T ôi đi theo các bạn sang đây đã hơn ba mươi năm, vẫn tưởng tên của mình là Hổ Cáp 2 nhưng có một hôm đi lang thang ra ngoài thế giới trần tục của xứ cờ hoa, gặp một thằng mắt xanh mũi lõ chỉ vào hình của tôi in trên ngực áo thun của bạn mà gọi là Scorpion. Trong lúc còn đang ngớ ngẩn chưa biết phải trái ra sao thì cách nay vài hôm lại bị một ông sồn sồn từ Việt Nam mới sang Mỹ du hí kêu tôi là Bò Cạp, Con Bò Cạp. Tôi hoang mang không hiểu tại sao có người gọi tôi bằng những cái tên khác nhau như vậy. Có phải đó là những tên tục mà các bạn chưa cho tôi biết? Tôi thấy hơi thích thích cái tên scorpion vì nghe có phần "tây, tây" một chút; còn tên bò cạp hay con bò cạp gì đó thấy sao mà quê một cục thì thôi! Chắc tôi phải năn nỉ ông trung niên bỏ cái tên đó đi. Ổng có thể gọi tôi là hổ cáp như các bạn thường gọi tôi một cách thân thương: "Hổ Cáp 2". Tên gì thì tên, nhưng bỗng dưng tôi cảm thấy "nghiêm và buồn" một chút. Tôi nghĩ chắc mình cũng có một quá khứ hay một cái lai lịch gì đó. Nếu có thì không biết cái lai lịch đó nó đẹp hay xấu ra sao? Đẹp đẽ, hay ho thì còn ngẩng mặt lên mà nếu xấu xa tệ hại chắc tôi phải đào lỗ mà trốn. Ái chà! Tôi muốn biết sự thật về đời mình thôi, đẹp hay xấu cũng không quan trọng miễn là "bí ẩn đời tôi" được phơi bày cho sáng tỏ. Tôi trầm ngâm suy nghĩ mông lung, biết tìm đâu ra sự thật đây. Hỏi ai bây giờ? Tôi không dại gì hỏi các bạn đâu; những anh chàng cứ trên giấy tờ là "Hổ Cáp 2" mà ngoài miệng thì mầy với tao như ri. Dịp may đã đến khi tôi được tháp tùng cái anh chàng HC2 mà tôi đang tá túc trong nhà của hắn vào thư viện. Không biết anh ta vào thư viện để làm gì mà tôi thấy trong ấy toàn là sách với vở. Trong lúc anh ta đang tìm kiếm ở một kệ sách, tôi tình cờ trông thấy hình của mình ngoài bìa một quyễn sách gần đó. Tôi sáng mắt lên nhìn chăm chú vào quyển sách ấy và thầm nghĩ: - À thì ra mình cũng không đến đỗi tệ, cũng có hình chưng bày trong thư viện này. Tôi muốn xem thêm cho biết bên trong sách đó có gì nên đánh liều lên tiếng: - Này anh, làm ơn mở quyễn sách đó ra cho tớ nhòm một phát. - Sách nào? Nhưng ơ mà, sao anh lại đổi "tông" vậy? - Sách có ảnh của tôi đấy. Tôi chỉ quyễn sách ấy và thêm: - Tôi sợ anh cằn nhằn là tào lao nên phải đổi giọng cho nó thân mật một chút. - Chửi cha không bằng pha tiếng! Nhưng anh lầm rồi, kiểu đó đâu phải là "tông" của tôi. Anh ta lải nhải rồi hỏi thêm: - Anh muốn coi cái gì trong đó? - Tôi muốn xem mình đẹp trai cỡ nào. - Còn gì nữa không? Ông bà cha mẹ của tôi, tổ tiên của tôi, và họ hàng thân bằng quyến thuộc nữa. - Vậy một quyển sách này không đủ để anh "nhòm" đâu. Để tôi ra ngoài bàn chỉ dẫn coi trong này còn sách nào nữa không. Chàng HC2 bèn trở ra bàn chỗ có mấy cái computer, bấm gõ một hồi. Anh ta ghi lên một mảnh giấy vụn tên của mấy quyển sách nữa. Quyển nào cũng có chữ scorpion hết, thì ra dân Mẽo ở đây gọi tên tôi là thế. Về tới nhà, anh ta liệng lên bàn năm quyển sách rồi nói: - Đó, anh có hai tuần để đọc và tìm hiểu. Chừng nào xong cho tôi biết. - Tuân lệnh, niên trưởng! - Anh gọi ai là niên trưởng? - Tôi bắt chước mấy người đàn em của anh đấy mà. - Không dám đâu! ![]() Nghĩ mình cũng dại, khi không lại mang gông vào cổ. Đang ăn không ngồi coi ti-vi – chớ không phải ngồi rồi đâu – sướng muốn chết không chịu, bày đặt sách với vở. Mình đâu phải con mọt sách mà phải chúi đầu vô đó. Hừ, sách gì mà lắm mùi thế! Mới mở ra mấy trang mà tôi đã "hắc xì" một chập, nước mũi nước dãi tuôn ra từng đợt. Xin lỗi các quan nghe, tại tôi ở miệt vườn nên ăn nói hơi thiếu cẩn thận một chút; xin các quan ông quan bà đừng cố chấp. Tôi nhướng mắt đọc mà chữ vẫn không ra, nó cứ mờ mờ ảo ảo làm sao ấy. Lật qua trang khác, chỗ nào có hình thì quá rõ mà liếc lại chữ thì vẫn mờ. Chắc mình hạp với. "hình" hơn là "chữ"? Nhớ đấy nhé, tôi tự nhủ, để khi nào có chơi "hình-chữ" thì đặt "hình" chắc hên hơn. Thấy tôi cứ lật tới lật lui coi hình hoài, anh chàng HC2 bèn thẩy cho tôi cặp mắt kiếng đọc chữ của anh ta và nói: - Ông ơi, mang thử cặp ống kính nầy mà "nhòm" coi ra sao. - Kính già của anh mà sao đưa cho tôi? - Chớ bộ anh còn trẻ lắm à? Tôi đã gần lục tuần thì anh cũng phải xấp xỉ cỡ đó. - Thiệt sao? Trời ơi sự thật quá phũ phàng! Thời gian như thể tên bay, mới đó mà tuổi xuân xanh không còn nữa. Buồn quá đi mất, phải không? - Dạ đúng, niên trưởng! - Nữa! Anh gọi niên trưởng làm tôi tổn thọ. - Tôi gọi như vậy để thấy mình còn trẻ được đôi chút. - Chịu thua anh luôn, anh bò cạp trẻ. - Ấy, ấy đừng gọi tôi tên đó. Tôi không thích đâu. - OK vậy thì "anh hổ cáp", được chưa? - Sao anh nhiều chuyện thế! Mấy chục năm nay không thấy anh mở miệng nói một tiếng. Anh HC2 này nói đúng. Nhờ cặp kính đó, tôi đọc chữ ro ro chớ không thôi sẽ bị chê là "dzốt". Không ngờ gia phả của dòng họ nhà tôi cũng dài lê thê như thế. Tôi định đọc thử vài trang rồi hôm sau sẽ trở lại, nhưng "bí ẩn đời tôi" quá ly kỳ nên không ngừng được. Tôi mở sang trang khác và say mê đọc tiếp. Tổ Tiên và Giống Nòi Tổ tiên của tôi bắt nguồn từ hơn 400 triệu năm trước, sớm hơn cả tuổi đời của những loài khủng long khoảng 200 triệu năm. Có một điều làm tôi hơi ngạc nhiên là khởi thủy họ đã sinh sống dưới nước như loài cá. Họ cũng có mang như cá để thở còn đầu bàn chân thì không có móng vuốt như bây giờ. Thế rồi một hôm đi lạc lên bờ, rong chơi giữa trời quên lảng rủi ro lại quên đường về. Trải qua một thời gian không rõ là bao lâu, lúc tìm được đường xưa lối