1.) Vào Chuyện Mẹ sinh tôi ra vào năm Giáp Thân, 1944, nhưng sau này làm lại giấy Thế Vì Khai Sinh thì rút xuống hai năm cho đủ tuổi để xin được vào học trường Chasseloup Laubat ( và đã trở thành trường Lê Quý Đôn sau này). Sau khi đỗ Tú Tài hai ban B, tôi nhẩy vào làm cho “sở Mỹ” nhờ biết tí tiếng Pháp và tiếng Anh kha khá. Đồng thời tôi cũng theo học tại Đại Học Sài Gòn, Văn Khoa, Ban Anh Văn. Cơ quan “Sở Mỹ“ tôi làm trực thuộc Tòa Đại Sứ (TĐS) Hoa Kỳ tại Sài Gòn, thuộc chương trình Phụng Hoàng. ![]() Như các bạn đã từng biết, sau sự chia cắt đất nước Việt Nam, lấy con sông Bến Hải làm làn phân chia Quốc-Cộng vào năm 1954, Cộng Sản đã để lại ở miền Nam Việt Nam một số lớn cán bộ nằm vùng. Mạng lưới này đã được bổ xung thêm với nhiều cán bộ xâm nhập từ miền Bắc vô vào những năm cuối của thập niên ‘50, và sau nữa. Mạng lưới này là cả một hệ thống hạ tầng cơ sở nằm vùng và ẩn náu trong những vùng rừng núi gồm có cả những đơn vị du kích địa phương, kinh tài, ám sát, liên lạc viên, tuyên truyền ... mà người Mỹ họ gọi là VCI (Việt Cộng Infrastructure). Chúng bám vào trong dân làm vùng sôi đậu, chúng nằm nín hơ hoạt động lén lút nơi tỉnh thành, chúng quấy nhiễu những đơn vị hành chánh, cảnh sát, đắp mô, cài mìn tạo thành những nơi mất an ninh, chúng khủng bố, ám sát nhân viên chính quyền địa phương nếu có cơ hội .... Để đối phó lại những vấn nạn nêu trên, chính phủ VNCH đã có những biện pháp như Ấp Chiến Lược, kế hoạch Phụng Hoàng, và sau này là thêm chương trình Xây Dựng Nông Thôn .... ![]() Như các bạn đã biết, từ năm 1958 cho đến 1968, Cộng Sản chủ trương xây dựng lực lượng bằng cách thâm nhập người và vũ khí từ miền Bắc vào qua các ngả đường từ Lào, Cam Bốt, và bằng đường biển. Đồng thời chúng cũng bành trướng các mật khu, củng cố và tăng cường lực lượng du kích, nằm vùng, kinh tài, khủng bố và ám sát nhân viên chính quyền địa phương. Đầu năm 1968 chúng mở cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu-Thân sau khi đã có một lực lượng chính quy với những vũ khí tối tân như AK47, B40, B41, xe tăng đủ để đương đầu với quân đội Việt Nam Cộng Hòa và Đồng Minh trên một bình diện chiến tranh trận địa chiến. Đồng thời trên mặt trận tuyên truyền, báo chí, và ngoại giao của chúng trên thế giới, nhất là tại Hoa Kỳ đã đủ chín mùi, và mặt trận chính trị này hiện đang cần một tiếng vang vọng đến từ miền Nam Việt Nam để hỗ trợ cho những lời tuyên truyền của chúng. Tiếng vang “Tổng Cộng Kích Tết Mậu Thân” này quả thực đã đáp ứng đúng nhu cầu chính trị cần, và quá đủ cho chúng tức thời. Tiếng vang này đã được khuếch đại, và tận dụng tối đa bởi các nhóm phản chiến tại Hoa Kỳ. Đến năm 1969, chương trình Việt Nam Hóa chiến tranh bắt đầu, thì kế hoạch Phụng Hoàng cũng đã được Việt Nam hóa, công việc của tôi đâm ra bấp bênh! Có một hôm xem truyền hình thấy có một sĩ quan Hải Quân diện đồ trắng lên TV nói chuyện tuyển mộ sinh viên sĩ quan Hải Quân coi bảnh bao quá. Tôi bắt đầu để ý đến quân chủng này, và càng nhìn thấy những bộ đồ trắng lả lướt nơi bến tàu, trên đường phố Sài Gòn tôi càng đâm ra “mơ” làm người SVSQ Hải Quân. Tôi tình nguyện theo học khóa 20 SVSQ/HQ. Tôi được nhận, trình diện, và được lãnh đồ quân trang quân dụng. Tôi đã chính thức trở thành Sinh Viên Sĩ Quan/Hải Quân/Khóa 20 với cấp bậc đầu tiên là “Tân Binh” Nguyễn Hữu Hải, số quân 66A702-430. Tôi gặp và chơi thân ngay với các bạn cùng khóa như Nguyễn Văn Đệ, Nguyễn Xuân Dục, Phan Ngọc Long, Tôn Long Thạnh, Ngô Nguyên Trực .... Mặc dầu tạm trú tại trại Bạch Đằng II, nhưng tôi ra vào cổng Hải Quân như đi chợ vì còn giữ giấy tờ làm việc tại Tòa Đại Sứ Mỹ. Ngày ngày chúng tôi la cà lả lướt phố phường, và lo tán gái. Chúng tôi lên Quang Trung tập bắn , tập đi một hai ba bô..ố..ốn, tập leo, tập trèo, tập chà láng, tập đi bãi, tập chạy “huỵch huỵch”, và vừa thở hồng hộc vừa hò những bản nhạc hùng như “Đường trường xa, con chó nó tha con mèo ...”. Cuối tuần chúng tôi đi bờ, lại la cà, lả lướt, và tán gái tiếp tục. Ra Nha Trang, trong thời gian bị huấn nhục, tuy mệt mỏi vì những buổi phạt hành xác, nhưng nhiều khi thấy cũng vui vui vì những trò đùa như con nít. Để tránh bị “quay” tôi cứ theo anh em lẩn vào trong đám đông, “ai sao mình vậy” và đừng có “ý kiến ý cò gì” là thoát được cái nạn bị “quay như dế“ mà một số bạn đã bị gặp phải. Thế rồi thời gian bị huấn nhục cũng qua đi, sau lễ gắn Alpha, và chúng ta được “đi bờ“. Sau khi đi ăn uống cho thỏa thích sau những ngày thèm khát, tôi mua một vài thứ lặt vặt cần thiết như sira đánh giầy, dầu nóng thoa bóp hiệu “Bom Solar“(?), kem đánh răng ... tôi ghé nhà một người quen ở gần ga xe lửa. Tôi nhận được một mảnh giấy nhắn tin là có người quen trong Tòa Lãnh Sự Mỹ thuộc Vùng II, ở số 6 đường Duy Tân muốn gặp. Lần đi bờ kế tiếp, tôi ghé Tòa Lãnh Sự Mỹ và người quen muốn gặp tôi chính là ông “Boss” cũ làm trong “Sở Mỹ“ của tôi, Philip C. Ross, mang cấp bậc Đại Tá Green Beret. Ông Philip bảo là: “ Đừng có hỏi là tại sao tôi đã tìm ra được Hải; Tôi đã có lệnh thuyên chuyển về Sài Gòn, tôi muốn bạn đi với tôi về Sài Gòn ngay ngày hôm nay, mọi trở ngại và giấy tờ của Hải tôi sẽ lo liệu hết, đừng có lo chi cả!” Thế là ngay buổi trưa hôm ấy, chúng tôi theo Air America về thẳng Sài Gòn. Tôi bỏ lại trong quân trường mọi thứ và chẳng kịp báo tin cho ai hết! Về đến Sài Gòn, Philip lấy xe thả tôi về nhà, và dặn tôi lên trình diện ông ấy vào sáng thứ Hai tại Tòa Đại Sứ Mỹ cũ nằm trên đường Võ Di Nguy, khu Chợ Cũ Sài Gòn. Sáng thứ Hai, sau những thủ tục giấy tờ, tôi đã được Philip chở đến một căn nhà nằm trên đường Chi Lăng, Phú Nhuận. Đây là một căn nhà “an toàn” (safe house) của Sứ Quán Mỹ. Nơi đây tôi đã được huấn luyện trong hơn hai tuần về tình báo, điệp viên. Huấn luyện viên đa số là người Việt, nhưng chỉ huy bởi những nhân viên “cố vấn” của Tòa Đại Sứ Mỹ. Trong số những