Đặc San 2006 ( Trở về trang Hải Trình )
  Bản quyền (c) Đệ Nhị Hổ Cáp * Khóa 20 SQHQ/NT  

 
Đại Hội 2006 :

Tâm tư gửi bạn
    CungVĩnhThành

Những HC2 rời đàn
    NguyễnXuânDục

Hồi ký 36 năm ra khơi
    AnhChịHuỳnhvănBảnh

Thoáng giấc mơ qua
    ChịNguyễnNgọcChâu

Bút ký đh2006
    AnhChịNguyễnPhúcVĩnhViễn

Thuyền lại bến xưa
    TônThấtCường

Cảm nghỉ về đh2006
    20 và thân hữu


Đặc San 2006 :

Trang bìa
    TrầnTuấnĐức
Giới thiệu
    CungVĩnhThành

Những chuyện kể năm xưa
    Gia đình 20

Hiệp định ngưng bắn Paris và ...
    TrầnĐìnhTriết

36 năm ra khơi
    Chị LêvănTài

Nhớ về khóa 20
    ĐặngNgọcKhảm

Hội trùng dương
    CungVĩnhThành

Nẻo đường Thi Sách
    NguyễnvănĐệ

Hội ngộ
    ViễnHuy

Hai chuyến đi
    LêvănChâu

PCE08
    NgôThiệnTánh

Ông thần râu kẽm
    LêvănThạnh

Triệu đóa hồng
    NguyễnÁnh

Vĩnh biệt Nguyễn H. Tâm
    LưuĐứcHuyến

Nhớ anh trong tù
    LêKimCúc

Nhớ em trong tù
    HuỳnhvănBảnh

Một kiếp hải hồ
    LêvănTài

Mây tháng tám
    NgôThiệnTánh

Nam vang đi dể khó về
    HuỳnhKimChiến

Biển chiều
    CungVĩnhThành

Đi tìm mẩu xương xườn thất lạc
    NguyễnvănHùng

Thu, vỏ ốc và chuyến tàu khuya
    ThânHữu

Thầm hỏi? Nổi niềm
    VõKimMai

Lá thư bâng quơ
    VõthịĐồngMinh

Lục bát biển
    NgôThiệnTánh

Kỷ niệm vui buồn trên HQ9610
    ĐặngNgọcKhảm

Tìm tự do
    LêKimCúc

Nổi trôi
    NguyễnvănVang

Bố và con
    QuỳnhChâu

Những mảnh đời cải tạo
    HuỳnhKimChiến

Chuyện đàn bà
    NguyễnvănHùng

Đêm ngồi nghe thác đổ
    NgôThiệnTánh

Trang nhà khóa 20
    LêvănChâu

Bạn tôi
    NguyễnvănChín

Vượt thoát
    NguyễnÁnh

Bàn nhảm về chử Nôm
    NguyễnvănHùng

Chúng tôi muốn sống
    NguyễnvănChín

Trang cuối
    TrầnTuấnĐức


những mảnh đời cải tạo



Để tôn trọng tính trung thực của thời gian và không gian, một số từ ngữ sữ dụng trong bài viết này có thể sẽ gây khó chịu cho đọc giả. Xin chân thành cáo lỗi cùng các bạn.

