trang đầu * LVChâu giới thiệu * LVChâu chào mừng * NVVang phát biểu *LĐHuyến phát biểu *CVThành 33 năm ra khơi * LVChâu mai anh đi * LKCúc tâm tình Houston *Chị TPHồng xuân lại về * LKCúc tình chiến hữu, nghỉa đồng bào * Chị LVTài cái quần đỏ khó quên * HVBảnh cám ơn người, cám ơn đời * LVThạnh chuyện vui đại hội * Chị HVBảnh lời người ra đi * LAHuê hải hành * LÐHuyến nhớ quê huơng * HVBảnh/LKCúc xuân kỷ niệm * Chị LVTài tình xưa trong ánh mắt * Thân Hữu 20 20 và tình biển * TÐQuí chuyến hành trình về thung lũng hoa vàng * NVÐệ thư nt TTHùng *TTHùng tâm tình *LVHiệp cảm nghỉ về đh2003 *HC2 & Thân Hửu

xuân kỷ niệm


Thoắt một cái đã hơn một năm rồi nhỉ, thời gian trôi qua sao mà nhanh quá! Thế là Nina đã xa quê hương trong một thời gian thật dài và hiện tại thì đang ở trong lứa tuổi mà Bố Mẹ thường nói: "Con cũng đã lớn rồi, trưởng thành rồi đó nhé" mỗi khi muốn khuyên bảo Nina điều gì. Quả thật "thời gian trôi nhanh như bóng câu qua cửa sổ", không biết các bạn cùng lứa tuổi với Nina đang sống trên đất khách quê người, tha phương lánh nạn Cộng Sản có thường nhớ về quê hương để hồi tưởng lại những kỷ niệm đã qua hay không chứ riêng Nina thì hay nhớ về quê hương và những kỷ niệm của thời thơ ấu lắm.
Lúc Nina còn nhỏ, chỉ là cô bé học lớp hai tại trường tiểu học An Cựu, gia đình Nina ở trong một gian nhà rất rộng. Nhà chính làm nơi tiếp khách và thờ tự là kiểu nhà xưa, có cả thảy gần bốn mươi cây cột lớn nhõ, to bằng một vòng tay của Nina ôm, tròn và luôn luôn bóng loáng có thể soi mặt được, nước gỗ lim đỏ au, những thanh kèo dọc, ngang trên nóc nhà cũng bằng gỗ lim, khắc chạm hình hoa mai, hình phụng hoàng, hình lân, ly rất tinh xảo. Dãy cửa phía trước gồm mười hai tấm thường ngày đóng im lìm, chỉ mở rộng mỗi khi có khách hay những ngày kỵ giỗ, Tết nhứt mà thôi. Chị em Nina ít khi lên nhà lớn lắm, chỉ quanh quẩn ở dãy nhà ngang và nhà bếp.
An Cựu là nơi sống lý tưởng vì cách trung tâm thành phố không bao xa, chỉ một con đường Duy Tân chạy thẳng khoảng hơn hai cây số mà thôi. Rồi đi qua cây cầu là tới phố chính. Cây cầu này đã đi vào lòng người dân xứ Huế với câu hò:
“ Cầu Tràng Tiền sáu vai, mười hai nhịp
Anh qua không kịp tội lắm em ơi
Chẳng thà không biết thì thôi
Biết rồi mỗi đứa một nơi sao đành”.
Lại có đồng An Cựu, là cánh đồng trồng lúa để cung cấp gạo cho nhà vua và hoàng tộc nhà Nguyễn ăn. Gạo ở đây rất ngon nhưng sản xuất rất hạn chế nên không phải khi nào muốn mua cũng có, vì vậy những người con hiếu thảo của xứ Huế thường ao ước có “gạo dẽ An Cựu mà nuôi mẹ già”.
Có núi Ngự Bình thơ mộng, có sông An Cựu uốn quanh, có đồng ruộng xanh tươi thắm, có chợ búa, phố phường, bến xe, làng xóm, chùa chiền, nhà thờ, thật tiện nghi cho dân chúng trong vùng đi lại sinh hoạt hàng ngày. Nina nhớ bà ngoại, mỗi khi ru em bé ngủ, thường hò:
" Núi Ngự Bình trước tròn, sau méo
Sông An Cựu nắng đục, mưa trong ".
