Đại Hội 2009     trang đầu * LVChâu   lời mở đầu * CVThành   những hổ cáp 2 lìa đàn * NXDục   họp mặt hổ cáp * GĐNội   40 năm đệ nhị hổ cáp * NĐHoàng   hội ngộ lần đầu * LVLai   dư âm đại hội * NÁnh   người phụ nữ với chiếc quần 200 năm đi mượn * NĐHoàng   cảm nghĩ về đại hội 2009 * 20
Đặc San 2009     trang bìa * TTĐức   nội dung * BBT   tâm thư * BBT   lời nói đầu * BBT   điệp khúc tình yêu * NaNa & TigônHồng   những chuyện kể năm xưa *20   thơ quân trường *NTTánh   mỹ quốc định cư, hành trình kí sự *NĐHoàng   hổ cáp tự truyện *HKC   cho anh cung đàn đã lỡ *NTTánh   miếng cơm thừa *NVChín   xuân trên phố *NTTánh   hq615 *PNLong   tù không án *VHLý   tù quản chế *VHLý   chuyến tàu định mệnh *HKChiến   quả mơ *TKen   em về với mộng đêm nay *ThưKhanh   lịch sử các chiến hạm và chiến đỉnh HQ/VNCH*HKChiến   di tản bất như ý *VHLý   những đoạn thơ rời *CVThành   mãng đời tỵ nạn *NHHãi   thơ quân trường *NTTánh   hải hành *CVThành   những người bạn VTT và một thời để nhớ *NXDục   bài hát tình tang *ĐNViêm   bạn tôi *NVChín   một thoáng quê nhà gợi nhớ *CVThành   bóng rợp sân trường cánh hải âu *NĐHoàng   một linh hồn giữa biển khơi *NTTánh   tàn thu *NÁnh   buổi lễ vượt xích đạo *DTTùng   một chuyến hải hành đêm *NTTánh   mười hai con giáp, mười hai chòm sao *LVChâu   chén canh rau muống *NVChín   ngày xuân năm ấy *HKChiến   ý thiếp cùng tình chàng hổ cáp *ChịNVThước   tâm tình *ĐDVy   những ngày tháng không quên *NÁnh   tiếng gọi từ vũng lầy * NXDục   lời tạm biệt *NVĐệ   trang cuối * TTĐức



ngày xuân năm ấy



    T hằng Tám chạy vào trong buồng ngủ phía sau phòng khách, gục đầu lên vách khóc thút thít. Nó cầm mấy tờ một đồng còn thơm mùi giấy mới, đưa lên mắt nhìn rồi đếm lại một lần nữa cho kỹ. Rõ ràng chỉ có hai đồng thôi! Nó vẫn không tin đó là sự thật. Cả tháng nay, nó nôn nóng chờ đợi có ngày này với nhiều rạo rực, mơ ước. Nó mơ sẽ được ba lì xì cho năm đồng. Vậy mà hôm nay nhận được chỉ có hai đồng. Nó khóc vì chẳng những không được năm đồng mà còn phân bì với mấy người anh. Các anh mỗi người được năm đồng, còn từ nó trở xuống mỗi đứa chỉ có hai đồng. Nó nghĩ ba không công bằng; anh được năm đồng thì nó phải được bốn đồng và em nó phải được ba đồng nếu tính theo giai cấp. Còn đang tức tưởi thì đứa em gái thấy nó khóc nên méc với má:
- Má ơi, anh Tám khóc.
- Sao vậy Tám? Má nó hỏi.
- Chắc ảnh chê ít tiền.
- Đầu năm mà khóc thì không hên đâu con.
Khả năng của ba má có bao nhiêu đó thôi, con đừng khóc nữa. Ăn sáng xong má sẽ dẫn mấy anh em con đi mừng tuổi bà con họ hàng, chắc con sẽ được thêm tiền lì xì.
Nghe tới đó thằng Tám nín khóc. Nó lẩm bẩm: “Con nhỏ này, cái gì cũng mét.” Đoạn đưa tay quẹt nước mắt, nhưng cũng cố tránh để khỏi làm dơ cái tay áo mới. Nó cũng tin có cái gì hên, xui trong ngày đầu năm như người ta thường nói. Tuy đã hết khóc nhưng trong bụng vẫn thắc mắc, tại sao ba nó lại phân phát tiền lì xì theo kiểu đó. Mấy năm trước ổng vẫn cho tiền lì xì công bằng lắm, theo cách nó nghĩ vừa rồi.
Nó rón rén đi ra phía sau nhà bếp, gặp ông anh thứ sáu đứng gần đó ngạo cho một câu:
Mới mùng một mà khóc, không biết mắc cỡ! Rửa mặt đi.
Nó mím môi hít mũi một cái không nói gì, bước vào phòng tắm đóng cửa lại. Múc một ca nước nhưng ngừng lại một chút rồi để ca nước xuống. Cởi cái áo mới còn bay mùi hồ của vải poplin ra máng lên cánh cửa, đoạn ngồi xuống cầm cái ca nước rửa mặt. Sau khi lau khô nước trên mặt, nó xách cái áo mở cửa đi ra ngoài nhà bếp.
Mấy tháng trước đây, má nó đã bỏ ra rất nhiều thì giờ để may quần áo Tết cho mấy anh em. Năm nào cũng vậy, khi trời bắt đầu trở lạnh là má nó đã lo nghĩ đến chuyện mua sắm quần áo mới cho mấy đứa con còn nhỏ. Bà chỉ phải may đồ cho nó và ba đứa em, còn mấy người anh thì mua quần áo may sẵn hay ra tiệm đặt thợ may. Người anh kế, là anh Bảy hơn nó có ba tuổi thôi nhưng đã biết ăn diện nên không chịu mặc đồ do má may nữa, vì bà chỉ may được đồ ‘pi-da-ma’, áo ‘sơ-mi’ hay quần cụt mà thôi. Mấy người anh lớn hơn thì lại không cần quần áo mới vì đã là ‘người lớn’ rồi. Năm nay nó được hai bộ pi-da-ma sọc xanh và một cái áo sơ mi trắng ăn Tết.
Năm ấy thằng Tám vừa đủ mười một tuổi tây, mới lên lớp đệ thất. Không hiểu sao lớn tồng ngồng như vậy – theo lời nhận xét của mấy ‘người lớn’ – mà nó vẫn còn như con nít. Thằng Tám hay mặc quần ‘xà-lỏn’, để lưng trần rủ rê mấy đứa trẻ con khác trong xóm ra sân vận động đá banh, có khi cao hứng chúng nó đá ngay trên con đường đất trải đá trước nhà để rồi bị bà con lối xóm mắng mỏ phải kéo nhau bỏ chạy. Nó chưa biết mắc cỡ khi gặp con gái. Đi chơi đã đời suốt buổi, chiều về tới nhà cởi truồng nhảy tòm xuống con kinh chảy ngang trước nhà mà tắm với mấy thằng bạn; lại bày ra những trò chơi khác dưới nước. Chúng nó chia phe tấn công nhau bằng nước. Thôi thì mặc sức mà tát. Nước bay tung toé cả một khúc sông nhỏ. Ghe xuồng nào đi ngang cũng phải la làng, kêu xin chúng nó ngừng tay để khỏi bị ướt rồi vội vàng vượt qua nơi ấy. Nhằm mùa nước cạn, chúng nó tràn lên bờ kinh dùng đất sình ném nhau tới tấp. Khi cuộc chiến đã tàn, đứa nào cũng bị sình dính đầy người. Bùn sình lên tới đầu, tóc và cả mặt mày mắt mũi cũng không chừa. Có đứa còn bị u đầu sướt da vì mấy cục đá lẫn lộn trong những nắm sình ném ra. Nhiều người lớn bị những trò chơi của chúng làm phiền nên gọi chúng nó là ‘mấy thằng cô hồn sống’. Chúng nó chỉ biết nhe răng cười rồi bỏ đi chỗ khác. Thằng Tám mê chơi đến độ không biết trời tối lúc nào, nhiều khi má nó phải sai mấy người anh đi kiếm về. Lần nào cũng vậy, nó lon ton đi theo anh về nhà mà trong lòng hồi hộp lo sợ. Thường thường nó lãnh mấy cây vào đít đau điếng. Lúc nào hên chỉ bị la rầy mấy tiếng rồi được ăn cơm chiều thì mừng hết lớn. Nó đi chơi ngoài trời nhiều như vậy nên da thịt trên người chỗ nào cũng sạm đen, chỉ trừ cái phần có quần đùi che. Mấy người anh thấy vậy bèn đặt cho cái biệt danh ‘Tám Chà’, có nghĩa là Tám Chà Và hay Ấn Độ gì đó. Nó cũng không buồn phản đối mà mặc nhiên chấp nhận. Có ai kêu Tám Chà thì nó lên tiếng trả lời ngay.
Trước ngày tựu trường năm đó, thằng Tám được má dẫn đi sắm cho một bộ đồ tây. Cái áo sơ-mi trắng và cái quần ka-ki dài màu xanh dương đậm. Lúc về nhà mặc thử, má nó ngắm tới ngắm lui rồi nói:
- Coi cũng được lắm! Sắp làm người lớn rồi, con liệu mà lo học hành.’
- Dạ. Thằng Tám trả lời rồi ngập ngừng hỏi:
- Giáo sư trung học có đánh đòn học trò không vậy má?
- Chắc không có đâu con, nhưng nghe nói mấy ổng phạt ‘cấm-túc’ nhiều lắm.
