Thực tập Đệ thất Hạm đội
 
D
anh sách các HC2 thực tập Đệ thất Hạm đội có chỉnh sửa, cộng thêm tiến hành làm thủ tục đã chờ đợi khá lâu.
Vì có chuyện gia đình, tôi đã lặn về Mỹ Tho mấy hôm, khi trở lên thì đã có Passport. Bị “xạt” quá chừng vì không có mặt để ký tên trước khi xin Visa và một bạn nào đó đã ký thay, xin cám ơn.
Thời điểm nầy HQ Hoa Kỳ và VNCH đủ mạnh để các Passport HC2 nhận được Visa của 6 quốc gia: Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Phi luật Tân và Singapore, coi như khép kín biển Đông tàu ghé đâu thì cũng lên bờ được.
Hạm đội 7 tàu bè nằm rải khắp nên HC2 phải chia từng nhóm nhận nhiệm sở.
Tôi và Tô Phước Hồng, chúng tôi được chỉ định lên chiếc USS Southerland ( DD-743 ) đang hoạt động tại Đà Nẳng nên lộ trình khởi đầu cũng giống bạn Lê văn Châu: bay ra trình diện BTL/V1DH sau đó ra HKMH USS America tham quan mấy ngày rồi về nhiệm sở DD-743.
Được Hạm phó và vài sỉ quan tiếp đón dẫn vào trình diện Hạm Trưởng.
HT phân công Đại Uý cơ khí trưởng “kềm kẹp” Hồng còn tôi giao cho Đại Uý Karf hải hành trưởng chiếu cố.
Sau khi tham quan tìm hiểu khắp nơi trên tàu chúng tôi bắt đầu lên ca trực.
Ấn tượng đầu tiên khó quên là lúc nầy tàu đang trong vịnh Bắc Bộ, đội hình hộ tống HKMH cho phi cơ hoạt động ném bom miền Bắc.
Nhìn từ đài chỉ huy đội hình gồm : HKMH USS America giữa, trước sau là 2 Cruiser, trái phải có 2 DD ( DD-743 đang ở mạn phải không biết bên kia có phải là tàu của LVC?).
Xa nửa trước sau là hai trực thăng lượn vòng.
Đội hình hoạt động HKMH tiến Full nên tất cả đều nhanh theo.
Trong điều kiện thời tiết tốt, từ đài chỉ huy có thể bằng mắt thường thấy bờ biển Hải Phòng vài ghe tàu chìm đưa mũi lên, mấy rặng cây thấp thoáng.
DD-743 theo hướng dẫn của Đ/úy Karf :
-6 đại bác 127mm trên 3 pháo tháp, 2 trước, 1 sau, khai hỏa và chỉnh tọa độ tự đông trong phòng điều hành
-16 khẩu phòng không 40 mm
-10 ống phóng ngư lôi 32 inches (530mm)
-06 máy phát tín hiệu dò tìm tầng sâu
02 máy dò tìm không trung
Ứng chiến và thực tập thường xuyên các nhiệm sở: chống tàu ngầm, hải chiến, phòng không, cứu hỏa, tiếp nhiên liệu, cứu nạn ...
Công tác hộ tống HKMH độ vài tuần thì tàu được phép trực chỉ Hong Kong nghĩ dưỡng.
Rời VN không lâu thì đi vào vùng áp thấp, gió mạnh sóng cao, nhìn rõ có khi phũ qua cả giàn anten cao 18m trên cột buồm.
Thế là cho chó ăn chè, ói mãi tới mật xanh mật vàng, nằm liệt, bỏ ca trực. Được cái xếp thông cãm thỉnh thoảng cho y tá tới phòng xem “có mệnh hệ nào” không. Lúc nầy chợt nhớ và thấm câu:
Ôi biển cả giờ đây ta mới biết
Mộng hải hồ giết chết cuộc đời trai
Tuy vậy mà khi tàu vô Vịnh thì tỉnh ngay, nhịn ăn đã một ngày đêm giờ thấy đói mò tìm thức ăn.
Kể thêm rằng phục vụ phòng ăn sĩ quan là một nhân viên dân chính người Phi, thấy có thêm hai thằng da vàng mũi tẹt như mình nên hắn cũng ưu ái, vừa thấy mặt là biết mình muốn gì.
Tàu cấp cho mỗi thằng một giấy chứng nhận lên xuống tàu và như thế Võ Văn Tâm và Tô Phước Hồng mặc civil làm Tàu Hong Kong đi chơi thoải mái: luồng vô khu bình dân ăn mì Quãng, vô rạp xem phim, vô quán bar uống vài ly xem mấy em vũ sexy, đặc biệt trong một lần tham quan hai đứa vượt qua luôn off limit. ( Tới vị trí nầy lính Mỹ thường trở lại, bên trên là khu vực thương mại của Trung cộng trưng hình Mao, Giang Thanh cỡi ngựa bắn súng ..). Đi một hồi cũng rét quá nên trỡ về.
Tàu nghĩ dưỡng ở Hong Kong 2 tuần thì trở lại VN tiếp tục công tác. Lần nầy ngoài hộ tống HKMH, còn yểm trợ hỏa lực trên bộ.
Một lần tiếp dầu ngoài khơi Đà Nẳng với USS Camden bọn mình có thấy Lê Quang Trinh
không nhớ rõ bên DD-743 hay bên của Trinh yêu cầu mà hai đứa có dịp “vẫy tay chào nhau”.
Ở ngoài khơi Cà Mau, tàu tiếp một trực thăng từ bờ ra xin yểm trợ hải pháo lái chính là Mỹ, lái phụ VN tên Minh, anh nầy hơi rét khi đáp xuống mặt bằng nhỏ như vậy ( tàu cũng sẳn nhiệm sở cứu nạn).
Sau đó thì Hạm phó có cho tôi xem tọa độ tác xạ và hỏi xem khu vực có nhiều dân cư không?
Đó là vùng U Minh Hạ xa thị trấn Năm Căn lẫn Đầm Dơi (yêu cầu có kèm theo bản đồ )
Từ đài chỉ huy có thể nghe thấy các khẩu pháo bắn liên tục từ phát một, dây chuyền tiếp đạn tự động đưa lên nòng. Hệ thống thủy lực giữ tọa độ chính xác, ngay cả khi tàu bị nghiêng lắc.