       T ôi trở mình lần thứ ba rồi mà vẫn không ngồi dậy rời khỏi giường được. Cái cảm giác ê ẩm, rã rời lại đến mỗi buổi sáng khi nghe tiếng kẻng báo thức gióng lên.
- Chiến! Dậy đi mầy. Còn chuẩn bị lo đi lao động nữa chớ.
- Mấy giờ rồi Thủy. Tôi hỏi lại thằng bạn nằm giường bên cạnh.
- Năm giờ mười lăm. Nó trả lời.
Tôi chống tay, cố ngồi dậy, dụi mắt rồi lếch thếch đi ra ngoài hè chỗ có tấm phênh bằng cỏ tranh kết lại lững lờ chắn ngang, mắt nhắm mắt mở kéo quần xuống. Đang lúc còn thả hồn theo mây gió, chợt nghe có tiếng la:
- Ê, ê sao xịt tùm lum vậy cha nội.
Tôi giật mình mở mắt ra thấy thằng Sĩ đứng phía bên kia bèn cười khỏa lấp:
- Xin lỗi, tao không cố ý. Hôm nay mầy đi làm ở đâu?
- Tao đi rừng lấy măng, còn mầy. Sĩ đáp và hỏi lại
- Tao đi làm đường. Tôi trả lời nó rồi đi ra chỗ giếng nước.
Sĩ cũng là một thằng tù cải tạo như tôi. Cấp bậc thiếu-úy mà tụi Việt Cộng gán thêm cho mấy chữ “nguỵ quân”. Nó cùng tổ với tôi và Thủy. Cấp bậc thiếu-úy thì nhẹ tội hơn trung-úy một bậc cho nên tụi nó được đưa lên rừng Kà-tum này trước bọn tôi cả năm. Cũng vì suy-luận theo kiểu đó, nên nó vẫn hy-vọng sẽ được thả về sớm hơn những người khác. Ngày bọn cấp trung-úy như tôi với Thủy được chuyến trại lên đây, phe của Sĩ đã tung ra những tin đồn tương tợ, rồi cứ ngóng trông tin đươc tha hoài mà chả thấy. Riêng phần tôi thì đã đánh mất đi những hy-vọng đó sau khi rời trại Trảng-Lớn để về làm bạn với thú rừng, chim chóc. Giữa rừng già hoang dại, biết phương hướng nơi đâu mà tìm đường trở về. Sau khi rửa mặt, súc miệng và chà răng bằng cái bàn chải mòn đến tận cán mủ chấm với muối, tôi trở vào chỗ giường ngủ. Định nằm xuống một chặp nữa, nhưng nhớ tới mấy cái răng vàng sáng chói và cái nón cối kia thì nỗi mệt mỏi tạm thời tan biến đi. Đêm nào cũng họp tổ rút ưu, khuyết điểm sau một ngày lao-động đổ hào quang. Mọi người đều mong buổi họp sớm kết thúc để còn được ngả lưng. Nếu có cá nhân nào bị đem ra phê-bình lên lớp, thì buổi họp sẽ kéo dài không biết đến bao giờ. Đã đau lưng mà còn bị đau đầu. Thôi thì cố gắng thêm một chút để không làm phiền người khác và cho tinh thần được yên ổn.
Thủy lục đục mở thùng đạn đại liên 50, lấy ra một lon guigoz mà nó đã cất kỹ trong đó đêm qua trước khi leo lên giường ngủ. Cuộc sống tù-đày thiếu thốn đã khiến bản năng sinh tồn của con người hoạt động mạnh hơn lúc nào hết. Người tù cải-tạo đã tự tìm ra sáng kiến riêng hay bắt chước nhau để tạo cho mình một tiện nghi nào đó trong sinh hoạt hằng ngày mà tồn tại. Những thùng đạn đại liên đã được chúng tôi sữ dụng như các hộp an-toàn, cất giữ thực phẩm hay đồ dùng cá nhân hoặc có khi làm nồi nấu các thức ăn, nước uống.
Tôi thấy thằng Thủy có nhiều suy-luận rất hay và hữu lý. Nó hay làm cố vấn, suy đoán chuyện xa gần, nhất là biết lo xa chuẩn bị cho ngày mai. Lúc nào nó mở miệng ra thì mọi người đều phải vểnh tai lên để nghe, vì tin tức của nó thuộc loại nóng bỏng và có uy-tín - nhưng nếu có ai hỏi bao giờ được thả về thì nó mù tịt! Bữa cơm chiều nào, nó cũng cố gắng để dành lại một ít trong lon guigoz để sáng hôm sau có cái mà lót dạ cho chắc bụng trước lúc đi lao động. Tôi bắt chước nó mấy lần nhưng đều thất bại. Chỉ có 2 chén cơm với một ít rau cộng với một đĩa muối hột, không đủ để làm đầy cái dạ dày thì làm sao tôi có thể nhịn bớt được. Thôi thì thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt còn hơn là phải thòm thèm thắp thỏm cả đêm. Trung thành với chủ nghĩa đó, nên bữa cơm chiều nào tôi cũng vét sạch còn đâu để dành cho ngày hôm sau!
