Lặng Im Mà Vang Khắp
Lặng im ngừng phân biệt Từ khước mọi trần lao Thoát ly dòng sinh diệt Rộng tỏa khắp thanh cao Không nơi vì chẳng đến Quá khứ một cơn mơ Ão thân từ huyễn sắc Bao bọt nước xô bờ Lặng im vào sâu thẳm Nương an định về tâm Từ không dâng huệ trí Nghe rộng thấu ba thì Miên mật tịnh bước nhu Chợt tan niềm đau khổ Đêm xưa cầu giông tố Nay trăng rằm tròn đủ Lặng im đầy an lạc Cảm tạ cả vô thường Lặng im mà vang khắp Từ đất tỏa kim cương Cát Biển |
|
Tay Vẫy Trong Mưa
Em bước đi - trần gian tiễn đưa Phi cảng mưa - sầu mấy cho vừa ... Trong mưa, tay xưa, xin đưa vẫy Ai ơi, ra đi, còn nhớ chi ? Tàu đã đi rồi, thương nhớ chưa Bên trong phòng kính, nỗi dư thừa Anh chân chậm quá, bờ khung cửa Có trách thầm ai quên chiếc hôn? Sao quên giọt lệ tái tê hồn? Sao buông tay nắm - đời hoang trống? Sao để hoàng hôn hoen mắt trong? Mai cách ngăn đời hai lối đi Em xa xứ học tuổi xuân thì Trùng dương gợn sóng anh về nhớ Những ái ân nồng xin khắc ghi Người đã đi, còn ta vũng sâu Mưa tuông tầm tã, tiếng ngân sầu Người ơi giử nhé vầng trăng củ Ðể kẻ đi về hoang bể dâu... Cát Biển |
|
Chuyện Một Con Tàu
Cõi lòng ướt những cơn mưa Tàu đi lệ đổ tiễn đưa tủi hờn Mang anh hải đảo hoàng hôn Mang em chờ đợi nụ hôn sum vầy Nước trời đầu sóng chân mây Cô đơn biển lạnh đong đầy nhớ mong Oai hùng dậy pháo biển Đông Hải âu lượn cánh mưa giông vẫy chào Thiên hà đưa nẽo trăng sao Trường ca thép cứng máu đào sắt son Nghe như sắt có linh hồn Biển vang huyền thoại càn khôn lữa vàng Cờ thiêng lộng gió hiên ngang Đùa ngang sinh tử thi gan đất trời Hoàng Sa chìm đáy biển khơi Khăn tang hùng sử muôn đời nhớ thương Cát Biển |
|
Tịnh Diệu
Ngày Mẹ ra đi 1994 .... Chuông điện thoại reng Lúc năm giờ sáng Căn nhà khuya đây bóng tối của giắc ngủ mõi mệt vì lo âu Tiếng người đàn bà bên đầu giây bình thản vì đã quá quen công việc báo tin Bà Huong Nguyen là má của ông? Rất buồn báo tin bà đã mất Dĩ vãng trôi về nhòa mắt đoạn đường khuya Người đã đi rồi Truân chuyên và hi sinh Thân phận đặt mang từ ngày làm dân Việt Chỉ ưá khóc khi không còn chịu đựng được nữa Và không biết chia sẻ cùng ai khác Vui khi đàn con về nô giởn với những vòng tay hồn nhiên Quây quần chuyện tếu bên nồi cá nục thơm Và nỗi buồn về giăng phủ khi chúng ra đi Tháng Tư Bảy Lăm đã biến Mẹ từ người chủ thành công nhân vệ sinh Thành phố lạ Wikes-Barre vắng bóng người quen Mẹ nói tiếng Anh bặp bẹ nhưng liều lĩnh vì bản chất phấn đấu Vì nằm xó nhà là thua cuộc cùng định mạng Một hôm police thành phố chở Mẹ về Lại đi lạc đường xe buýt Mẹ cười vì Ba quá nhát không dám phiêu lưu Lần cuối cùng trước khi bị stroke lần thứ ba Mẹ nhìn câu con trai duy nhất tại nhà em Hà Cười hỏi "Cậu là ai vậy?" Nghe buồn đau thế nào Hai lần té xỉu đã giết bao mạch máu não bộ Lần thứ ba Mẹ ngũ li bì không tỉnh dậy Hơi thở đầy mệt nhọc bằng máy trợ hô hấp với tiếng ép hơi "cà xịt" Con nắm lấy đôi tay Chỉ mong Mẹ nghe lời lay kêu và tỉnh lại Mong mẹ cử động ngón tay Ôi bàn tay mà con đã nắm chặc từ khi bé nhỏ Nhưng Mẹ vẫn nằm yên Và nước mắt tuyệt vọng cuả con ứa ra Hai hôm trước bác sĩ bàn cùng gia đình Quyết định ngưng máy thở Vì cơ hội không còn Thầy Trụ Trì đến viếng Niệm kinh và đặt cho pháp danh Tịnh Diệu Mẹ vẫn nằm yên, không ý kiến Căn phòng cuả Mẹ qua dảy hành lang tẻ buồn Các người già chung quanh đã quen thuộc sự chết Con thầm ước cho mình Một cảnh chết chóc nào khác hơn là cảnh trước mắt Em Hà và Ba cùng đọc kinh bên bờ giường Chao ôi bàn tay Mẹ giá lạnh như tay của ai đâu Nét Mẹ bình thản và an khang Vì không còn máy trợ hô hấp "cà xịt, cà xịt" Ngũ yên nghe Má Con vẫn nhớ cái vuốt đâu xưa khi còn bé Và hôm nào sẽ kể cho Vi, Ngày xưa bà nội là một phụ nữ xinh Có đôi mắt sáng và nụ cười thân yêu Thường vào Saigon thăm Ba cuả Vi Với các nồi cá Nục kho tuyệt diệu mà ba yêu vô cùng. (trích thi tập Trùng Khơi Sóng Vỗ) Cát Biển |
|
Buổi Chiều Nhớ Đêm Ở Quê Hương
Chiều nay nhớ về một thời và một người đã đi vắng Những đứt đoạn hụt hẫng của dĩ vãng càng kéo lại càng khuất xa bóng hình mà ta cố tìm bắt sự toàn hảo của tinh nguyên Kẻ vắng mặt đó không chỉ ra đi một mình mà mang theo cả một thời ngất ngưởng của tuổi mới lớn Từng tên bạn lần lượt bị xóa trong cuộc chiến mang những nụ cười chìm vào bóng tối Bá Long, Đổng Lý, Hoàng Đen Năm Bò, Cu Tân, Tịnh ... Kẽ sống sót giờ đã đi vắng Những con người .. đêm nhìn sao trời phì phèo thuốc lá bàn cải triết lý Say với lon bia đầu tiên ngày thi đỗ Tú Tài 2 giữa tiếng rú đạn bom kiêu hãnh ở lại với quê hương chất ngất mê hoặc của lý tưởng Say không chỉ ở rượu mà ở một niềm tin sẽ làm được điều gì đó cho thế hệ tuổi trẻ Suy tư là những cám dỗ nóng bỏng thôi thúc con tim bằng lời của Gide, Malreaux, Thâm Tâm, Vạn Giả Đêm sao Giờ chỉ còn vất vưởng rải rác góc trời nào những Hùng, Quang, Diệu Lý... và mớ hồi ức về một thời ngất ngưởng đã trôi qua Kẻ sống sót ra khỏi trại tỵ nạn lạc về một tinh cầu mới rất xa Cát Biển |
|
Ta Vẫn Còn Nhớ
Ta nhớ lắm chiều Ba Mươi năm ấy Mặt biển đầy thuyền, đạn bắn loạn lung Ba Mươi Tháng Tư mưa chùng nức nở Mưa khóc cho mình, hay trời khóc quê hương? Chiều Ba Mươi tủi hờn giông tố Cả một dũng đoàn lầm lũi chia ly Chiến hạm chưa hề về đông như thế Không đánh quân thù, uất ức ra đi Một niềm tin yêu, một lòng anh dũng Tuổi trẻ kiêu hùng dâng hiến quê cha Nay quê chẳng còn, con buông chí cả Mai con đi rồi ai giữ quê ta? Mỗi ngày xa quê là một ngày lạc lõng Mỗi bóng mặt trời là một kiếp khổ sai Mỗi tối hoàng hôn là âm tỳ tủi nhục Mỗi sóng reo đuà là mũi nhọn chởm gai Ngày Bốn tháng Năm tàu vào Phi phận Con số chiếc tàu sơn cạo, xoá tên Bao nhiêu chiến danh nay thành hư ảo Khối sắt vô hồn, thân xác rỗng tênh Chiều gió u buồn hàng người im phắc Đứng thẳng boong tàu cứng ngắt, chào tay Nhìn lá cờ vàng lòng đau quặng thắt Còi thổi: 'Hạ kỳ', mọi mắt đều cay Có kẻ nấc lên người kềm nước mắt Nhìn lại bạn bè hận uất bủa vây Mồng Bốn tháng Năm ta mang đời tị nạn Từ đó sâu hằn dấu tích quê hương Cát Biển |
|
Thành Phố Lều
Có một tên gọi là Thành Phố Lều Nơi con đường đất đỏ Của một hải đảo xa xăm Orote Point...Orote Point... Những con người đến Mắt bơ vơ Tìm nhau gọi nhau nhắn nhau Những hàng chữ nghệch ngọac Như graffiti Cho biết mình đã đi Pendleton, Indiantown Gap, Fort Chaffee Mong một người thân nào đó đọc được Có những nụ cười khô của những quả tim héo Họ đến bằng xe búyt vàng và sẽ chuyển về những phương trời lạ Chợt tin đi nhanh hôm ấy chiếc tàu định mệnh có một số bạn bè thân Việt Nam Thương Tín Sẽ chấp nhận một số phận hẫm hiu nào đó Ngay cả sự chết vượt đại dương ... về trở lại Việt Nam Không còn gì cả ngọai trừ manh áo trên lưng Không còn nghe tiếng đạn bom không hỏa châu và kẽm gai Cũng không bạn bè không thân nhân Chỉ biết phải phấn đấu Để sống còn Thành Phố Lều dựng lên cho những con người mất tất cả Và rồi từ đó một thành phố khác giữa lòng nước Mỹ được dựng lên với tên Little Saigon cũng bỡi những con người đã từng xếp hàng lảnh cơm nơi có tên Thành Phố Lều Cát Biển |
|
Những Giọt Nước
Có những giọt nước làm xao xuyến lòng người lung linh cuộc sống và những giọt phiền muộn Chút nước mắt hồng khoé lệ li ti ửng lên trong ánh sáng khi em tìm gặp lại anh nói sẽ chấp nhận bất kỳ những điều gì khác chỉ xin được yêu nhau Những giọt nước tươi mát từ vòi chảy tràn qua thân thể cuốn đi những phù sinh một ngày của kiếp người những hỉ nộ vui buồn hệ lụy Có giọt nước kỳ quặc khởi đi từ miệng người say vung vãi sang người đối diện khi lý trí không còn hửu dụng Ôi những giọt lóng lánh trong ly thuỷ tinh nồng cay những ân tình sâu đậm ngày bạn bè xưa gặp lại nhau câu chuyện liên hồi không bao giờ dứt Ám ảnh về giọt nước nơi khoé mắt của con bò với đám người hoan ca nhảy múa bập bùng tí tách nhóm lửa Con vật tế thần tuyệt vọng khi sắp chết Có những giọt rất khô của những con người thèm được sống đau thương héo cằn thành vết sẹo Một ngày nào đó anh xếp hành trang giã từ đắn đo nhiều về những giọt nước sẽ mang theo Cát Biển |
|
Một Nơi Gọi Là Miền Của Hi Vọng
Mảnh đất Hoa Kỳ có phải là một miền đất hứa hẹn cho những người tỵ nạn hay không? Câu hỏi từng đến với tôi năm 1975 vẫn còn vương vấn trong tôi hơn 30 năm qua. Đất nước Hoa Kỳ đã cho tôi và những người tỵ nạn Việt Nam niềm sung sướng của một mảnh đất tạm dung, tức là một quê hương thứ hai, để khởi đầu từ những mất mát. Có khác chăng là ngày ấy tôi đang mang nỗi buồn trầm kha của 1 người da vàng nhược tiểu. Nỗi buồn bị mất nước còn in hằn trong tâm khảm tôi hình ảnh những xác người tìm tự do chết tức tưởi trên biển đông, thêm vào tâm trạng đắng cay cô độc của 1 con người vừa bị tước hết mọi tình bạn, thân quyến và các liên hệ, các ý nghĩa của cuộc đời, khiến những bước chân đơn điệu của tôi dọc trên con phố chính với nhiều cửa hàng ấy vang lên những âm thanh khô khan lạc lõng như gót chân của kẽ lữ hành trên sa mạc. Người lữ hành đó đang mò mẫm đi tìm một điểm đến. Sau hơn 30 năm câu trả lời tôi tìm được cho riêng mình cũng lại là một trong những yếu tố của hành trình đã giúp nước Mỹ tiến vượt lên với sắc thái của một quốc gia đa chủng. Ngày xưa trước khi vào trường học môn toán Calculus khó ai có thể giải thích cho tôi hiểu rõ môn ấy bao gồm những phạm trù nào. Vì mọi ý niệm đều có vẽ lạ lùng và mới mẻ cả. Nhưng khi học xong rồi mình mới hiểu nhiều hơn phần nào cái hay và cái đẹp của các môn vi tích phân được dùng làm căn bản lượng định các hệ thống giá trị của vật chất. Điều mà tôi học được từ miền đất mới này là gương phấn đấu. Sau này tôi mới hiểu thêm, những di dân khác như Ý, Anh, Ái Nhỉ Lan, Trung Hoa v.v... khi mới đến Hoa Kỳ cũng đều mang 1 tâm trạng tương tự... Miền đất mới này không bao giờ dâng mâm ngọc chờ sẵn hay hứa hẹn 1 tương lai vàng son nào cho ai cả. Nhưng nước Mỹ sẽ dành sẵn cơ hội cho những người biết vươn lên từ nghịch cảnh, biết phấn đấu để đạt đến thành công. Trong bóng đêm đen tối của quá khứ đau buồn, người tị nạn vẫn luôn tìm thấy lóe lên những tia sáng hi vọng là mầm mống đầy hứa hẹn của một tương lai cho những con người biết nhẫn nại và nuôi dưỡng nghị lực. Chính nghị lực là yếu tố then chốt nhất để đi đến thành công, và cũng có nghĩa là năng lực dẫn ta đến bến bờ hạnh phúc. Chợt hiện về là hình ảnh của một thanh niên tị nạn trẻ với nhân dáng gầy mái tóc phủ tai, với đôi mắt đăm chiêu, một nụ cười khô khan không trọn vẹn, và một tâm sự ngổn ngang những nỗi niềm, bước những bước chân xa lạ bỡ ngỡ trên con phố Main Street của thành phố Wilkes-Barre, PA với tâm trạng buồn bã. Tuy nhiên, miền đất mới này như trải rộng một lời mời gọi rất chân thành và khoan dung. Nó thúc giục trong tôi một nghị lực phấn đấu để vươn lên mà tôi không tài nào cưỡng lại được. Tôi như lúc nào cũng nghe vang vọng bên tai một lời khuyên nhủ "Cố lên nhé... cố lên nhé... còn bao ước mơ cần phải được thành tựu... còn bao gương sáng mình phải noi theo... còn bao nhục nhã của dân tộc cần phải gột rửa... còn bao giọt nước mắt của dân Việt cần phải đền đáp..." Tôi cố gìn giữ đóm ánh sáng của một ngọn nến bập bùng, dầu đôi khi có bị nghiêng ngả tròng trành trước những gió mưa giông bão của cuộc đời. Tôi nhớ lời của vị thầy dạy học tôi thời niên thiếu, người đã mang tôi ra khỏi bóng tối của khờ dại và bước vào vùng ánh sáng của lý tưởng với lời khuyên còn vang vọng từ thuở