Nina không dám chắc rằng núi Ngự Bình “trước tròn, sau méo”, nhưng sông An Cựu thì quả thật "nắng đục, mưa trong" , vì Nina thường đi qua lại trên cầu An Cựu mỗi ngày hai bận, từ nhà đến trường và từ trường về nhà. Những khi trời mưa, đứng trên cầu nhìn xuống dòng sông, Nina nhìn thấy rõ từng đàn cá lội tung tăng, lại còn thấy rõ những cây rong, cây rêu màu xanh, màu nâu đu đưa qua lại tận dưới lòng sông nữa. Nhà Nina ở trong dãy phố ngay ngoài mặt lộ con đường quốc lộ 1, có tên là đường Duy Tân nối dài, xe nào chạy vào Nam cũng phải chạy ngang qua. Nina nhớ mảnh vườn phía sau nhà Nina rộng lắm, ba mẹ trồng một số cây ăn trái mà nhiều nhất là đào tiên. Mỗi lần đến mùa có trái, từng chùm trái màu đỏ tươi trông rất đẹp, có lẻ thuộc giống đào tiên của vườn đào bà Tây Vương Mẫu nên ăn vừa ngọt, vừa giòn, hèn chi mà gọi là đào tiên. Phía trước nhà có sân rộng, có bể cá vàng với hòn non bộ, ba nuôi nhiều cá vàng lắm. Ngay giữa sân có cây hoa anh đào, khá cao. Mỗi lần sắp đến Tết, ba bắt chị em của Nina vặt hết lá, vì Nina còn thấp lè tè nên phải đứng trên ghế đẩu mới vặt được lá của mấy cành thấp là xà phía dưới.
Sáng mồng một Tết, những đóa hoa màu hồng nở đầy cây, đẹp ơi là đẹp. Ngoài cây hoa đào ra còn có nhiều cây hoa hồng nữa, và năm nào cũng vậy, hể Tết đến có rất nhiều người mang hoa trong chậu đến biếu cho ba gọi là đền ơn đáp nghỉa, nào là hoa cúc vàng, cúc trắng, nào là thọ bông nhỏ, bông to, nào là thược dược hồng, thược dược đỏ, nào là sứ trắng, sứ hồng. Ba đặt trên tầng cấp thấp quanh bể cá vàng thành một vườn hoa muôn màu, muôn sắc, thật xứng đáng để chào đón "Chúa Xuân". Cái cổng lớn có hai cánh cửa sắt, thường xuyên đóng lại, chỉ được mở ra khi nghe tiếng còi xe của ba mỗi buổi chiều khi ba đi làm về hay có khách đến chơi. Hai bên cái cổng này là hai cây đào tiên rất cao, cành lá rậm rạp, nhiều cành chỉa ra phía ngoài đường dành cho người đi bộ. Mỗi khi đến mùa đào, dân chúng đi ngang qua, tiện tay họ vói bẻ một hai chùm, gia đình Nina chẳng có ai phàn nàn họ, trái lại còn cảm thấy vui vui vì đào tiên của mình được nhiều người ưa thích.
Mấy bà bán trái cây ngoài chợ An Cựu có gợi ý muốn mẹ Nina hái đào tiên trong vườn bán sĩ cho họ để họ bán lẽ cho khách hàng nhưng mẹ từ chối, chỉ hái để biếu bà con, bạn bè, hàng xóm mà thôi. Phía bên trái của cái cổng chính là dãy phố của gia đình Nina, gồm mấy căn cho người ta mướn ở hoặc buôn bán. Còn căn rộng nhất, nằm sát cái cổng là nơi bán sĩ gạo, bia và nước ngọt.
Ba bận đi làm, mẹ bận buôn bán, nên việc săn sóc chị em Nina thì dành “độc quyền” cho mấy chị giúp việc, còn việc may sắm áo quần thì mẹ giao khoáng cho mấy bác thợ, mấy bà bán hàng quen biết như là mối ruột vậy đó. Khổ nỗi, những người mà mẹ "chọn mặt gởi vàng" thì toàn là "cổ lỗ sĩ" nên cũng có lúc làm cho chị em Nina điêu đứng, nhất là Nina, cô bé “xí xọn” nhất nhà.