cũ thấy nước mừng quá nhào xuống thì đều ngủm củ tỏi chết chìm cả lũ. Thì ra những cái mang cá của họ đã biến thể trở thành những cơ phận hô hấp khác để hít thở dưỡng khí trên mặt đất, lâu ngày nên không còn thích hợp dưới nước nữa. Kể từ đó trở đi, tổ tiên của tôi đã trở thành những loài du mục sống rải rác trên mặt địa cầu. Họ định cư hầu như khắp mọi nơi ngoại trừ vùng đất ở cực Nam của quả địa cầu, nhưng đông đúc nhất là tại các quốc gia vùng nhiệt đới, Châu Phi và cũng tại Hoa Kỳ, Mễ Tây Cơ, Ấn Độ. Từ khi lang thang sống rải rác trên mặt địa cầu, dòng họ nhà hổ cáp chúng tôi đã hợp giống và tạo nên những chủng tộc khác nhau. Thống kê cho biết có hơn 1500 chủng tộc và cho đến hôm nay vẫn còn những chủng tộc mới được khám phá thêm mỗi năm. Nơi Cư Trú và Đời Sống Nơi sinh sống của loài hổ cáp chúng tôi thường là các vùng đất đá, sa mạc, và thân cây. Tuy vậy cũng có một số cư ngụ trong các hang động và rất ít được tìm thấy trên đĩnh của dãy Hy Mã Lạp Sơn. Hàng ngày, họ lủi trốn ở dưới mặt đất, đá, cát, thân cây khô hoặc bất cứ một đồ vật nào có thể che khuất thân thể. Họ có sức chịu đựng bền bỉ hơn so với các loại côn trùng khác như nhện, kiến, bọ hung …Khi thời tiết thay đổi, dân hổ cáp chúng tôi có thể sống an lành với độ nóng hay lạnh cao hơn vài ba độ. Khi trời quá nóng, chúng tôi sẽ nhón thân thể lên khỏi mặt đất bằng tám chân của mình để tránh né bớt cái nóng truyền vào. Chúng tôi uống rất ít nước, có khi chẳng bao giờ cần. Thực phẩm từ các con mồi bắt được đã cung cấp đủ chất lỏng thay cho nhu cầu nước uống. Mùa đông đến, chúng tôi sẽ không xuất đầu lộ diện để tránh cái lạnh giá buốt mà tiếp tục ẩn trú ở những nơi đang cư ngụ. ![]() Đêm đến là thời điểm hoạt động của họ hàng chúng tôi, mặc dù cũng có một số ít thích làm ăn ban ngày. Vì là loài ăn đêm nên chúng tôi thích hợp với bóng tối và sự tĩnh lặng. Thường thì chúng tôi ra khỏi nơi trú ẩn không xa mấy, chỉ cần tìm một địa điểm thuận tiện kín đáo và cũng là chỗ qua lại thường xuyên của các loài côn trùng khác. Chúng tôi nằm yên nơi đó chờ đợi con mồi dẫn xác tới là "thịt". Nghe thì quá dễ, nhưng có đêm ngồi chờ dài "đuôi" mà chẳng được con ma nào. Những lúc đó, chúng tôi phải thay đổi địa điểm phục kích và sử dụng đến cần "ăn-ten" để đánh hơi con mồi. Cần “ăn-ten” là hai bộ phận có hình thù giống như chiếc răng lược nằm ở dưới bụng, phía sau hai cặp chân cuối. Hai bộ răng lược này sẽ được áp sát xuống mặt đất để phát hiện những sự rung động do con mồi tạo ra lúc di chuyển. Có một điều kỳ thú nữa là cần “ăn-ten” này cũng "ngửi" được mùi của con mồi từ xa. Chúng tôi không phải mất nhiều sức vật lộn với con mồi. Con nào nhỏ, chúng tôi dùng hai cái càng vồ lấy là xong. Còn gặp phải