bình minh của tâm hồn: "Các con hãy sống chân thành, sống đầy nghị lực, hãy đi tìm ý nghĩa của cuộc đời... và rồi hạnh phúc sẽ đến với con, với một niềm mãn nguyện" Lời khuyên đó không vẽ giùm cho tôi một khái niệm rõ rệt gì trong ý tưởng phôi thai mới lớn của tôi về một phần thưởng quý giá nào đó của cuộc sống đang chờ sẵn. Lời khuyên đó chỉ như một ngón tay vạch cho tôi một hướng đi và nói, con hãy cứ đi tìm. Tuy nhiên, nó đánh thức cả cuộc đời tôi về một chuyến đi tìm. Thật có vẽ ngô nghê khi không thể nào tả được về chính điều mình đang tìm kiếm. Nhưng lời nhắc nhở về "điều gì đó" đang chờ tôi khám phá, chính là tác dụng của lời khuyên của vị thầy từ buổi tâm thức còn non nớt trong tôi. Chiến tranh dài đăng đẳng bao năm từ những thế hệ trước khi tôi sinh ra đời, đã khiến niềm hi vọng của người Việt chỉ còn thu hẹp lại ở một mục đích nhỏ bé tầm thường là đạt được "sự sống còn" hoặc "làm thế nào để mang đủ miếng ăn về cho gia đình mình". Nhưng hình như xứ sở mới này còn dành sẵn một viễn tượng ấm no hơn, bớt thống khổ hơn, và ít bất công hơn cho mọi công dân dù mới hay cũ, dầu giàu sang hay nghèo tận. Những khổ đau ban đầu khi được nung nấu bằng niềm căm hờn "phải làm cái gì đó với đời" cuối cùng chỉ còn là những cái đau xót rất nhỏ bé quá tầm thường như bị kiến cắn mà thôi, so với những bất hạnh của những đồng bào tôi, đã phải chết lặng lẽ đầy tức tưởi giữa biển Đông làm mồi cho cá mập, những người con gái mới lớn bị bọn hải tặc hãm hiếp quăng thây, hay những anh hùng vị quốc vong thân đem xác thân bảo vệ từng tấc đất cuối cùng của quê hương trước khi bị Cộng quân phương Bắc hành quyết...trong những trang sử đau thương bi hùng của dân tộc Việt. Một hình ảnh tuyệt vời nhất của nước Mỹ đã làm tôi nhớ mãi là kỷ niệm về cô giáo dạy Anh ngữ Janet Jones. Sau khi ra khỏi trại tỵ nạn Indiantown Gap, tiểu bang Pennsylvania, hình ảnh một cô gái mới hơn 20 tuổi đời vui vẻ, lịch sự, tận tâm với dáng thanh lịch, mũi cao, môi mọng xinh, mắt xanh lơ và bờ tóc óng vàng, lúc nào cũng ăn bận trẻ trung tươi mát của cô Janet Jones dạy tiếng Anh cho các người tỵ nạn Việt Nam chúng tôi qua chương trình cứu trợ, là một hình ảnh không thể nào quên. Năm ấy tôi xấp xỉ tuổi cô, chỉ hơn cô vài tuổi. Khi các cô học trò khác trong lớp tò mò hỏi về cô, cô kể về gia đình sung túc của cô một cách bình thản không một ý khoa trương gì cả. Địa vị của gia đình cô làm cho tôi và các học viên khác có phần e dè trọng nể. Janet kể cho chúng tôi trong lớp biết, cha cô là Giám Đốc một công ty may mặc nên ông phải xuất ngoại thường xuyên. Gia đình cô ngụ tại thành phố Mountain Top cách Wilkes-Barre khoảng 30 phút lái xe trên 1 ngọn đồi, là khu nhà biệt thự của giới thượng lưu. Cô theo học nội trú tại 1 đại học thuộc thành phố Lewisburg. Mùa hè năm đó cô về thăm gia đình, nhân tiện nhận dạy thêm môn Anh ngữ để tìm hiểu thêm về người tị nạn Việt Nam mới sang định cư. Trong cung cách dạy chúng tôi tại lớp, cô Janet luôn luôn nở một nụ cười ân cần và kiên nhẫn cho dù phải lập đi lập lại cách phát âm, vì chúng tôi luôn cứ đánh lưỡi sai bét, nhất là khi gặp những chữ cực kỳ khó khăn đến nỗi làm chính mình phải ngượng nghịu trong lần đầu chúng tôi phải tập đọc như: girl, oil, dirty, beach v.v... Phong cách của cô giáo trẻ Janet chính là một hình ảnh bao dung, nhưng rất công bằng. Nếu chúng tôi có điều gì chỉ trích gần xa đất nước Hoa Kỳ, do lòng buồn thảm và một tâm lý bị người đồng minh bỏ rơi, Janet luôn luôn dịu dàng phân tích vấn đề và rồi đặt câu hỏi: "Nếu địa vị các bạn, thì các bạn sẽ nghỉ thế nào, các bạn sẽ làm sao..." và rồi chúng tôi tự tìm thấy câu trả lời với sự thông cảm hơn từ quan điểm của quốc gia Mỹ. Nói chung, cô ấy không bao giờ dùng ác cảm hoặc thành kiến để dành lẽ phải về phần cô ấy. Bao dung, nhưng rất công bằng. Và nụ cười vị tha, cùng hình ảnh trong sáng nơi cô đã mang về giữa những tuyệt vọng đau buồn của tâm hồn người tị nạn trong tôi một hình ảnh đẹp của nước Hoa Kỳ. Thành phố Wilkes-Barre như một thiên đường hạ giới với các đường phố, xa lộ, siêu thị, cảnh sát...rất bình lặng, khang trang và hiền hòa, làm tôi quên hẳn tiếng đạn bom mà tôi từng đã quen tai. Từ những buổi học Anh ngữ trong chương trình thiện nguyện đó, ước vọng được trở lại đi học Đại Học được manh nha và trở thành ngọn lửa khát vọng to lớn nhất thiêu đốt trong tôi kể cả những khi tôi làm công việc nặng nhọc trong hãng sản xuất đồ chơi nhựa với giá lương $2.15/giờ mà tay tôi cứ bị chai phồng vì tiếp xúc chất nhựa mới ra khuôn còn rất nóng, hoặc khi tôi được sự tiến cử của Mục Sư Phillips dời qua thành phố Allentown làm việc lam lũ trong 1 hãng dệt với số lương khá cao lúc ấy, $3.50/giờ, đủ để có một nếp sống ổn định, trả tiền mướn apartment, ăn uống, và còn cất dư lại ít tiền hằng tháng. Do lời khuyên của một người bạn, tôi tập trung mọi can đảm đến gặp vị Dean of Admission của trường Đại Học Wilkes. Vị Dean này mới ngoài 40 tuổi, rất cởi mở và tận tâm khi gặp tôi. Ông kể rằng tất cả sinh viên Việt du học tại trường này đều rất giỏi, được bảng Danh Dự (Dean's List) hằng năm cả! Tôi rất ngại ngùng vì ông ta quên rằng tôi là người Việt tị nạn, chứ không thể nào so bì với các học sinh ưu hạng kia được. Nhưng nhờ vào sự tin tưởng ấy của ông mà sau khi tính hết tất cả các khoản học bổng ông có thể xin được cho tôi, cuối cùng ông cho biết khoản học phí rất cao của tôi có cơ hội sẽ được thanh thỏa đầy đủ! Sau khi rời trường hôm đó, tôi hân hoan bước những bước thật nhanh về nhà lòng tràn trề một niềm hi vọng, rồi hằng ngày cứ mong đợi lá thư nhận học của trường... và ba tuần sau, tôi sung sướng và cảm