cố vấn này, có người đã từng xâm nhập và hoạt động tại Đông Đức đến hơn 20 năm. ![]() Sau khi mãn khóa về gián điệp này (tôi trở thành “zét không không biết“ như trong truyện gián điệp Z-28 vậy), tôi được bổ về làm “Sỉ Quan Tham Mưu/Quân Khu II”, mang cấp bậc “đại úy đồng hóa”, ăn lương do ngân sách ngoại viện đài thọ, và được Nha Động Viện Bộ Quốc Phòng cấp cho “giấy tờ hợp lệ tình trạng quân dịch“. Tôi chịu trách nhiệm 12 tỉnh của Quân Khu II. Tôi đi nhiều nơi như Quy Nhơn, Phú Yên, Khánh Hòa ... Mỗi một tỉnh có một đơn vị Thám Sát Tỉnh, Provincial Reconnaissance Unit (PRU). Mỗi một đơn vị Thám Sát Tỉnh như vậy thì thường có khoảng 118 nhân viên, gồm có đa số là VC hồi chánh, lính người Nùng, một số nhân viên thuộc CSQG, và được chỉ huy bởi một viên thiếu tá đồng hóa. Tết năm Mậu Thân, 1968, đa số các cán bộ nằm vùng của VC xuất đầu lộ diện để mong thực hiện “cuộc tổng nổi dậy của nhân dân miền Nam”, hay bị lộ hành tung nằm vùng. Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và Tòa Đại Sứ Mỹ nhận thấy sự hữu hiệu của kế hoạch Phụng Hoàng, nên tăng cường và cho khuếch trương chương trình này. Nhưng sau này khi Việt Nam Hóa chiến tranh được bắt đầu thì chương trình này đã trở lại thành một thứ yếu đối với Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, và bị cắt giảm tối đa tài khoản từ phía Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ. ![]() Đến gần cuối tháng Tư năm 75, trong lúc đang làm việc tại Sở Ngoại Kiều, thì một nhân viện TĐS Mỹ đến gần tôi, ngó quanh khi không thấy ai, thì nói nhỏ đủ để cho tôi nghe: “chiều nay sau khi đi làm xong, nhớ ghé nhà Trung tá Lạng, có chuyện rất cần!” Ngay chiều hôm đó, tôi đến nhà Trung tá Nguyễn Văn Lạng, cựu CHT/Thám Sát Tỉnh (PRUs). Sau khi được người nhà Tr/tá Lạng kín đáo dẫn lên lầu, tôi đã thấy 7 hay 8 cựu cố vấn TĐS Mỹ ngày nào, có cả ông xếp cũ của tôi là Philip C. Ross nữa. Bill Tucker, một cố vấn cũ, đã vỗ vai tôi mà nói:” Mầy làm gì mà cứ làng sàng ra vào cổng Tân Sơn Nhất hoài vậy?” Ông ấy tiếp lời: “Mầy đừng có lo, dù chỉ còn một cái trực thăng, tao cũng không bỏ mầy đâu!” Trong buổi nói chuyện, tôi đã được biết là TĐS Mỹ đã cho đốt hết những giấy tờ quan trọng ngay từ tháng Ba, và đang cho di tản những kiều dân Mỹ ra khỏi VN. Ông xếp cũ của tôi nói:” Nếu mày muốn ra đi một mình, thì tụi tao sẽ đưa mầy ra máy bay ngay; nhưng nếu mầy muốn đem theo những người thân thì ngày mai hãy đến Đức Hotel, nằm ở trước cửa trường Lê Qúy Đôn, vào hỏi Richard, nó sẽ lo cho mầy.” Mấy ngày hôm sau, tôi và một anh bạn cũ cũng đã làm cho TĐS Mỹ ghé Đức Hotel để gặp Richard. Chúng tôi được biết là hiện có hai chiếc tàu của Hoa Kỳ đang nằm ngoài khơi Vũng Tàu, mình phải đưa người nhà mình ra ngoài đó và sẽ được di tản bằng tàu. “Hãy về chuẩn bị sẵn sàng, tôi sẽ cho người liên lạc,” Richard hứa với chúng tôi như vậy! Sài Gòn bắt đầu giới nghiêm từ 8 giờ tối. TĐS Mỹ bắt đầu cho di tản những người Việt làm cho sở Mỹ và thân nhân của họ. Họ đã được chuyên chở bằng xe buýt vào tòa nhà của cơ quan DAO, đến đêm sẽ được đưa ra khỏi VN bằng máy bay quân sự C-130 và C-141. Trước cổng TĐS Mỹ ở đường Thống Nhất, người ta xếp hàng, chen lấn ngay từ sáng sớm để mang một hy vọng là có một cơ hội rời khỏi VN… Tôi cũng đã giúp đưa được một vài người bạn SQ/BB từ Phú Bổn, Tuyên Đức chạy về lên máy bay. Khi máy bay đến, nhiều khi chỉ có ba hay bốn chục người chờ để được đưa đi, trong lúc máy bay có thể chứa được ba hay bốn trăm người, cho nên bất kỳ những ai đang hiện diện tại chỗ nếu muốn đi là cứ việc leo lên máy bay là đi, chẳng cần giấy tờ gì cả! Tôi không muốn bỏ nhiệm sở trong những lúc đó. ![]() ![]() Sáng ngày 30, tôi lấy xe Honda chạy một vòng: Sài Gòn hốt hoảng, Sài Gòn sợ hãi, Sài Gòn như một con chim bị xập bẫy! Nguời ta hoảng sợ, người ta hôi của từ những căn nhà Mỹ mướn bỏ hoang. Lác đác trên đường, một số lính Dù hay biệt kích vẫn ghìm súng sau những gốc cây, ụ cát. Đến gần trưa thì được nghe lời kêu gọi quân cán chính VNCH hãy bỏ súng đầu hàng của TT Dương Văn Minh! Tối đến tôi lại mò về nhà trên đuờng Trương Minh Giảng vì hoang mang đến tột cùng, và không biết là mình phải làm cái gì nữa! Khoảng năm, sáu giờ sáng sớm ngày hôm sau thì đã nghe thấy tiếng đập cửa. Vừa mở cửa ra thì, năm sáu tên mang AK47, khăn xanh đỏ đeo ở tay ập vào, và bắt tôi đứng úp mặt vào tường, giơ hai tay lên cho chúng khám xét. Chúng bắt và dẫn tôi ra nhốt ở trụ sở Nhân Dân Tự Vệ cũ ở trong xóm. Chúng không cho tôi đem theo bất kỳ một thứ gì hết, kể cả không cho thay bộ đồ ngủ đang mặc trên người! Nhưng bất ngờ một tuần lễ sau, thì chúng thả tôi ra và bảo “muốn đi đâu thì đi.” Sau này tôi mới biết là chúng chỉ là những tên nằm vùng, và bọn theo đuôi “30 tháng 4” muốn bắt tôi để “chôm chĩa” của cải vậy thôi. Sau khi đuợc tha, tôi “mò” đến nhà một anh bạn thân trước làm cho hãng máy bay Pacific AirLine. Chúng tôi cùng nhau đi xuống Rạch Giá, với hy vọng là sẽ liên lạc lại được với những người quen trước ở tại khu Cai Sắn. Đến Rạch Giá, chúng tôi đã tìm ra được một người quen, trước là một thiếu tá Cảnh Sát tại Phan Thiết. Theo lời thì anh ta đã có mua được một chiếc tàu, và có giấy phép của Ủy Ban Quân Quản VC cho phép tàu đi Phú Quốc để tiếp tế cho đồng bào tỵ nạn từ miền Trung về, hiện đang bị đói ở ngoài ấy. Anh ta bảo chúng tôi hãy mua vé như bình thường và dặn là “mình sẽ đổi hướng đi Thái Lan khi trên đường ra Phú Quốc.” Sau khi đã mua vé đi Phú Quốc xong, chúng tôi xuống tàu khoảng 2 giờ chiều. Tôi thấy rất nhiều người có máu mặt tại Sài Gòn đã ở sẵn trên tàu như vợ chồng chủ hãng giầy Cogimoco, chủ và gia đinh hãng bột ngọt Vi Phong nên cũng thấy yên tâm. Ngồi chờ khoảng hơn một tiếng đồng hồ thì tàu nổ máy, tháo dây, và khởi hành. Nhưng vừa mới xa bờ có khoảng chừng 100 thước thì nghe thấy có một vài tiếng súng nổ! Hai bên