- Cấm-túc là cái gì vậy?
- Ngày Chúa Nhật học trò không đi học, nhưng ai bị cấm-túc phải vô trường làm bài phạt.
- Vậy con phải ráng để Chúa Nhật ở nhà còn đi đá banh với tụi nó.
- Cái thằng! Má nó ngừng ở đó mà không thêm vào mấy chữ:
“ Cứ lo đi chơi.”
Thằng Tám cũng nghe nhiều người nói lên trung học là chuẩn bị làm ‘người lớn’. Nhưng từ hồi đầu năm học tới giờ, có thấy gì khác lạ hơn đâu. Nó vẫn bị người ta gọi là thằng Tám, có ai kêu nó là anh Tám đâu! – À mà quên có, có mấy đứa em nó; nhưng vụ này không kể. Rồi về nhà cũng cứ mặc quần xàlỏn đi đá banh với tụi nhóc trong xóm; rồi cũng cởi truồng tắm sông; rồi cũng quậy phá bị hàng xóm tới nhà mắng vốn; rồi cũng ăn đòn sưng đít như thường. Ba có coi nó là người lớn gì đâu, lâu lâu vẫn bị ổng cho ăn ‘bánh tét nhưn mây’. Nó nghĩ chỉ có khác một cái là được mặc bộ đồ tây, mang giày “xăngđan” đi học mà thôi, còn lại thì nó vẫn là thằng Tám Chà.
Một hôm, nó vẫn quen thói tắm sông theo kiểu tự nhiên mà ông tổ Adam lúc chưa phạm tội truyền lại. Đột nhiên má nó kêu lên:
Tám, lên má biểu.
Dạ.
Bà nói nhỏ vừa đủ cho nó nghe:
Con Hương thấy con tắm, nó bụm miệng cười rồi bỏ chạy vô nhà rồi.
Kể từ hôm ấy thằng Tám không còn tắm truồng nữa, mặc dù chưa biết con Hương là cái con nhỏ nào!
Nơi nó ở là một thị trấn nhỏ của miền Tây, Nam Việt-Nam, một nơi có nhiều đồng ruộng, sông lạch. Ban ngày đi ra ngoài đường chỉ thấy xe đạp, một ít xe gắn máy và rất nhiều xe lôi. Xe bốn bánh chỉ có mấy chiếc jeep của nhà binh. Những người có tiền sắm xế hộp đếm chưa hết mấy đầu ngón tay nhưng lại cất trong nhà trùm kín lại, thỉnh thoảng mới lấy ra đi lấy le hàng xóm. Chỉ bao nhiêu đó thôi cũng đủ làm bụi bay mù mịt cả phố. Không biết nhà thơ con cóc nào đã nhìn thấy cảnh đó mà chạnh lòng ngâm lên mấy câu:
“Kiến Phong nắng bụi mưa sình
Mưa tô gió điểm đậm tình quê hương”.
Thật ra lời nhận xét đó cũng không có gì quá đáng, vì những con đường đất đá ấy sẽ biến thành những con đường lầy lội khi mùa mưa trở lại. Đêm đến, mạnh đèn nhà ai nấy sáng. Đèn đường chỉ lèo tèo mấy cái cách nhau cả trăm thước. Phố xá hiện ra lờ mờ như những con phố ma trong truyện “Liêu Trai Chí Dị” của nhà văn Bồ Tùng Linh. Mới chín giờ đêm mà nhà nhà đã đóng cửa, mọi người chuẩn bị lên giường. Tuy vậy cũng không thiếu những người thức khuya vì công việc làm ăn đòi hỏi.
Tuổi thơ của thằng Tám trải dài trong cái khung cảnh nhiều đồng quê hơn là phố thị ấy. Tuy nghèo nàn thiếu thốn nhưng đượm màu sắc quê hương. Nó sống những ngày tháng vô tư, chơi đùa hồn nhiên với tất cả niềm đam mê của tuổi học trò niên thiếu, mặc dù đó chỉ là những niềm vui cỏn con, bình dị.
Thằng Tám cầm cái áo đưa lên cao dòm tới dòm lui thấy vẫn còn sạch sẽ nên mặc lại vào người. Đó là cái áo pi-da-ma sọc xanh của một trong hai bộ đồ Tết. Lúc mua vải chuẩn bị may quần áo Tết, má nó có hỏi:
- Tám, con thích vải này không?
- Dạ thích.
- Vậy má may cho con hai bộ pi-da-ma để ăn Tết, chịu không?
- Dạ, con chịu.
Nó mừng lắm vì sẽ có quần áo mới ăn Tết như người ta, nên ưng thuận liền không suy nghĩ. Nó chỉ sợ ngập ngừng, đòi hỏi có khi sẽ không được gì hết. Nhà nó không khá giả gì cho lắm, có được là may mắn lắm rồi, không chê khen đòi hỏi. Tối hôm qua là đêm giao thừa, nó đã lấy ra một bộ đồ mới chuẩn bị sẵn cho ngày mồng một.
Mấy ngày trước đêm giao thừa, anh thứ năm của nó vác ở đâu về một thân cây đuđủ trụi lá nhưng cái gốc vẫn còn nguyên. Anh ấy len lén mang ra phía sau nhà giấu kín. Thằng Tám tò mò đi theo. Nó biết chắc đến tám phần là anh định làm gì rồi, nhưng cũng ráng hỏi:
- Anh làm gì vậy?
Anh ấy để mấy ngón tay chắn ngang môi:
“suỵt” một tiếng rồi nói:
- Đừng có la lớn. Mầy biết rồi mà còn hỏi.
- ‘Ống trúm’ hả?
- Ừ.
- Có lý quá! Em không nói cho ai biết đâu.
Thế rồi anh lấy con dao phay chặt một nhát sắc lẻm trên ngọn cây đu-đủ. Dưới gốc thì gọt giũa đất rễ sạch sẽ, sau đó anh ấy dùng cây thanh giường thụt từ ngọn cho đến gốc để cây đu-đủ thành một cái ống, thông suốt từ trên xuống dưới. Giai đoạn kế tiếp là khoét một cái lỗ nhỏ bằng đầu ngón tay út, cách gốc cây khoảng một gang tay. Anh Năm còn cẩn thận lấy dây bố buộc chung quanh ngọn cây mấy vòng để giữ cho đầu ống không bị bể hay tét. Cây ‘đại bác’ đã được chuẩn bị xong, anh vác đi giấu ở sát vách sau hè.
Năm ngoái thằng Tám đã thích thú đứng xem anh Năm ‘bắn’ đại bác làm bằng thân cây đu-đủ để đón giao thừa rồi. Cũng không có gì khó khăn lắm. Anh ấy bỏ vào trong ống đu-đủ một cục khí đá bằng ngón chân cái rồi đổ thêm một chút nước. Cục đá đó gặp nước nên bốc hơi tỏa ra bên trong cái ‘ống trúm’. Đây là một loại hơi đốt mà có nơi người ta sử dụng để đốt đèn, gọi là đèn khí đá. Hơi khí đá cũng bốc ra ở cái lỗ nhỏ được khoét phía trên gốc đu-đủ. Tùy theo kinh nghiệm, anh Năm chờ cho hơi khí đá tụ đầy trong nửa thân cây đoạn dùng một ngọn lửa mồi châm vào chỗ cái lỗ nhỏ. Bùm! một tiếng nổ lớn gần như tiếng súng đại bác phát ra từ cái ống trúm ấy. Thằng Tám vỗ tay cười khoái chí, nhưng lại vội vàng bịt tai chờ tiếng nổ kế tiếp. Nếu hơi khí đá bên trong chưa đủ (?), thì tiếng nổ sẽ rất nhỏ hoặc chỉ có một tia lửa phà ra trên ngọn. Lúc đó thì gọi là ‘lép’. Việc này xảy ra rất thường nếu người chơi ‘ống trúm’ thiếu kinh nghiệm.
Đêm qua, anh Năm mới bắn được hai phát thì ba nó đã chạy ra chận lại và phán cho mấy câu:
- Dẹp ngay lập tức. Tụi mày muốn lính tráng tới bắt tao hả?
Mấy anh em nó làm thinh. Anh Năm ôm cái ống trúm chúc đầu xuống đất, lượm cục đá bỏ vào hộp thiết đậy nắp lại rồi vác cái ống đó liệng ở vách sau nhà. Vậy là tiếng súng đón giao thừa của anh em nó ngưng từ lúc đó.
Thằng Tám lải nhải:
- Hết vui!
- Mình vào trong nhà ăn bánh mứt đi. Anh Năm nó an ủi.
Ba má thằng Tám đang ngồi ở phòng khách, bên chiếc bàn lớn. Trên bàn bày ra đủ loại bánh mứt, ở giữa để một cặp dưa hấu có dán hai mảnh giấy đỏ chữ vàng viết dọc xuống theo kiểu câu đối. Má nó cầm tách trà còn bốc khói nghi ngút, hớp một ngụm rồi lên tiếng:
- Mấy đứa con tới đây ăn bánh đi.
- Tụi mầy biết tính ba hay lo và không muốn làm phiền ai. Ba không muốn chính quyền đến nhà làm khó dễ mình. Thôi, dẹp cái ống trúm đó đi. Ba nó biện hộ cho ‘lệnh ngưng bắn’ vừa rồi.
- Ba con nói phải đó. Hơn nữa cái đó nổ quá lớn làm má giật mình và hồi hợp lắm. Mấy đứa con cũng nên nghe lời ba.
- Dạ. Anh Năm đáp lại.