động biết bao khi nhận được 1 lá thư có in dấu hiệu trường Wilkes lịch sự ngoài phong bì chuyển đến phố Allentown nơi tôi đang làm thơ dệt cực nhọc ca khuya (graveyard shift). Lá thư gọn ghẽ và lịch sự ấy cho biết đơn xin nhập học của tôi đã được Trường chấp thuận. Tôi đọc lá thư xong, nằm lăn ra giường với những hân hoan mừng tủi và lịm người đi trong giấc mơ... Sáng hôm sau, khi tôi trình bày quyết định sẽ bỏ công việc tại hãng dệt với số lương lúc ấy đã được tăng lên thành $3.75/giờ (khá cao thời 1975, so với các việc làm khác chỉ khoảng chừng $2.75/giờ), thì Mục Sư Phillips có vẽ không đồng ý. Ông ấy cứ khuyên tôi mấy lần "nên suy nghĩ thật kỹ lại... vì chưa chắc học xong là có thể có 1 công việc tốt.. vì việc làm này không dễ kiếm..." Nhưng khát vọng được đi học lại là một cái gì chiếm ngự trọn vẹn tâm hồn tôi mà không một mãnh lực nào có thể cản được. Tôi nói: "Tiền bạc và công việc không còn là những gì quan trọng nhất đối với tôi nữa, chỉ còn sự ham muốn được đi học, và tôi sẽ sẵn sàng làm bất cứ việc làm gì có thể để tự sinh nhai qua 4 năm theo học Đại Học..." Đó là lần đầu tiên tôi có quyết định ngược lại với ý muốn của người ân nhân khả kính, người mà lúc nào cũng biểu lộ sự quan tâm cho đời sống của tôi. Buổi tối hôm ấy tôi nằm miệt mài trên giường, cứ đọc đi đọc lại lá thư rất ngắn ấy của trường Đại Học Wilkes... tôi mong thời giờ trôi nhanh cho đến tháng 9 để tôi về nhập học... rồi bao nhiêu hình ảnh của các người thân vẫn còn ở lại Việt Nam, bao nhiêu đồng đội và bạn bè giờ đã lạc phương nào biệt vô âm tín, tâm trạng buồn bã tuyệt vọng ngày rời trại Orote Point ở Guam cùng làn sóng người Việt tị nạn chia ra đi về những phương trời vô định... Nhớ làm sau những nét lo âu phân vân rối bời của những anh em lưỡng lự phút giây đi ở sống còn vì người thân còn kẹt lại ở quê nhà...nước mắt tôi nhòa ra mờ hết mọi cảnh tượng chung quanh... và tôi khóc tức tưởi đến ướt đẫm cả chiếc gối... Bao nhiêu chất chứa giờ đã thành 1 dòng sông thoát đi được phần nào nỗi ưu phiền... tôi không ngờ chính mình mình sung sướng vì đã khóc được! Như vậy tôi không quá khô cằn, tôi vẫn còn tình người, và tôi còn khóc được. Sau này tôi chợt cảm thông làm sao cho những giọt lệ khô cằn thành sẹo của những người bị giam cầm trong các trại cải tạo, nơi mà chính loài người cũng bị cấm không được phép khóc trong đau khổ để thấy mình vẫn còn có cảm xúc của một con người. Thế rồi ngày tựu trường cũng đến. Bao nhiêu mong đợi, bao nhiêu hi vọng, bao nhiêu ước mơ cùng thành tựu trong một ngày. Tôi bỏ hết mọi thứ để dọn về lại Wilkes-Barre. Ngày nhập học sinh viên Mỹ nào cũng có gia đình thân nhân đi tham quan từng phòng ốc từng chỗ ăn chỗ ngủ. Ai ai cũng hân hoan phấn khởi trước những bài diễn văn chào đón nồng nàn đầy kỳ vọng cho một thế hệ sinh viên mới đang chuẩn bị dấn thân với sách đèn. Tôi chỉ riêng mình, cô độc. Tự phấn đấu bằng bản thân mình. Mỗi lục cá nguyệt thông thường các sinh viên ghi danh với 12 credits. Các học sinh chịu khó hơn thì ghi danh khoảng 14 đến 18 credits. Trên 18 credits, sinh viên cần phải xin phép vị Khoa Trưởng ký giầy chấp thuận thì mới được ghi danh. Khóa học năm đó tôi ghi danh 14 credits. Tôi may mắn đem theo được một quyển tự điển Việt-Anh loại bỏ túi lúc rời Việt Nam. Mỗi tối tôi sử dụng nó đến nhàu nát cả từng trang giấy ngả màu vàng. Lục cá nguyệt sau đó các bạn cùng lớp Kỹ Sư Điện có phần ngạc nhiên khi thấy tôi ghi danh 18 credits. Đến năm thứ Ba, theo đà bận rộn không ngừng nghỉ, tôi ghi danh 24 credits, vừa dạy kèm Toán bên phân khoa Toán, vừa dạy Toán trong chương trình Upward Bound, vừa tình nguyện hiến giờ kèm thêm cho các học sinh trung học thiếu căn bản tại trung tâm YMCA khiến vị Khoa Trưởng rất ngạc nhiên và lo ngại vì sợ tôi không kham nổi một lịch trình quá nặng. Vậy mà khi lên năm thứ Tư tôi vẫn còn nhận thêm 1 job nữa là làm Teaching Assistant (phụ khảo) trong phòng thí nghiệm phân khoa Điện. Khi chấm bài các sinh viên lớp dưới tôi nhận xét 1 điều là có một số sinh viên Mỹ rất thông minh và phân tích các kết quả trong phòng thí nghiệm thật mạch lạc và tỉ mỉ. Những sinh viên này trình bày các phúc trình của họ rất gọn gàng với luận cứ bén nhậy và đầy tính thuyết phục. Các sinh viên Việt Nam lớp dưới đa số rất giỏi Toán và học rất xuất sắc vào các năm đầu. Lên năm thứ Tư, các bài vở có phần trừu tượng hơn, đòi hỏi nhiều phân tích, suy diễn và quy nạp. Đấy là những lớp mà chỉ các sinh viên dĩnh ngộ mới có cơ hội chiếu sáng tài năng của họ với các bạn cùng lớp. Cuối năm đó tôi được 14 hãng mời đi interview. Lịch trình máy bay của tôi đi interview khá bận rộn. May mắn là mọi chi phí ăn ở vé máy bay đều được các hãng đài thọ cả, vì bản thân tôi vẫn không có đến một trăm bạc. Năm 1980 ngành dầu hỏa có sức mạnh ảnh hưởng kinh tế nhất vì giá dầu bắt đầu tăng cao. Sau những chuyến đi thăm, cuối cùng tôi nhận lời làm việc cho hãng Exxon Production Research tại Houston TX vì họ trả lương hậu hĩnh nhất so với các lương mời của các hãng khác. Và tiếng vọng bên tai vẫn không ngừng nhắc nhở "...hãy đi tìm... hãy cố gắng tìm... và mãn nguyện sẽ đến với con..." Từ đó tôi theo dòng đời bận rộn miệt mài. Từ khi tốt nghiệp kỹ sư rồi đi nhận việc làm tại Houston TX, rồi di chuyển sang Nam California làm việc với McDonnell Douglas, Boeing, đến nay đã hơn 30 năm, tôi thất lạc không còn tìm được chi tiết về Mục Sư Phillips nữa. Nhưng tôi còn 1 kỷ niệm đáng nhớ nhất về ông. Đó là khi ông hướng dẫn tôi và 3 người Việt tị nạn khác đi thăm New York City với khu Rockefeller Center, Empire State Building, và cho tôi một ánh nhìn đầy ngưỡng mộ trìu