hông tàu thấy xuất hiện hai chiếc ghe, lố nhố mấy chục tay súng AK. Họ nhẩy qua tàu chúng tôi, bắt mọi người đứng thẳng, giơ tay khỏi đầu và chịu sự khám xét. Chúng lục túi, lục người, và đồ đạc của chúng tôi. Chúng đổ ra sàn tàu cả một đống vàng lá, vòng vàng, nhẫn vàng, đồng hồ, và cả một lon lớn hột soàn (kim cương). Có một người nhẩy “ùm” xuống nước để mong lẩn tránh, nhưng những cây AK đã thi nhau “nhả“ đạn theo. Không thấy anh ta trồi lên, nhưng máu đỏ nổi lên, loang ra cả một vùng biển. Cho đến giờ phút này mà tôi vẫn chưa quên được cái cảnh hãi hùng đó. Chúng chặt dây thừng trên tàu và trói chặt hai tay chúng tôi về phía sau lưng. Từng nhóm mười người chúng tôi được chúng đưa qua ghe để chở về nhốt ở giữa sân vận động Rạch Giá. Từng nguời một, chúng tôi bị khám xét lại. Trong túi của tôi còn dấu được năm tờ giấy 100 dollars, và một vài chỉ vàng, nhưng ở dưới vớ của tôi cũng còn dấu thêm được 300 dollars nữa. Tôi thấy tên bộ đội đứng canh gần chỗ tôi ngồi, coi có vẻ sáng sủa. Tôi hắng giọng cho hắn chú ý, và bảo nhỏ “trong túi tôi có ít vàng và tiền đô, lấy đi.” Nghe thấy thế hắn kêu tôi đứng qua một bên, lấy vàng và tiền trong túi tôi xong, hắn kín đáo cất vào túi và quát to “anh này đã khám xong, ngồi qua bên này.” Nhờ thế mà tôi còn giữ lại được 300 đô, đúng là ông bà ta đã nói “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn.” 2.) Chuyện người tù Cải Tạo Nguyễn Hữu Hải: Ngay chiều ngày hôm đó chúng tống chúng tôi vào khám lớn Rạch Giá. Một hai ngày sau thì số người càng ngày bị bắt, nhốt vào chỗ chúng tôi càng đông. Đa số là dân từ Sài gòn xuống, và nhiều người vừa mới đến bến xe, đứng lớ ngớ là bị bắt liền! Chúng không cho chúng tôi thức ăn, người nào có tiền thì gửi mua từ bên ngoài. Một vài người Hoa trong tù cũng đã mở ngay quầy hàng bán lại cho bạn tù những bịch nước đá, thuốc lá, chuối, bánh mì không ăn với đường. Chúng nhốt chúng tôi được khoảng hơn một tuần lễ, trong lúc chúng tôi đang nằm chờ giất ngủ, hay ngồi quanh tán gẫu thì bất ngờ đèn đuốc bên ngoài được tắt ngóm, tiếng chân chạy rầm rập bên ngoài phòng giam. Chúng tôi ngạc nhiên, hồi hộp, và thắc mắc không biết chuyện gì đã xẩy ra? Khi cửa phòng giam mở ra, chúng tôi đã thấy sẵn hai hàng lính VC với gương mặt cô hồn các đảng, súng AK 47 lăm le như sẵn sàng nhả đạn. Viên chỉ huy gằn giọng:” Tất cả những người ở đây đều là tù binh, nhất cử nhất động đều phải xin phép, ai mà chống đối cách mạng sẽ bị xử bắn tại chỗ.” Hắn tiếp lời:” Nào, bây giờ bắt đầu đếm số từng người một, từ một đến mười, ai đếm xong, bỏ hai tay lên đầu và bước ra khỏi cửa.” Đứng gần nơi cửa, tôi vội hô to:” Nguyễn Hữu Hải, số một.” Tôi để hai tay lên đầu và bước vội ra khỏi cửa để tránh cái không khí ngột ngạt hôi hám bên trong phòng giam. Cứ mười người chúng tôi là đủ toán, và được dẫn độ ra những chiếc xe bít bùng đậu bên ngoài. Người ta đứng bu quanh bên ngoài hàng rào, có tiếng gọi nhau ơi ới chắc là thân nhân của những người bị nhốt. Tôi nghe loáng thoáng có người nói:”Họ đưa các ông đi nhốt chỗ khác.” Chúng tôi ngồi trên xe, cố gắng vạch những tấm vải bố lên để mong nhìn ra ngoài xe, nhưng vô vọng! Sau khi đã di chuyển tụi tôi lên hết trên xe, thì xe bắt đầu lăn bánh. Và xe chạy lòng vòng một hồi thì đến Tắc Cậu, trời đã rạng sáng. Chúng tôi được chuyển xuống những chiếc ghe bầu tại Tắc Cậu, bên ngoài thị xã Rạch Giá. Ghe khởi hành và chạy vào sông Cái Lớn, hướng về phía những khu rừng U-Minh. Ghe chạy đến khoảng trưa thì tấp vào bên bờ sông, tên chỉ huy ghe chúng tôi nói:“Yêu cầu cởi bỏ hết giầy dép, bỏ lại hành lý lỉnh kỉnh nặng nề trên ghe, tất cả phải rời khỏi ghe.” Không thấy bờ đất đâu, chỉ thấy những cây tràm cây đước mọc từ dưới nước lấp xấp mọc lên! Chúng tôi lục tục nhẩy ra khỏi ghe, leo xuống, nước ngập ngang đầu gối. Chân không mang giầy vớ, chúng tôi rụt rè, cực khổ lội nước buớc đi những bước chân trần trên xình lấy. Đi giầy dép đã quen, đi chân đất cũng đã thấy đau và khó chịu rồi, nay phải lội trên xình lầy. Những cành cây mục, vỏ trai vỏ sò, hay rễ cây duới xình đâm cắt vào chân chúng tôi, đau lắm! Mỗi một lần đạp chân xuống là tôi thấy đau nhói tận tim óc mình. Chúng dẫn chúng tôi cứ như thế, khoảng gần một tiếng đồng hồ sau thì chúng tôi đến một con đường đất đắp cao. Đến gần chiều tối thì chúng tôi đã thấy nhà cửa lác đác, dân chúng đứng bên đường nhìn chúng tôi với con mắt hằn học; “Đ.M. bắt được hết bọn tù, hàng binh rồi,” và họ nguyền rủa:” Đ.M. nhốt tụi nó mút chỉ cà na cho tao!” Chúng bắt chúng tôi tiếp tục lê bước cho tới tối. Trời tối đen như mực, chúng tôi phải vịn vào vai nhau mà đi. Chúng tôi không dám bỏ tay rời người đi trước. Trời tối đen đến nỗi không nhìn thấy cả người đi trước mình nữa, nên nhiều khi có người bị hụt chân chúi xuống thì những người sau ngã đè lên, hay không may bị chậm lại thì những nguời đi sau dồn cục lại! Chúng tôi cũng không dám bỏ trốn đi vì biết chắc từ lúc ban ngày là chung quanh chúng tôi toàn là rừng tràm rừng đước, người dân không có thiện cảm, thiếu điều còn sợ bị bỏ rơi lại nữa! ![]() Hai lòng bàn chân tôi rêm nhức vì những vết cắt, cứa, xây xước khi phải lội sình lầy và đi bộ. Quá mệt mỏi, đói và lạnh, tôi ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau, khi nghe tiếng “kẻng” và tiếng loa phóng thanh lanh lảnh:” Sẽ có người đến mở cửa, và tất cả mọi người phải đi ra ngoài làm vệ sinh.” Tôi sách cái tỉn của tôi đi theo mọi người lần mò theo những cây cầu khỉ ra bìa rừng để đổ chất thải xuống sình. Chúng tôi được nghỉ ngơi mấy ngày thì bị kêu tập họp, đưa lên hội trường. Hội trường là một khoảng đất trống, rộng, có mấy chục cái băng ghế dài đóng bằng cây tràm. Chúng nói: ”Đây là chỗ học tập cải tạo của các anh, khi nào mấy anh học thuộc những bài học này,” chúng dụ dỗ và khích bác hay mỉa mai:” có mấy bài ấy mà, thì các anh