Phương tiện tốt đã giúp ích rất nhiều cho hoa tiêu, kể từ lúc trở lại VN tôi “bị" kể là SQ trực và phải ký vào nhật ký hải sau mỗi ca trực.
Với rada có tầm hoạt động 500km giám lộ chỉ cần quét mục tiêu cố định nào đó xác định hướng và tầm xa là biết vị trí, cẩn thận thì quét hai mục tiêu, ngoài tầm radar thì mới cần point thiên văn.
Sau khoảng một tháng trở lại VN công tác, tàu được lệnh trực chỉ Subic Bay bão trì
Từ Đà Nẳng, Hạm trưởng vẽ lộ trình hầu như song song với vĩ tuyến 16. Đi được khoảng nửa lộ trình trùng hợp 10pm trời tốt Hạm phó cho làm point thiên văn kiểm tra lại vì trong ca trực nên tôi cũng được chứng kiến: tiến trình không khác mấy mình học, cũng căn cứ vào vị trí một ngôi sao có ghi trong sách thiên văn tại thời điểm tinh, do hướng và độ cao ( góc) từ đó tính được vị trí tàu. Cái khó là phải nhận được ngôi sao muốn tính, hôm ấy có vài cụm mây, chờ mây qua hết mới nhận diện được và point tính khá chính xác với lộ trình.
Tới Phi luật Tân cũng còn được mấy ngày đi bờ ngoài thị trấn Olongapo. Hứa lèo ngũ đêm với một em ở quán bar nhưng chuồng êm ...
Hết thời gian thực tập, chúng tôi cũng theo các bạn 20 về Manila “trở về đơn vị cũ."
VVTâm
Nguyễn Hùng (Hùng đầu bò) và tôi (Nguyễn Hữu Nam đeo kính) trong phòng CIC của Khu trục hạm Uss Bausell DD-845 trong vùng biển Philippines Sep.1970.
 
V ắn tắt những nơi du lịch khi thực tập:
1)- Sau khi thực tập trên Khu trục hạm USS Goldsborough DDG-20 tuần dương vùng biển Korea, Japan nghĩ bến ở Yokosuka, được dịp du lịch bằng xe lửa tốc hành qua các thành phố Yokohama, Tokyo từ nhà ga Shinagawa đến Imperial Palace, Tháp Tokyo. Gặp 2 bạn người Nhật rủ về nhà ở Sumanachi. Sau về lại Yokosuka tiếp tục du lịch Hồ Yamanaka dưới chân núi Phú Sĩ (Fuji) nơi đây tôi có làm quen một cô sinh viên tên là Kumiko Ogawa (sau này về ViệtNam có thư từ thăm hỏi lẩn nhau một thời gian thôi).
2)- DDG-20 rời bến Yokosuka để đến Cảng Sasebo, Hùng và tôi thực tập trên USS King DLG-10, gặp Nguyễn Hùng Tâm và Đỗ Duy Vy. DLG-10 lại rời bển Sasebo để thủy thủ đi bờ tại Kaoshiung (Cao Hùng), Taiwan (Đài Loan) để thăm Taiwan vả Hong Kong. DLG-10 neo tại Hong Kong. Chúng tôi (Hùng, Tâm, Vy, Nam) lại có dịp du lịch Hong Kong với nhau, từ bến tàu Wanchai có thể đi bộ dạo phố Hong Kong, Tâm rủ tôi đi “trả thù dân tộc", tôi ngại bị bệnh Okinawa (1970 chưa có bệnh HIV) nên tôi nói với Tâm “không đi”. Sau khi Tâm giải quyết xong, chúng tôi dùng Taxi (xe Mercedes củ) lên Victoria Peak, nơi có thể quan sát toàn cảnh Hong Kong và Kowloon (Cửu Long) thời năm 1970 vẫn thuộc về Anh, nơi này có nhà sản xuất Dầu Cù là con Cọp (Tiger Palm Garden).
Sau đó chúng tôi dùng Phà (Ferry boat, 1970 chưa có Tunnel đường hầm dưới biển) từ Hong Kong qua Kowloon, chúng tôi đến Aberdeen tìm đến các Nhà Hàng Nổi (Floating Restaurant) ở ven biển để ăn, ghé vào một Restaurant có hình Richard Nixon thời còn làm US Senator (TNS) ghé Nhà hàng này ăn, chúng tôi dùng ăn trưa.
3)- Hết thời gian đi bờ ở Hong Kong, DLG-10 hải hành đi Subic Bay, Philippines để Hùng và tôi thực tập trên Khu trục hạm USS Bausell DD-845, còn Tâm, Vy ở lại DLG-10.
Chúng tôi lại có dịp du lịch Philippines.
Ra khỏi Căn cứ Navy đi qua cầu xây trên lạch nước đen ngòm, có mấy đứa trẻ nhỏ đứng trên các ghe nhỏ ngửa tay xin tiền đô Mỹ, chúng tôi ra đến Olongapo City, từ đó dùng xe đò để đi Manila thủ đô của Philippines, chụp vài tấm hình với các em nữ sinh điều dưỡng tại Chinese Garden của Công viên Rizal nơi có Tượng Tổng Thống Magasaysay gần Stadium có tượng Con Trâu đen.
Đi dạo phố và ngủ hotel 3 ngày ở Manila, chúng tôi về lại Olongapo nơi HC2 Nguyễn Văn Như có những ngày thơ mộng với các người đẹp Philippines.
Hết thời gian nghỉ bến, DD-845 rời Subic Bay hải hành trực chỉ Hải phận Việt Nam để tuần dương và yểm trợ hải pháo cho các tỉnh miền Trung ven biển.
4)- Hết thời gian công tác tại Việt Nam, DD-845 về lại Subic Bay và thời gian thực tập cũng chấm dứt, nên chúng tôi được cung cẩp phương tiện phi cơ rời Clark Field Air Base về Sàigòn.
5)- Sau thời gian nghỉ phép, cá nhân tôi được thuyên chuyển về Giang Đoàn 63 Tuần Thám. Căn cứ đồn trú tại Phước Xuyên trên Kinh Đồng Tiến Vùng Đồng Tháp Mười, mỗi đêm tuần tiểu kích đêm với 5 chiếc PBR dọc theo Kinh Đồng Tiến lên tận Ấp Bắc dọc theo Kinh 12. Cũng đảm nhiệm Hộ Tống Thương Thuyền từ An Long qua Tân Châu đến Neak Luong, tôi đã vào Chợ Neak Luong Kampuchia ngày 8/12/1970.