Thằng Tám bước tới bàn cầm cây chĩa bằng nhựa, ghim một mớ mứt gừng bỏ vô miệng. Nó nhai nhóp nhép mấy cái rồi hít hà la lên:
- Cay quá!
- Cay mà ngon. Mầy phải uống vô một ngụm nước trà mới đã.
Anh Năm cố vấn cho nó, ra vẻ sành điệu.
Nó làm theo. Ực một cái hết tách nước, rồi cầm thêm một cục kẹo đậu phọng. Đó cũng là món kẹo nó ưa thích. Gia đình thằng Tám vẫn giữ thói quen đón giao thừa mà ông cha truyền lại. Mặc dù phải thức khuya, mất ngủ nhưng mọi người đều vui. Không biết ba má cảm thấy thế nào – có lẽ đang bi quan vì hao tốn và tuổi đời thêm chồng chất, riêng nó thì rạo rực vui mừng khôn xiết. Còn gì vui hơn là Tết. Nó không phải đi học, không sợ quên bài bị thầy phạt, còn được mặc quần áo mới, được tiền lì-xì, được ăn ngon ngủ kỹ, được đi chơi thỏa thích mà không bị la rầy quở phạt, và được. . . cái gì nữa hé? Nó quên mất, vì ‘được’ quá nhiều.
Bữa ăn sáng của anh em nó hôm nay toàn là kẹo với bánh mứt, chưa kết thúc đã nghe tiếng má thúc giục:
- Mấy đứa xong chưa? Chuẩn bị đi theo má.
- Đi chỗ nào trước vậy má?
- Nhà bà Năm.
Mấy anh em nó nhìn nhau. Đứa nào cũng biết bà Năm mà người ta hay gọi là bà Mụ Năm. Bà Mụ Năm là em của bà nội. Chữ ‘mụ’ ở đây không mang nghĩa xấu hay cay cú mà ám chỉ nghề nghiệp cũ của bà. Bà là y-tá đỡ đẻ nên dân trong làng ghép thêm vào tên, gọi mãi thành danh. Năm nay bà đã hơn bảy mươi, không còn làm mụ đã nhiều năm qua. Ông Năm qua đời đã lâu để lại cho bà một gia tài khá lớn. Bà cũng lãnh được tiền hưu trí nên cuộc sống rất dễ chịu, nếu không muốn nói là khá giả. Anh em thằng Tám biết bà Năm thương con cháu và rộng rãi. Tết năm nào cũng đến mừng tuổi nhà bà.
Bước ra khỏi nhà, thằng Tám đã thấy không khí ồn ào khác thường. Con đường trước nhà có rất đông người qua lại, nhất là đám con nít trong xóm, hầu hết là bạn nó. Đứa nào cũng mặc quần áo mới. Một thằng hay chơi đá banh với nó kêu lên:
- Ê, Tám Chà! Mặc đồ mới đẹp quá hé.
Chưa kịp trả lời thì một tiếng nổ ‘đùng’ ở sau lưng làm nó giật mình nhảy tới trước mấy bước. Quay lại thấy thằng Côi ‘ghiền’ đang nhe răng cười khoái chí, trên tay còn cầm mấy cây pháo tiểu và một cây nhang. Không biết tại sao tụi bạn gọi nó là Côi ‘ghiền’, mặc dù nó cũng có da có thịt mà còn mang thêm cái bụng ‘cam-tích’ nữa. Thằng Côi có cái thú là khoái đọc truyện bằng tranh. Thằng bạn nào có truyện gì mới là nó mượn cho bằng được để đọc. Chắc đó là lý do để nó mang cái biệt danh ghiền chăng. Thằng Côi cũng là một cầu thủ trong đội banh của thằng Tám. Nó lanh lợi và có những cú đá rất chính xác. Nhiều người đã lầm về tài năng của nó, nếu chỉ nhìn vào vóc dáng bên ngoài. Thằng Tám thò tay vào túi áo cố tìm mấy cây pháo anh nó chia cho lúc sáng – không thấy đâu hết! Chắc bỏ quên ở nhà.
- Ê ‘Ghiền’, cho tao mượn vài cây pháo đi.
- Chừng nào mầy trả.
- Chiều nay.
- Nhớ nghe. Đừng để tao đòi là xui cả năm đó. Thằng Tám cầm hai cây pháo bỏ vô túi áo mà không đốt liệng trả lại chúng bạn. Nó muốn để phòng hờ có khi cần trong lúc đi đường.
Một lúc sau, ‘phái đoàn’ do má dẫn đầu đến nhà bà Năm. Đó là một căn phố gạch, mái ngói nằm giữa dãy phố có tiệm buôn và nhà ở xen kẽ. Cửa nhà bà Năm mở rộng. Má thằng Tám bước vào trước rồi đến mấy anh em nó. Giữa nhà là một cái bàn gỗ mun, đen bóng. Bốn chân bàn có chạm trổ hình rùa, phía trên gần mặt bàn là những hình hoa với nhiều vòng trôn ốc tinh xảo chạy cặp theo bốn gốc bàn. Trên bàn là một bộ ấm với bốn cái tách uống trà bằng sứ trắng có những đường viền bằng vàng sáng chói. Bên cạnh đó là hai cái khay, một cái đựng các loại bánh còn cái kia là các loại mứt. Bà Năm, tóc bạc trắng với gương mặt phúc hậu nhưng lấm tấm tàn nhang, đang ngồi phía sau bàn trên một trong bốn cái ghế cũng đen bóng xếp chung quanh.
Má thằng Tám chấp hai tay cúi đầu nói:
- Con chào dì Năm. Nhân ngày Tết Nguyên Đán, con cùng các cháu đến chúc Tết dì.
- Ờ, vợ thằng Quân và mấy đứa đó hả.
- Dạ.
Quân là tên ba thằng Tám. Mấy người lớn tuổi xưng hô nghe hơi lạ – mắc cười quá đi mất, thằng Tám nghĩ thêm trong bụng, sao giống kiểu bạn bè tụi nó gọi nhau quá, chắc bà ấy thường gọi như vậy từ khi còn nhỏ nên quen miệng. Bà nói tiếp:
- Ngồi, ngồi xuống đi con.
Bà chỉ cái ghế cho má nó, còn anh em nó thì cái bộ ngựa gõ cũng màu đen kê sát vách bên phải. Má khai khẩu chúc Tết cho bà trước. Nó không để ý bà ấy nói gì, nhưng đến lượt mấy anh thì nó vễnh tai lên nghe cho kỹ để học theo. Sau một lúc hồi hợp chờ đợi, đến phiên mình nó tiến lên khoanh tay thật chặt rồi ấp úng:
- Dạ, dạ… Năm mới con chúc bà Năm…được nhiều... sức khỏe, sống lâu trăm tuổi; phát tài, phát... lộc và... vạn sự... như ý.
- Giỏi, bà cám ơn con. Con lại đây.
Nó nghe lời tiến đến gần hơn. Bà hỏi:
- Con học lớp mấy rồi?
- Dạ đệ thất.
- Bà cũng chúc con học hành tấn tới, để ba má con vui. Đây, bà lì-xì cho con.
Nó đưa hai tay ra nhận hai đồng bạc mới và lí nhí:
- Con cám ơn bà.
Sau khi thằng em út kết thúc phần chúc Tết, má nó hỏi thăm thêm mấy câu xã giao rồi đứng lên cùng đám con chào từ biệt bà Năm.
Trên đường ra ngoại ô hướng đến nhà một người họ hàng khác, thằng Tám đi gần sau chót, miệng nhai cục kẹo chuối lấy ở nhà bà Năm vừa rồi. Nhìn ra phía trước thấy má dẫn đầu, kế đó là anh Năm, anh Bảy. Anh Sáu thì bọc hậu, ở giữa là nó với ba đứa em. Tất cả bảy người chỉ thiếu ba người anh lớn đã có gia đình riêng, nếu cộng thêm thì chẳn một chục. Nhà đông anh em mà hết chín là trai nên cô em gái áp út được cưng chiều như công chúa. Ai đụng tới cổ là không yên với ba nó đâu. Không ăn đòn thì cũng bị la rầy quở phạt. Má thằng Tám là bà nội trợ kiêm quản gia. Săn sóc con cái hay giao tiếp bên ngoài bà đều lãnh hết. Mỗi lần cả gia đình nó đi đâu, bà con chòm xóm đều xì xào: “Bà ấy dẫn một tiểu đội đi hành quân!
Lúc đi ngang nhà ông Năm Giáp, thằng Lộc chạy theo gọi:
- Ê Tám, chiều nay về đá banh không?
- Thôi, chắc không có giờ. Để ‘mùng ba ra nghề’ luôn, được không?
- Ừ, cũng được.
Thằng Lộc là con của ông Năm Giáp, cũng là đội trưởng đội banh đối đầu với đội của thằng Tám. Hai đứa nó, thằng nào cũng ốm tong và cao như cây sậy. Lũ con nít trong xóm chia phe đá banh cứ chọn hai thằng làm đội trưởng của hai bên. Tụi nó là bạn, nhưng cứ đối đầu nhau trong các trận banh lâu ngày nên gần biến thành thù nghịch. Đội nào thắng thì vui cười khoái trá, còn đội thua cứ tìm cách cãi cọ đổ cho phía bên kia chơi ăn gian. Có hôm chúng nó đổ quạu chơi xấu nhau, banh không đá nhưng cứ nhằm chân mà ‘nạpkê’. Xong trận banh, thằng nào cũng đi cànhót, ống quyển sưng lên mấy cục xanh-lè. Người lớn đá banh thì mang giày, có banh bằng da đàng hoàng; tụi nó đá bằng chân không còn banh thì đủ loại. Lúc nào có tiền thì mua banh cao-su cỡ bằng trái bưởi, đá vừa êm vừa đã nhưng chỉ được mấy trận trái banh đã bể nát. Loại banh chúng nó thường dùng nhất là những trái banh tennis cũ. Banh này không tốn tiền mua lại bền, đá hoài cả tháng vẫn chưa hư. Có điều banh sẽ làm đau chân vì hơi cứng và chỉ lớn bằng trái quít, ‘cầu thủ’ phải rà bàn chân sát mặt đất cho nên đá lầm vào đất cát là thường. Đau thì đau, chúng nó đâu có ngán, miễn có banh đá là vui rồi.