Cơm tù thì có gì để rêu rao, có chăng là bắt chước nhà thơ Nguyễn Công Trứ “Ngày ba bửa vỗ bụng rau bình bịch”. Tuy vậy, bọn chúng tôi cũng đựợc hưởng chế độ đặc biệt vài lần trong một năm vào dịp lễ, tết. Những lần ấy thì tôi thấy thật hạnh phúc! Cái hạnh phúc ti tiện của một tên tù vô-vọng. Vì chẳng những được nghỉ ngơi mà còn có tí thịt, cá. Thật tai hại, cũng tại mấy miếng thịt cá đó cho nên bao tử chúng tôi vẫn thèm nhớ không nguôi. Cuộc sống cơ cực, thiếu thốn đến tột cùng đã lôi kéo tôi vào những ước vọng ăn uống thấp hèn. Tôi không còn nhớ mình là một tên tù binh thất trận, đáng lẻ ra phải nuôi dưỡng tinh thần đấu tranh bất khuất, coi miếng đỉnh chung nhẹ tựa lông hồng. Nói ra mà thêm thẹn, miếng ăn đã coi trọng thì nói gì đến đỉnh chung!
Một hôm đi lao động về ngang qua nhà bếp, tôi hỏi một anh nuôi với tia hy-vọng:
- Chiều nay có món gì?
- Thịt cọp. Anh ta trả lời.
Tôi ngạc nhiên, lắp bắp:
- Hả, bắt được cọp hả. Ai bắt vậy? Đâu?
- Đây này, tới mà coi.
Đoạn anh ta kéo tay tôi chỉ vào một cái đĩa nhôm. Tôi chả thấy miếng thịt nào cả mà chỉ có một nắm muối hột:
- Giỡn mậy? Tôi cười
- Chớ còn gì nữa. Muối bỏ vào đĩa nhôm thì nó kêu “cộp, cộp”, là thịt cọp đó. Anh ta trả lời, rồi thêm:
- Mầy cứ mơ tưởng. Cọp mà nghe tiếng cải tạo thì đã cao bay, xa chạy có đâu để mà bắt.
Rồi từ đó, danh từ thịt cọp đã được chúng tôi sữ dụng để ám chỉ đến một món ăn thuần tuý mà chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt đã dành cho mình.
Hôm qua bác Phán tổ trưởng của tổ chúng tôi mở lời tâm sự:
- Tôi thèm một nồi dừa khô kho với mỡ quá các ông ạ.
Nghe tên món ăn, tôi thấy xa lạ. Hình như tôi chưa hề nếm qua món này bao giờ.
Tôi hỏi nhỏ thằng Thủy:
- Mầy biết món này không?
- Đó là món ăn bình dân của người Bắc. Nhưng chắc ổng ngại hao tốn nên bỏ bớt đi phần thịt. Thủy giải thích.
Những mẩu chuyện như thế vẫn được bọn chúng tôi đem ra tán gẫu hằng đêm lúc nằm trên gường chờ cơn buồn ngủ. Không ai dám bàn đến những chuyện thời cuộc hoặc tình hình chính trị. “Ăn-ten” được bọn cán bộ gài tùm lum, chúng tôi không xác định được vị trí, nên tránh đi để khỏi mang tai vạ vào thân. Chuyện ăn chơi, nhậu nhẹt của những thời xa xưa cũng được moi ra kể cho nhau nghe. Nghe để thấy buồn, thấy hối tiếc, thấy thèm thuồng và ao ước. Ôi còn đâu thời huy-hoàng ấy!
Tiếng bác Phán lại vang lên:
- Chắc kỳ thăm nuôi này tôi phải xin bà xã tôi mới được.
Tuần trước nghe tin cải tạo được cho phép thăm nuôi, cả trại chúng tôi nhốn nháo lên. Làm sao nói hết được nỗi vui mừng của những tên tù cải tạo sau bao năm dài khát khao chờ đợi. Nỗi vui mừng như bác nông phu được trời đổ cơn mưa lên thửa ruộng sau những ngày tháng khô cằn vì hạn hán. Cuối cùng rồi những người tù cải tạo sẽ được gặp lại người thân yêu sau bao năm dài xa cách. “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, cái nỗi nhớ nhung đó được nhân lên cả vạn lần đối với bọn cải tạo chúng tôi.