NHNam
 
C húng tôi ( ĐKBảng ) và NNChâu( Châu Fit), Oregon, đi thực tập Đệ Thất Hạm Đội trên Destroyer Agerholm, DDG-826, rời Tân Sơn Nhứt ngày 27/09/1970,
vô An Ninh Phi Cảng thời đó xe dân sự không vô phi trường được. May nhờ Mr. Thoa, Đ/Úy Biên Tập Viên, Trưởng Phòng Tổng Nha Cảnh Sát, anh ruột NNChâu,
cho xe Jeep chở ra phi trường. Tới phi trường Yokota, có xe bus chở về Cảng Yokosuka.
Sáng 29/09/1970 xuống trình diện Hạm trưởng, vì ở Việt Nam lúc đó mặc dù thi ECL tôi được 66/100 ( trên 50 là được đi thực tập ĐTHĐ ), nhưng vì
Pháp văn là Sinh Ngữ chính, có học Anh Ngữ Ziên Hồng vài khóa, nhưng Mỹ nói mình như "vịt nghe sấm", may nhờ Châu có học Hội Việt Mỹ, Việt Nam, nên đóng
vai trò Tour Guide.
Xuống chiến hạm, bạn Châu đọc diển văn cảm tạ Hạm trưởng, và Quí vị Sĩ Quan, dành cho buổi tiếp tân tại Officer's lunch room, và trao kỷ vật.
Châu lúc đó vì tuổi trẻ, luôn luôn lý luận với Sĩ Quan ( Hướng Dẫn) LT JG Edwin ( chúng tôi đặt tên là thằng mập), còn tôi do LT JG Conger hướng dẫn.
Sau đó, ghé Subic Bay, Olongapo, vì lý do trục trặc kỷ thuật, tàu ghé Subic Bay phải Tiểu kỳ, có Đề Đốc ( Rear Admiral / tôi quên tên ), Tư Lệnh Hạm Đội Mỹ tại Phi ghé thăm, và dùng
cơm trưa ( Steak Lunch) với Sĩ Quan. Báo hại Quan All Hands có chụp hình Châu và tôi tại Subic Bay. Châu cầm Sextant.
Khi rời Chiến hạm, chúng tôi được Hạm phó
( Executive Officer X.O) ra tận hạm kiều tạm biệt, và LT JG Edwin đưa tiển ra Clark Air Base tháng 11/1970.
Đó là những kỷ niệm vui, Châu rất tháo vát được Hạm trưởng và Sĩ Quan Mỹ trên chiến hạm rất nể trọng.
ĐKBảng
 
S au khi rời cảng Yokosuka vào một ngày mùa thu nhiều sương mù và khá lạnh để trực chỉ Yankee station, tôi vẫn còn nhớ kỷ niệm với 1 cô em gái Nhật bán rượu sake và thịt nướng yakitori trên một chiếc xe đẩy trước cổng Naval Base.
Mỗi buổi tối, trước khi về tầu, tuy đã say xỉn, nhưng vẫn ghé thăm em, ăn mở hàng vài xâu thịt nướng, uống vài ngụm sake, nhìn ngắm đôi má hồng và chiếc môi đỏ luôn nở nụ cười thơ ngây, sưởi ấm lòng người thủy thủ xa nhà... tôi ghé ăn ủng hộ vì nghĩ rằng chắc gia đình em nghèo lắm nên phải đi buôn bán lúc tuổi còn thanh xuân, nhưng một hôm em cần về nhà để lấy thêm supplies và nhờ tôi coi cái xe đẩy dùm, một lúc sau thấy em lái một chiếc xe hơi chở đồ tiếp tế về, tôi thật ngỡ ngàng, thấy nước Nhật thật là giàu có, buôn thúng bán mẹt mà cũng đã có xe hơi! (Bây giờ ở Mỹ thì đây là chuyện quá thường).
Sau khi mãn công tác Yankee station, trên chuyến hải trình đi Hong Kong nghỉ bến, tầu chúng tôi được lệnh phải đổi hướng về phía Nam để tránh một cơn bão lớn (typhoon) đang tiến từ phía Nhật Bản về Philippines, vì tất cả thủy thủ đoàn rất thích ghé thăm Hong Kong nên Hạm Trưởng quyết định tiếp tục đi Hong Kong nhưng đổi hướng chạy sát về hướng đảo Hải Nam với mục đích sẽ đến được Hong Kong trước khi cơn bão đến.
Nhưng không ngờ cơn bão đổi hướng và đi thẳng về hướng đảo Hải Nam, khiến chiến hạm của chúng tôi dính ngay vào tâm bão! Báo hại bị 2 ngày 2 đêm vật lộn với sóng gió, có những ngọn sóng được ghi nhận cao tới 26 feet, phủ trùm con tầu từ mũi tới lái! Phòng ngủ sĩ quan mà nước ngập gần tới đầu gối! Phòng ăn SQ chỉ có bánh mì sandwich, ai đói thì đến ăn, không có giờ giấc gì cả! Nhạc sĩ ĐKBảng nằm liệt giường mấy ngày liền, hát liên tục bài ca "chó ăn chè...ôi biển cả". Tầu chỉ còn 1 máy chánh và 1 máy điện, cuối cùng cũng lết về đến Subic Bay để sửa chữa.
Chúng tôi ở Subic Bay gần 1 tháng cho đến lúc về lại VN. Đêm nào cũng lang thang ở Olongapo, khi đến Clark Air Base thì không còn 1 xu dính túi!
Báo cáo hết.
NNChâu CH
 
T ôi tốt nghiệp Khóa 20 SQHQ Nha Trang với hạng thứ 70 trong tổng số 167 Sĩ quan ngành chỉ huy. Điểm ESL Anh văn là 73, đủ điều kiện để được đi thực tập trên chiến hạm của Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ. Trong khoảng gần hai tháng trước ngày đi, vào mỗi buổi sáng hàng ngày, những Sĩ quan sẽ đi thực tập phải trình diện tại Câu Lạc Bộ Nổi trong BTL/HQ để phòng Quân huấn dặn dò những việc nên và không nên làm trong lúc đi thực tập. Chúng tôi cũng phải đi chích chủng ngừa tại Viện Pasteur, xin visa nhập cảnh những quốc gia tại Á Châu mà chúng tôi có thể sẽ được ghé thăm, đổi tiền tại Ngân Hàng Quốc Gia, may quần áo ở một tiệm may thuộc vùng Phú Nhuận.