thứ dữ hay to xác, chúng tôi phải dùng tới vũ khí "tàn sát" tối hậu: chích cho một phát nọc độc là đi đời nhà ma. Đêm nào có trăng sáng hoặc gió mạnh thì nghỉ xả hơi nằm nhà làm thơ, cũng khỏe thôi! Ánh trăng sáng sẽ làm chúng tôi bị lộ mục tiêu, địch quân sẽ nhìn thấy rõ ràng mà tấn công. Kẻ thù của chúng tôi là loài cú vọ, cóc nhái – nhái bầu chớ nhái bén chúng tôi chả sợ, chuột nhắt mà nhảy như châu chấu (grasshopper mice), rắn mối, thành viên khác trong gia đình hổ cáp và cả "loài người" nữa. Điểm bất lợi khác là gió lớn sẽ làm cho chúng tôi mất đi khả năng đánh mùi con mồi. Không thể làm hiệp sĩ mù nghe gió kiếm được thì trốn ở nhà là phải rồi! ![]() Sinh Vật Học và Những Con Số Những mẩu hóa thạch tìm thấy ở Phi Châu cho thấy ông tổ chúng tôi có thân hình dài hơn một thước và cũng là những kẻ sống dưới nước trước kia. Ngày nay loài hổ cáp “hoàng đế” ở Phi Châu – lại cũng Phi Châu – được coi là giống to con nhất, dài trên 2 tấc (8 inches) và cũng đen thui như đa số "người" ở đó. Ngoài ra loài hổ cáp "khổng lồ" (giant scorpions) ở Bắc Mỹ như California, Arizona, Mexico cũng có chiều dài lên đến 7 inches. Đa số chúng tôi có chiều dài trung bình từ 2 đến 3 inches, khoảng 50 đến 80 ly (mm). Và để cho đầy đủ phải kể đến loài nhỏ con nhất chỉ dài ½ inch, khoảng 12 mm ở bên Trung Đông (Middle East). Nói đến màu da, chúng tôi có đủ như "con người". Từ da vàng cho đến nâu, hơi hung hung đỏ, rồi đen nhưng trắng bạch thì không thấy. Một số chủng tộc hổ cáp chúng tôi có thân hình nhìn giống như trong suốt, nhưng thật ra chỉ từa tựa như loài cua vừa mới lột vỏ với nước sơn bóng loáng. Hầu hết loài hổ cáp có một chất hóa học bao bọc bên ngoài lớp vỏ; chất hóa học này sẽ sáng lên như dạ quang khi được tia tử ngoại chiếu vào. Vì vậy, “con người” thường dùng đèn có tia cực tím còn gọi là “black light” để soi rọi chúng tôi. Trải qua một đời hổ cáp, chúng tôi lột da đến năm lần nhưng bảo là để sống đời thì không. Một lão tiền bối của họ nhà hổ cáp chúng tôi sống lâu nhất thế giới là 25 năm, mà trớ trêu thay đó là những tên tù của “loài người”. Các nhà nghiên cứu khoa học nói rằng những tên tù hổ cáp được săn sóc kỹ lưỡng, ăn uống ngủ nghỉ theo tiêu chuẩn và được bảo vệ an toàn nên sống dai đến như thế. Các bạn đừng thắc mắc đến việc tập thể dục hay hoạt động ngoài trời vì chúng tôi đã có sẳn thân hình “con kiến càng” và thuộc loại “chúa lười hữu dụng” nên không cần đến chuyện ấy. Những tên hổ cáp sống tự do thoải mái nơi thiên nhiên, với trời đất mênh mong kia chỉ kéo dài cuộc sống đến 20 năm là cùng, cũng vì phải nhịn đói đôi lúc và nhất là bị kẻ thù rình rập tiêu diệt. ![]() Loài hổ cáp cũng như hầu hết các sinh vật khác trên địa cầu, có giống đực