở nơi chúng tôi một điều kiện khe khắt nào, ngoại trừ những bổn phận và trách nhiệm của một công dân bình thường như những người dân Hòa Lan bình thường khác vậy. Ngoài ra họ còn cho chúng tôi quá nhiều cơ hội để vươn lên, và làm lại cuộc đời. Con cái được cắp sách đến trường. Chúng tôi được hưởng không khí thanh bình, tự do, và không bị trù dập bởi bọn Cộng Sản như ngay trên chính quê hương Việt Nam của chúng tôi khi trước nữa.
Nói đến xứ Hòa Lan (Holland) là nguời ta nghĩ ngay đến những cánh quạt gió của những nhà máy bơm nưóc, hay những đôi “guốc mộc” đặc thù, hoặc những luống hoa tullip (uất kim hương) tươi đẹp. Hòa lan là một vùng đất thấp nằm ở Bắc Âu. Nhiều nơi mặt đất thấp hơn mặt nước biển đến cả 7 thước tây, vì thế những nhà máy bơm, với những cánh quạt gió – đã một thời làm một biểu tượng, tượng trưng cho xứ sở Hoà Lan, đã phải luôn luôn hoạt động bơm nước ra ngoài để tránh tình trạng ngập lụt. Những đụn cát thiên nhiên nằm hướng Tây Bắc là những thành lũy che chở hữu hiệu và chống đỡ những trận cuồng phong bão tố từ Biển Bắc (North Sea) thổi vào. Amsterdam là thủ đô, và là một hải cảng rất nhộn nhịp, quan trọng, và đầy quyền lực ngay từ Thế kỷ XVII – thứ 17. Tuy nhiên Thành phố Hague lại là nơi đặt rất nhiều cơ quan luật pháp Quốc tế, và nổi tiếng nhất có lẽ là Tòa Án Quốc Tế (International Court of Justice). Keukenhof là một công viên với một vườn bông rộng 80 mẫu (acre), nằm ngoài thành phố Lisse của Hòa Lan, rất nổi tiếng trên thế giới. Nơi đây họ trồng rất nhiều các loại hoa, đặc biệt là hoa tullips, những củ tullips đuợc trồng lên thành nhiều tầng lớp, đè lên nhau, lớp hoa này tàn thì hoa từ lớp bên trên đã nở ra thế chỗ, và được trồng như vậy là để trong suốt mùa hoa nở – trong hai hay ba tháng trời – luôn luôn có hoa nở.
Cuối năm 2007, tôi nhận đuợc email của bạn cùng khóa, Cung Vĩnh Thành, cho biết là đã tìm ra được tông tích của bạn Lư Thế Khiêm. Khiêm vẫn còn đang ở Việt Nam. Những kỷ niệm cũ như những đoạn phim hiện về trong óc tôi. Có một lần chúng tôi đi ăn nhậu về, chân nam đá chân chiêu, Khiêm nổi hứng móc cây Colt 45 lận ở phía sau lưng quần ra chĩa lên trời bắn “đoành đoành” mấy phát. Bất ngờ có một viên trúng ngay dây điện cao thế bên trên, và cả thành phố Vĩnh Long bị tắt điện một “cái rụp!” Chúng tôi tỉnh hẳn cơn say, và lẳng lặng “chuồn” về trại một cách “im rơ bà rờ.”
Được tin của Khiêm, tôi mừng lắm, vội truy tìm hắn, và tôi đã bắt được liên lạc vô tuyến với Khiêm sau hơn ba mươi năm không gặp mặt.
- Hồi tan hàng, mầy đang ở đâu? Tao đang ở Căn Cứ/Tiền Doanh Yểm Trợ/An Thới.
- Các tàu ở Phú Quốc dzọt hết, sao mầy không đi? Bà xã tao mới sanh ở Sài Gòn, nên tao không thể bỏ đi được!
- Rồi sao? Chúng vào tiếp quản, dốt như “hạch”, tao huênh hoang nên chúng giữ lại để dạy cho chúng sửa mấy chiếc tàu hư. Cù cưa câu giờ được ít lâu, và tao thoát.
- Sao nữa? Tao chạy chọt kiếm giấy tờ hợp lệ, và theo nghề đánh cá, kèm theo “buôn bán“ chút đỉnh nên nếp sống của gia đinh cũng đỡ khổ, tuy rất cực và bận rộn. Có một lần tao bị tai nạn khi đi ghe, và gẫy mất cánh tay, tuy không phải bị cưa.
- Giờ sao? Năm 78 hay 79 gì đó, tao về Sài Gòn tính móc nối tìm nguời muốn vượt biên, nhưng chuyện không thành, và khi trở ra đến Phú Quốc thì ghe vượt biên đã dzọt mất tiêu rồi thành ra tao lại bị hụt!
- Gì nữa? Tao theo nghề đánh cá luôn, nhưng đến cuối năm 79 thì ghe bị chìm bởi cơn bão số năm, may mà thoát chết tuy mất sạch! Tụi tao còn lại đuợc căn nhà bên Tân Phú, nên vợ chồng con cái dọn về ở đấy, và lo buôn bán sống qua ngày. Nay vợ tao có sạp bán thịt heo ở chợ Tân Phú, bán cả chợ sáng lẫn chợ chiều. Tao thì lo đi lấy hàng và mua thịt về cho bả bán. Ba đứa con tao đều đã xong đại học. Con gái lớn làm cho một công ty xây cất, thằng kế học về computer, và thằng út còn đang ở chung với bố mẹ.
Truớc năm 1975, Tân Phú là một xã của Quận Tân Bình thuộc tỉnh Gia Định. Gần đây Tân Phú đã trở thành một quận quan trọng thuộc khu ngoại thành Sài Gòn, bao gồm một số phường xã với những tên quen thuộc như Tân Sơn Nhì, Tân Thành, Phú Thọ Hòa...
Từ ngày dọn về ở Tân Phú đến nay, lớp lo làm ăn quần quật, dậy từ 5 giờ sáng đi cất hàng, lớp lo cho con cái ăn học nên Khiêm đã không có thời gian liên lạc được với bạn bè cùng khóa, vả lại vì ở trong vùng xa trung tâm Sài Gòn nên cũng không có cơ hội tiếp xúc.
Cuối cùng rồi chúng tôi cũng bắt liên lạc lại được với nhau sau bao nhiêu năm xa cách. Hẳn không nói ra thì quý vị cũng đã biết là tôi mừng như thế nào rồi.
Xin cám ơn những sự an bày của Trời đất. Xin cám ơn bạn Thành và những người bạn khác đã có công nối lại sợi dây liên lạc cho chúng tôi.

(tiếp theo chuyện "Bạn tôi" trong ĐS2006)
nguyễn văn chín





( Trở về đầu trang )