Trước hết xin giới thiệu về bác Văn hớt tóc. Lúc ấy, bác ta độ khoảng trên dưới năm mươi tuổi, hành nghề chắc cũng đã lâu, làm chủ một cái tiệm ( cái chòi thì đúng hơn ) cắt tóc cất dưới gốc cây đa lớn phía bên kia bờ sông An Cựu, đối diện với bãi đậu xe xích lô, xe ba gát, gần chợ và phố An Cựu. Cứ mỗi năm vài lần, nhất là gần đến Tết, bác ta xách cái túi đồ nghề tới nhà Nina. Mẹ tập họp tất cả chị em của Nina lại trước hành lang của dãy nhà ngang rồi sai chị giúp việc đem ra một cái ghế đẩu thấp. Vậy là bác ta bắt đầu hành nghề. Bác lôi tông đơ, dao kéo, hộp phấn, miếng da mài v..v.. để trên cái bàn dài ( mà gia đình Nina dùng để ăn cơm mỗi buổi chiều mùa Hè ), kê sát phía ngoài cửa sổ rồi từng đứa một bị bác ta kéo lên bắt ngồi yên trên ghế, lấy tấm vải trắng đã trở thành màu vàng loang lỗ, hoen ố nhiều chỗ, nhẹ nhàng phủ lên mình, cột hai chéo lại phía sau ót. Con trai thì bác dùng cái tông đơ, đưa lên rẹt .. rẹt .. rẹt vài đường, tóc rơi lả tả. Rồi bác lấy cái dao cạo sắt ngót, mài mài ít đường trên tấm da, rồi bác cũng cạo rẹt … rẹt … rẹt vài đường. Sau cùng, bác lấy hộp phấn trắng, cầm nụ bông vải chấm chấm lên hộp phấn, rồi phết phết lên cổ, lên trán thế là xong. Tóc đứa nào đứa nấy chỉ còn lại một phân, khá hơn "trọc lóc bình vôi" một chút. Còn con gái thì bác dùng cây kéo, sợt .. sợt .. sợt vài lần, tóc cũng lả tả rơi. Còn lại cái mái tóc “búp bê” vanh tròn từ trưóc ra sau trông như cái vùa dừa úp trên đầu. Với mấy vị khách tí hon nầy, bác ta chỉ tốn độ nửa giờ là xong. Gom góp dụng cụ, đồ nghề vào túi xách rồi ra tiệm của mẹ, nhận tiền thù lao; rồi đạp xe đạp về lại “ tiệm chòi” của bác.
Bây giờ Nina xin nói đến bà bán vải, kể từ khi Nina có chút trí khôn cho đến lúc Nina học lớp cuối cùng ở trường Tiểu Học An Cựu, thì chỉ có bà Tư bán vải này thường vô ra nhà của Nina. Mỗi năm, độ còn khoảng một tháng nửa đến Tết, đã thấy bà Tư mang vải vô nhà Nina rồi. Mẹ cho phép bà Tư chọn vải cho chị em Nina, vì theo mẹ, bà Tư bán vải tức đã có con mắt thẩm mỹ để chọn vải sao cho thích hợp với ý thích của khách hàng ở mọi lứa tuổi nam, phụ, lão, ấu. Bà ta thường nói với mẹ: “ Các cháu còn nhỏ, hay phá phách, chơi đùa, vì vậy phải may màu đậm cho ít dơ, dể giặt”. Mẹ trả lời: “Có lý, có lý”
Vậy là lần nào cũng như lần nấy, bà Tư cứ xé vải có nền màu nâu, bông xanh, hay nền màu tím, bông đỏ, hoặc nền màu đỏ bông trắng, bông vàng để may quần áo cho chị em Nina, rất đơn giản, chả phải chọn lựa làm gì cho mất thì giờ.
Tiếp đến là bác Diệu, thợ may, lúc ấy bác ta đã là một ông già “lục thập cổ lai hy” rồi, và chắc cũng đã trãi qua một quá trình hành nghề dài đăng đẳng rồi. Bác luôn luôn đeo cặp mắt kiến lão trắng, cái thước dây quấn quanh cổ, cũng giống như bác Văn hớt tóc, bà Tư bán vải, gần đến Tết là bác ta đạp xe đạp đến nhà Nina, mẹ mang mấy xấp vải ra cho bác xem, bác luôn miệng khen: “ Bà Tư chọn vải khéo quá, hợp với các cháu quá, mặc màu đậm như ri mới sạch” (chắc hai người đã cộng cò với nhau!) .
Mẹ gọi hết chị em Nina lại cho bác ta đo kích thước. Bác ta lấy cây viết chì luôn luôn dắt trên vành tai xuống, lục trong cái túi xách, lấy cuốn sổ ra và bắt đầu đo. Từng đứa một đến đứng trước mặt bác. Bác nói với mẹ rằng: “ Các cháu chóng lớn lắm, nên phải may trừ hao, không thôi áo quần chỉ mặc vài ba tháng lại chật, vải còn tốt mà mặc không vừa thì uổng lắm”.