Đi khoảng mười lăm phút nữa thì ‘phái đoàn’ của nhà thằng Tám đã tiến vào vùng ngoại ô. Từ chỗ này trở đi, khung cảnh thôn quê bắt đầu hiện ra rõ nét. Đường đi không trải đá mà chỉ toàn là đất, rộng cỡ hai thước. Cỏ dại hai bên đường mọc len vào lối đi, xe bốn bánh chắc hẳn không vào được. Con đường này chạy dọc theo bờ kinh phía bên phải, bên trái là những căn nhà mái lá chen lẩn mái tranh nằm cách nhau gần trăm thước. Không phải nhà nào cũng lành lặn, kín đáo. Có căn chỉ còn cái nóc là nguyên vẹn, vách thì chỗ kín chỗ hở hoặc xộc xệch vá víu. Lâu lâu thấy xuất hiện một căn mái ngói vách ván. Cây cối xanh tươi, hầu hết là những cây ăn trái được trồng chung quanh nhà và cả hai bên đường đi. Nhiều cây cao khỏi mái nhà với tàng lá sum-suê tạo ra những bóng râm tươi mát. Gần như nhà nào cũng trồng dừa. Cây dừa mọc cao ở một góc trước sân nhà hoặc gần bờ sông, thân cây nghiêng nghiêng in bóng trên dòng nước. Trước cửa nhà còn thấy những cây đu-đủ, cam, quít. Đằng sau là một khóm tre với những thân cong, cành lá lả lơi lòa xòa lên mái tranh. Một vài nhà có cái hàng rào kết bằng những cây bông lồng đèn trồng sát nhau. Đa số được cắt tỉa gọn gàng và không cao hơn tầm mắt của một người lớn. Người dân thôn quê cũng nghỉ ngơi ăn Tết, có khi còn lâu hơn người ở thành thị. Nhà cửa của họ được quét dọn sạch sẽ, tươm tất. Hoa vạn thọ, hoa cúc được trồng dọc theo lối đi từ ngoài đường cái dẫn tới cửa ra vào; còn hoa mai thì kiêu kỳ đứng riêng rẽ ở một góc sân. Những cánh hoa ấy nở rộ, vàng rực cả lối đi và một khoảng không gian như chào đón chúa Xuân đang trở lại với muôn người. Câu đối đỏ dán ở hai bên cửa chính, có nhà còn dựng cây nêu ở giữa sân trước làm cho người ta chạnh nhớ đến mấy câu:
“Cu kêu ba tiếng cu kêu,
Cho mau đến Tết dựng nêu ăn chè.”
Người ta đổ xô ra bên ngoài vui chơi nhộn nhịp; ở đây cũng không thiếu những đứa trẻ với quần áo còn thơm mùi vải mới. Tiếng pháo đì đùng vang lên thưa thớt, không dồn dập chát chúa như nơi khu phố ngoài kia. Nơi nào gia đình thằng Tám đi ngang, người ta như dừng lại hướng mắt nhìn theo. Họ chào đón hay hiếu kỳ thắc mắc về những khách bộ hành xa lạ? Thằng Tám cũng nhìn họ, nó tò mò muốn biết bọn trẻ con ở vườn ăn Tết ra sao. Cũng không khác tụi nó bao nhiêu! Có điều chúng có vẻ hiền lành và thêm một chút nhút nhát. Tuy vậy, cũng có đứa đốt pháo nghịch ngợm ném vào nhau và còn ném cả ra đường nơi anh em nó đi ngang. Thằng Tám cũng đốt một cây pháo ném trả lại để đáp lễ. Bọn con nít ở đó và cả nó phá lên cười thích thú.
Trước khi đến nhà người họ hàng này, gia đình thằng Tám phải vượt qua một chiếc cầu khỉ. Chiếc cầu bắt ngang một con lạch không rộng lắm, chừng mười thước. Cầu làm bằng hai thân cây tròn to cỡ bắp đùi của người lớn ghép lại và có ba nhịp. Má và anh em nó vượt qua chiếc cầu không mấy khó khăn, trừ đứa em gái và thằng út. Hai đứa nó tiến lên có mấy bước thì thụt lùi trở lại, mặt mày xanh mét và rên rỉ mấy tiếng gì trong miệng nghe không rõ. Anh Năm và anh Sáu nắm tay dẫn lên cầu nhưng chúng nó vẫn không dám đi nên đành phải cõng trên lưng mà vượt qua.
Sáu năm trước lúc còn ở Sa-đéc, thằng Tám cũng đã run lẩy bẩy đứng chết trân một chỗ không đi được bước nào trên chiếc cầu sắt bắc ngang sông Sa-đéc. Nó đã dại dột nhìn xuống những tấm ván lót ngang trên những cây đà sắt, rồi cứ sợ trợt chân lọt xuống những kẽ hở bằng nửa bàn chân của nó. Lần đó nó đã phải nắm chặt tay anh Năm và nhìn thẳng phía trước như lời anh chỉ mới qua được. Nhìn sự sợ hãi của hai đứa em, nó như thấy lại cái dòng nước chảy xiết của sông Sa-đéc xuyên qua mấy kẽ hở của ván cầu thuở ấy.
Đi thêm mấy phút nữa, má thằng Tám reo lên:
- Tới rồi. Nhà của ông Sáu đây nè.
Thằng Tám nhìn theo tay của má, thấy một căn nhà sàn lót ván lợp lá khá lớn bên tay trái, cách chỗ anh em nó chỉ có mấy bước. Trước nhà có cái hàng rào bằng bông lồng đèn làm ranh giới phân chia con đường làng với sân nhà. Cổng vào nhà ở giữa cái hàng rào ấy, nhưng không có cửa để đóng mở. Phía trên có cây đà gỗ gác ngang hai cây cột, cao hơn chiều cao của một người lớn mấy gang tay. Hai câu đối đỏ được dán lên hai cây cột, một gói giấy đỏ treo lơ lửng giữa cây đà ngang.
- Phải nhà của ông Sáu Méo không vậy má? Thằng Tám hỏi.
- Suỵt! Tám con đừng nói vậy, ông Sáu giận
- Sao vậy? Ở nhà con vẫn nghe mọi người kêu tên đó mà.
- Người ta kêu bằng biệt danh. Ông Sáu không thích.
Nó đã nghe má nói về chuyện này rồi. Nhưng cứ tưởng như bọn trẻ con chúng nó, gọi biệt danh hay hổn danh gì cũng được. Thì ra người lớn có khác!
Ông Sáu là người em họ của ông nội thằng Tám. Nó cũng không rõ em họ như thế nào. Ba má có giải thích nhưng nó không bao giờ để ý ghi nhớ. Ông bà nội qua đời đã lâu, từ khi nó chưa chào đời nên chuyện bà con họ hàng càng ngày càng lu mờ. Ông Sáu tên gì không ai biết nhưng cứ bị người ta gọi sau lưng là ông Sáu Méo. Má kể, ổng có cái đặc biệt là khi nói chuyện hay cười thì miệng nhếch lên phía bên trái. Người dân miền Nam mộc mạc chân chất, thấy sao thì đặt tên như vậy. Ông ấy có nghe và tỏ vẻ không vui. Ông ở cùng nhà với gia đình hai người con gái là cô Ba Trương và cô Tư Tùng. Chồng của cô Ba Trương là bạn học với ba thằng Tám từ hồi xửa hồi xưa. Thỉnh thoảng hai người gặp nhau lại xổ ra mấy tràng tiếng Tây, nó nghe điếc cả con ráy. Dượng Ba Trương là một ông đồ gàn, không chịu ra ngoài làm việc với làng nước mà chỉ thích sống ở nông thôn để trở thành một bác nông phu cày sâu cuốc bẫm. Có lẽ ông ta muốn làm một Tú Xương thời đại chăng? Thằng Tám chỉ biết có chừng đó còn những chuyện khác thì đừng hỏi nó.