mến về tượng Nữ Thần Tự Do hùng vĩ... chuyến đi đó đã ăn sâu vào tâm khảm tôi những giá trị về ý nghĩa của hai chữ Tự Do, bằng những hình ảnh to tát, cao cả và thâm thúy nhất mà chỉ có thể cảm nhận được từ con tim của 1 người tị nạn. Vị Mục Sư ấy đã giúp tôi có được một đời sống ổn định những ngày bơ vơ ban đầu. Cũng vì lòng khao khát và nghị lực phấn đấu, tôi muốn chứng tỏ một người Việt tị nạn tầm thường như tôi còn có thể làm được 1 điều gì đó không tầm thường cho cuộc đời còn lại của mình, nên tôi bất chấp những gì đang có để dấn thân vào tương lai với ít nhiều liều lĩnh. Những lời nhắn nhủ của vị thầy vẫn về nhắc nhở trong tôi. Điều gì ở cuộc đời sẽ làm tôi mãn nguyện? Tôi đã từng thành lập một Công ty Computer năm 1987 và đã từng có lần đánh giá thành công qua những mức độ vật chất như nét hào nhoáng của chiếc xe mình lái, tầm lớn của cao ốc mình làm chủ, hay bán kính và độ dầy những viên kim cương... tiếc thay những giá trị vật chất đó đến rồi đi... Còn lại niềm mãn nguyện chăng có lẽ là ý niệm về một sự phấn đầu. Rằng mình đón nhận quả chanh từ số phận và đã vắt chất nước chua ấy tạo nên một ly đá chanh. Rằng mình đã vượt qua được một số thử thách nghiệt ngã của cuộc đời. Rằng mình chấp nhận cuộc đời bất chấp sự kém toàn thiện của nó, để luôn giữ vững niềm tin mà đi tới. Vì ngày mai hiển nhiên mặt trời sẽ vẫn còn ló dạng ở Phương Đông. Có một câu nói rằng: "How much you get out of life depends on how much you put into it", tạm dịch là "Mức độ bạn nhận được bao nhiêu từ cuộc đời này lệ thuộc vào mức đóng góp của bạn vào nó"... Nước Mỹ không thể xem là hoàn hảo, nhưng nó cho người tị nạn cơ hội để họ có thể phấn đấu và cuối cùng tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Tôi bước đi một cách bình thản giữa những ồn ào và náo nhiệt. Tôi học hỏi sự bao dung và công bằng từ cô Janet. Tôi trân quý lòng quan tâm mà Mục Sư Phillips đã dành cho một người tỵ nạn như tôi. Nhưng có lẽ chuyến viếng thăm New York là một kỳ tích đã để lại một ấn tượng sâu đậm nhất cho cả cuộc đời tôi. Nó cho phép tôi bước lại trên những dấu chân của những giống dân tị nạn khác đã từng đến nước Mỹ trước chúng ta. Đó là ý nghĩa về một lý tưởng Tự Do. Ý niệm đó từng làm tôi khóc sau biến cố Sept 11, 2001. Cũng vì những giá trị khai phóng đó mà tôi luôn theo dõi các phi thuyền Con Thoi của Mỹ khi nó bay ra ngoài khí quyển làm những công tác đặc biệt rồi lại trở về an toàn trên quả đất. Đôi khi những phi thuyền đó và các Phi Hành Đoàn phải trả giá bằng cái chết bi hùng của chính họ. Nhưng nước Mỹ, một quốc gia luôn tự hào về tính chất đa văn hóa, đa chủng tộc, luôn luôn tự chọn cho mình những sứ mang không tầm thường. Và tôi tự hỏi, hay là nước Mỹ cũng đang thực hành lời khuyên của vị thầy xưa của tôi? Có phải chăng nước Mỹ luôn đi tìm điều gì đó để làm cuộc đời này có ý nghĩa? Ngày mai khi vầng thái dương bắt đầu ló dạng, các bạn hãy làm một điều gì đó cho cuộc đời. Hãy biến mỗi ngày mới của bạn thành một ngày thật đầy ý nghĩa. Cát Biển |
Linh Hồn Của Thép Người hỏi ta, con tàu khối thép Đón đưa người, thép có linh hồn? Xin trả lời: tàu mang sinh mệnh Mỗi con tàu số phận đặt ban Người hỏi ta, mây trời bến lạ Thép với người, bền chặt núi non? Xin trả lời: trường ca máu lửa Thép cùng người, chung thuỷ sắt son Tàu mang anh hoàng hôn hải đảo Ngọn suối lòng chảy bến tình thương Tàu ra khơi bạt ngàn sương gió Trải nhụy vàng ngát thái bình dương Tàu đưa anh thuỷ cung huyền hoặc Ướp mây hồng đẹp giấc em mơ Tàu hiên ngang cờ ngày lộng gió Mang lửa nồng sưởi tuyết đông sơ Người hỏi ta, chân mây đầu sóng Thép với người còn nghĩ đến nhau? Xin trả lời: nỗi lòng sông biển Linh hồn kia, người vẫn yêu tàu |
Vỉnh Biệt Nguyễn Hùng Tâm
Từ lớp trẻ khoác chiến y dạo ấy Bạn bên chúng mình từng bước quân đi Ngày tinh mơ chập chững mặc kaki Bạch Ðằng 2 sương khuya xếp hàng hít đất Quang Trung quân trường biển người mưa phất Bọn chúng mình giử màu áo Hải Quân Cổng Nha Trang chùn bước cõng balô Khổ nghiệp Ðại Dương ngọt bùi cã lủ Tiểu Ðoàn Sinh Viên kiêu hùng quân chủng Bạn giử cho đời hoa trắng tinh nguyên Sắt thép hiên ngang tuổi trẻ vươn lên Buổi ra trường ghi công đầu gian khổ Bên anh em bạn làm chim bay trước Con số cuộc đời danh ước Hai Mươi Chiếc nhẩn vàng đeo sát ngón tay Hãnh diện khổ đau mang đầy nghiệp dĩ Giữa ngày về bạn vĩnh viễn ra đi Trong uất nghẹn bao bạn bè thương tiếc Khuya đêm nay trên vòm sao Hổ Cáp Một ngôi sao chợt tắt giữa đêm đen |
|
Những Ngày Bi Thương Năm Ấy Hải pháo từ Cát Lỡ bắn liên hồi Thục vào cầu Cỏ May ầm ì chận giặc Ngày hăm chín Vũng Tàu sôi máu sắt Đại bác quân thù ì ỏm bắn ra khơi Trước mũi tàu đạn giặc rót loạn lung Các chiến hạm neo xa, lù lù chờ lệnh Rối loạn, mọi người đổ xô cửa biển Thuyền bè đáo đôn ngổn ngang đi, ở Ba Mươi Tháng Tư mưa sầu nức nỡ Ai khóc cho mình, hay trời khóc quê hương? Bãi biển tang thương uất hờn héo hắt Bao nhiêu cảnh người, ruột thắt từng cơn Trên máy phóng thanh Minh Lớn đầu hàng Là tiếng dao bầu cứa ngang tấc cổ Cả trời tin yêu một lòng anh dũng Tuổi trẻ kiêu hùng dâng hiến quê cha Nay quê chẳng còn, con buông chí cả Mai con đi rồi ai giữ quê ta? Chiều Ba Mươi chìm cơn dông tố Cả một đoàn tầu vĩnh quyết chia ly Hạm Đội chưa hề về đông như thế Không đánh quân thù, lại thãm bại ra đi Khu Trục dẫn đầu súng cao hiễn hách Tuần Dương, Hộ Tống, Dương Vận hải uy Giang Pháo, Trợ Chiến, Tuần Duyên, Tiếp Vận Cả một dũng đoàn sức mạnh ai bì Mấy chục con tàu tiến quân đau xót Quê Mẹ không còn, đuổi kẻ ra đi Mỗi ngày xa quê là một ngày lạc lỏng Mỗi bóng mặt trời là một kiếp khổ sai Mỗi tối hoàng hôn là âm tỳ tủi nhục Mỗi sóng reo đuà là mũi nhọn chởm gai Ngày Bảy tháng Năm tàu vào Phi phận Con số chiếc tàu sơn cạo, xoá tên Bao nhiêu uy danh nay thành hư ảo Khối sắt vô hồn, thây xác rỗng tênh Còi chào sĩ quan nghe cay đắng nhức Viên chức Hoa Kỳ trình Ủy Nhiệm Thơ Nhận các con tàu vừa thành vô chủ Áo biển trẻn trơ ngày mất bến bờ Chiều gió mơ màng hàng người im phắc Đứng thẳng boong tàu cứng ngắt, chào tay Nhìn lá cờ vàng lòng đau quặn thắt Còi thổi: 'Hạ kỳ', mọi mắt đều cay Có kẻ nấc lên người kềm nước mắt Nhìn lại bạn bè hận ức bủa vây Hăm Chín Tháng Tư khăn tang ban phát Tàu có hai xuồng chung thủy đón đưa Lệnh gom quân vĩnh biệt đến giờ Không kéo thuyền lên, mà đành đoạn cắt Thủy thủ chặt giây, hồn tim se thắt Lià bỏ con thuyền dứt bến bờ thương Mồng Bảy tháng Năm ta mang đời tị nạn Từ đó sâu hằn dấu tích quê hương |