Ngày 18 tháng 9 năm 1970, năm tân sĩ quan gồm có quan Trương Đình Quí, Phan Xuân Sơn, Trương Minh Lộc, Nguyễn Chánh Tâm, và tôi đã đáp máy bay quân sự Hoa Kỳ đến Clark Air Base, Phi Luật Tân để bắt đầu cuộc thực tập hải hành với chiến hạm của Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ. Chúng tôi đã được chuyển vận bằng xe buýt đến căn cứ Hải Quân Hoa Kỳ tại Subic Bay để trình diện thực tập trên chiến hạm USS White Plains AFS-4. Đây là một chiến hạm thuộc loại phụ trách chuyển vận và tiếp tế nhu liệu cho các chiến hạm khác đang hoạt động trong vùng của Đệ Thất Hạm Đội kể cả Hàng Không Mẫu Hạm. Vì thế cho nên chúng tôi đã thường xuyên phải gặp gỡ các chiến hạm khác bất kể ngày hay đêm để tiếp tế cho họ. Trong những lần như vậy, tôi đã thường hay lên phòng vô tuyến để liên lạc với những chiến hạm đang nhận tiếp tế xem là có ai trong khóa mình hiện cũng đang thực tập ở trên đó hay không? Trong suốt thời gian thực tập, chúng tôi đã được ghé thăm nhiều bến bờ như Hồng Kông, Đài Loan, Phi Luật Tân, và cả Việt Nam nữa. Sau năm 1975, vào thời điểm phong trào vượt biên lên cao độ thì USS White Plains cũng đã có thực hiện vài lần vớt người trên biển Đông, và nó đã có hậu cứ tại San Diego.
CVThành
 
T oán đi thực tập Đệ Thất Hạm Đội chúng tôi gồm có năm người là Đàm Thanh Tâm, Đỗ Minh Hào, Lê văn Lộc, Võ Văn Hai, và tôi. Chúng tôi lên đường bằng phi cơ quân sự Hoa Kỳ tại phi trường Tân Sơn Nhất, ghé qua một phi cảng quân sự của Hoa Kỳ tại Nhật sau khoảng tám giờ bay. Chúng tôi được chuyển máy bay để đến Clark Air Base ở Phi Luật Tân, và được đưa bằng xe buýt về căn cứ Hải Quân Hoa Kỳ ở Subic Bay.
Sau khi hoàn thành những thủ tục cần thiết, chúng tôi được đưa đến Dương vận hạm USS Whitfield County LST-1169 hiện đang cập bến tại chỗ. Mỗi anh em chúng tôi đều có một sĩ quan Hải quân Hoa Kỳ làm sĩ quan hướng dẫn đi kèm. Sĩ quan hướng dẫn của tôi là thiếu úy John Clark, đã chỉ dẫn cho tôi mọi chi tiết sinh hoạt trên chiến hạm.
Ngay ngày đầu tiên tại Subic Bay, chúng tôi đã gặp một vị sĩ quan Hải Quân Việt Nam đang chờ lãnh tàu tại đây. Ông ta cho biết là trong mấy ngày trước có một vị sĩ quan VN đã bị bọn du đãng Phi dùng dao ăn cướp ngay nơi một cầu tiêu công cộng ngoài phố! Chúng tôi đâm ra “lạnh cẳng” mà không dám “đi bờ” trong mấy ngày đầu. Nhưng sau một vài bữa chúng tôi đã bắt đầu thấy ngán món ăn Mỹ nên đâm “liều” mà “mò” ra phố khi không có phiên trực. Gần căn cứ có một quán cơm của người Phi, và tôi là một khách hàng thường xuyên ở đây vì họ có một món gà kho rất gần gũi với món ăn của người mình. Khi ăn cơm ở đây, tôi rất nhớ đến mẹ tôi và những món ăn mà bà thường hay làm. Tôi vốn có nước da bánh mật là do nơi bà cố ngoại của tôi gốc người Miên. Cũng nhờ vậy mà khi đi bờ dạo phố bên Phi, tôi đã không hề bị làm khó dễ hay bị đối xử như với người ngoại quốc vì làn da bánh mật này.
Khoảng một tuần lễ sau thì chiến hạm USS Whitfield County được lệnh trở về bến chính là Yukosuka bên Nhật. Là một trong hai căn cứ Hải Quân lớn nhất của Mỹ nằm trên đất Nhật, Yukosuka nằm trên đảo Honshu, và cách Tokyo khoảng hai đến ba tiếng đi xe lửa. Từ Yukosuka đến Tokyo, xe lửa có ghé qua hai ga chính là Kamakura và Yokohama. Kamakura là một trong những cố đô của Nhật, nơi có rất nhiều chùa chiền và đền thờ thần đạo; còn Yokohama là một thương cảng chính của Nhật, và là cửa ngõ của Tokyo. Vì được có cơ hội thực tập trên chiến hạm của Hải Quân Hoa Kỳ, và ghé thăm những bến bờ nằm ngoài lãnh hải Việt Nam nên tôi đã cố không bỏ lỡ cơ hội, luôn luôn tranh thủ đi bờ mỗi khi tàu ghé bến. Thứ nhất là đi ngoạn cảnh cho thỏa lòng ham thích, và thứ hai là ra ngoài căn cứ để tìm những món ăn hợp khẩu vị. Tôi rất thích món tempura hay đồ biển lăn bột chiên, và món yaki tori hay thịt gà ướp nước sốt đặc biệt đem xâu que nướng bếp than ăn khá ngon miệng. Đi chơi về khuya ăn món bình dân nóng hổi là bánh canh Udon, vừa túi tiền mà lại đầy bụng. Tôi cũng lặn lội vào cả những khu chợ để xem sinh hoạt chợ búa của người Nhật, và thưởng thức những bữa cơm bình dân trong chợ. Một đôi khi tôi cũng hay ghé quán chuka-ryori, tiệm ăn Trung Hoa, để ăn mì xào hay bánh xếp.