Má thằng Tám vẫn là người dẫn đầu ‘phái đoàn’ đi chúc Tết. Sau những thủ tục chào hỏi, mấy anh em nó ra ngoài sân trước đứng chờ người lớn nói chuyện. Sân nhà được quét dọn sạch sẽ tươm tất. Gần sát cái hàng rào có trồng mấy khóm hoa vạn thọ vàng xen kẽ với hoa mồng gà màu đỏ. Ngày đầu xuân các thứ hoa ấy nở rộ, tô điểm nên một cảnh sắc vui tươi hực hỡ. Một chị gà mái với đàn gà con mới nở còn nhiều lông măng như những trái bông gòn, đang nằm phơi nắng cạnh gốc cây đu đủ gần mái hiên bên phải. Các chú gà con rúc rích bên gà mẹ, có con trốn trong cánh chỉ ló ra cái đầu với cái mỏ nhỏ xíu xinh xinh. Một chú khác nghịch ngợm trèo lên lưng mẹ nhưng chưa đứng vững được nên bị trợt xuống, rồi lại cố leo lên thêm mấy lượt nữa. Gà mẹ thì cứ luôn mồm kêu: “túc, túc” – như an ủi, khuyến khích bầy con. Cách đó không xa, một chàng gà trống đang tìm mồi có bộ lông mã màu điều bóng mượt, như chiếc áo khoác sặc sỡ phủ lên trên bộ lông xám đen. Không biết anh ta gặp được món gì béo bở mà cứ gắp lên rồi buông xuống, miệng không ngớt kêu lên với giọng ồ-ề: “tục, tục’. Một chú gà con chạy đến mổ vào miếng mồi, nhưng ăn không được bèn bỏ xuống quay trở về với gà mẹ, thì ra đó chỉ là một cọng rơm. Anh chàng gà trống bỗng đứng thẳng lên xòe hai cánh quạt mấy cái, ưỡn ngực ra rồi cất cao cổ gáy lên một tràng: “ò..ó ..o..ò ..o…” Thằng Tám nhìn cảnh ấy, cảm thấy một cái gì thân quen trong tiềm thức.
Trước khi ra cất nhà ở nơi khu phố hiện tại, gia đình thằng Tám ngụ trong một căn nhà lá ở ngoại ô, sát cạnh thị xã. Hồi đó ba nó nuôi gà để lấy trứng phụ thêm cho các bữa ăn trong gia đình. Ăn trứng hoài cũng ngán nên đôi khi để cho gà mái ấp. Đàn gà vì thế mà tăng thêm số lượng, từ bốn năm con lên tới vài chục. Sáng nào anh em nó cũng bị tiếng gáy của mấy anh chàng gà trống đánh thức; từ trưa cho đến xế chiều thì các chị gà mái lại thi nhau cục tác. Bình thường anh em nó cảm thấy thích thú vì những âm thanh ồn ào nhộn nhịp đó, nhưng đôi khi bực bội vì sự yên tĩnh bị quấy rầy. Có một lần anh Bảy xách cây ra rượt các chị gà mái đang cục tác vì trong nhà có khách chuyện trò. Thằng Tám thì hay phá phách, nó chờ anh chàng gà trống nào ngỏng cổ lên bắt đầu gáy thì vác cây đuổi. Con gà trống vừa gáy vừa chạy nên phát ra những âm thanh thật là tức cười, giống như có vật gì chận ngang ở cổ họng.
- Mấy đứa, vào trong nhà chúc Tết ông Sáu và mấy cô đi con. Tiếng của má thằng Tám vọng ra.
- Dạ. Anh em nó đáp lại.
Màn chúc Tết diễn ra chẳng có gì là vui nếu không muốn nói là ngại ngùng. Anh em nó đem bài bản cũ ra lập lại. Lần này phải mừng tuổi tới ba người, tưởng sẽ được lì-xì ba lần nhưng chỉ có cô Ba Trương đứng ra đại diện cả nhà cho tiền. Nó lại được thêm hai đồng bạc mới. Cô Ba có hai người con gái nên má thằng Tám phải lì-xì trả lễ. Không biết bà ấy cho bao nhiêu, nhưng chắc vẫn còn lời so với bảy anh em nó cộng lại!
- Nè mấy con lại đây ăn bánh mứt đi. Để ông rót trà, đứa nào khát thì uống.
Thằng Tám lén nhìn lúc ông Sáu nói chuyện. Thật đúng như lời đồn đại, nhưng nó lại thấy hình như ông nhếch mép lên cười chớ không phải méo, cũng có duyên lắm(?).
Cô Tư Tùng tiếp lời ông Sáu:
- Để cô nướng thêm bánh phồng cho mấy đứa ăn nghe.
Nói xong cô đi xuống nhà bếp.
- Cô Tư, con đi theo coi cô nướng bánh được không? Anh Năm nó hỏi
- Được chớ sao không. Mấy đứa theo cô.
Thằng Tám và hai anh đi theo cô Tư. Nhà bếp là một cái chái cất thêm ra ở phía sau trên mặt đất, phải bước xuống mấy bậc thang gỗ mới tới nơi. Cô Tư đi lại cái kệ đựng thực phẩm khô bưng xuống cái rổ lớn đựng toàn là bánh phồng chưa nướng. Cô lựa một mớ bánh nằm bên trên rồi xé mấy đường rách chung quanh, thẳng vào giữa. Cô giải thích là để bánh không bị mo một bên khi nở phồng trên ngọn lửa. Lửa trên chiếc cà ràng còn nghi ngút đỏ, chắc đã được dùng để nấu nước pha ấm trà vừa rồi. Cô Tư bỏ thêm mấy cọng rơm cho lửa bắt ngọn rồi liệng vào mấy que củi khô. Chờ cho củi cháy đỏ, cô lấy hai cây kẹp bằng tre giống như bàn tay to tướng xòe ngón, đặt cái bánh phồng lên một cây kẹp rồi đưa lên ngọn lửa. Sau một vài giây, cái bánh được đổi mặt bằng cách úp qua cái kẹp thứ hai. Cái bánh từ từ nở phồng, mùi gạo nếp nướng bốc lên thơm phức. Chưa tới mười lần trở mặt như thế, cái bánh đã đạt đến sự căng nở tối đa và đổi ra màu vàng đậm. Nếu chậm tay hoặc để hơi lâu trên ngọn lửa, bánh sẽ bị cháy khét.
- Con muốn nướng thử không? Cô Tư quay qua anh thằng Tám hỏi.
- Dạ để con làm thử. Anh Năm nó đáp.
Anh Năm hay làm việc phụ giúp trong gia đình nên thuộc nhóm ‘khéo tay hay làm’, mặc dù đôi khi cũng gây hư hao đổ bể! Nướng mấy cái bánh phồng kiểu này chẳng khó khăn gì với anh. Nhưng cuối cùng anh cũng làm cháy xém vài cái nên trả việc lại cho cô Tư. Thường thì bánh phồng cứ để vậy mà ăn. Bỏ vô miệng chưa kịp nhai, bánh đã mềm nhũn và tan ra nhanh chóng. Thấy có hũ kẹo mạch nha để trên bàn, anh Năm lấy muỗng cà-phê múc một ít rồi để kẹo nhiểu mấy đường mỏng lên bánh, xong lấy một miếng bánh phồng khác úp lên. Ăn kiểu này cũng giống như ăn bánh kẹp có đường mà còn tránh bị kẹo mạch nha dính răng. Thằng Tám tham lam, múc nguyên một muỗng kẹo đưa vô miệng mà cắn. Nó lấy hết được cục kẹo mạch nha vào trong miệng, nhưng bị dính chặt vào hàm răng trên. Muốn gỡ cục kẹo đó ra, nó dùng lưỡi và cả hàm răng dưới nhưng vô hiệu. Bí quá, nó đành đưa hai ngón tay vào cứu bồ. Lúc này cục kẹo đã nằm yên trên lưỡi nên tha hồ mà tiết ra chất đường ngọt lịm. Thằng Tám lần mò tới gần chỗ để ấm trà bưng một tách ra ngoài sân ngồi nhâm nhi. Thật ra nó có biết nhâm nhi là gì, chỉ ực một phát là hết sạch. Không ngờ cục kẹo mạch nha theo dòng nước trôi luôn vào trong cổ họng. Nó lúng túng quay qua hỏi anh Năm:
- Em lỡ nuốt luôn cục kẹo mạch nha rồi, có sao không?
- Chết cha! Nó sẽ dán bao tử của mầy dính lại, hết ăn cơm.
- Vậy phải làm sao?
- Mầy phải đi uống thêm nhiều nước cho kẹo mau tan.
Thằng Tám nghe lời chạy trở vô nốc thêm mấy tách trà nữa. Nó cảm thấy an tâm hơn, nhưng bụng lại đầy óc ách nước. Trên đường trở về nhà trưa hôm đó, nó vướng phải chứng bệnh ‘tiểu đường’ nên phải ngừng lại vài lần để xả bầu tâm sự.
Bữa cơm trưa ngày mồng một Tết ngon còn hơn bữa ăn giỗ. Nào là thịt kho với trứng, khổ qua dồn thịt hầm với nước xương heo, giá hủ tiếu xào với tôm và thịt heo – đây là món khoái khẩu của anh Năm, dưa cải chua, rau sống, dưa hấu, củ kiệu tôm khô ....br> Trong bữa ăn anh em nó được giải khát bằng nước cam, xá-xị. Mấy anh còn khui thêm một chai bia con cọp để nhậu với cái món tôm khô củ kiệu kia. Thằng Tám ăn uống no nê, cảm thấy mệt mỏi và lười biếng nên leo lên cái gác lửng mà ngả lưng. Khi giật mình tỉnh dậy thì mặt trời đã xế bóng. Nó tuột xuống nhà dưới, vào phòng tắm rửa mặt. Trong nhà lúc này thật yên lặng, nó tự hỏi những người khác đang ở đâu. Ra ngoài phòng khách thấy ba ngồi ở bàn đọc sách, trên bàn có một tách trà đang bốc khói. Má thì nằm đọc báo ở chiếc ghế bố gần đó. Thấy thằng Tám ló mặt ra, bà nói:
- Ngủ đã quá hén! Con đói bụng chưa?
- Dạ chưa, mấy anh đi đâu hết rồi má?
Tụi nó dắt hai đứa nhỏ đi tới nhà bạn bè chơi rồi.