|
Hồi Ký - Yểm Trợ Trận Chiến Hoàng Sa
Ngày 17 tháng 4 năm 1974, chiến hạm Vĩnh Long HQ-802 (LST) của chúng tôi bỗng sôi động hẳn lên với lệnh rời vùng trách nhiệm Trường Sa để tiến về quần đảo Hoàng Sa. Có tin đồn Trung Cộng sắp tấn công tấn chiếm quần đảo Hoàng Sa, và Hải Ðội III Ðặc Nhiệm trực thuộc Hạm Ðội chuẩn bị nghênh chiến. ![]() Cá nhân tôi, vừa được đi du tập qua các quốc gia Á Châu trong vùng trách nhiệm của Ðệ Thất Hạm Ðội Hoa Kỳ về lại Hạm Ðội VN, nhận thấy quá rõ ràng thái độ mới của chính trường Hoa Kỳ và sự bấp bênh của chính quyền Nixon, lòng tôi âu lo về sự xuất hiện của loài cá mập này càng làm gia tăng gánh nặng cho HQVN. Như vậy, thật bất ngờ, trận hải chiến Hoàng Sa sắp thành sự thật. Nhiệm vụ của Hải Ðội đặc nhiệm được thành lập từ năm 1973 nhằm đối phó với vấn đề đặt quân trú phòng trên lãnh hải Hoàng Sa và Trường Sa, song song với việc thăm dò tài nguyên thiên nhiên dầu hỏa thuộc về chủ quyền VN. Hải Ðội đặc nhiệm được chỉ huy bởi HQ Ðại Tá Hà Văn Ngạc (Khóa 5), cũng là Chỉ Huy Trưởng Hải Ðội 3(Hải Ðội Tuần Dương), thuộc BTL Hạm Ðộị Thành phần của Hải Ðội đặc nhiệm cùng thao dượt mùa hè 1973 gồm có: * CXH HQ-802 (Hạm Trưởng HQ Trung Tá Vũ Quốc Công) là soái hạm. * CXH HQ-801 (có chở theo các Sinh Viên Sĩ Quan thuộc Trung Tâm Huấn Luyện HQ Nha Trang. * Khu Trục Hạm HQ-4 (DER) và 3 Tuần Dương Hạm (WHEC). Ngoài ra còn được tăng phái 1 số hạm trưởng thâm niên để thực tập các công tác tiếp vận quy mô ngoài khơi. ![]() Ngày 16-1-1974 Trung Cộng mang 2 chiến hạm số 402 và 407 cùng nhiều ngư thuyền vũ trang đổ bộ lên đảo Cam Tuyền, một đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Ngày 17-1-1974, Khu Trục Hạm HQ-4 đến Hoàng Sa gây áp lực buộc lức lượng Trung Cộng rút khỏi 2 đảo Cam Tuyền và Vĩnh Lạc. Tuy nhiên, chiến hạm của Trung Cộng vẫn lảng vảng trong vùng. Chiều lại, tin báo cáo cho biết có thêm 2 chiến hạm săn tàu ngầm loại Kronstad của Trung Cộng được tăng cường. Nhận thấy tình hình nghiêm trọng, Bộ Tư Lệnh HQ Vùng 1 Duyên Hải ban hành lệnh hành quân Hoàng Sa 1 nhằm chiếm lại các đảo Cam Tuyền, Quang Hòa, Duy Mộng và Vĩnh Lạc. Ðồng thời, tăng cường thêm Tuần Duyên Hạm HQ-5 (Cruiser) và Hộ Tống Hạm HQ-10 (Escort) vào vùng chiến cùng với Khu Trục Hạm HQ-4 (Destroyer) và Tuần Duyên Hạm HQ-16 Cruiser). ![]() Lực lượng HQ Trung Cộng có 11 chiến hạm và ghe thuyền (gồm các tàu Khinh Tốc Ðỉnh Komar với hỏa tiễn hải-hải, Vớt Mìn, Trục Lôi Hạm và Hộ Tống Hạm), tổng số binh sĩ Trung Cộng hiện diện không rõ. Chiến hạm chúng tôi, HQ-802, hai máy tiến full vận chuyển với tốc độ nhanh đến vùng 1 Duyên Hải ngày 18-1-1974 để nhận lệnh. Trên đường đi Hạm Trưởng HQ Trung Tá Vũ Quốc Công ra lệnh hạm phó, Thiếu Tá Thái, chỉ huy bắn thử các trọng pháo để thao dượt tác xạ. Mỗi phát đại bác bắn đi, tàu chúng tôi rung chuyển khắp thân của khối sắt nỗi, hầu hết thủy thủ đoàn đều lên boong tàu lúc thao dượt tác xạ. Chúng tôi chỉ biết HQ-5 đã tiến ra Hoàng Sa với toán SEAL, HQ-4 mang theo toán Biệt Hải, và HQ-16 đang có mặt ngoài khơi Hoàng Sa. Dĩ nhiên là mọi thủy thủ đều quan tâm đến những diễn tiến đầy kinh ngạc này. Ðang bận đương đầu với chiến cuộc với CSVN mà HQVN tham dự bằng yểm trợ hỏa pháo từ mặt biển, nay nghe tin HQ Trung Cộng sử dụng chiến hạm với tốc độ nhanh trang bị hỏa tiễn vượt trội hơn hỏa lực HQVN, ai cũng lo ngại về sự bất cân bằng của trận hải chiến. Trước đó khoảng 1 năm, CXH Vĩnh Long HQ-802 được lệnh đi thao dượt tập đội tại ngoài khơi Trường Sa, theo các tin tức là 2 quần đảo Trường và Hoàng Sa có thể có các mỏ dầu quan trọng. Từ đó chúng tôi rời đất liền với những công tác dài hạn kéo dài vài ba tháng lênh đênh chỉ thấy những nước và sóng biển, thèm khát mặt đất, cây cối, nhà cửa và những tà áo dài. Hải đảo Trường Sa buổi chiều các hải âu bay về hòn đảo nhỏ với số lượng đông đảo làm đen cả bầu trời và tiếng kêu chíu chít nhộn nhịp của bầy chim có thể nói kinh khủng như phim của vua kinh dị Hitchkok. Ai muốn bắt bao nhiêu chim và lấy bao nhiêu trứng chim hải âu này đều được cả. Chỉ cần lấy xoong, giỏ ra mà xúc bắt vì chúng nhiều vô số. Các sinh vật dưới biển nhiều con thật lạ lùng, các anh Ðịa Phương Quân ăn phải cá biển độc bị sưng phù và nhiễm bệnh nhiều đến nỗi chúng tôi phải chở thêm y sĩ ra trị bệnh. Có buổi chiều tàu bỏ neo, tôi đứng gần anh hạ sĩ Ðương đang thả mồi câu cá. Mồi nhấp nhấp rung dưới nước, hạ sĩ Ðương giật lên 1 con cá khá lớn. Anh vừa kéo cá lên khỏi mặt nước khoảng 1 mét, bỗng từ dưới nước nổi lên 1 con cá mập phóng ngang qua táp mất con cá của hạ sĩ Ðương, cắn đứt luôn cả dây câu, và biến vào lòng biển. Mọi người chúng tôi đều nhìn nhau kêu "Ồ" một tiếng. Từ hôm ấy, chúng tôi không rủ nhau nhảy xuống biển vùng ấy để bơi lội khi trời nóng bức, điều mà chúng tôi vẫn thường làm mấy hôm trước. Cả