sẽ được trả tự do, về sum họp với gia đình.” Tôi vẫn còn nhớ những bài học của chúng như sau: Bài học thứ nhất: Lao động là vinh quang; Bài học thứ hai: Đế quốc Mỹ là con đỉa hai vòi, một vòi hút máu nhân dân ta, một vòi hút máu nhân dân thế giới. Bài học thứ ba: Ngụy quân là cha đẻ ngụy quyền. Bài học thứ tư: Ngụy quyền là tay sai cho ngụy quân để đàn áp nhân dân ta. Bài học thứ năm: Ba giòng thác cách mạng. Bài học thứ sáu: Chính sách mười điều bảy điểm của Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Bài học thứ bảy: Vùng kinh tế mới. Chúng tiếp lời:”Đó là những bài các anh sẽ phải học, nhưng việc đầu tiên các anh phải học là nội quy của nhà trại. Nội quy nhà trại như sau: Không được giữ những gì bén nhọn; Nhất cử nhất động phải xin phép; Kể từ bây giờ các anh phải kêu ban quản giáo là ông bạn và xưng tôi; Khi gặp ban quản giáo đi tới, các anh phải bỏ giáo mác xuống và quay mặt vào tường; Khi nói chuyện với ban quản giáo thì phải đứng cách xa ba thước; Không được gọi các anh bộ đội là cháu, dù rằng các anh bộ đội này chỉ bắng tuổi các con cháu các anh. Lý do các anh bộ đội tuy nhỏ tuổi nhưng có công với cách mạng, chống Mỹ cứu nước chứ không như các anh chỉ “ngồi mát ăn bát vàng;” Các anh phải học thuộc lòng bài quốc ca là bài “Mặt trận giải phóng Miền Nam.” Sau đó chừng vài ngày thì chúng tôi bị bắt đi lao động, chặt cây rừng về để cất tiếp nhà trại, chỉ tiêu là mỗi nguời phải mang về hai cây. Tôi được biết thêm là nơi đây đã là một nhà tù của VC để nhốt tù binh VNCH trước năm 1975. Người hướng dẫn chúng tôi cách sinh hoạt của trại tù là một anh trung si bị bắt từ năm 1973. Anh ta cho biết: “những tù chung với anh từ cấp úy trở lên đã bị dẫn đi mất biệt rồi! Chúng thủ tiêu tù bằng cách bẻ cổ mà không bắn sợ tốn đạn hay sợ tiếng nổ gây sự chú ý!” Tôi học cách đốn cây, và cách đưa cây về trại. Buổi sáng thức dậy theo tiếng kẻng; buổi chiều đi ngủ bằng tiếng kẻng… Tiếng kẻng đã ám ảnh tôi đến tận bây giờ! Cái âm thanh sắc lạnh đó đã từng chi phối nếp sống và cuộc đời tôi trong giai đoạn đó thật là kinh khủng! Đến khoảng tháng thứ tư là chúng tôi được viết thư về cho gia đinh và thân nhân để được đi thăm nuôi. Trong chuyến thăm nuôi đầu tiên, tôi có tên trong danh sách. Nghe tên được kêu, tôi đã chạy như bay đến nhà thăm nuôi. Chỗ thăm nuôi là một cái lều bằng lá, không có vách; bên trong đặt năm hay sáu cái bàn dài. Thấy mẹ tôi và cô em gái lần mò đi thăm tôi. Tôi ngồi một bên bàn, bên kia là mẹ và cô em gái, và ngồi ngay nơi đầu bàn là một tên bộ đội với cặp mắt cú vọ vờ vịt ngó quanh ngó quất, nhưng hai tai lắng nghe không bỏ xót một tiếng nào! “Con có đói không?” Mẹ tôi mở lời; “Không, con không có đói, ở đây đã có cách mạng lo cho đầy đủ.” Tôi nghiêm nghị nói dối như vậy, rồi vội tiếp lời” Mẹ gởi cho con một ít quần áo cũ, quần áo con rách hết cả rồi!” Cứ như thế với những câu vô thưởng vô phạt đã được trao đổi giữa mẹ con chúng tôi. Mẹ tôi nắm lấy đôi bàn tay tôi, bà bóp nhẹ đôi bàn tay chai cứng để thông cảm với nỗi bất hạnh của tôi cũng như của bà, và của toàn thể những người dân miền Nam đã bị rơi vào tay CS. Giờ thăm nuôi chỉ có 30 phút ngăn ngủi. Mẹ và em tôi bịn rịn nhìn tôi thất thểu đi về trại. Tối đến, chui vào mùng, tôi khui ra và nhâm nhi, tu hết một lon sữa đặc có đường mà mẹ và em tôi mới mang cho hồi chiều. Vị ngọt của đường của sữa sao mà nó ngon, nó ngọt đến như thế! Tôi nhẩn nha nằm trong mùng mà tu lon sữa, nhớ lại hình ảnh mẹ và em tôi hồi chiều, tôi cảm động và tủi thân đến chảy nước mắt. Chắc các bạn khác trong trại tù thì cũng giống như tôi thôi. Nói về muỗi thì các bạn đã từng phục vụ tại Năm Căn, Cà Mau, hay trong vùng U Minh Thượng đều đã gặp phải cái nạn này rồi! Muỗi nó nhiều vô kể, và nó háu đói vô cùng! Tiếng vo ve của nó đúng là như sáo thổi trong câu ca dao của mình “muỗi kêu mà như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh.” Nhiều khi ngay ban ngày ban mặt mà nó cung tấn công đốt mình, còn ban đêm thì khỏi phải nói! Trời vừa hơi xập tối là chúng đã kéo ra từng đàn, từng đàn. Bạn chỉ cần mặc một cái áo mỏng, không cần phải mỏng như cái áo thun lá, ngồi một chút ngoài mùng thôi, là lưng của bạn đã bị chúng bâu đen đặc rồi, vuốt tay qua lưng vải áo một cái là bạn đã thấy tay mình đỏ thẫm mầu máu của chính mình do muỗi hút rồi! Đời sống trong trại tù nó khổ cực như vậy đó, nhưng mà tình cảm giữa anh em bạn bè thì lại rất là thân thiết. Có một câu chuyện mà tôi còn nhớ mãi, có một hôm “nhà trại” nói: “các anh học tập tốt, nhà trại sẽ cho mổ một con heo, anh nào biết làm heo thì xung phong đi làm.” Tôi có anh bạn tên Mai Hữu Lý, sau này anh ta bị chuyển trại ra ngoài Bắc và không biết sống chết thế nào, tình nguyện đi mổ heo. Buổi trưa, anh ta dấu mang về được mấy miếng thịt heo sống cho chúng tôi “bồi duỡng.” Mấy miếng thịt heo bầy nhầy, có tí thịt, nhiều mỡ, và tí da…Mấy đứa chúng tôi chia nhau ăn. Ăn vào có chất mỡ, chất thịt nó bùi, nó béo, nó ngon làm sao đâu ấy, tỉnh hẳn cả người. Nhưng sáng sớm ngày hôm sau, tôi và một vài anh em ăn miếng thịt heo ngày hôm qua đã thấp thỏm cả đêm để chờ được mở cửa, là chúng tôi chạy nhanh lên “nhà đội”: “Trình anh bộ đội, cho tôi xin phép được đi cầu.” “Ừa.” “Trình anh bộ đội, cho tôi xin được phép đi tắm.” vì đêm qua đã “vãi” cả ra quần! Ôi miếng thịt heo có tí mỡ tí da đã làm khổ chúng tôi. Trong lúc tôi đang tắm thì phía nhà cầu bị xụp đổ vì quá nhiều người ngồi! Thật là kinh khủng, mười mấy anh em bị xụp xuống cái hố cầu tiêu, lúc nhúc ruồi bọ! Tôi ở khu “A”, trại nhốt tù quân sự, có khoảng 500 tù nhân có cấp bậc từ Đại úy trở xuống. Tôi đã gặp lại Trung úy Rượi, Đại đội trưởng khóa sinh Trần Bình Trọng ở TTHL Quang Trung, và anh Nguyễn Văn Hải, Trung úy HQ không biết thuộc khóa nào, cùng bị nhốt chung. Thấm thoát đã gần hai năm thì tôi được chuyển trại xuống