và giống cái. Tuy nhiên dòng giống chúng tôi không kết hợp thành đôi hay xây dựng mái ấm gia đình như nhiều sinh vật khác, ngoại trừ chủng tộc “hổ cáp hoàng đế” mới được phát hiện ở Phi Châu. ![]() Thời gian cưu mang kéo dài có khi đến 18 tháng. Lâu cũng có hạng đó; chỉ thua loài voi Phi Châu là 22 tháng và tương đương với giống cá ông là 16 tháng. Hổ cáp con được sinh ra trong một cái bọc, trung bình vào khoảng 25 chú. Chúng sẽ tự xé bọc và bò lên tạm trú trên lưng hổ cáp mẹ trong thời kỳ còn mềm yếu không tự bảo vệ cũng như không tự kiếm ăn được. Hổ cáp mẹ làm bổn phận săn sóc nuôi dưỡng con cái trong khoảng vài tuần lễ đầu, cho đến khi đàn con lột vỏ lần đầu tiên và trở nên cứng cáp hơn. Chúng sẽ nhảy xuống khỏi lưng mẹ, phân tán mỏng và không bao giờ trở lại thăm bà nữa. Đừng vội trách chúng là những đứa con bất hiếu; dù có thương mẹ đến độ nào chăng nữa, những chú hổ cáp con cũng đành phải để qua một bên, vì léo hánh trở lại thì toi mạng. Bà mẹ không còn nhận ra con cái nữa mà chỉ thấy chúng như là những con mồi đem thân đến nạp thịt. Nọc Độc Chết Người Nhiều “người” đã giật mình khi nghe đến tên hổ cáp, người ta càng xôn xao náo động hơn khi nhìn thấy chúng tôi bằng xương bằng thịt. Điều gì đã làm cho con người trở nên nhạy cảm khi nhắc đến tên hổ cáp, thậm chí có người đã hoảng hốt sợ hãi tìm đường né tránh khi chạm trán với chúng tôi. Tôi biết các bạn không phải thuộc nhóm kỳ thị chủng tộc, phải có một lý do quan trọng và chính đáng khác. Thật ra không có gì ngạc nhiên, khó giải thích vì loài người các bạn đã xếp gia đình hổ cáp chúng tôi vào loại côn trùng nguy hiểm, chết người. Thật là quá dữ! Nhưng cũng không oan ức gì cho lắm. Chắc các bạn còn nhớ đến cái vũ khí độc hại mà mỗi một cá nhân trong gia đình hổ cáp đều mang trong người: Nọc Độc. Vâng, đó là thứ khí giới dùng để tự vệ mà thượng đế đã ban cho khi dựng nên loài hổ cáp chúng tôi, nhưng đôi khi chúng tôi đã sử dụng nó sai mục đích: tấn công đối phương để được lợi. Các bạn cũng thông cảm giùm! Chúng tôi phải dùng mọi phương tiện sẵn có để được sinh tồn. Trong số hơn 1500 chủng loại, không một thành viên nào trong gia đình hổ cáp là không mang nọc độc. Tuy nhiên độc hại và nguy hiểm đủ gây ra cái chết cho con người chỉ có khoảng 25 loại. Những giống độc hại này thường sống ở Phi Châu, Ấn Độ, Mễ Tây Cơ và vùng Nam Mỹ Châu. Loài hổ cáp màu đen có tên khoa học là Transvaalicus định cư ở miền Nam Phi Châu được cho là một trong số nguy hiểm. Hổ cáp Transvaalicus ngoài độc chiêu châm chích còn làm cho con người ngạc nhiên với tài bắn nọc độc ra xa như loài rắn hổ mang để tấn công mục tiêu. Chất độc này có thể xịt xa đến 24 inches (hơn 6 tấc), và sẽ làm người ta bị mù nếu trúng