Mẹ trả lời: “Ðúng lắm, đúng lắm”.
Vậy là tùy ý bác ta tung hoành, hình như bác ta chẳng biết may kiểu nào ngoài kiểu áo cổ tai bèo, gài hàng nút bóp ở giữa, có hai cái túi lớn phía dưới để đựng đồ mà bác quảng cáo là: “rất tiện lợi”, và vì “để trừ hao” như ý muốn của bác thợ “lục thập cổ lai hy”, nên chị em Nina như bơi trong những bộ quần áo mới may, hai tay phải xắn lên thêm mấy bận, hai ống quần cũng phải xắn lên thêm mấy bận vậy mà vẫn còn thụng thà thụng thệnh, thậm thà thậm thượt y như mặc quần áo của người ta, giá như chỉ mặc cái áo thôi, khỏi mặc quần, thì người ta vẫn tưởng đang mặc áo đầm đấy chớ vì cái áo quá dài.
Lúc chưa biết se sua, so sánh thì sao cũng được, Nina không hề có ý kiến ý cò, nhưng theo thời gian trôi, Nina mỗi năm lớn thêm một tuổi thì trí khôn cũng dần dần lớn ra. Khi Nina học hết lớp Năm, rồi phải trãi qua một cuộc thi tuyển rất là cam go, một đấu với mười, mới vào trường Trung Học Ðồng Khánh, là truớc mặt Nina chân trời mở rộng, mới thật là “đi một ngày đàng, học một tràng khôn”.
Nina cảm thấy chị em của Nina rất ngố so với các bạn cùng lứa tuổi chung quanh. Áo quần thì luộm thuộm, quê mùa, tóc tai thì chẳng kiểu cọ này kia. Tánh tình thì rụt rè, nhút nhát, chẳng khác nào “Lý Toét lên thành”.
Vì biết so sánh như vậy nên ngay Tết năm đó, Nina nhất định không để cho bác Văn cắt tóc nữa, không chịu để bà Tư chọn vải nữa, không chịu để bác Diệu đo may áo quần nữa. Ðể giống như các bạn, Nina đòi mẹ phải dẫn Nina qua phố, đến tiệm uốn tóc tân tiến để uốn kiểu tóc ”đờ mi gạt sông”, đi chợ Ðông Ba chọn mua vải ca rô sọc ngang, sọc dọc, rồi mang đến tiệm may nổi tiếng trong dãy phố đuờng Nguyễn Huệ để được các cô thợ may trẻ trung, chuyên nghiệp, tân thời đo may những bộ áo quần vừa kích thước, ống túm, những chiếc áo đầm xòe đẹp đẻ. Ban đầu mẹ không chịu, nhưng Nina cứ khóc, cứ đòi, cứ nhịn ăn, một ngày, hai ngày, qua ngày thứ ba thì mẹ phải đầu hàng. Rồi từ đó, chị em Nina cũng hết làm khách hàng ruột của các bác thợ vườn.
Mỗi lần sắp đến Tết, mẹ thường làm mứt rất sớm, nhất là mứt gừng. Mẹ có tài lạn gừng với con dao cạo có lưỡi nhỏ, dài. Mẹ lạn lát nào lát đó vừa thật mõng, vừa thật to với đầy đủ khía cạnh của củ gừng. Khi mẹ ngào mứt, chị em Nina ngồi quanh cái lò, chờ mẹ ngào được nhã nào, đổ ra cái mâm đồng, thì nhanh tay gỡ ra từng miếng mõng, để sát mặt mâm rồi vuốt cho thẳng, trãi ra cho mau khô. Còn lại những miếng nhỏ lụn vụn thì mẹ cho chị em Nina được lũm vô miệng tùy thích. Ngoài mứt gừng khô, mẹ còn làm rất nhiều mứt gừng dẽo để ăn quanh năm. Mẹ còn làm thêm nào mứt bí, nào mứt dừa, nào mứt hạt sen.