Nói xong bà đứng lên đi vào nhà bếp, vừa đi vừa nói tiếp:
- Để má cắt bánh tét cho con ăn nghen.
- Dạ cũng được.
Má nó đi về phía vách nhà gần chỗ để mấy cái lò nấu. Nơi đó có hơn mười đòn bánh tét buột chùm với nhau thành cặp máng trên sợi dây kẽm cao ngang mặt. Bà hỏi:
- Con muốn ăn nhân gì?
- Nhân chuối.
- Để coi, à còn được hai đòn nhân chuối đây.
Sau khi lột hết lá chuối gói bánh, bà dùng sợi dây cột bánh cắt ra hai khoanh. Bà lấy lá đó gói phần bánh còn lại đem cất vào trong tủ đựng đồ ăn dang dở mà mọi người hay gọi là cái ‘gạt-đờ măn-rê’. Nó kéo ghế ra ngồi cạnh bàn ăn, cầm khoanh bánh lên cắn một miếng, nhai vài cái lại nhớ tới “chuyện nấu bánh tét”.
Bốn năm trước, gia đình thằng Tám còn ở căn nhà lá ven thị xã. Chung quanh nhà trồng nhiều cây ăn trái chen lẩn với rau quả, nhưng cũng không thiếu vài loại hoa để tô điểm thêm màu sắc cho sân trước. Giáp ranh với nhà hàng xóm hai bên, ba nó trồng mấy bụi chuối. Cây chuối mang lại cho con người nhiều lợi ích. Ngoài việc ăn trái, lá chuối dùng để gói bánh, bẹ chuối được chẻ ra làm dây buộc, thân chuối xắt nhỏ trộn với cám làm thức ăn cho heo hay vịt rất tốt. Hầu như không có phần nào của cây chuối bị liệng bỏ, ngoài rễ cây nằm dưới mặt đất.
Những ngày giáp Tết năm đó, có lẽ sau khi đưa ông Táo về trời mấy hôm, má thằng Tám nảy sinh ý định gói bánh tét ăn Tết. Ba nó cũng hưởng ứng nên bà ấy liền xúc tiến, đi mua sắm vật liệu. Lá chuối và dây buộc thì đã có sẳn, anh em nó chỉ việc chặt xuống tách lá và chẻ dây. Lá chuối cần phơi một nắng cho héo chút đỉnh để không bị rách khi gói, còn dây thì phơi lâu hơn. Nó còn nhớ cái hôm cả nhà xúm xít chung quanh bộ ngựa gỗ gói bánh, không khí thật vui và đầm ấm. Ba má nó và ông anh cả là thợ chánh còn mấy người anh khác phụ giúp. Thằng Tám cũng lăng xăng, lòng vòng ké vào như một trò chơi thú vị. Gói bánh cũng không có gì khó, ngon hay dở là do cách thức chuẩn bị vật liệu. Thằng Tám được giao nhiệm vụ lau sạch lá chuối trước khi gói. Lá chuối sạch ấy được trải ra và chồng lên nhau vài ba lớp. Má nó dùng cái chén ăn cơm múc nếp có trộn đậu đen đổ một lớp trên lá, nhân bánh được xếp lên giữa lớp nếp. Có ba loại nhân là thịt mỡ, đậu xanh và chuối. Trước khi gói bánh lại, má nó cho thêm một ít nếp bên trên cái nhân. Người gói bánh chập lá hai bên lại với nhau, lăn đòn bánh qua phải rồi trái chừng một phần tư vòng cho bánh tròn đều, sau đó bẻ phần lá còn dư qua một bên đoạn dùng dây chuối cột một vòng giữa đòn bánh để giữ. Lá một đầu được bẻ gấp lại ôm theo thân bánh, cột một vòng dây nữa ở đầu này. Chiếc bánh được dựng đứng lên, dộng nhẹ vài lần cho nếp bên trong nén xuống rồi gập lá ở đầu còn lại, cột thêm một vòng dây khác. Như vậy là nhiệm vụ của thợ chánh đã xong, chiếc bánh được chuyển sang thợ phụ. Người này sẽ cắt bớt lá chuối dư ở một đầu bánh, rồi đặt hai mảnh lá chuối nhỏ chéo hình chữ thập lên để che chỗ lá bị cắt bỏ, xong cột một vòng dây mới. Sợi dây cũ do người thợ chánh cột nơi này được tháo ra. Đầu kia của đòn bánh cũng được làm như vậy. Người thợ phụ cột tiếp một vòng dây khác cách vòng đầu chừng một đốt ngón tay, nhưng phải để ý cho cái râu của sợi dây đầu tiên nằm bên trong vòng dây này. Tuy nói là cột nhưng chỉ cần chập hai mối dây lại, ngoáy vài tua chứ không cần thắt nút. Các mối cột phải nằm trên cùng một đường thẳng theo chiều dọc của đòn bánh. Dây cột như vậy sẽ được thêm vào cho đến hết đầu kia. Những mối dư ra của dây dồn về một phía và một tụ điểm sẽ được bện vào nhau thành một cái râu lớn, chắc chắn. Tùy theo sự sắp đặt, bánh có cùng loại nhân sẽ được làm dấu riêng, hai đòn cột lại với nhau nơi hai cái râu thành một cặp. Đến cuối ngày tất cả vật liệu đã được dùng hết, thợ chánh hoàn tất nhiệm vụ.
Ngày hôm sau mọi người tiếp tục phần còn lại cho đến trưa thì xong. Tổng cộng có mười lăm cặp bánh, mỗi cái to cỡ bắp chân của thằng Tám. Ba má nó định dùng bánh tét làm quà cho một số người thân nên gói nhiều như vậy. Việc kế tiếp là nấu bánh, lúc đầu má định kê gạch nấu bằng củi trong thùng thiếc phía sau nhà. Nhưng vì bánh hơi nhiều nên chất vào một thùng không hết – thùng thiếc này là cái thùng hai chục lít đựng dầu lửa mua ở chợ, xài hết dầu lấy làm thùng xách nước hoặc chứa đựng nhiều thứ khác rất tiện. Má chợt nhớ đến bà Tư ở xóm trong có nhận nấu bánh lấy thù lao rẻ nên phân vân không muốn nấu ở nhà nữa. Tính toán lợi hại một hồi, bà nói với mấy anh:
- Mấy đứa đội bánh đem tới nhà bà Tư cho má.
- Rồi tiền bạc tính sao? Anh Năm hỏi lại.
- Chừng nào lấy bánh má sẽ trả tiền.
- Nhưng bữa nay con nhức đầu quá không đi được.
- Vậy thằng Sáu đi cho má được không?
- Con có việc phải ra ngoài trường gặp mấy người bạn. Anh Sáu trả lời.
- Còn thằng Bảy thì sao?
- Một mình con hả? Làm sao con đội cho nổi thúng bánh!
Má nó thở dài:
- Chừng nào mấy đứa con đi được, để lâu bánh sẽ hư mất.
- Không đứa nào đi được hết phải không, để tôi đi. Ba nó ngồi ở ngoài trước nhà chợt chen vào.
Ông không nói thêm lời nào, đi vào trong nhà bếp đỡ nguyên cái thúng bánh lên đầu rồi đi ra ngoài đường hướng về xóm trong. Má chạy theo la lên:
- Ông ơi, để đó cho má con tôi. Ông về nhà nghỉ ngơi đi.
- Tụi nó làm việc nhiều, mệt mỏi cần nghỉ ngơi hơn tôi.
Ba vừa đi vừa nói những lời đó mà không quay trở lại. Má thằng Tám biết chuyện không ổn, lo sợ trở vào nhà hối mấy anh:
- Mấy đứa mau chạy theo ổng.
Anh Năm, Sáu, Bảy lật đật chạy đi không kịp trả lời. Thằng Tám cũng lẽo đẽo rượt theo. Mặc kệ cho mấy anh năn nỉ, ông ấy vẫn lằm lũi bước đi.
Nhà bà Tư ở phía bờ bên kia của con kinh, muốn tới nhà phải qua một chiếc cầu ván ba nhịp dài khoảng ba chục thước. Khi băng qua cầu ba nó đột nhiên đứng lại ở nhịp giữa, xoay mặt ngang nhìn theo con kinh đang ở vào lúc nước lên đầy. Mấy anh em nó đi theo phía sau cũng dừng lại, thắc mắc không biết ổng tìm kiếm cái gì ở dưới dòng nước ấy. Thình lình ông ấy nghiêng đầu, trút cả mấy chục đòn bánh xuống dòng nước đang chảy rồi liệng luôn cái thúng theo sau. Mặt của ông thật là nghiêm, lạnh như tiền. Ông quay đầu trở lại không nói một lời. Chờ cho ổng vừa khuất bóng, ba người anh cởi áo nhảy tòm xuống dòng nước chúi đầu theo những đòn bánh tét ‘tiềm thủy đĩnh’. Thằng Tám nhảy theo nhưng anh Năm nó la lên:
- Tám, nước chảy hơi mạnh mầy không lặn nổi đâu, lên bờ giữ cái thúng chờ tụi tao mò được liệng lên cho mày giữ.
Thằng Tám bò lên bờ chạy đi lượm cái thúng anh Năm vừa ném lên. Mấy người anh lặn hụp cả buổi, vớt lên được mười bốn cặp bánh. Thêm một lúc, vẫn không tìm thấy thêm đòn bánh nào. Các anh ấy lên bờ ngồi nghỉ. Mắt người nào cũng đỏ ngầu như mắt tôm luộc. Anh Năm ngồi bẹp xuống đất, duổi thẳng hai chân, chống tay ngả người ra phía sau mệt mỏi:
- Tụi mình nghỉ một chút rồi trở xuống mò tiếp.