Như người xưa thường nói “tha hương ngộ cố tri”, tôi bắt liên lạc được với một người bạn thuở còn niên thiếu là anh Hàn Đức Quang lúc bấy giờ đang theo học tại Đại Học Keio ở Tokyo. Khi tàu về bến, chúng tôi thường hay lên Tokyo vào chiều thứ Bẩy, ngủ qua đêm tại phòng trọ của anh Quang, và ngày Chủ Nhật anh đã dành thời giờ qúy báu cuối tuần của anh để dẫn chúng tôi đi chơi. Chúng tôi được đi thăm vườn Đông Ngự Uyển, công viên Ueno, Tháp Tokyo, khu bán đồ điện tử, khu thương mại lầu Ginza, khu ăn chơi Shinjuku, và dự tiệc mừng ngày Quốc Khánh VN, 26 tháng 10 năm 1970, tại tòa Đại Sứ VN tại Tokyo. Ông Đại Sứ VN Nguyễn Triệu Dân và nhân viên Tòa Đại Sứ đãi chúng tôi món chả giò và có cả nước mắm.
Người Nhật rất hiếu khách. Trong một dịp đi chơi, tình cờ chúng tôi quen biết với gia đình một cô sinh viên người Nhật tên Michiko mang họ Hosoya. Cha của nàng là ông Todayoshi, một cựu sĩ quan Hải Quân Hoàng Gia Nhật, đã tiếp đãi chúng tôi tại nhà ông bằng món quốc hồn quốc túy Nhật là món sushi. Món này đã làm cho anh bạn chúng ta là Lê văn Lộc đã ói ra cả mật xanh lẫn mật vàng sau miếng đầu tiên vì không quen mùi tanh của đồ biển. Cũng chính gia đình Hosoya này đã chuyển giùm tôi lá thư đầu tiên về Rạch Giá cho mẹ tôi báo tin là đã tới được bến bờ tự do sau khi chúng tôi đến được Kuantan, Mã Lai Á vào cuối tháng 5 năm 1978. Còn cô Michiko cũng đã thành lập gia thất vào ngày 1-10-1977.
Có một lần tàu chúng tôi ủi bãi tiếp tế cho căn cứ TQLC Hoa Kỳ tại Niwakuni gần núi Phú Sĩ nổi tiếng của đất Phù Tang. Vì tàu ghé ngắn hạn nên chúng tôi không có dịp thăm viếng núi này, nhưng chúng tôi đã được ngắm cảnh núi Phú Sĩ lúc chiều tà hoàng hôn, và lúc mặt trời mọc từ xa trên chiến hạm. Phải nói là tuyệt đẹp như hình chụp trong những tấm card postal, làm tôi liên tưởng đến nhân vật Hiệp Sĩ Mù, trong những phim Nhật mà tôi đã có dịp xem, tuy bị mù nhưng chỉ mơ là được đi “ngắm” cảnh Phú Sĩ Sơn lúc mặt trời mọc. Tại Niwakuni, chúng tôi được gặp các bạn cùng khóa là Lâm Quốc Hùng và Hồ Ngọc Diệp đang thực tập trên Dương vận hạm USS Wexford County LST-1168. Than ôi thật là bùi ngùi, vật đổi sao dời, nay thì LQHùng và HNDiệp đã ra người thiên cổ.
Tàu chúng tôi cũng có ghé tiếp tế cho căn cứ TQLC/Hoa Kỳ tại Okinawa. Trong khi chờ tàu xuống hàng, tôi đã có dịp ghé thăm thành phố Naha ngay gần đó. Gần căn cứ có những thứ ăn chơi của các chàng trai GI hào hoa nhưng xa nhà. Tôi đã có “thử qua cái mục ấy” vì muốn tránh bị các bạn chê là “cù lần”, và cũng muốn thử qua cho biết mùi đời cái món massage với người đẹp “đạp đạp” trên lưng. Cái mục “ấy” thì vì là lần đầu nên chỉ một cái “vèo” là xong và chưa kịp thấy thích, còn cái mục massage thì chẳng “chấm mút” gì được hết cả như người ta thường nghĩ!
TKen
 
T hấm thoát rồi cũng đến ngày ra trường, chúng tôi về phép Sài Gòn để chờ ngày đi thực tập trên Đệ Thất Hạm Đội. Cùng đi chung với tôi có quan Ngô Văn Long, và cả hai chúng tôi đều thuộc loại “kha khá” tiếng Anh nên mỗi khi nói chuyện với Mỹ thì thật là mỏi tay! Đến kỳ lãnh lương thì hai thằng đâm sợ mà không dám ký nhận vì thấy nó trả lương cho mình nhiều quá. Tụi Mỹ thấy tụi tôi lắc đầu quầy quậy lại tưởng là bọn tôi chê ít! Bèn phân bua là tụi nó chỉ có thể trả lương cho tụi tôi bằng lương của một thiếu úy mà thôi. Chúng tôi bèn cắn răng mà ký vào để chịu “thiệt” vậy. Tới ngày gần về thì tầu ghé Nhật, chúng tôi xin Hạm trưởng cho phép chúng tôi đi Tokyo. Ông ta okay liền, và nhắc nhở chúng tôi phải về tàu cho đúng ngày để còn trở về VN.
Tại Tokyo chúng tôi trú ngụ tại nhà của một anh bạn của tôi là anh Đỗ Thông Minh, lúc đó đang du học tại Tokyo. Cũng nhờ thế mà chúng tôi có được người hướng dẫn đi chơi. Đi đâu chúng tôi cũng dùng xe điện, thật là tiện lợi, còn nếu đi xe taxi thì chỉ có từ chết tới bị thương thôi! Nhậu nhẹt thì về nhà tự nấu nướng lấy, nhưng rất vui. Cuộc vui nào rồi cũng tàn, chia tay anh ĐTMinh, chúng tôi về đến tầu vào khoảng hai giờ sáng. Lính gác đánh thức viên sĩ quan nhân viên dậy, hắn cằn nhằn là làm sao mà chúng tôi đã về trễ thế! Hắn có cho lính đi tìm chúng tôi ở ngoài phố mà không gặp. Chúng tôi chống chế là đã về trước lúc điểm danh 8 giờ sáng cơ mà còn kêu ca nỗi gì! Hắn nói là chúng tôi phải rời tầu lúc 1 giờ sáng để đi Tokyo, và từ đó sẽ bay về VN. Chúng tôi đã khiếu nại là chưa được lãnh lương! Hắn đánh thức tên sĩ quan phát lương dậy để thanh toán tiền lương cho chúng tôi, hối chúng tôi về phòng sửa soạn hành trang vào khoảng nửa tiếng nữa sẽ có xe đưa ra phi trường Tokyo. Hắn nhắn vói theo là tụi mày không phải trả tiền ăn kỳ này, lại thêm một cái may nữa, đã “ăn chùa” được hai tháng. Khi tới phi trường thì chúng tôi có gặp lại Nguyễn Hùng Tâm và một số bạn khác mà tôi đã không nhớ tên. NHTâm có rủ rê chúng tôi ở lại chơi thêm một vài tuần nữa, nhưng ai cũng “rét” nên chỉ có một mình Tâm ở lại.