Đêm đó bỗng nhiên giật mình thức giấc nửa khuya, tôi mở mắt nhìn vào khoảng không u-tối. Nghe tiếng côn trùng rỉ rả giữa rừng già thanh vắng, suy-nghĩ vẩn vơ thả hồn về dĩ vãng. Chuyện thăm nuôi được nhắc đi nhắc lại đã làm xáo trộn tâm hồn của người tù cải tạo. Tôi thấy nhớ gia đình, nhớ vợ, nhớ con không thể tả. Ngày 30 tháng 4, con gái đầu lòng của tôi mới chào đời được một tháng, còn chúng tôi thì lấy nhau mới 2 năm. Hơn một tháng sau, tôi phải khăn gói đến trình diện tại tụ điểm Trần Hoàng Quân mà không có dịp từ giã vợ. Vì lo lắng cho sự an toàn của tôi, nàng đã phải trình diện nhiệm sở ở Cần Thơ và cũng không kịp về để tiễn đưa chồng đi vào cõi tối tăm. Tình yêu đương nghĩa vợ chồng đang lúc đậm đà nồng ấm, đột nhiên phải chia lìa ngăn cách. Tôi cảm thấy xót xa, lòng quặn thắt mỗi khi nhớ về những người thân yêu ấy. Đã hơn 2 năm rồi, không biết vợ con tôi mạnh khỏe ra sao. Nàng có đủ sức để chống chọi với cơn bão dữ đang đổ ập vào cuộc đời mình hay không? Còn con gái tôi, nó có đủ sữa để no bụng mỗi ngày không, hay phải uống nước cơm quậy với đường. Tội nghiệp nó, đầu xanh đã sớm nếm mùi côi cút. Tôi thấy mình có lỗi với vợ con vì đã trốn tránh trách nhiệm, mặc dù sự trốn tránh đó không do tự mình tìm kiếm. Nghĩ đến đây tôi thấy lòng chùn lại yếu đuối, tự trách mình sao không còn tinh- thần chí-khí của một đấng tu mi nam tử.
Tiếng cắt kè vọng lên từ đầu mái hiên phá tan màn đêm tĩnh mịch. Tôi trở mình, nhắm mắt cố tìm lại giấc ngủ.
Sau khi báo cáo với tên vệ binh gác cổng, anh Ngôn quay lại điều động chúng tôi đi ra khỏi trại. Khối của chúng tôi có 30 tên được cắt đặt vào toán đi làm đường. Anh Ngôn là khối phó đặc trách lao động nên được chỉ định làm trưởng toán. Dóc dáng cỡ trung niên, anh là một người hiền lành dễ thương. Tuổi gần bốn mươi, anh có một vết sẹo tròn nằm ở quai hàm bên trái. Chắc vì vậy mà giọng nói của anh hơi biến đổi. Nghe nói vết sẹo ấy do thương tích để lại sau một trận đánh với Việt Cộng ngày trước.
Mỗi lần chuẩn bị rời cổng trại đi lao động, tôi lại không tìm thấy đủ sức lực để di chuyển đôi chân của mình. Sao mà chúng nó nặng đến thế! dù chỉ có lê theo một đôi dép râu cũ rích. Thằng Thủy đẩy vào lưng tôi:
- Đi!
- Ừa.
Tôi đáp lại rồi thở dài vác sẻng lên vai, nhích từng bước một.
Chúng tôi ra khỏi trại, tiến về phía bìa rừng nơi có con đường mới được mở ra như đoàn quân bại trận. Tôi nhớ tới bài hát và đoạn phim Cầu Sông Kwai -The Bridge on the River Kwai- mà có người nhắc lại cách nay mấy hôm. Thấy mình cũng giông giống họ, nhưng có lẽ còn thua xa mấy bậc.
Chỗ trại chúng tôi ở nằm giữa rừng Kà-tum, không có đường cho xe 4 bánh nối liền với làng dân và con đường dẫn ra thành phố Tây Ninh. Tôi không rõ từ ngôi làng đó cách phố Tây Ninh bao xa (chắc không gần đâu), nhưng từ trại tù cải tạo đến làng khoảng mười mấy cây số đường chim bay. Sự vận chuyển từ bên ngoài đến khu vực chúng tôi ở bằng xe 4 bánh rất khó khăn. Xe phải chạy theo đường mòn ngoằn ngoèo, chưa kể gặp phải mùa mưa lầy lội. Có nhiều lần chúng tôi được đột xuất cử đi trong đêm khuya mưa gió để cứu lầy cho những đoàn xe đó.