Tui sợ nước đã đẩy cặp bánh còn lại trôi xa dưới kia.
- Nếu kiếm không ra thì sao?
- Chắc phải bỏ thôi.
Sau một hồi tiếp tục mò kiếm vô hiệu quả, mấy anh lên bờ. Anh Năm tuyên bố:
- Chịu thua! Mình lo đội thúng bánh qua nhà bà Tư.
Vừa đi, các anh vừa bàn tính:
- Một lát về nhà nói làm sao?
- Nói với ai? Tao sợ ổng đang chuẩn bị cây để tặng tụi mình một trận.
- Còn hồn vía đâu mà gặp ổng. Nhưng phần má?
- Thì cứ nói hết sự thật, mất một cặp bánh.
Mình hứa với má sẽ trở lại kiếm khi nước cạn.
- Thiệt khổ, gần tới Tết rồi mà vẫn còn xui!
Trên đường trở về nhà, anh em nó lặng lẽ lê ‘những bước chân âm thầm’ một cách chậm chạp. Mặt người nào cũng buồn hiu, méo xẹo. Gần tới nhà đã nghe tiếng chị dâu cả, giọng mếu máo:
- Ba, con năn nỉ ba đừng đốt.
- Đừng cản, tao đốt hết.
Mấy anh em vội vàng chạy về, thấy bà chị dâu cả đang níu kéo ba ở sân trước. Giữa sân có bốn, năm cái thùng quần áo của anh em nó. Đó là những thùng ‘cạt-tông’ đựng sữa hộp trước kia. Chị hai cố gắng ngăn cản ba đừng tới gần mấy cái thùng đó, vì trên tay ông đang cầm cái ‘hộp quẹt’ – có nơi gọi là cái bật lửa. Chị nói:
- Ba ơi, ba bớt giận. Ba đốt thì mấy chú lấy quần áo đâu mà mặc.
- Cho tụi nó trần truồng luôn, mấy thằng hư thân, lười biếng!
Anh em thằng Tám hết hồn không biết phải làm gì, chỉ đứng lấp ló ngoài cổng – lòng thấp thỏm lo sợ. Thằng Tám ngó giáo giác cố ý tìm kiếm xem má đang ở đâu. Nó hít mũi mấy cái vì ngửi thấy mùi dầu hôi. Không ngờ ông già giận đến mức đó, đổ cả dầu lên mấy thùng quần áo. Chắc ổng định đốt cho tiêu hết thật. Má nó đột nhiên xuất hiện với ông hàng xóm từ nhà kế bên. Thì ra bà đi cầu cứu người ngoài. Ông hàng xóm lật đật chạy tới chận ba nó lại và nói:
- Chú Sáu làm ơn cho tôi xin. Chú bớt giận.
Mấy em có làm gì sai thì sửa phạt chúng. Chú Sáu nóng quá! Đốt hết quần áo thì tội nghiệp tụi nó, chưa kể hao tốn.
- Tôi từ tụi nó luôn!
- Dạ không nên đâu chú. Cho tôi xin lỗi giùm tụi nó.
Ông hàng xóm vừa nói vừa giật cái hộp quẹt, rồi kéo ba vào trong nhà. Bà má quay ra ngoài cổng ngoắc, anh em nó chạy vào.
- Mấy đứa mau ôm thùng đem đi giấu chỗ khác. Bà nói.
Anh em nó vội vàng ôm mấy cái thùng chạy ra phía sau hè, lủi luôn vào trong đám rẫy khoai mì của người ta mà trốn.
Ngồi dưới bóng mát của hàng cây khoai mì, anh em nó nhìn nhau một chập rồi phá lên cười khúc khích. Mấy thùng quần áo để cạnh đó bốc mùi dầu hôi hăng hắc. Cái cảnh này cũng đã xảy ra cho anh em nó vài lần. Mỗi khi ba chúng nó nổi giận chuyện gì, không cần biết ai gây nên tội, ổng cứ đè cả lũ ra mà trị. Không có tội mới, ổng cũng lôi tội cũ ra phạt. Mấy lần trước thằng Tám tưởng mình vô can nên cứ tỉnh bơ đứng ngó, ai ngờ ổng phang cho mấy cây đau điếng phải bỏ chạy theo mấy anh.
Chờ cho trời tối, anh em nó ôm mấy thùng quần áo len lén đi theo cửa sau vào nhà, trốn trong phòng và bỏ luôn bữa ăn chiều. Chắc là chuẩn bị bụng dạ để ngày mai ăn một ‘trận đòn đạo lý’. Tết năm đó thằng Tám mặc quần áo mới có tẩm thêm chút mùi dầu ‘hôi’, và cũng là cái Tết cuối cùng có bánh tét cây nhà lá vườn.
Ăn Tết mà thiếu bánh tét cũng như chết không kèn, không trống. Phải chăng vì câu nói này mà nhà thằng Tám không bao giờ thiếu bánh tét trong mấy ngày Tết. Những năm về sau, gia đình nó mua bánh ngoài chợ hay đặt những chủ thầu gói và nấu theo ý mình. Ăn hết hai khoanh bánh, uống thêm một tách nước trà thấy bụng căng đầy, nó hỏi má:
- Con đi ra ngoài đường cái coi có gì vui không nghen má.
- Đừng đem hết tiền theo, coi chừng bị móc túi.
- Dạ, con để tiền lại nhà.
Tuy nói vậy nhưng nó cũng lén bỏ túi hai đồng, biết đâu có khi cần! Cả thị xã chỉ có một con đường chính mọi người quen gọi là đường cái. Chiều mồng một Tết, trời khô ráo nên đường xá cũng thuận tiện cho người ta mở hội ăn mừng. Đèn đường đã lên nhưng không thấm vào đâu. Người ta đốt thêm đèn ‘măng-sông’ và đèn cầy dọc theo hai bên đường. Những người tổ chức các trò chơi trải chiếu hay vải bố ngay trên lề đường. Họ bày trên đó đủ thứ nào là ‘bầu tôm cá cọp’, bài cào ba lá, bài ‘cách-tê’ sáu lá, kéo ‘dì-dách’, đổ hột, bói toán, liệng cổ chai, . . .Xen kẽ là những sạp bán thức ăn như khô mực nướng, đậu phộng rang, đậu phộng luộc, thịt nướng, gỏi đu-đủ, . . Bênh cạnh mùi khô mực, thịt nướng bay thơm phức là tiếng cá độ, cười nói của người chơi làm ồn ào, náo động cả một khu phố.
Thằng Tám mon men hết bàn bầu tôm cá cọp này rồi lân la sang nhóm đánh bài cào khác. Nó xem người ta hưởng Xuân mà cảm thấy vui lây. Đến một bàn bầu tôm cá cọp, có nhiều con nít bu quanh thằng Tám dừng chân đứng nhìn. Tụi con nít ở đây không ăn thua đủ như ở những bàn khác. Chúng đặt tiền rất ít, chỉ có tiền cắc là nhiều. Sau một lúc quan sát, nó nổi hứng bèn đổi một đồng tiền cắc, đánh năm mươi xu vào con cua. Thật hên, người làm cái dở nắp lên có một con cua và hai trái bầu. Vậy là nó trúng năm mươi xu. Nghĩ rằng hai trái bầu sau khi bị lắc đi chắc cũng còn một, nó đặt năm mươi xu cho trái bầu. “… tay, dở”, một bầu hai cá. Nó lại được thêm năm mươi xu nữa. Ăn quen, nó tăng lên một đồng cho con cá. Lần này không thấy con cá nào. Thua hết tiền ăn lúc nãy. Huề vốn! Nó lẩm bẩm rồi đứng lên đi qua chỗ khác. Đứng xem người ta chơi bài cào thấy mà ớn, ăn thua lớn nên hết tiền cũng nhanh. Ở nơi khác có một ông hai tay cầm hai lá bài bằng mấy ngón, lá thứ ba nằm trên mặt đất. Ông ta lật ngửa hai lá bài cho mọi người nhìn thấy, đoạn đặt xuống hai bên lá bài trên mặt đất. Nhặt lá bài ở giữa lên cho mọi người thấy là tấm ách chuồn; ông dùng mấy ngón tay còn lại nhặt hết cả ba lá bài lên, bỏ tréo qua lại mấy lần thật nhanh rồi hỏi:
- Ách chuồn là tấm nào?
Khán giả muốn tấm nào thì đặt tiền vào chỗ đó. Thằng Tám thấy rõ là tấm bên phải, vậy mà lúc lật lên thì ở bên trái. Nó kêu:
- Hay quá ta! Sao kỳ vậy?
Thấy trò chơi này có vẻ ảo thuật ma quái, nó bỏ đi chỗ khác. Ghé lại một bàn bầu tôm cá cọp khác, nó móc túi ra chơi tiếp. Sau vài ba lần, nó ăn được hai đồng. Có lúc sờ túi thấy hơi nặng, nghĩ đang hên nên chơi tiếp. Lại thua mấy bàn liền tù tì. Một lúc sau nó tính lại thấy chỉ còn lời có một đồng bèn đứng lên bỏ đi. Nó lẩm bẩm: “Đủ rồi, không chơi nữa. Rủi thua hết thì tiếc lắm.”