MKPhụng
 
R a trường được xếp hạng “top 10” ngành chỉ huy, chỉ sau các cao thủ Lưu Đức Huyến, Mai Tất Đắc, Đỗ Minh Hào, Nguyễn Minh Cang, Huỳnh Minh Quang. Được đi thực tập trên chiếc khu trục hạm DDG 14, USS BUCHANAN thuộc Hạm Đội 7 ở vùng Thái Bình Dương, cùng đi chung trên chiến hạm có quan Đinh Minh Nhuận
Chiến hạm này dùng làm bản doanh cho một ông tướng Tư Lệnh Task Force cho nên thủy thủ đoàn khá vất vả vì phải di chuyển khắp cùng mọi nơi. Bắt đầu lên tàu ở ngoài khơi Đà Nẵng, tham dự các cuộc hải kích phía Bắc từ Cửa Việt ra đến Hải Phòng, ghé qua các hải cảng hoặc căn cứ như Subic Bay, Hong Kong, Singapore, Yankee Station với các hàng không mẫu hạm USS America, USS Shangrila, USS Oriskany, các tàu tiếp tế và lập đi lập lại không ngừng.
Tôi và Đinh Minh Nhuận cũng đã được dịp lên trên cả ba chiếc hàng không mẫu hạm nói trên để thăm cho biết người biết ta!! Trước khi gần hết thời hạn thực tập, Ông Tướng ra lệnh cho Hạm Trưởng chạy rất xa về hướng Nam, băng qua khỏi lằn Xích Đạo (vĩ tuyến zero) rồi quay ngược về phương Bắc, không biết để làm gì?, thì ra Ông Tướng muốn cho thủy thủ đoàn của DDG 14 đứt đuôi con nòng nọc. Nghe các Sĩ Quan trên tàu nói là truyền thống của Hải Quân Hoa Kỳ, các thủy thủ khi chưa vượt qua lằn Xích Đạo thì vẫn còn là con nòng nọc chưa đứt đuôi và khi đã băng qua Xích Đạo rồi mới cắt bỏ được cái đuôi con nòng nọc.
LVLong
 
T rời nắng chang chang có đến cả trăm độ F. Phi trường Đà Nẵng như bốc khói, ĐNViêm và tôi nhảy xuống khỏi chiếc C-130 sau khi hạ cánh và vào bến đậu. Không có xe đưa vào, chúng tôi đành đu theo cái rờ mọt kéo hàng để vào phòng nghỉ. Ở đây có máy lạnh. Cái nóng tháng 7 như đổ lửa bên ngoài đã không còn làm cho chúng tôi khó chịu.
Chưa kịp móc điếu thuốc ra khỏi bao, tôi bỗng nghe như có tiếng rít xé không khí bay đến, và những tiếng la hoảng hốt vang lên “pháo kích, pháo kích”. Ầm ầm, tiếng nổ rổn rảng rớt đằng phía trước như rách cả màng nhĩ. Khi mở mắt ra mới thấy khói đụn lên có ngọn cách đó không xa. Đồ đạc văng tung toé mọi nơi. Viêm lồm cồm ngồi dậy nói với tôi: "Người Anh Em chào đón tụi mình đến Đà Nẵng đây mà !!"
Chúng tôi phải đáp máy bay từ Sài Gòn đi Đà Nẵng để lên chiến hạm của Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ. Theo như chương trình họ sẽ bốc chúng tôi ở một điểm nào đó ngoài khơi Đà Nẵng. Thành phố Đà Nẵng đã nhộn nhịp với đủ quân binh chủng từ giữa thập niên 60. Chúng tôi đến Đà Nẵng đúng vào lúc cao điểm của cuộc chiến, đầu thập niên 70.
Đây là thời điểm của những yểm trợ hải pháo, của những phi vụ oanh kích, phản kích, và dĩ nhiên là cả pháo kích. Trong làn khói bụi mù mịt của một thành phố đang lên cơn sốt đó, chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau khi biết rằng hành lý của chúng tôi đã thất lạc đâu đó ở tận phi trường Tân Sơn Nhất!
Không thể làm gì hơn, ĐNViêm và tôi rủ nhau đi bát phố. Đà Nẳng chan hòa những màu áo trận. Nhiều nhất là hoa dù. Chúng tôi chen vào một cửa hàng nhỏ ven đường. Cô bán hàng tươi cười sau khi trả tiền thối lại cho chúng tôi. Cô bán cho chúng tôi một cặp voi nhỏ bằng sứ xanh. Cặp voi rẻ tiền nhưng đầy đủ ý nghĩa, Viêm nói với tôi như vậy, sau khi hết đi lên rồi đi xuống con phố đầy bụi của Đà Nẵng. Tìm đâu cho ra món quà xứng đáng để làm quà cho chiến hạm mà tụi tôi sắp sửa đi thực tập bây giờ bây giờ. Mãi rồi chúng tôi cùng đồng ý vào cửa tiệm của cô gái có nụ cười tươi như hoa này. Cô gái có nước da bánh mật, mặc chiếc áo màu hoa cà. Thứ màu tím dịu dàng quyến rũ khiến cả hai chúng tôi như bị hớp hồn. Cho nên khi nàng hỏi các Anh từ đâu đến Đà Nẵng thì chúng tôi đã khai hết. Nàng nói:”..còn quê Em ở Hòn Cọp, từ lâu rồi đã vào đất liền sinh sống làm ăn. Tiệm này của Dì Canh, dì em đang buôn bán ngoài nớ. Ngoài nớ tức là vùng xa lắm. Lâu lâu dì về mang thêm hàng rồi lại đi”. Nàng tưởng là lính Hải Quân nên chắc rằng chúng tôi biết được tất cả những gì ngoài khơi, kể cả Hòn Cọp của nàng. Nàng có biết đâu rằng chúng tôi mới ra trường, chưa một lần hải hành thật sự. Cho nên trong khi nàng thao thao về Hòn Cọp, thì cả Viêm và tôi cứ gật gật đầu và chỉ biết cười tình.