khu “B” dành cho “ngụy quyền” gồm những nhân viên hành chánh như phó tỉnh trưởng, quận trưởng, xã trưởng, trưởng ấp, nhân viên CSQG… Tôi nhập “tổ cơm” với các bạn CSQG như Trần Thanh Thông, Trần Tài Xuân (hiện đang làm chủ một nhà hàng tại San Jose), Lưu Qúy Tùng, Nguyễn Long An để cùng nhau “học tập tốt, lao động tốt”. Nhưng “không phải các anh học tập tốt là các anh được về đâu, không phải các anh lao động tốt là các anh đuợc về!” Mà chỉ “khi nào cách mạng thấy các anh tốt là cách mạng tự nhiên tha cho các anh mà thôi.” Chúng còn lên giọng:” Nói thật với các anh như thế này nhé, trong số các anh có người ba năm thì được tha về, có người ba mươi năm thì về, nhưng cũng có người râu dài tới rún cũng chưa được về nữa!” Chúng còn hăm he:”Chỉ khi nào thành thật khai báo, thì mới được cách mạng xét lại.” Tóm lại là không biết đến bao giờ mới gọi là tốt cả! Nhưng chỉ hơn hai năm sau, thì tôi đã tìm ra chân lý thế nào là tốt rồi. “Xin ông bạn cho tôi đi về, tôi sẽ biếu ông bạn hai cây vàng.” Tôi nói; “Anh Hải, tôi thấy anh học tập tốt rồi đó, mà sao bây giờ anh lại dám hối lộ cách mạng hả?, anh muốn hủ hóa cán bộ hả?” “Không thưa ông bạn, tôi không dám hối lộ cách mạng hay hủ hóa cán bộ đâu, tôi chỉ biết ơn ông bạn một cách cụ thể.” Tôi đã trả lời như vậy, và quả y như rằng, một tuần lễ sau là tôi đã được gọi lên nhà trại nhận giấy trả tự do. 3.) Nguyễn Hữu Hải và chuyện Vượt Biên: Sau khi đã được mẹ tôi mang xuống “cúng” cho tụi quản giáo hai “cây vàng”, tôi được trả tự do khoảng một tuần lễ sau đó. Cả nhà tôi mừng rỡ, mẹ cho mua “chui” ngay một con gà mái to để ăn mừng, và đồng thời cho tôi được ăn lại những món ngon mà bấy lâu nay tôi vẫn hằng mơ tuởng. Ngay sáng ngày hôm sau, tôi phải ra trình diện tổ trưởng, và dĩ nhiên là phải có tí quà cáp gọi là làm đầu câu chuyện. “Anh cứ về nhà nghỉ ngơi cho khỏe, rồi sẽ có người đến kêu đi làm công tác thủy lợi.” Hắn bảo tôi như vậy. Tôi ừ ào cho qua chuyện, rồi đạp xe “mò” vào tận Chợ Lớn, tìm coi mấy tên đệ tử cũ người Hoa có còn ở lại hay không? Mấy nguời này gặp lại tôi họ rất mừng rỡ, có người giúp đỡ tí tiền nong, có người dẫn đi làm việc cho một “Cơ Xưởng Vật Tư Kỹ Thuật” để khỏi phải đi thủy lợi. “Ông thầy cứ đi làm bình thường, nếu cần thêm tiền bạc thì cho chúng tôi biết, sẽ lo cho ông ngay;” Họ ân nghĩa bảo tôi vậy. Cũng nhờ vậy mà tôi có được cái giấy “chứng nhận công nhân viên”, và tôi đã có thể “mày mò” ra Phan Thiết nhiều lần để đi tìm đường vượt biên. Thằng em ruột của tôi (Nguyễn Anh Tuấn, SQ/KT Không Quân) và hai cô em gái của tôi cũng đã nhờ những chuyến đi móc nối này mà hiện nay đang định cư bên Hòa Lan. ![]() Rồi một ngày đẹp trời đã đến, những người bạn Hoa Kiều này đã tổ chức xong một đường dây vượt biên, có bãi đáp đàng hoàng. Họ giới thiệu tôi với anh Nguyễn Văn Dũng, cựu thiếu tá HQ (không biết khóa mấy) mới được thả ra khỏi trại học tập, và anh Nguyễn Văn Trợ, một trung sĩ CK/HQ. Chúng tôi xuống Rạch Giá được đúng có một tuần thì được lệnh ra khơi, có hai chiếc ghe công an biên phòng hộ tống. Ghe chúng tôi mang số KG-0178, có chiều dài khoảng 25 thước, và 4 thước rưỡi chiều ngang. Trên đường ra cửa biển, hai ghe công an này đã bắt chúng tôi ngừng lại nhiều lần để đổ thêm người của chúng lên ghe chúng tôi. Chúng dẩn chúng tôi ra khơi hưóng về phía Thái Lan. “Đã đến hải phận Quốc Tế rồi, chúng tôi phải quay về, các ông bà, cô bác không còn cần dùng tiền Việt Nam nữa, yêu cầu cho chúng tôi xin;” Nói xong chúng cầm chiếc nón lá đưa ra, và chỉ một loáng sau là chiếc nón lá được trả về với đầy tiền. Đa số là giấy 50 dollar, và đó là những tờ giấy lớn nhất thời bấy giờ. Chúng chúc chúng tôi ra đi thượng lộ bình an, và quay tàu về lại hướng bờ biển Việt Nam. Ghe chúng tôi tiếp tục nhắm hướng Thái Lan đi thêm chừng hơn nửa ngày nữa thì thấy thấp thoáng có hai chiếc ghe. Hai chiếc ghe này mang số Thái Lan; họ ra hiệu cho chúng tôi chạy chậm lại và cập vào bên hông. Tôi làm đại diện nhẩy qua ghe của chúng. Tên chủ ghe nguời Thái biết tí chút tiếng Anh. Sau một hồi nói chuyện mỏi tay, tôi hiểu được ra rằng chúng muốn chúng tôi trả tiền cho chúng, rồi chúng sẽ hướng dẫn chúng tôi vào đến tận SongKla. Tôi về tàu trình bày lại với chủ ghe và mọi người trên ghe của tôi, mọi nguời đồng ý và gom góp lại được mười ngàn dollars ($10,000) giao cho chúng. Chúng mang qua cho chúng tôi 2 thùng cá, mấy can nước ngọt, và ra hiệu cho chúng tôi chạy theo chúng. Ghe chúng tôi chạy theo ghe của chúng cho đến hết đêm, và vào sáng ngày hôm sau thì chúng tôi đã thấy hiện ra ba hòn núi nơi xa xa. Chúng bảo hướng đó là SongKla, vẫy tay cho chúng tôi tiếp tục chạy về hướng đó, và chúc chúng tôi may mắn. Nhưng may mắn đâu không thấy, mà sau đó chúng tôi chỉ thấy những bất hạnh dồn dập đổ xuống ghe của chúng tôi mà thôi! Thoạt tiên chúng tôi thấy xuất hiện hai chiếc ghe Thái Lan khác đang xả máy tiến về phía chúng tôi; chúng cập vào hai bên lườn tàu. Một số nhẩy qua ghe chúng tôi, chiếm phòng lái, kê súng vào đầu tài công. Chúng đập phá phòng lái, lấy mất hải đồ và la bàn. Chúng chĩa súng vào đám nguời tỵ nạn khốn khổ chúng tôi, bắt những người đàn ông thanh niên phải bước qua ghe của chúng ở phía bên tay trái, còn đàn bà con gái thì phải leo qua ghe phía bên tay phải. Chúng lục xoát ghe chúng tôi, phá bung những hành lý chúng tôi mang theo để ăn cướp những món đồ có giá trị như vàng hay tiền bạc... Đồng thời chúng cũng khám xét chúng tôi từng người một để vơ vét đồng hồ, nữ trang, hay tiền bạc mang giấu trong mình. Chúng cũng không quên làm hỗn những phụ nữ và con gái! Ghe chúng tôi lênh đênh giữa biển khơi, dập dềnh với sóng nước, và làm mồi cho lũ hải tặc. Cứ như thế, tuần tự có cả thẩy mười hai ghe hải tặc trong ngày đã đến thay nhau cướp phá ghe tỵ nạn của chúng tôi! Có lẽ chúng đã gọi báo cho đồng bọn để thay phiên đến