Đi đến cuối hàng trò chơi, nó thấy chiếc xe bán bánh mì thịt của chú Tư Sanh nên mừng lắm. Nó nghĩ sao chú ấy siêng như vậy, mồng một Tết cũng đi làm.
Chú Tư là người Việt gốc Hoa. Không biết chú có cái xe bánh mì này từ lúc nào nhưng nó đã là khách hàng quen thuộc từ ngày gia đình dọn về đây. Cả nhà thằng Tám ghiền bánh mì của chú. Thỉnh thoảng ba má đổi món ăn sáng thì nó có nhiệm vụ chạy ra đầu ngõ mua về mấy ổ bánh mì thịt. Ba thích bánh mì xíu mại, còn nó thì thứ nào cũng khoái hết. Đôi khi chỉ có năm cắc – năm mươi xu, chú cũng bán cho nó nửa ổ bánh mì nóng hổi, chẻ ra cho thêm một ít dưa chua và chan một muỗng nước xíu mại. Vậy mà nó ăn ngon lành. Chú Tư biết gia đình nó rất nhiều, nên đôi khi bán rẻ để làm quà. Thằng Tám chạy tới xe bánh của chú hỏi:
- Chú Tư, chú không nghỉ hả?
- Thôi, ngộ nghỉ thì mậu lúi ha. Con ‘dợ’ ngộ nó la chết.
- Vậy chú bán cho ‘tui’ một đồng bánh xíu mại đi.
- Hê, bữa ‘lay’ có tiền xài sang hé.
- Dạ, mới ăn bầu tôm cá cọp.
- Ái dà! ‘Lừng’ có cờ bạc. Coi chừng sạch túi.
- Dạ thôi, không chơi nữa.
- ‘Dậy’ tốt. Cung hỉ phát xồi!
- Cung hỉ phát ‘xồi’ (tài)!
Thằng Tám tự thưởng cho mình khúc bánh mì xíu mại, ăn đã thì thôi! Tết mà, nó nghĩ có xài sang một chút cũng không sao.
Đi tới đi lui chưa hết các gian hàng ăn uống bài bạc mà trời đã tối đen. Nó nhìn lén đồng hồ trên tay của một ông đang chơi bài thấy đã hơn tám giờ. Sợ má lo cho mình mà sai các anh đi kiếm nên nó trở về. Nó đinh ninh mọi người đã chuẩn bị đi ngủ, không ngờ đèn nhà nó và mấy nhà lân cận vẫn sáng. Người ta vẫn còn đầy ngoài đường trong đó có mấy anh của nó và đám con nít. Pháo vẫn nổ, tụi nhỏ còn bày ra đủ thứ trò chơi nào là ‘cút-bắt’, ném lon, ‘thiên đàng-địa ngục’… Ở sân bên hông nhà thằng Tám có một đám đông khác. Mấy đứa bạn và anh Bảy nó ở đó. Nó chạy đến nơi này để xem có gì vui. Thấy thằng Côi ‘ghiền’ đứng gần bèn móc túi trả lại hai cây pháo đã mượn ban sáng. Anh Bảy đang đào một cái lỗ nhỏ, trên tay trái cầm cái lon sữa bò rỗng không.
- Anh làm gì vậy? Thằng Tám hỏi.
- Tao đào lỗ để đốt pháo.
- Sao phải đào lỗ, bộ anh định bỏ pháo xuống cái lỗ đó hả?
- Đừng hỏi nhiều, mầy chờ xem.
Thằng Tám nín thinh đứng nhìn. Anh Bảy đào bới một lúc rồi cầm cái lon sữa nhét xuống cái lỗ đó. Không vừa, cái lon còn ló trên mặt đất phân nửa. Anh ấy tiếp tục đào thêm, đến khi cái lon lọt xuống ngang mặt đất thì ngưng. Nó nghĩ: “Không lẽ ảnh đốt pháo, bỏ xuống lỗ rồi úp cái lon lên. Như vậy chắc vui lắm, không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Pháo sẽ nổ lớn hơn chăng? Cái lon sẽ bay lên cao?” Những điều suy đoán đó đều sai bét. Anh ấy lấy đinh đục một cái lỗ nhỏ trên hộp sữa, mặt kia thì trống rỗng. Cái lỗ đào bới lúc nãy được bỏ vào một cục khí đá nhỏ với nước rồi úp cái lon sữa lên. Anh Bảy cầm cái hộp quẹt đốt vào chỗ cái lỗ đinh. Một ngọn lửa nhỏ cháy sáng lên thật vui mắt. Thì ra ảnh làm cái đèn khí đá dã chiến.
Thằng Tám khoái quá, chạy vào nhà kiếm một cái lon sữa không khác bắt chước. Sau một lúc hì hục nó làm xong một cái đèn khác, nhưng chưa đốt. Nó chạy tới chạy lui một lúc mới mượn được cái hộp que diêm. Đốt que diêm lên rồi đưa vào chỗ lỗ đinh. Một tiếng nổ ấm, lớn không thua gì một cây pháo tiểu phát lên. Cái lon sữa bò bay vọt lên khỏi mặt đất xán vào trán nó cái bốp, kèm theo một mớ bùn sình trám đầy cả hai mắt.
Ui cha! Đau quá. Thằng Tám la lên, hai tay ôm mặt khóc.
Anh Bảy chạy tới hỏi:
- Có sao không? Buông tay ra cho tao coi.
- Tôi không thấy được nữa, mắt tôi đau rát lắm.
- Đi theo tao rửa mặt lẹ lên.
Anh ấy dẫn nó tới bờ kinh nơi có cái thùng ‘phuy’ đựng nước, múc ra mấy ca cho nó rửa mặt.
- Thấy đường chưa? Còn đau hết?
- Còn đau, nhưng thấy được rồi.
- Mầy làm sao mà nó nổ vậy?
- Tôi không biết.
- Chắc tại mầy để nhiều khí đá với nước quá nên nó phát nổ.
- Có thể tôi để hơi lâu, hơi khí đá dồn nén quá nhiều nên mới bị.
- Sao mầy để lâu chi vậy?
- Tôi mất thì giờ đi kiếm cái hộp que diêm.
- Thiệt xui xẻo! Mầy vô nhà đi ngủ đi, để tao dọn dẹp cho.
Nó rón rén đi vào nhà, tránh không để ba biết chuyện gì đã xảy ra. Vừa đi vừa đưa tay sờ trán, đụng một cục u khá lớn với cảm giác ê ẩm. Ngày mồng một Tết của nó kết thúc ở đây.
Đêm hôm đó thằng Tám nằm chiêm bao thấy trận banh đầu năm giữa hai đội của nó và thằng Lộc diễn ra thật sôi nổi, hào hứng. Cầu thủ hai bênh đá rất hăng, chắc nhờ được ăn ngon nên sung sức. Hai đội ghi được nhiều bàn thắng. Sau gần một giờ tranh đấu, tỉ số là sáu trên năm nghiêng về đội nó. Đội banh thằng Lộc cố gỡ nên chơi bạo hơn. Thằng Lộc một mình dẫn banh lên, vượt qua thằng Tám và mấy thằng khác bên phe nó. Tiến sâu tới gần vòng cấm địa rất nguy hiểm. Lúc đó chỉ có thằng Côi ‘ghiền’ ở hàng phòng vệ, nếu không truy cản kịp thì có thể bị lọt lưới vì đòn tấn công này. Thằng Côi chạy lên chận banh, thằng Lộc đá một cú thật mạnh. Chân cả hai chạm vào nhau nghe bốp một tiếng. Trái banh dội lại và bay ra xa về hướng bên trái. Đội của thằng Tám vội vàng kéo về phòng thủ, còn thằng Côi thì ôm chân lăn lộn. Tụi nó ngừng trận đấu để kéo thằng Côi ra ngoài.
- Ê, mầy có sao không? Thằng Tám hỏi.
- Ống quyển đau quá, tao đi không nổi.
Nó thấy ống quyển thằng Côi đỏ bầm và sưng lên một cục nên nói:
- Thôi mầy ngồi ngoài nghỉ đi.
Thằng Tám trở vô sân nói với thằng Lộc:
- Chơi tiếp. Nhưng mười phút nữa mình nghỉ được không?
- Cũng được.
Trận banh tiếp tục. Năm phút sau bên thằng Lộc gỡ huề. Thằng Tám tiếc lắm nên vùng lên quyết ăn thua. Nó xông xáo tấn công tới tấp, nhưng không ghi thêm được bàn thắng nào. Bên thằng Lộc phản công lại cũng quyết liệt không kém. Gần mấy phút cuối, thằng Lộc đem banh lên phần đất của bên thằng Tám, co chân chuẩn bị đá vào khung thành. Nó lướt lên đỡ. Trái banh đó bay thẳng vào mặt nó với tốc độ thật nhanh. Bốp!
Thằng Tám giật mình tỉnh giấc vì sức va chạm mạnh của quả banh trong giấc chiêm bao. Bóng dáng trái banh đang bay tới vẫn còn thấp thoáng trước mặt. Nó chống tay định ngồi dậy nhưng cảm thấy cháng váng, mồ hôi đổ ra ướt cả áo. Cố lắng tai nghe ngóng, không có tiếng động nào ngoài tiếng thở đều đều cùa anh nó ở giường ngủ bênh cạnh. Mọi người còn ngủ say, đêm vẫn tối đen như mực. Nó lăn qua một bên nhắm mắt cố tìm lại giấc ngủ dở dang.

( Hình ảnh của Richard Calmes trong trang web:
https://www.pbase.com/rcalmes/vietnam )

hat-ka-cê





( Trở về đầu trang )