Trả tiền xong, Viêm và tôi tìm sang tiệm phở bên cạnh kêu hai tô đặc biệt. Ăn liền một lúc hai tô, tôi nói với Viêm:” Mày nhớ ăn cho đã, lên tàu Mẽo không có mấy món này đâu!” Tôi chỉ đoán mò vậy thôi mà trúng. Sau này khi tàu về Subic của Phi Luật Tân, chúng tôi vội vã đón xe đò từ Olongapo đi Manila. Tại đây, chúng tôi tìm ra một tiệm ăn Thái với món cá chiên giòn ăn với xoài xanh. Ngon nhất phải nói là nước mắm. Giọt nước mắm thần sầu làm cho những vị giác của chúng tôi bừng sống dậy sau những ngày lênh đênh trên biển cả.
Tuần lễ thứ nhất trôi qua lẹ làng. Cảm giác hơi bỡ ngỡ. Đầu tiên khi tôi đưa tay chào Quốc kỳ của Hoa Kỳ đằng sau lái và bắt tay hai Sĩ quan ra đón chúng tôi ở hạm kiều. Từ đây họ đưa chúng tôi vào phòng khách của chiến hạm. Tôi không nhớ đã nói những gì trong buổi gặp gỡ với họ. Cũng quên hẳn tên của hai Sĩ quan ra đón. Chỉ nhớ chắc chắn một điều làm Viêm thất vọng không ít là không thấy mặt hạm trưởng. Viên hạm phó rất điềm đạm chuyện trò với chúng tôi một chút rồi cũng lặn mất. Chúng tôi nhờ hắn chuyển đến hạm trưởng cặp voi sứ màu xanh mua ở Đà Nẳng. Trái với điều mong ước, họ dường như chẳng tha thiết gì với món quà mà chúng tôi đã lụm cụm mang theo.
Đó là giai đoạn đầu khó khăn nhất của chúng tôi. Kế đó là bữa cơm tối. Ngồi chủ tọa là hạm phó. Tôi chờ mãi vẫn không thấy hạm trưởng xuất hiện. Trước mặt là một cái đĩa lớn với đủ bộ dao nĩa lỉnh kỉnh. Ngồi kế hạm phó bên tay phải là viên Đại úy Hải hành, bên trái là viên Thiếu tá Tuyên úy. Kế theo nữa cứ theo thứ tự cấp bậc thâm niên mà ngồi. Tôi đoán như vậy, vì bên phải tôi là một trung úy, bên trái tôi là Viêm, kế theo Viêm là một Trung úy nữa. Chúng tôi được gọi là Aspirant, ngồi sau chót. Đó là chức vụ nhỏ và kém thâm niên nhất trong bàn ăn. Bàn ăn trải khăn màu trắng toát cùng màu với bộ khăn ăn dầy cộm. Mọi thứ đều ngăn nắp và quá ư là sạch sẽ.
Tôi ngồi im nhìn thẳng giống như những ngày còn làm đàn em ở quân trường. Tôi đoán họ đang chú ý xem xét tư cách của Sĩ quan Việt Nam như thế nào. Hầu bàn có hai hay ba Thủy thủ người Phi. Họ chuyền thức ăn cũng theo thứ tự khởi đầu từ hạm phó. Tôi cứ chờ họ làm gì thì mình cứ làm theo như vậy. Khi viên Tuyên úy chấm dứt lời nguyện thì bắt đầu bửa ăn. Thức ăn dọn lên trông thì ngon mà ăn thì dở ẹc. Tôi thì dễ ăn nên cứ đớp túi bụi, còn Viêm thì cứ ngồi thừ người ra. Tôi nhớ khi tới món trái cây tráng miệng họ dọn ra cho mỗi người một đĩa lê trắng. Đây là loại trái cây đóng hộp rồi ướp lạnh. Tôi khen ngon. Viên Trung úy ngồi cạnh tôi hỏi tôi ở nước mày có loại trái cây này không? Tôi trả lời có nhưng chắc ở miền Bắc lạnh lẽo, chứ ở miền Nam thì không có. Những chuyện đại loại như thế, vô thưởng vô phạt cho đến cuối bữa ăn.
Ngày kế chúng tôi bắt đầu đi phiên. Vì là dân Chỉ huy cho nên chổ chính tôi thực tập là Đài Chỉ huy. Vậy mà tôi vẫn không thấy mặt Hạm trưởng. Tàu cắt sóng lướt nhanh về phía trước. Tôi nhìn ra chung quanh chỉ thấy biển và sóng. Dòm vào hải đồ mới biết vẫn còn ngoài khơi Đà Nẵng. Đi phiên ngày hôm đó gồm có một sĩ quan trưởng phiên, một phụ tá, hai quan sát viên, và tôi. Thích nhất là vì nhiệm vụ chưa phân định rõ rệt nên tôi được quyền chạy đù chổ mà không ai dám đụng tới.
Chiến hạm thuộc loại tàu dầu mang tên USS Navasota AO-106. Nhiệm vụ chính là tiếp tế dầu cho các chiến hạm thuộc Đệ Thất Hạm Đội đang tuần tiểu ở Thái Bình Dương. Chúng tôi sẽ thực tập về hải pháo, hải hành, vận chuyển, giám lộ, phòng tai, đủ hết. Hình như chúng tôi được trả 20 đô la một kỳ lương. Không nhớ rõ vì vào thập niên 70, độc thân và còn quá trẻ, chuyện tiền bạc không thành vấn đề với tôi. Chỉ mong sao tàu đi công tác lẹ lẹ rồi về bến để đi bờ. Những bến bờ xa lạ mà trong trí tưởng tượng của tôi là thiên đàng.