làm thịt chúng tôi cho đến xác sơ, tơi tả! Ngay sáng ngày hôm sau, một chiếc ghe Thái Lan nữa đang nhắm hướng chúng tôi mà phóng đến. Chúng lượn quanh ghe chúng tôi ba lần. Chúng tôi rã rượi, chúng tôi không còn sức lực để mà có phản ứng, chúng tôi nằm chờ, phó mặc cho định mệnh. Một tên trong bọn chúng xổ ra một tràng tiếng Hoa. Mấy nguời Hoa trên ghe chúng tôi vội vùng dậy và trả lời bằng tiếng Hoa. Một người Hoa, được cho sang bên ghe của chúng để nói chuyện. Họ là người Hoa, nên đã bằng lòng kéo chiếc ghe của chúng tôi vào bờ. Họ còn dặn, nếu vào được đến bờ rồi thì phải đốt ngay con tàu đi, nếu không thì sẽ bị đẩy ra khơi trở lại. Họ kéo chúng tôi cho đến khi vào tới sát bờ, và để cho ghe chúng tôi đâm thẳng vào bãi. Khi thấy ghe chúng tôi đã bị mắc cạn gần bờ, tôi vội hô to:” mọi nguời nhẩy xuống, lội vào bờ.” Cũng chẳng cần ai ra lệnh, mấy thanh niên nhẩy xuống trước, nước chỉ tới ngang lưng. Mọi nguời nhẩy ào xuống, ngoại trừ tôi, Dũng, Trợ, và Trần Bội Chương là ở lại tìm cách đốt chiếc ghe. Loay hoay tìm mãi chúng tôi mới kiếm được chiếc hộp quẹt con con. Gom đống quần áo, giẻ rách lại, chúng tôi ruới dầu và châm lửa đốt đi chiếc ghe tỵ nạn của chúng tôi. Chúng tôi nhẩy một cái ào xuống biển mà lội vào bờ. Lên đến bờ, quay đầu nhìn lại chiếc ghe đã đưa chúng tôi đến bến bờ tự do đang cháy bốc khói đen ngoài kia, chúng tôi vừa mừng vừa hồi hộp. Nó bé cỏn con, nằm nghiêng nghiêng bên triền sóng, con tàu thân yêu đã đem chúng tôi đến được nơi đây với bao nhiêu sóng gió, nguy nan. Cũng phải cám ơn chiếc ghe Thái Lan và người chủ tàu đã làm ơn kéo chúng tôi vào bờ. Nhưng sau khi đã được nhập trại tỵ nạn, và miêu tả chiếc ghe đã cứu thoát chúng tôi cho những người đến trước, thì mới khám phá và được biết rằng là cũng chính chiếc ghe Thái Lan này đã cướp bóc, hãm hiếp, và giết chóc không biết bao nhiêu là những ghe và người tỵ nạn khác. Đời thật không biết đâu mà ngờ cho được! Tôi nghĩ có lẽ tại thấy tàu của chúng tôi đã bị cướp bóc tả tơi quá rồi, và những người đồng hương người Tàu với chủ ghe, nên chúng tôi mới được cứu giúp. Chúng tôi lên bờ được chừng khỏang mười phút sau thì thấy một tóan lính Cảnh Sát Dã Chiến Thái Lan mang dây kẽm gai đến giăng, rào vây quanh chúng tôi lại. Dân chúng Thái Lan trong làng gần đấy cũng mang nước uống và đồ ăn tiếp tế cho chúng tôi. Khi hỏi ra thì mới được biết nơi đây không phải Songkla, mà là Patthani, một tỉnh ở phiá Nam của Thái Lan. Sau đó thì chúng tôi được đưa về cho tạm trú khoảng một tuần lễ tại một trại nuôi bò, “Chuồng Bò của Hoàng Gia”. Sau khi hoàn tất thủ tục giấy tờ với cảnh sát Thái Lan, chúng tôi được đưa về trại tỵ nạn Songkla. Ngay sáng sớm ngày hôm sau ở trại tỵ nạn, tôi đang nằm “nướng” trên giường để thụ hưởng cái không khí tự do của ngày đầu tiên sau bao nhiêu năm chịu đựng dưới ách kềm kẹp của Cộng Sản. Thôi rồi không còn những hồi hộp lúc nửa đêm, sơ hãi nghe tiếng chó sủa khi về sáng. Không còn những rình rập của cán bộ, công an phường khóm. Không còn những thấp thỏm, hồi hộp, luôn luôn lo âu, sợ hãi bị bắt bớ giam cầm cải tạo. Êm đềm quá! Thanh bình quá, nhưng buồn thay, những điều này chúng tôi lại không có được hưởng trên chính quê hương Việt Nam yêu dấu của chúng tôi! Không còn những cơn sóng to, gió lớn. Không còn những vô vọng giữa biển khơi không thấy đâu là bến bờ! Không còn phải âu lo với những ghe hải tặc dã man tàn ác! Tôi lim dim mắt, nằm lắng nghe cái tĩnh lặng của buổi sớm mai trong phòng, cái tiếng lào xào sao xác, âm vọng bắt đầu trong ngày của đời sống trong trại tỵ nạn. Bỗng tiếng lảnh lót, khuếch đại chói tai của cái loa phóng thanh:” Ai là Nguyễn Hữu Hải, trước làm việc tại tòa Đại Sứ Mỹ ở Việt Nam hãy lên trình diện văn phòng trại.” Tôi ngạc nhiên! Thay quần áo, tôi lên văn phòng trại, và được đưa vào gặp mặt viên trung tá người Thái Lan. Ông ta tươi cười thân thiện bảo với tôi là “boss” của ông ấy muốn mời tôi ra khỏi trại, và đi gặp mặt một người. Nơi ông ta chở tôi đến là Tòa Lãnh Sự Mỹ. Khung cảnh quen thuộc ở Tòa Lãnh Sự đập vào mắt tôi, nào là “Việt Cộng termilogy”, tự điển Nguyễn Văn Khôn… Tôi được tiếp chuyện với một viên cố vấn Mỹ mà tôi chưa hề quen biết. Ông ta nói là được biết tôi đã từng làm việc tại TĐS Hoa Kỳ ở VN, nên đề nghị cho tôi một công việc tạm tại TLS Mỹ với số lương là hai trăm đô một tháng, bằng với tiền lương của một giáo chức ở Thái Lan, và ông trung tá Thái Lan sẽ cho xe đón tôi ra làm việc hàng ngày. Đang túng bấn và đuợc trở lại làm việc thì còn gì hơn nữa, tôi nhận lời đi làm liền ngay sáng ngày hôm sau. Thế là cứ sáng sáng tôi “sách ô” đi theo xe của viên trung tá người Thái ra tòa LS Mỹ làm việc, và gọi là cho có việc làm chứ cũng chẳng có gì. Nhưng sau hơn một tháng làm việc thì, những tiếng xầm sì ghen tức hay chê bai lọt đến tai tôi! Tôi là một nguời tỵ nạn duy nhất đã được ra làm việc tại tòa LS Mỹ. Nhất là từ ban Chỉ Huy trại và đám thông dịch viên đã ghen tức ra mặt, và làm như là tôi đã ăn cướp mất “cơm chim” của họ không bằng ấy! Tôi chán nản và buồn phiền, nên quyết định xin đi tỵ nạn với phái đoàn nguời Pháp mà không chờ đi Mỹ. Ngay từ bé tôi đã mơ được đi “Tây”, muốn được nhìn thấy kinh đô ánh sáng. Những bài thơ của Cung Trầm Tưởng hay Nguyên Sa được phổ nhạc như Tiễn Em, Mùa Thu Paris (Cung Trầm Tuởng), Paris có gì lạ không em?