vào mắt. Hổ cáp “vàng, đuôi to” dịch từ chữ yellow fat-tail sống ở Bắc Phi trong các nước Tunisia, Ai-Cập, và một số quốc gia ở Trung Đông là loại độc hại nhất thế giới. Chúng dài đến 4 inches (1 tấc) và được các nhà nghiên cứu đặt tên là “southern mankiller”, chỉ riêng tại xứ Tunisia mỗi năm có hơn 200 người chết vì nọc độc của loài hổ cáp này. Riêng tại Hoa Kỳ chỉ có một loại độc hại duy nhất có tên khoa học là Sculptured Scorpion được tìm thấy tại tiểu bang Utah, Arizona, và New Mexico. Rất may họ không xuất hiện ở California! Ngoài 25 loại độc hại, nhóm còn lại có thể làm cho người ta đau nhức khó chịu, nhưng hầu hết không có hại cho sức khỏe và tính mạng của con người. ![]() Hổ cáp tấn công con người ở vùng chân và tay nhiều nhất, cũng dễ hiểu vì đó là những nơi đụng chạm, tiếp cận nhiều với loài động vật này. Nạn nhân của loài hổ cáp có chất độc được xếp hạng là mạnh sẽ có cảm giác đau nhức ở vết chích trước tiên rồi người sẽ bồn chồn không yên, không tự chủ được. Cơ bắp ở bụng bị co thắt, tay chân co giật, mồm sùi bọt và tim đập nhanh. Thân nhiệt tăng cao có khi lên đến 104 độ F. Tiếp theo đó, da sẽ đổi thành màu xanh tím, hơi thở dồn dập khó khăn, tiểu tiện và đại tiện tự phát không kềm chế được. Nếu nạn nhân là trẻ con thì cái chết sẽ dẫn đến sau đó rất nhanh. Nếu thần chết tha mạng thì các triệu chứng trên sẽ biến mất dần trong khoảng mười hai giờ, tuy nhiên hậu chứng tê nhức khó chịu còn kéo dài thêm nhiều ngày nữa. Trẻ con và những người lớn tuổi thường có số tử vong cao khi bị loài hổ cáp độc hại tấn công. Nhờ sự tiến bộ của y khoa, thuốc antidote hay antivenom đã cứu rất nhiều trường hợp trúng độc nếu kịp thời chữa chạy. Khi bị hổ cáp tấn công và trúng nọc độc, con người phải nhanh chóng tìm y khoa cứu cấp trị liệu. Các bạn không nên phỏng đoán tầm mức độc hại của con vật mà cho rằng không nguy hiểm. Có người bị dị ứng mặc dầu chất độc không mạnh, chưa kể trường hợp bị nhiễm trùng nơi vết chích. Một điều khác cần ghi nhớ là không nên cho nạn nhân uống thuốc an thần hoặc các loại giải khát có chất rượu, mà phải tìm cách giúp cho bệnh nhân giữ trầm tĩnh trong lúc chờ đợi cứu cấp. Để đề phòng, mỗi buổi sáng các bạn nên giũ sạch quần áo, giày vớ trước khi mặc vào. Chắc việc làm này dành riêng cho bạn nào đi cắm trại, sống gần với thiên nhiên như vùng thôn quê hay rừng núi sa mạc. Các bạn này cũng không nên nằm ngủ sát mặt đất. Phải nhìn cho rõ nơi hay đồ vật mình sắp sửa chạm tay vào, xem có chàng hổ cáp nào léng phéng ở đó không (để la làng rồi bỏ chạy?). Bà Con, Họ Hàng Các bạn có thể đoán ra ai là bà con thân thích với loài hổ cáp chúng tôi không? Thưa đó là các chú nhện, bởi vì chúng tôi có cùng tám cái chân. Người ta nói