hai vùng biển Trường và Hoàng Sa đều nổi tiếng là có nhiều đá ngầm tức là các đỉnh núi của những núi chìm với chân núi sâu một hai ngàn thước, ví như các bãi chông dễ thọc lũng các tàu bè. Các tàu khi mắc đá ngầm bị bể nát cả thân, chỉ nỗi lềnh bềnh phần trên trở thành xác khô phơi thân cùng sương gió. ![]() Cùng lúc ấy, tại quần đảo Hoàng Sa, toán Hải Kích SEAL (Người Nhái) của HQVN được lênh đổ quân lên đảo Quang Hòa do Trung Cộng chiếm cứ. Quân Trung Cộng nổ súng khiến cho 2 người nhái VN chết (Hạ Sĩ Long và HQ Trung Úy Ðơn). Toán Hải Kích rút về chiến hạm HQ-5 lúc 9:30 sáng. Trận hải chiến ngay sau đó bắt đầu lúc 10:00 sáng. Tôi được biết chiến hạm 2 phía dàn hình đối mặt, HQ Việt Nam ở vòng ngoài tiến về hướng Ðông Nam vào, Trung Cộng vây quanh đảo Quang Hòa, hướng về phía Ðông Bắc nghênh chiến. Sĩ quan chỉ huy chiến thuật (HQ Ðại Tá Ngạc) ra lịnh khai hỏa, tác xạ trực tiếp vào tàu địch. HQ Trung Cộng phản công. Trận hải chiến diễn ra với tổn thất hai bên như sau: VNCH: HQ-10 bị chìm tại trận. HQ-16 bị hư hại nặng, (phòng máy bị trúng đạn nhưng còn hải hành được). HQ-5 và HQ-4 bị hư hại nhẹ. Gần 50 binh sĩ bị tử thương, kể cả hạm trưởng HQ Thiếu Tá Ngụy Văn Thà của HQ-10 cùng chết theo tàu. ![]() Chúng tôi nóng lòng theo dõi các diễn tiến của trận hải chiến và rất đau lòng trước cái chết của một số đàn anh và các chiến hữu mà chúng tôi đã gặp từ Hải Ðội 3 Duyên Phòng (Vũng Tàu). . Một lần nữa cái đau xót xưa lại trở về, kẻ thù Phương Bắc lại dày xéo mãnh giang sơn mà cha ông chúng ta đã lập nên. . Sau trận Hoàng Sa, Trung Cộng lập tức huy động một lực lượng hùng hậu kết hợp Hải-Lục-Không Quân với gồm cả 42 chiến hạm và 2 tiềm thủy đĩnh tấn công đổ bộ bao vây tấn chiếm đảo chánh Hoàng Sa và các đảo kế cận, bắt giữ tất cả binh sĩ VN trên các đảo giải về Trung Cộng. Sáng ngày 20-1-74, hai chiến hạm HQ-4 và HQ-5 về lại Ðà Nẵng cập bến an toàn gặp lại HQ-16 đã về đó trước, tất cả các chiến hạm đều bị trúng đạn. Chiến hạm chúng tôi sau đó được lệnh trở về Vũng Tàu. Sau này khi tàu về đến Vũng Tàu, tôi thấp thỏm mong tin về các bạn SQ cùng khóa tham dự trong trận đánh đó là HQ Ðại Úy Nguyễn Minh Cảnh (Người Nhái) và nhất là HQ Trung Úy Lê Văn Dũng ( Biệt Hải) bị HQ Trung Cộng tiến chiếm đảo Hoàng Sa bắt mang về Trung Cộng, cùng với các Ðịa Phương Quân và toán Công Binh. Khi thoáng thấy HQ-471 do HQ Ð/Úy Hoàng Thế Dân ( Khóa 20) làm Hạm Phó lù lù xuất hiện về lại cửa biển Vũng Tàu từ vùng chiến Hoàng Sa, chúng tôi đã lên máy truyền tin và vì quá mong đợi tin an nguy lẫn nhau đã liên lạc trực tiếp bằng bạch văn về tin tức của trận hải chiến, bất chấp các lệnh mã hóa truyền tin. Trong hải sử cận đại mà các cuộc hải chiến xảy ra rất hiếm hoi, biến cố Hoàng Sa là trận hải chiến đã hâm nóng lại mối thù sâu xa với kẻ thù Phương Bắc, mà liên tục qua nhiều thế kỷ đã tìm cách xâm chiếm và xâm phạm chủ quyền nước Việt Nam, như một anh láng giềng ngoan cố tệ hại nhất. Trận hải chiến Hoàng Sa đã để lại tâm khảm tôi một số ưu tư dằn vặt mà qua thời gian tôi vẫn không thể nào khuây. Chúng ta không thể nào quên được ý đồ xâm chiếm của kẻ thù Phương Bắc. Kém may mắn thay, đi kèm với hành động xâm lăng ấy là một thái độ trở cờ của chính trường HK, hậu quả của lỗi lầm về chánh trị của Tổng Thống Nixon trong vụ Watergate. Nước VN đã bị cô lập và bị từ khước các chọn lựa bằng giải pháp ngoại giao, để rồi phải chọn hình thức hi sinh, chiến đấu trong vô vọng, liều chết để bảo tồn danh dự trước kẻ thù mạnh hơn mình về quân sự. Tuy nhiên có lẽ niềm đau day dứt nhất vẫn là cái chết đáng thương của các chiến sĩ Hải Kích kiêu hùng mà quân chủng Hải Quân đã phải tốn bao nhiêu công sức để đào tạo. Họ được lệnh đổ bộ lên đảo trước các mũi súng địch đang gờm chờ sẵn trong hàng phòng thủ, mà không hề được hải pháo dọn bãi yểm trợ. Rồi nghĩ lại hoàn cảnh HQ-10 trong tình trạng bán khiển dụng (tàu có 2 máy chánh nhưng một đã bị hư), mà vẫn được lệnh tham chiến để rồi bị trúng đạn chìm vào lòng biển cả. Người lính VN đã phải trực diện với bao phi lý của thời cuộc như thế chỉ để nối tiếp các thế hệ đàn anh viết lên những trang sử đỏ thẳm bằng máu của chính họ. Xin đốt một nén hương lòng cho các anh hùng Hoàng Sa và mượn lời thơ của Nguyệt Trinh để ghi khắc công trạng ấy và cầu mong cái chết của họ không trở thành vô nghĩa: Sóng biển chiều nay cuồn cuộn quá Còn đây uy dũng pháo Hoàng Sa Vành khăn tang trắng đầu con trẻ Kinh buồn vĩnh biệt tiếng cười cha .... |
Giấc Mơ Biển Xưa yêu biển, anh mộng mơ hải nghiệp Dệt hồn mình thẫm nguyện một màu xanh Áo trắng tinh anh, mủ vành phong nhã Nếp chỉ vàng may áo dạ hoàng gia Hoa biển mộng, ẫn đầy gai khổ nhục ! Cánh tay trần luyện hái gió đo mây Ngày đăng quang, quì đưa tay vũ trụ Đeo nhẩn vàng thách thức ngũ đại dương Rồi từ đó loài kình như lượn sóng Mộng thủy cung, huyền thoại mỹ nhân ngư Ngắm sao trời gió lủ, sóng ba đào Đi chất ngất chuyến phiêu lưu kỳ ảo Chiều Trường Sa hải âu bay ngập đảo Nắng Hà Tiên vịnh đá nhã hương thơ Tâm sự trăng sao mượn nhờ hơi thuốc Uống mềm môi tình tự bóng trong mơ Thủy thủ say tình, biển cả mịt mờ Biển say sóng bờ, ai say với rượu Bến ở đi, sương mờ giăng hải lý Gang thép thề bền bỉ với non cao Những ca đêm hải hành vào tác xạ Đại pháo bắn đi run cả thân tàu Rồi những chiều mưa giông vờn bảo lớn Tàu nghiên mình răng rắc rợn cả da Và những chuyến xuôi buồm trong nắng sớm Thủy thủ hát ca vang vọng cả boong tàu Phiêu lãng đời trai ngất cao ước vọng Bỗng một chiều ác mộng Tháng Tư đen Nhổ neo cắt xuồng đắng cay tấc lưỡi Xếp lá cờ tức tưỡi kiếp tha hương Nay phố lạ áo gươm trao trả mộng Thoáng rượu nồng hổ nhớ chợt rừng xưa Ôi hải nghiệp biển yêu còn ấp ủ Tóc ngã màu chim rũ cánh phiêu du |