(Nguyên Sa)… đã làm cho tôi muốn được hưởng những cái lãng mạn của dòng sông Seine, của khu vuờn Lục Xâm Bảo, hay ga Lyon đèn vàng… Một tuần lễ sau đó tôi đã có mặt tại Paris, Kinh Đô Ánh Sáng. Xin chép lại những bài thơ ấy để những bạn nào không nhớ sẽ cảm nhận được tình cảm của tôi: Paris có gì lạ không em? Mai anh về em có còn ngoan, Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ, Em có tìm anh trong cánh chim. Paris có gì lạ không em? Mai anh về giữa bến sông Seine, Anh về giữa một giòng sông trắng, Là áo sương mù hay áo em? Em có đứng ở bên bờ sông? Làm ơn che khuất nửa vầng trăng Anh về có nương theo giòng nuớc Anh sẽ tìm em trong bóng trăng Anh sẽ thở trong hơi sương khuya Mỗi lần tan một chút sương sa Bao giờ sáng một trời sao sáng Là mắt em nhìn trong gió đưa ... ![]() Tóc em anh sẽ gọi là mây Ngày sau hai đứa mình xa cách Anh vẫn đuợc nhìn mây trắng bay Anh sẽ chép thơ trên thời gian Lời thơ toàn những chuyện hờn ghen Vì em hay một vừng trăng sáng Ðã đắm trong lòng cặp mắt em ? Anh sẽ đàn những phím tơ trùng Anh đàn mà chả có thanh âm Chỉ nghe gió thoảng niềm thương nhớ Ðể lúc xa vời để nhớ nhung Paris có gì lạ không em ? Mai anh về mắt vẫn lánh đen Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm Chả biết tay ai làm lá sen ?... Nguyên Sa ![]() Trời buốt ra đi Hẹn em quán nhỏ Rưng rưng rượu đỏ tràn ly Mùa thu đêm mưa Phố cũ hè xưa Công viên lá đổ Ngóng em kiên khổ phút, giờ Muà thu âm thầm Bên vuờn Lục-Xâm Ngồi quen ghế đá Không em buốt giá từ tâm Mùa thu nơi đâu ? Người em mắt nâu Tóc vàng sợi nhỏ Mong em chín đỏ trái sầu Mùa thu Paris Tràn dâng đôi mi Người em gác trọ Sang anh, gót nhỏ thầm thì Mùa thu không lời Son nhạt đôi môi Em buồn trở lại Hờn quên, hối cải cuộc đời Mùa thu! mùa thu Mây trời âm u Yêu người độ lượng Trông em tâm tưởng, giam tù Mùa thu !... Trời ơi ! Tình thu ! Cung Trầm Tưởng Cuộc đời tôi trôi nổi thêm khi tôi có việc làm với Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, UNHCR, và có những lúc tôi cũng đã trở lại làm việc ở Việt Nam, Quảng Ninh hay Hồng Kông. Nay định cư tại San José. Ngồi ôn lại di vãng, ghi lại những cảm nghĩ, những nơi mình đã đi qua, nhớ đến những bạn bè thân quen, những kỷ niệm mà sau mấy chục năm qua vẫn còn nhớ như in trong trí như với Đệ, với Dục, với Long, với Trực, với Thạnh, với Lành… trong Khóa 20 Sinh Viên Sĩ Quan/Hải Quân, như với Trịnh Long Giang, Phạm Đức, Giang Xú Hà, Trần Xuân Thái trong Cảnh Sát Quốc Gia, như với An, Bằng trong toán Thám Sát Tỉnh, và những người đã nằm xuống cho đất nước Việt Nam thân yêu. 4.) Mảng đời tỵ nạn: Từ trại tỵ nạn, tôi đã được đi tị nạn bên Tây! Khi bước xuống phi trường Charles de Gaulle là tôi phải mang cái vốn Pháp Văn “ăn đong” của tôi ra để xử dụng, không còn được dùng đến thứ ngôn ngữ quen thuộc xử dụng hàng ngày trong lúc làm việc ở trại tỵ nạn là Anh Văn nữa. Tôi lại làm trưởng toán cho đám dân tỵ nạn này thành ra phải đứng mũi chịu sào mới chết chứ! Thành ra nhiều khi nói tiếng “Tây” mỏi tay quá chừng! Nhưng cũng may, có điều là dù tôi nói “trời, trăng, mây, nước” gì đi nữa, thì tây hay đầm họ cũng hiểu ráo trọi. Chứ không giống như bên Mỹ, mình chỉ đọc sai dấu nhấn đi có một chút là tụi nó cũng “what! What!” loạn cào cào lên. Nơi chúng tôi đến là “Foyer de Créteil,” trước kia đây là một khách sạn, nay được dùng để làm chỗ tạm trú cho dân tỵ nạn Đông Dương. Chúng tôi được xếp chỗ cho cứ hai người một phòng. Sau khi nhận phòng, chúng tôi đã được phát cho mỗi người hai mươi đồng franc - thế là tôi ra ngay một cửa hàng giống như cửa hàng Seven-Eleven ở Mỹ, và mua ngay một ít nho, lê, táo mang về phòng để cùng vài người bạn ăn cho đã thèm, những cái thèm thuồng ao ước bao nhiêu năm nay. Trưa ngày hôm sau thì chúng tôi làm xong thủ tục di chú và nhận lãnh Thẻ Tỵ Nạn – Carte de Refugié, giống như Green Card bên Mỹ. Và tôi đã trở thành dân tỵ nạn chính trị bên Tây “chính gốc bà Lang Trọc” tại “Kinh Đô Ánh Sáng- Paris” này. ![]() Tôi lấy tuyến đường xe buýt chạy từ Créteil xuống khu Montmarte-Grande Boulevards và khu Montparnasse-Saint Germain để “xem dân cho biết sự tình”. Thấy một rạp ciné đang trình chiếu cuốn phim có tên nghe rất hấp dẫn “Les chevaliers-Những chàng kỵ sĩ”. Ái chà, phim này chắc phải hay lắm và chắc mẩm như vậy nên lò mò mua vé vào xem, tôi đoán như vậy vì liên tưởng đến những phim như Knights of the Round Table với tài tử đẹp trai Robert Taylor và cô đào trứ danh Ave Gardner, phim Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ- Les Trois Mousquetaires. Không người dẫn đường và trong rạp tối thui, nên tôi lò mò mãi mới tìm được một chỗ ngồi. Sau khi ăn tọa, nhìn lên màn hình đại vị tuyến thì thấy một cặp trai gai trần truồng như nhộng và đương “chiến đấu” một cách mãnh liệt! Tôi “tá hỏa tam tinh”, nhìn quanh bên cạnh thấy những “ông tây bà đầm già” cũng từng cặp đang ôm nhau thắm thiết! Tôi hoảng hồn vội “lẩn” ra ngoài một mạch! Khi ra đến ngoài rạp ciné, mà còn thấy xấu hổ muốn chết đi được, ngó quanh ngó quất xem coi có ai đang nhìn thấy mình chui ra khỏi rạp hay không? Đó là một kỷ niệm nhớ đời của tôi trong những ngày đầu đời tỵ nạn tại kinh đô ánh sáng. Tôi lấy xe buýt đi một vòng từ St Germain- des-Prés, Champs Elysées-đến tháp Eiffel để chiêm ngưỡng Paris. Ngoài dòng sông Seine thơ mộng thì tháp Eiffel một biểu tượng cho nước Pháp nói chung và cho Paris nói riêng. Tôi xin được nói qua về ngọn tháp nổi danh này: Tháp Eiffel nằm trên đại lộ Champ de Mars, và kế bên sông Seine, là một kiến trúc phá cách và tiên phuông bằng sắt cao ngất ngưởng nhất thế giới thời bấy giờ. Kỷ lục này đã được giữ mãi cho tới năm 1930 thì bị thay thế bởi Chrysler Buiding của thành phố New York. Khi trúng thầu để được xây dựng, kỹ sư Eiffel đã phải đối đầu với những sự thách đố về kỹ thuật như độ giãn nở không đồng đều của sắt giữa mặt bị hâm nóng bởi nắng và phía đối diện nằm trong bóng râm, nhất là lực đẩy của gió sẽ làm cho thượng tầng cấu trúc của tháp ngất ngư và có thể làm gẫy đổ ngọn tháp. Là một kỹ sư chuyên về cầu sắt, Eiffel đã giải quyết những thách đố kể trên bằng những phương trình toán học hàm số vi phân, và hãng của ông đã được trúng thầu vì công trình có thể được tháo gỡ bỏ đi nhanh chóng. Tháp đã được hoàn tất vào năm 1889, và dự trù phá bỏ hai mươi năm sau, năm 1909 nhưng như ta đã biết là nó vẫn còn hiện