Để giải quyết trở ngại vận chuyển khó khăn này, bọn cán bộ cộng sản bèn vẽ ra chuyện phá rừng đắp lộ. Chúng bảo rằng con đường mang tên bác (mà chúng tôi gọi là già Hồ) từ Bắc vô Nam xuyên qua dãy Trường Sơn rộng 8 thước thênh thang còn xây được thì bọn tù cải tạo chúng tôi phải đấp một con lộ rộng ít nhất là 6 thước cho tốt. Nói gì thì nói, chúng tôi như cá nằm trên thớt, muốn chém tới đâu cũng cam chịu. Mấy tháng trước đây, công việc phá rừng đã được khởi công và vừa hoàn tất. Vì được phóng theo đường chim bay, nên con đường đang được xây đắp này phải cắt ngang qua những đoạn mặt đất cao thấp khác nhau và cũng có những chỗ rừng cây dầy đặc hoặc to lớn như cây cổ thụ. Công việc phá rừng và đấp lộ gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Đã có một số cải tạo bị thương vì té hố, đạp cọc nhọn hoặc bị cây ngã đè gẫy chân, trật tay. Có người vẫn còn nằm bệnh xá không chừng phải mang lấy thương tật về sau. Chuyện nhỏ! “nước sông, công tù” mà, có chết bớt đi, bọn cộng sản càng mừng nói gì đến thương tật đau đớn.
Thằng Thủy đi trước mặt, vai vác sẻng cũng như tôi nhưng bước đi thoăn thắt. Tôi cố đuổi theo mà vẫn bị bỏ lại đằng sau. Nó đâu có cao lớn hơn tôi, có khi còn bị coi là dân lùn nữa là khác.
- Thủy, chờ tao với mậy. Tôi kêu nó rồi nói tiếp:
- Mầy có bồi dưỡng hay sao mà đi hăng vậy.
- Tại mầy không biết giữ gìn sức khỏe chớ tao cũng như mầy thôi.
Tôi biết nó nói có phần đúng, nhưng cũng có phần còn thiếu. Đêm nào nó cũng ngồi trên giường luyện “yoga” khoảng 15 phút rồi ngủ sớm. Còn tôi thì không dám tập vì có biết hít thở ra sao đâu, sợ tẩu hoả nhập ma nên chờ nó ngáy rồi mới nhắm mắt. Nó có chỉ cho vài lần nhưng tôi vẫn chưa lĩnh hội được. Chẳng lẽ có như vậy mà nó khỏe khoắn hơn mình? À tôi nhớ ra rồi, sáng nay nó có bỏ vô bụng một tí cơm nguội mà nó để dành từ bữa cơm chiều hôm qua. Mà hình như còn có một mảnh đường cục nữa. Ở đâu mà nó đào ra đường. Chắc nó giỏi tài ngoại giao nên được tiếp tế đặc biệt, tôi thầm nghĩ. Tôi biết khối trưởng, khối phó và chức sắc trong bọn chúng tôi thỉnh thoảng được bọn cán bộ (cộng sản) mua đường giùm. Họ có ăn lời, nhưng mình cũng cầu như vậy để được nhờ.
Đang còn suy nghĩ về mấy cục đường, tôi chợt nghe có tiếng người gọi lớn:
- Chiến, phải mầy đó không?
- Ủa, Bạch Xuân! Mầy cũng ở đây hả?
Tôi quay qua thấy (HC2) Bạch Xuân đang đi phía bên kia lề đường với một vài người. Thấy nó có vẻ rắn chắc, nhưng đen ơi là đen! (Tôi chê nó mà quên rằng mình cũng không thua gì Miên lai). Mừng quá, tôi xổ tiếp:
- Mầy ở “T” nào vậy?
- “T4”, còn mầy. Bạch Xuân trả lời và hỏi lại:
- “T1”, mầy đi làm gì vậy?
- Tao đi lấy cây về cất trại.
Rồi cứ thế, vừa đi vừa nói. Bạch Xuân than ở “T4” cực quá. Tụi cán bộ muốn biến T4 thành một “T” kiểu mẫu nên việc gì cũng làm nhiều hơn những “T” khác. Tụi nó phải thi hành cái khẩu hiệu “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm. Làm đêm không hết, làm lết tới sáng”. Tôi nghe mà rùng mình, tội nghiệp cho nó nhưng không biết bao giờ chế độ đó lan sang tới mình đây? Kệ, hơi đâu mà lo. Nó hỏi han tôi về chuyện sắp được thăm nuôi, gương mặt hớn hở. Tôi đoán có lẽ nó cũng nhớ vợ con như mình và những người tù khác.
- Thôi, bữa khác gặp lại. Tao phải đi kiếm cây. Nó chào tôi rồi đi vội lên.
Nhưng đó là lần tình cờ hi-hữu, làm gì có cơ hội gặp lại lần thứ hai.
Đoàn người chúng tôi đến địa điểm đắp đường sau gần một giờ cuốc bộ. Cầm bình nước lên tu một hớp rồi anh Ngôn bắt đầu cắt đặt công việc:
- Mỗi tổ 6 người, thì 2 người “nhẩy đầm”, 2 người chạy xe, 2 người đào đất. Cứ 2 giờ thay phiên một lần. Các anh nghỉ một chút rồi bắt tay vào việc. Tôi thích anh Ngôn ở chỗ đó. Thông cảm với bạn đồng cảnh ngộ, anh thường cho chúng tôi nghỉ giải-lao, và cũng không ấn-định bao nhiêu phút. Khi nào có cán bộ len-men tới dòm ngó thì anh tìm cách che chở ngay.
Sáu người trong tổ chúng tôi cũng chia việc. Không hiểu sao thằng Thủy khoái bắt cặp với tôi trong các công việc chung, mặc dù tôi với nó không có chiều cao cân xứng. Nó nói:
- Tao với thằng Chiến đào đất trước.
Rồi nó chia cho 4 người còn lại chạy xe và nhẩy đầm.
- Đào đất rồi chạy xe, kế đến là nhẩy đầm. Cứ như vậy mà xoay tua. Có ai đề nghị gì khác không? Nó lên giọng trưởng toán.
Không có tiếng trả lời. Tôi thầm cám ơn nó vì đã biết ý tôi. Tôi thích đào đất hơn 2 thứ kia mà ghét nhất là nhẩy đầm, mặc dù không tránh né được.
Tôi và Thủy dùng sẻng đào đất chất lên xe. Sẻng là thứ dụng cụ do chúng tôi tự chế ra từ những cọc sắt ấp chiến-lược được lượm lặt về. Một cây cọc sắt được chặt ra làm 3 hoặc 4 đoạn. Một đầu được đập dẹp ra, còn đầu kia thì uốn tròn để ôm lấy thân cây lấy trong rừng làm cán sẻng. Có người cẩn thận trui rèn đầu dẹp cho lưỡi sẻng rắn chắc hơn, còn dễ tính thì cứ để vậy, lấy đá mài cho bén cũng xài được. Thật ra, cọc sắt ấp chiến-lược còn được dùng làm dao, búa và nhiều thứ khác nữa.
Xe chở đất được làm bằng những nan cây le kết giữa 2 thanh cây tròn bằng cổ tay. Khi đất đầy, thì mỗi người một đầu hai tay nắm lấy 2 cây tròn, mặt quay về cùng một hướng, nâng lên rồi lái đi đến chỗ đấp đường đổ xuống, xong chạy xe không về chờ nhận hàng tiếp.
Một trong 2 người nhẩy đầm dùng cuốc -cũng được làm bằng cọc sắt- ban đất ra cho đều, rồi cùng người thứ hai nhẩy đầm. Nói nhẩy đầm cho có vẻ lãng mạn một chút chứ thực ra đâu có ôm nhau, mà là ôm cái đầm. Cái đầm là dụng cụ dùng để nện đất xuống mặt đường thay cho xe hủ lô của lục lộ. Đầm được chế ra từ một khúc gỗ tròn lớn, đường kính chừng 3 tấc, cao chừng 5, 6 tấc. Khúc gỗ này được 2 cây tròn cao cỡ đầu người to bằng cổ tay đóng cặp 2 bên, đối diện nhau. Đào và kép mỗi người một bên, hai tay nắm lấy 2 thanh cây rồi đồng điệu dở lên cao đoạn nện xuống đất. Cứ thế mà đi vòng vòng chỗ đất mới đổ xuống. Trong khi chúng tôi đang làm việc, thỉnh thoảng anh Ngôn tới gần ngó trước, ngó sau rồi dời đào kép đến cái sàn nhẩy khác. Tôi không có đầu óc lãng mạn đủ để tưởng tượng được cái đầm như một người đẹp nào đó mà quên đi trọng lượng nặng ký của khúc cây. Sau mỗi tua nhẩy đầm, tôi cảm thấy 2 cánh tay mình xụi lơ, rã rời ê-ẩm.
Chiều đến, bầu trời trở nên xám xịt vì mây đen kéo tới. Mới 3 giờ mà tưởng như sắp tối đến nơi, mùa mưa có khác. Anh Ngôn đột nhiên tập họp chúng tôi lại sau khi được 2 tên vệ binh (cộng sản) gọi đến, trao đổi mấy câu.
- Cán bộ thấy chúng mình lao động siêng năng, cực nhọc nên muốn thưởng cho. Mình sẽ được mấy ảnh mua giùm đường cục. Các anh đóng tiền để tôi nhờ cán bộ mua giùm, mỗi người được một ký.
Chúng tôi nghe tin mừng quá đỗi, cho là mình ở hiền nên gặp lành. Đang lo bị phê bình, thật không ngờ lại gặp 2 anh cán bộ nhân đức, dễ thương!