|
Người Qua Tôi cho người chút hồng sương mai Người khơi tôi những nhánh sông dài Tôi cho người quảng dài canh thâu Người cho men rượu đắng cung sầu Tôi trao người một vầng trăng yêu Người mang tôi những áng mây chiều Người qua chơi xác thân mềm liễu Cửa ngách hồn linh lộng cánh diều Còn em gọi nắng vào mưa Còn anh cuồng dại say sưa gió ngàn Kiếp mơ thần thoại xin mang Chim bay còn dấu thiên đàng nhớ nhung Tôi hong đời cát vàng tinh nguyên Người rong chơi những gót chân huyền Người đi qua, cỏ cây hằng nhớ Những phút thần linh sóng quyện bờ. Passing by I give some tints of the morning dew, You spread them into arms of river. I share with you the long night wake, You instill the bitter brew of melancholy. I offer a loving moon You put in the cloudy sunset. You pass by with mellowing softness, Arousing all my soulful slits and crannies. You call the sun into the rain, I passionately ride on the wind, To a dream in fairyland, Where the vestiges of a heavenly adventure are still. I lay my sand on a virgin beach You tread along with magical steps, Even the plants and trees remember The precious moments when legendary waves kiss the shore. Translated by : Bình Nhung (03-05-03) |
|
Rừng Hoang Chợt Thức thơ: Cát Biển nhạc: Vũ Thư Nguyên Từ giấc bướm cánh rừng hoang chợt thức Từ giọt em anh hít thở quỳnh lan Từ đêm dại sương bình minh gọi thức Từ tơ ai mật nhớ quyện không gian Là hơi thở len đi tìm giọt máu Là tâm linh dạo mấy cõi thiên can Là đôi cánh quí trân từng đỉnh núi Là tinh nguyên chiếu vọng chốn thiên đàng Em trút suối mưa nguồn anh khao khát Em hồng hoa nồng bước lối anh qua Em dại cỏ chơi đùa anh gió mát Em ngọc ngà xâu chuỗi kéo tình ta Trong cây lá nghe mùa đông chợt thức Từ ven đồi nắng hạ chiếu hoa đăng Anh vượt tuyết qua trầm kha lưu vực Tạ ơn ai lay thức giấc nhọc nhằn. |
Thuở Vào Đời Người vào hồn ta tan trường chung lối Bao buổi học về còn say gió hôm nao Vẫn hương cỏ thơm chiều nghiêng nghiêng nắng Vắng bước chân nàng, lối rẽ xót xa đau Chiều nào kề vai nghe lòng dậy sóng Bia đắng đầu đời mềm môi chất thương đau Rồi sông chảy tuôn trào con nước lắng Nước mằt đưa người ly biệt kiếp binh đao Anh ra đi gói theo hành trang nhỏ Ấm quê hương thương mấy giọt lệ chào Cửa xe cuối đời học sinh áo trắng Khép kín khung trời thơ mộng xuyến xao Từ vùng hồn nhiên, cuồng điên giông bảo Mê tỉnh cuộc đời tìm bao mãnh hư hao Bỡi hôm tuổi mơ người cho men đắng Gió buốt bao mùa nhớ tưỡng giấc chiêm bao |
|
Vào Thu Nắng Hạ vô tình buông phố thôn Biết chăng Thu lá nhuốm phai hồn Chân Hè hoang vắng tay người tiễn Bóng dáng Thu về sương cỏ non Hạ nắng chan hòa tim chứa chan Thu đau trần thế lá rơi vàng Nghe reo phượng vỹ đùa trong nắng Sao ẫn mây sầu hoang nghĩa trang Thu, từ đôi mắt ngẩn ngơ nai Ta, kẻ rong chơi quãng ngắn dài Giam giữ đã đầy cơn bão tố Sóng cồn vô thức khoảng riêng ai Có biết hồn kia đang kéo tơ Hạ ơi chào nhé những mong chờ Cho ta vào trú khu rừng nhớ Nhặt đóa thu sầu giăng kết hoa |
|
Mùa Phượng
Vỹ Thơ: Cát Biển Nhạc: Mai Ðức Vinh Người giẫm sỏi buồn ghé bước chân Ngôi trường hoen nắng chiếu qua sân Hoang vu trống vắng buồn đơn lẻ Gió táp hồn nghe buốt chạnh ngần Thương lối đi về, tuổi ngóng trông Con đường đến lớp ngát bông vông Phượng rơi thềm lối mùa hoa thắm Áo trắng bay lơ, chạm cõi lòng Thuở đó lòng đan những hạt châu Thoáng nhìn khoé mắt ngút xanh dâu Bao nhiêu mong nhớ lời câm nín Ai gửi thầm ai vạn nỗi sầu Ta vẫn mang đầy nặng trĩu thương Những ngày phượng nở ngát vầng dương Rưng rưng giã biệt hè chan chứa Ði gởi niềm thương trước cổng trường |
Lời Tiễn Muộn
Tập vở trao đề tên chử Vương Trao chi mộng mị giữa đêm trường Vầng trăng kiều diễm trang đài quá Cánh hạc sương mờ ngây ngất hương Núi nhớ mây còn rung gió đông Trăng quên đi vội, nước trơ giòng Người đi vào cỏi hồng miên viễn Bỏ lại xuân nồng ai ước mong ? |
|
Cảnh Xa Nét bút tơ trời đan thiết tha Chim thon từng bước dấu chân ngà Lòng ai tựa sóng cuồng tuôn chảy Ngút giải thiên hà hoan cảnh xa Bỗng nhói tin buồn đau tháng Tư Nghe câm lặng đắng chết ngôn từ Còn ai về lại ngồi chung lớp Trãi luyến lưu về khuôn tiểu thư |
|
Mưa Đêm Thơ: Cát Biển Nhạc: Mai Ðức Vinh Ðêm nghe tiếng bụi ngàn Ðêm hoang gió luồng ngang Ðêm bão nổi cung đàn ...bão nổi cung đàn ...như tiếng thở than Nghe thiên khúc nghê thường Nghe chân bước bờ thương Nghe nhung nhớ sông Mường ...nhung nhớ sông Mường ...thanh thoát trầm hương Tóc dù điểm sương trời Mai trôi gió ngàn khơi Mai rũ rượi góc đời ...yên giấc cuộc chơi Xin hương ngát rộn ràng Trong hơi ấm mộng đan Tay vin dấu địa đàng ...vin dấu địa đàng ...cho thỏa trần gian... |
Em, Biển Cả và Anh Em, biển cả Hai nguồn mơ tuyệt vợi Quyện hút hồn anh huyền ảo đam mê Ta giữa biển một đêm trăng thần thoại Cuộc nhân gian Cùng lạc mất nẽo về Anh và biển Hai vệt dài khoảng cách Biển ngàn năm vần vũ cuộc triều lưu Anh hiện hữu, một que diêm tí tách Loé sáng trong đêm Rồi tắt lịm nghìn thu Em ghé biển Sông trời sáng bừng tinh tú Thoáng ngọc ngà Mang ước lệ nghìn thu Biển vẫn biển Ðầy phong ba bão táp Anh vẫy vùng Man dại giữa sương mù Anh bỏ biển Vùi sâu bao ước nguyện Em ra đi trần thế đẫm cô miên Ta ghé biển một phút giây phàm tục Trãi dư âm Thấu tận cõi hư huyền ........ |
|
Vĩnh Biệt Một Loài Hoa
Cho Ngọc Lan Từ lúc chim bay rũ bụi trần Bên bờ sông vọng tiếng tơ ngân Người chơi vui chút nơi trần thế Cánh dỏi xa bay cảnh nhược bần Có phải tay vươn thầm níu gọi Hay là khoé lệ ứa trào dâng Rừng hương hoa thắm xưa ngồi hát Giờ ngủ thiên thu dưới mộ phần CB Nguyễn Văn Sáng |
|