diện, và mãi mãi vẫn là một biểu tượng nổi tiếng cho Paris. Hãng Eiffel cũng đã xây một số cầu nổi tiếng bên Việt Nam, như cầu Hàm Rồng- Thanh Hóa. Có khoảng ba tầng để du khách leo lên thăm viếng, có hai nhà hàng để phục vụ du khách, có thang máy để đưa du khách lên xuống. Đã có khoảng trên hai triệu du khách đã từng thăm viếng tháp, và đông nhất là vào năm 1996 - sinh nhật thứ 100 của tháp. Khi chỉ mới leo lên lầu hai của tháp, nhìn ngắm nhìn khung cảnh thành phố Paris, tôi thấy mình hạnh phúc quá. Tôi có cảm tưởng rằng mình đang sống trong mơ, hít thở không khí tự do, không còn sợ hãi bọn công an, không còn sợ phải bị kêu lên phường hay tiềng gõ cửa ban đêm, không còn phải lo chạy miếng ăn hàng ngày, không còn thấy tương lai đen tối. Nghĩ lại thời gian còn bị tù “học tập cải tạo” tại kinh Làng Thứ Bảy, thuộc Kiên Giang - Rạch Gía, tôi đã chỉ ao ước được nằm ngâm mình trong bồn tắm nước ấm để đỡ cơn ghẻ ngứa là cũng đủ mãn nguyện lắm rồi. Một ước mơ nhỏ bé như thế mà cũng không có được! Tôi là một người không có đạo, nhưng khi nằm kề với nỗi chết ngoài biển khơi, nhất là vào những lúc bị bọn hải tặc phá hủy phòng máy và kéo chiếc ghe của chúng tôi ra khơi. Chiếc ghe của chúng tôi lênh đênh trôi dạt giữa sóng gió, dập dềnh như chiếc lá trên một dòng sông mênh mông. Tôi cũng như nhiều người đã rất lo âu và sợ hãi. Tôi đã lâm râm cầu khẩn Trời, Phật, Chúa, Thánh Thần, cho chí tới bà tổ cố họ Phạm bên Mẹ tôi nữa. Tôi đã hứa là nếu thoát nạn, tôi sẽ đến chuà, đến nhà thờ để tạ lễ. Nhớ đến lời đã hứa, một buổi sáng Chủ Nhật đẹp trời, tôi đáp chuyến xe lửa tại ga Montpartnasse để đến nhà thờ chính tòa ở Chartres. Khoảng hơn một tiếng sau tôi đã có mặt tại nhà thờ, tôi lên chánh điện và qùy xuống xin lạy tạ với những lời thiết tha nhất trong đời tôi. Sau đó tôi đi theo đoàn du khách để chiêm ngưỡng những tác phẩm hay tượng tạc danh tiếng đặt trong nhà thờ. Khi rời nhà thờ, tôi về lại Paris đi tha thẩn thả bộ dọc theo đường phố chỉ để được nhìn, được ngắm, được sống trong thành phố mà tôi đã từng ước mơ được đến. Khi thấy đói bụng, tôi kiếm một nhà hàng có chỗ ngồi ngoài trời, kêu một miếng thịt bò bí tết và một ly rượu vang để vừa tận hưởng món ăn, vừa nhâm nhi ly rượu chát đỏ, và vừa ngắm nhìn những cô đầm đi qua đi lại ngoài đường. Khi tính tiền, tôi thấy giá cả cũng vừa phải không đến đỗi quá mắc như mình đã tưởng. Đến tối tôi mới mò về lại chỗ tạm cư Foyer. Mấy ngày sau, tôi lần mò lên hội thiện nguyện Secours Catholics để kiếm người bảo trợ, và ghi danh để nhờ kiếm việc làm. May mắn làm sao, tôi đã được gia đình bà Fourcier ở thành phố Laon, cách Paris khoảng bốn mươi cây số về hướng Đông-Bắc bảo trợ, và kiếm cho một việc làm assembler với lương khởi đầu là hai ngàn quan mới một tuần (khoảng năm trăm dollars). Tôi đã được cho ở tạm tại nhà khách của thành phố. Sáng đi làm từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa về ăn cơm và ngủ trưa, chiều 2 giờ mới phải đi làm lại. Thật là hạnh phúc! Thỉnh thoảng tôi về lại Paris, đến khu Maubert để mua thực phẩm Á Đông. Đời sống ở Paris thật là đắt đỏ, nhất là quần áo! ![]() Tôi bình tĩnh trả lời: “Tôi cũng có lý do của tôi chứ.” Ngừng lại một chút xíu cho ông ta chú ý, tôi nói tiếp:”Ngày xưa tôi làm việc trong chương trình Phượng Hoàng, trực thuộc toà đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn, tôi đã làm việc cho các ông Bill Tucker, Ross của CIA.” Ông ta dịu giọng:”Nếu anh nói như vậy, để tôi hỏi lại xem sao?” Sau một hồi trao đổi điện đàm với một viên chức khác, ông ta bằng lòng gửi tôi đến hội thiện nguyện Tolstoy Foundation, có trụ sở chính tại New York để họ làm thủ tục giúp cho tôi đi Mỹ. Tuy nhiên trong thời gian chờ đợi thì tôi lại nhận được một việc làm cho Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR), và làm việc tại các trại tỵ nạn ở Hồng Kông như White Head, Chi-Ma Wang, Lai Ko Chau, Sei Kong. Công việc của tôi là dậy và chuẩn bị cho dân tỵ nạn không hội đủ điều kiện hay tự nguyện hồi hương để có một kiến thức về tiểu thương-small business, hầu khi trở lại Việt Nam có thể hội nhập lại vào xã hội. Mỗi người đi học, cũng sẽ nhận lãnh được một món tiền nhỏ. Năm 1991, tôi được định cư tại tiểu bang California, và làm việc cho cơ quan Asian American for Community Involvement (AACI) với chức vụ substance abuse counselor trong chương trình “cai nghiện rượu và thuốc lá.” Một hôm có anh bạn cùng khóa 6 Cảnh sát Quốc Gia với tôi cho xem một tấm ảnh đăng lên trên website, mục tìm người quen của trường nữ trung học Lê Văn Duyệt của một “cô bé” tên Hương. Trong tấm hình là ảnh của tôi, của Nguyễn Xuân Dục, của Nguyễn Văn Đệ, của Phan Ngọc Long, của Ngô Nguyên Trực, và của Tôn Long Thạnh chụp hồi chúng tôi còn là sinh viên sĩ quan Hải Quân Khóa 20, đang thụ huấn tại trung tân huấn luyện Quang Trung. Tấm ảnh này, bạn Nguyễn Xuân Dục đã tặng cho “cô bé nữ sinh Lê Văn Duyệt mang tên Hương” trước ngày cô đi du học ở Úc Châu. Nhờ tấm hình này mà tôi đã tìm về lại được với khóa 20 sau bốn mươi năm xa cách. Xin cám ơn Hương, cám ơn người bạn thuở xa xưa đã bắt một nhịp cầu cho chúng ta được gặp lại nhau. Tôi cũng xin cám ơn nước Pháp, nước Mỹ đã cho tôi sự tự do, những cơ hội, cơ hội được học hành, cơ hội được đối xử bình đẳng, cơ hội kiếm công ăn việc làm… Tôi mang món nợ này với xã hội, với cộng đồng, và lối xóm tôi đang sinh sống. Tôi chỉ còn một cách đền trả là bằng sự sống lương thiện của tôi, làm việc hăng say, giáo dục con cái thành người hữu dụng trong tương lai. Món nợ thứ hai là món nợ tình cảm, tình cảm của các anh em cùng khóa 20 sinh viên sĩ quan Hải Quân, và khóa 6 Cảnh Sát Quốc Gia đã dành cho tôi khi tôi đã tìm để về lại với các bạn. Xin cám ơn các bạn, xin cám ơn tình bạn sau bao nhiêu năm xa cách nhưng vẫn không bị phai mờ! San Jose, tháng 6 năm 2007. nguyễn hữu hải |