Đường là một thứ vitamin thần diệu mà tất cả bọn tù cải tạo đều thèm thuồng mong ước. Ăn cơm mà có thêm một cục đường thì gần như có thêm thịt cá. Có lẽ nuốt muối mặn hoài đã tê lưỡi, nên có một tí vị ngọt vào làm mình cảm thấy ngon miệng hơn chớ làm sao sánh được. Đang mỏi mệt, ngậm vô một cục đường thì tỉnh người lại. Nếu có cục đường vô thì chấp thằng Thủy đi bộ đua với tôi, nhẩy đầm cũng không ngán nữa. Tháng trước, Thủy kiếm ở đâu đươc một nắm trà. Buổi tối nó bèn pha một bình trà nóng rồi rủ ren 5, 6 đứa ngồi nhâm nhi. Hớp một ngụm rồi khà ra một tiếng, thấy đã như mới nhắp một chung rượu cay (không phải Cordon Bleu đâu mà ham). Lúc những người bạn kia chia tay về hết, Thủy len lén dúi vào tay tôi một mảnh đường cục. Tôi không thắc mắc gì hết, cắn một miếng nhỏ rồi cầm chén trà lên nhắp một ngụm. Để cho nước trà thấm vào lưỡi, hòa vào vị ngọt của đường trôi vào cuống họng từ từ, chầm chậm rồi nhắm mắt lại; tôi thấy hồn mình bay theo mây gió lâng lâng như lạc vào tiên cảnh. Không biết mấy ông tiên bắn khỉ cảm thấy thế nào sau khi kéo một hơi dài bên bàn đèn, chứ tôi nghe như mình vừa nuốt đươc một củ sâm Cao-Ly ngàn năm.
Tôi mở cây kim tây, moi trong túi ra một bao ny-lon xếp thành mấy lớp. May quá, tôi còn đủ tiền mua một ký! Tôi nhớ tiền này tôi mang theo từ ngày trình diện ở Trần Hoàng Quân. Mấy năm nay cu ki cất giữ nên vẫn còn đó. Hầu hết nhóm 30 người chúng tôi đều đủ tiền mua mỗi người một ký. Một vài anh con bà phước thì được bọn tôi chung góp cho mượn.
Một giờ sau, đường được mang về. Anh Ngôn phân phát cho mọi người rồi nói:
- Cán bộ dặn mấy anh không được lấy đường ra ăn bây giờ. Mang về trại rồi mới được sữ dụng. Cán bộ còn nói mấy anh phải giữ kín chuyện này.
Tôi cầm gói đường lên, hít lấy hít để. Ôi! Thơm quá là thơm! Tôi thấy người nhẹ nhõm tinh thần sãng khoái. Hà, bao nhiêu đây cũng kéo được cả tháng, tha hồ mà lao động. Chiều nay chắc phải đớp một cục rồi tối nửa cục nữa cho bù vào những ngày thiếu thốn. Nghĩ tới đây, tôi ngầm cám ơn 2 tên vệ binh.
Chúng tôi định trở lại tiếp tục công việc làm đường thì anh Ngôn lại lên tiếng:
- Trời có vẻ muốn mưa, cán bộ cho chúng mình về sớm. Thôi các anh thu xếp chuẩn bị trở về trại.
Chúng tôi đứng vào hàng, tay khệ nệ giữ lấy bọc đường sẵn sàng cất bước. Đột nhiên vệ binh gọi anh Ngôn đến. Một lúc sau, anh Ngôn trở lại:
- Cán bộ cho biết có cấp trên đi tuần tra, mình mua đường sái phép phải đem đi giấu. Cán bộ cho các anh mấy phút đem dấu 2 bên vệ đường, ngày mai các anh sẽ được trở lại lấy. Tôi sẽ yêu cầu các tổ trưởng cho các anh đi làm đường ngày mai.
Tôi giật mình lo lắng, không biết có chuyện gì rắc rối nữa không. Kệ nó, lo đi giấu đường trước đã. Tôi chạy vào đám rừng bên tay trái khoảng mươi thước, tìm một bụi cây rậm rạp bỏ gói đường vô rồi cẩn thận bẻ một cành cây làm dấu, đếm bước đi ngược ra ngoài đường để nhớ khoảng cách. Nhìn lên bầu trời thấy mây đen, tôi lại chạy trở ngược vào. Nghe tiếng của một tên vệ binh:
- Các anh khẩn trương lên!
Tôi tiếp tục chạy đến bụi cây moi gói đường ra, lấy cái áo đi mưa màu nâu được Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà phát cho năm 1972. Để gói đường vào giữa quấn lại mấy lớp thật kỹ rồi nhét trở lại bụi cây. Thấy an-tâm hơn một chút, tôi trở ra ngoài sắp hàng chờ.