Ðêm ba mươi, chị em Nina hồi hộp không ngủ dược, cố thức để đón giao thừa. Ðúng 12 giờ đêm, ba cúng giao thừa, đốt mấy phong pháo dài, đùng … đùng … đùng, tiếng nổ dòn tan. Xác pháo đỏ hồng bay ngổn ngang đầy cả nền nhà, chị em Nina vội vào thay quần áo mới (đã để sẵn sàng dưới gối từ mấy ngày trước), mang giày mới rồi chạy ra phòng khách để ba mẹ lì xì. Rồi mẹ cắt dưa hấu, năm nào trái dưa vừa xẻ ra có màu đỏ au tươi thắm thì mẹ mừng nói: “Chà, năm ni chắc nhà mình được nhiều may mắn, trái dưa đỏ đẹp quá”. Còn năm nào trái dưa có màu hồng nhợt nhạt thì mẹ chắc lưỡi than: “Không biết năm ni buôn bán, làm ăn ra răng đây”.
Sáng mồng một, ba mẹ thường xuất hành đầu năm. Nina nhớ có một năm, trước khi ra khỏi nhà, ba dặn: “ Nhà đầy xác pháo và vỏ hột dưa thì mấy đứa con cũng đừng quét nhà nghe, chờ có khách vô nhà đạp đất xong thì mới được quét.”
Chờ cho ba mẹ ra khỏi nhà, chị em Nina ào ra đi tìm chỗi, rồi mang hai cái ghế nhỏ đặt ngay trước hiên nhà. Ngồi chễm chệ chờ khách, trong tay mỗi đứa cầm một cây chỗi, bốn con mắt thì nhìn láo liêng ra phía cổng chính đã được mở sẵn vì là ngày Tết. Ðã sắp hết buổi sáng … rồi đến trưa … rồi quá trưa … và xế chiều mà vẫn chưa có ai đến xông đất. Chị em Nina nóng ruột quá đi thôi, nhìn nền nhà đầy xác pháo hồng, vỏ hạt dưa đỏ, những cánh mai vàng, thật chướng con mắt quá, muốn quét nhà quách đi cho rồi, chẳng cần chờ khách đến xông đất nữa. Nhưng lại nhớ lời ba dặn, cả chị Nina và cả Nina đều không dám quét vì ba mẹ tin dị đoan lắm. Ngày đầu năm nếu chưa có khách đến nhà đạp đất mà đã quét nhà, hốt rác rồi thì năm đó sẽ không được sự may mắn vì con may mắn đã lũi trốn trong rác bị mình hốt đổ đi rồi ( việc nầy cũng có sự tích đàng hoàng chớ bộ ).
Ðang ngồi chờ đợi, buồn phiền muốn bỏ cuộc, thì … reng … reng … reng. Tiếng chuông ngoài cổng vang lên. Trong lòng Nina phấn khởi vô cùng vì sự chờ đợi đã đến. Không ai rủ ai, chị Nina và Nina cùng chạy ra sân, thấy cô ruột và người bác dâu của Nina tươi cười đi vào, hai chị em Nina chạy vội trở vào phòng khách và sẵn sàng hành động. Khi hai người lớn vừa bước qua khỏi ngưỡng cửa, chưa kịp nói gì thì hai chị em Nina cùng thưa: "Thưa cô mới dến, thưa bác mới đến" rồi nhanh tay đưa chỗi ra quét, quét nhiệt tình, quét ào ào như vũ bão, như đánh thắng trận mà thừa thắng xông lên diệt địch. Ðang tươi cười, cô và bác vội sa sầm ngay nét mặt, cô quắt mắt hỏi: “Các con làm chi rứa ?“.
Chị Nina trả lời: “Dạ, trước khi xuất hành đầu năm, ba dặn chờ có khách đến nhà đạp đất thì quét nhà cho sạch“.
Lần nầy, cả cô và bác cùng phán rằng: “Có ai lại dạy con vô phép, vô tắc như rứa chớ !“. Rồi hai người trở ra, đi về ngay.
Sau vụ nầy, ba mẹ của Nina bị cô mắng cho một trận và giận không thèm đến nhà Nina suốt mấy tháng trời. Khi được ba giải thích thì chị em Nina mới hiểu rằng phải chờ cho những vị khách đạp đất kia ra về rồi, thì mới ung dung quét nhà, hốt rác chứ không phải ra tay ào ào ngay trước mặt khách như vậy, thật là tai hại vì đã không hiểu chuyện đời !
Ai ai cũng vậy, những chuyện đã xãy ra trong quá khứ dù đã lâu rồi chúng ta vẫn không bao giờ quên, các bạn nhỉ !

Thương tặng các con MiMi – KiKi – NiNi
N.A.

Chị Lê Văn Tài
taivanle@yahoo.com







[ Trang Hải Trình ]