Tuần lễ thứ nhất trôi qua mập mờ lặng lẽ. Bấy giờ tôi không quan ngại lắm về hải hành vì tôi vẫn chưa có đủ ý niệm rằng suốt cuộc đời tôi sẽ phải gắn liền với con tàu và biển cả. Tại sao phải thế? Đi lính với tôi là một tình cờ của thời cuộc. Có nhiều lần tôi vẫn tự hỏi nếu không có lệnh tổng động viên thì tình thế sẽ ra sao? Tôi vẫn còn lang thang vọc nắng, hay nơi những bục giảng đường! Hoặc đang rong chơi ở một vùng biển bờ nào đó. Tôi vẫn luôn tìm hiểu, cố xác định cái vị trí hiện hữu của tôi trong cõi đời này. Nó như một lời tự hứa mà tôi phải hoàn tất. Bao giờ thì mới hoàn tất đây?
Tàu bắt đầu nhảy sóng. Trong vịnh nó là một con kình ngư vĩ đại, ra khơi tôi mới thấy nó chỉ như là một con cá lòng tong. Con cá con đang cố trườn mình tới phía trước. Cứ mỗi lần nó cố ngóc đầu lên là cả một khối bọt trắng xóa khổng lồ đổ ụp xuống. Nó chìm lỉm trong đó, ngoắc ngoải khoảng vài giây rồi lại vượt lên. Khi vượt qua được cái đầu, bấy giờ cái mình mới nhoài tới được một chút. Cả một nửa thân trước con tàu bỗng chới với đổ xập xuống vì khoảng trống phía dưới và phía trước. Tôi gọi đó là “thung lũng tử thần” vì có nhiều lúc tôi những tưởng như là con tàu không thể nào ngóc lên nổi nữa. Đài chỉ huy rung lên chào chạo, và cũng nghiêng chúi về phía trước. Hay thật, mấy thằng đi phiên trông như cái mền rách nhưng vẫn bám lấy thành tàu. Còn tôi thì đang ở trong cơn hải hùng của mưa bão giữa biển khơi.
Tôi thấy con tàu tiến tới một vùng không nhất định. Nó chao đảo như một người say rượu. Khi ngọn sóng quá lớn, cả thân tàu như chìm vào hố thẳm. Tôi có cảm tưởng như rơi vào quãng không. Bỗng nhiên sức rơi đó bị chận lại, và ầm...ầm... tiếng dội vang lên từ phía dưới đánh bật con tàu trở ngược lên. Tôi cảm thấy muốn nôn tháo ra vì cảm giác buồn nôn ở miệng. Nước miếng tuôn ra trước, kế theo là nước dãi. Rồi cả bên dưới cái cằm nó như cứng đơ lại, không giữ nổi nữa, một luồng nhễ nhại từ dưới bao tử dâng thốc lên, rồi trào ra khỏi miệng ra như suối. Tôi nhắm ngay bên dưới đài chỉ huy mà nôn thốc nôn tháo. Bao nhiêu món ngon từ bửa ăn tối, coi như cho cá ăn hết. Tôi cứ nửa mê nửa tỉnh như thế cho đến khi thấy mình nằm trong một căn phòng nghe phảng phất mùi cà phê. Tôi bật ngồi dậy, và vội phóng ngay đến phòng rửa mặt để tống khứ cho hết những gì còn sót lại trong miệng. Bấy giờ tôi mới nghe loáng thoáng tiếng cười nói của một nam, một nữ. Sao lạ thật trên tàu mà làm gì lại có đàn bà. Tôi gắng nghe kỹ một tí nữa cho thật rõ, rồi mới tiến về phía có tiếng động. Ở đó qua làn ánh sáng mờ ảo tôi thấy ĐNViêm đang tình tứ bên cạnh người đẹp. Nhìn kỹ hơn nữa tôi mới thấy người đẹp coi thấy quen quen. Hình như chúng tôi đã gặp nhau ở đâu đó không xa lắm. Có lẽ trên bờ. Cô em Hòn Cọp? Nhưng tại sao nàng lại ở đây? Không lẽ tàu chúng tôi đang mắc cạn! Nghìn câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu làm tôi rất nôn nao muốn biết sự thật. Nhưng không hiểu sao tất cả như phim câm. Tôi không còn nghe thấy tiếng động nữa chỉ có tiếng rì rào của lớp sóng vỗ nhẹ nhàng vào mạn tàu. Mơ chăng? Tôi bấm mạnh vào làn da tay để xem thử tôi có cảm giác gì không. Tôi không có cảm giác gì cả. Vậy thì đúng rồi tôi đang mơ ngủ. Giấc mơ kỳ lạ thật. Không lẽ mọi người đều mê ngủ cả sao? Tôi cố ngóc đầu dậy nhưng bất lực. Bóng dáng của cô gái cũng từ từ biến mất một cách mờ ảo kỳ diệu. Còn ĐNViêm?
Viêm cho tôi biết đó là Hòn Cọp, một hòn đảo nằm ngoài khơi Quảng Bình. Tàu đang trực chỉ Vịnh Bắc Việt từ Đà Nẵng để cho bọn tôi sáng mắt về một cuộc thực tập vận chuyển tiếp tế của hạm đội Hoa Kỳ. Chẳng may tàu gặp bão, lại là một cơn bão lớn. Tàu phải đào thoát vì mắc cạn. Tôi hỏi Viêm: “Thế còn cô gái, tại sao nàng lại ở đây?” Viêm cười híp cả mắt ra chiều bí mật, rồi đưa một ngón tay lên miệng khẽ suỵt bảo tôi đừng làm động vì nàng đang ngủ. Tôi định hỏi hắn thêm vài điều nữa thì tiếng còi bỗng vang lên. Tiếng còi dứt với một tràng vỗ tay và tiếng la ó vang lên như vỡ chợ. Tụi Mỹ vừa mới xong một xuất phim. Tôi không nhớ phim gì nhưng phải tình tứ và lãng mạn lắm. Tuần lễ đầu tiên đã dạy bọn tôi một bài học về đời sống của thủy thủ Mỹ trên biển cả. Sau này khi trở về trình diện Hạm đội và theo dấu cuộc sống của thủy thủ Việt Nam, tôi mới thấy một trời một vực. Người thủy thủ Việt Nam đi Hạm đội nhất là những thủy thủ tuần dương có cuộc sống tương tự những nhà tu.
NTTánh
( Trở về đầu trang )
|