chúng tôi có họ hàng nhưng không có cùng tổ tiên. Thiệt cũng lạ, tôi nghĩ họ hàng kiểu này chắc phải dùng đại bác bắn mới tới. Vậy mà các nhà sinh vật học còn cho loài mối, bọ chét cũng có họ hàng với nhà hổ cáp chúng tôi. Thật không ra cái thể thống gì hết! Chưa hết đâu, các ông ấy còn nói chúng tôi có bà con với mấy chàng cua và tôm hùm nữa, mặc dù họ vẫn còn đang sống dưới nước. Lần này chắc phải dùng hỏa tiễn mới với tới. Hổ Cáp và Loài Người Con người tự cho mình là loài sinh vật cao quý nhất trên vũ trụ, nhưng lúc nào cũng hoảng hốt lo sợ khi gặp nhà hổ cáp chúng tôi. Điều đó cũng không có gì lạ vì mỗi năm có tới 5000 người bị nọc độc hổ cáp chích phải mà qua đời. Tuy vậy còn thua hai thứ ác hại hơn là rắn độc và ong độc. Riêng tại Hoa Kỳ, chỉ có khoảng 6 người chết mỗi năm vì nọc độc này trong thời thập niên 60’s. Quốc gia giàu mạnh, tiến bộ có khác! Con số này còn giảm nhiều và không có ai chết mặc dù gần một ngàn người bị châm chích mỗi năm trong thời gian gần đây. Theo truyền thuyết Hy-Lạp, loài người có lịch sử ghê sợ nhà hổ cáp chúng tôi rất lâu đời, chắc là ngay từ lúc “khai thiên, lập địa”. Họ nói rằng chàng Hiệp Sĩ Orion đã bị tên Hổ Cáp Scorpio chích nọc độc vào gót chân mà qua đời. Để tránh né sự chạm trán không may này, thánh Zeus đã sắp đặt cho chòm sao Orion cách xa với chòm Scorpio một đoạn trên bầu trời. Vào những đêm của tháng mùa Hạ trên đất Hoa Kỳ này, các bạn có thể nhìn thấy chòm sao Hiệp Sĩ Orion trên đỉnh đầu còn chòm Hổ Cáp Scorpio thì nằm chênh chếch phía Nam. Người Ai-Cập cũng ghê sợ và thù hận loài hổ cáp không kém, họ viết thành sách, liệt kê ra phương cách để tiêu diệt và giải trừ nhà hổ cáp chúng tôi. Tuy vậy, họ đã nể sợ mà đặt tên cho chòm sao Scorpio theo truyền thuyết riêng của người sống trong thời sơ cổ Babylonia. Sợ hãi là như thế, vậy mà cũng có người mang chúng tôi vào nhà nuôi nấng, săn sóc như nuôi một con thú để tiêu khiển. Thiệt là hết chỗ nói, tôi đoán chắc là dân Hoa Kỳ chớ không ai khác, bởi vì chuyện kỳ cục gì họ cũng làm được hết. Tuy vậy, họ cũng nghiên cứu mà nuôi có một loài hiền lành nhất là loài “hổ cáp hoàng đế”, emperor scorpion. Đó là nhà hổ cáp da đen, có hai cái càng to tướng, sống hòa bình thành tập thể, ít khi đánh giết ai vì nọc thì có mà độc thì không. Sướng nhé, thảnh thơi cả một đời đấy! ![]() ![]() Tài Liệu Tham Khảo: Scorpion, Answers to Frequently Asked Questions by James W. Cornett, 1993 Scorpions, The Sneaky Stingers by Allison Lassieur, 2000 Scorpion Man, Exploring The World of Scorpions by Laurence Pringle & Gary A. Polis, 1994 The Book of Spiders and Scorpions by Rod Preston-Mafham, 1991 USS Scorpion Down, The Untold Story by Offley Edward, 2007 huỳnh kim chiến |