- Các anh nhớ nhắc tổ trưởng để được cử đi làm đường ngày mai.
Nhắc nhở chúng tôi một lần nữa, rồi anh Ngôn ra hiệu đi về trại. Trên đường về, chúng tôi để ý nhìn trước, nhìn sau nhưng không thấy ai có vẻ là cán bộ cấp trên đi ngang qua, trong lòng cảm thấy bớt lo lắng vì nghĩ rằng mình đã thoát nạn.
Đêm hôm đó, tôi trằn trọc không ngủ được. Một phần háo hức vì có món bổ dưỡng, phần khác lo không biết gói đường nằm ở đó có an toàn không, có bị kiến tha không. Chỉ mong sao cho trời mau sáng.
Giữ đúng lời hứa, hôm sau cả toán chúng tôi được trở lại chỗ làm đường ngày hôm qua.
- Các anh ngồi nghĩ một chút, chờ tôi trình với vệ binh rồi mới được đi kiếm đường vì hôm nay có vệ binh mới.
Anh Ngôn nói xong đi về hướng 2 tên vệ binh mới. Một lúc sau anh trở lại cho biết cán bộ chấp thuận, nhưng phải làm thật nhanh.
Không sao, chỉ cần vài phút là đủ. Chúng tôi bảo nhau rồi chạy tán loạn vào hai bên đường. Chỉ mất một phút là tôi tìm ra cái bụi cây mình làm dấu hôm qua. Thò tay vào, đinh ninh sẽ lôi ra được cái áo mưa có bao đường trong ấy. Nhưng không, tôi sờ soạng một chập nhưng không thấy gì. Tưởng mình chưa với đủ sâu vào trong bụi cây, tôi dùng cả hai tay vạch ra một khoảng trống để được thấy rõ hơn. Cũng không thấy cái áo mưa ấy đâu cả! Ủa, không lẽ mình nhìn lộn chỗ? Tôi lùi ra vài bước nhìn lại kỹ hơn. Đúng rồi mà, cái cành cây bị tôi bẻ làm dấu vẫn còn đây. Tôi vẫn chưa tin mắt mình nên bắt đầu đếm bước đi ngược ra ngoài. Chưa thấy thằng bạn tù nào trở ra. Tôi chạy vào chỗ bụi cây một lần nữa. Bước đếm không sai, nhưng nghĩ chắc mình nhìn lầm bụi cây. Tôi dáo dác nhìn chung quanh, thấy bụi cây nào gần đó cũng bị lục lọi. Tìm kiếm hết ba bốn bụi cây bên trái thì thấy thằng Thủy mặt mày cũng ngơ ngác. Tôi hỏi:
- Bao đường của tao đâu mất rồi Thủy ơi! Mầy kiếm được chưa?
- Chưa. Ủa mầy cũng kiếm không ra hả? Rồi nó tiếp:
- Mấy thằng bên kia cũng còn đang lục lạo.
Bọn tôi tiếp tục sục sạo loạn cả lên. Một lúc sau nghe tiếng anh Ngôn:
- Các anh trở ra ngoài tập họp.
Cả 30 tên mò trở ra ngoài đường, tay không đứng chung quanh anh Ngôn.
Anh cho biết gói đường của anh cũng biến mất. Nở một nụ cười khó hiểu anh nói:
- Chuyện này bỏ qua một bên, các anh chuẩn bị trở lại công việc làm đường.
Chúng tôi ngồi xuống hai bên vệ đường rù rì to nhỏ. Có người lên tiếng:
- Ê Thủy, mầy đoán coi ai lấy.
- Bộ mầy muốn tao bị nhốt chuồng cu sao mà hỏi vậy. Nó trả lời, mặt tỉnh bơ làm ra vẻ nghiêm trọng.
Tôi ôm đầu, miệng lẩm bẩm: "Mất cả chì lẫn chài! Lại thua thêm một trận nữa". Thủy chêm thêm nho nhỏ: "Tuyệt chiêu! Thật là bái phục!"
Không ngờ cái 'Đỉnh Cao Của Trí Tuệ Loài Người" lại được đem ra thi thố, áp dụng cho những kẻ ngã ngựa như chúng tôi trong hoàn cảnh này!
"Hết rau rồi anh có lấy măng không?"
Thằng Sĩ vừa đi vừa nghêu ngao mấy câu hát học được trong những lần họp tổ . Sĩ còn quá trẻ, chắc chừng 22, lại độc thân vui tính nên vô tư và yêu đời lắm. Ít khi thấy nó buồn hay suy tư như bọn có gia đình như tôi. Không bao giờ tôi hát được những bài hát của Việt Cộng đó một mình như Sĩ. Nhưng nó không phân biệt hay kỳ thị, hát loạn cả lên lúc vui vẻ. Lúc mới chuyển trại lên đây tôi hơi e-dè, ngại nó làm “ăn-ten” cho cán bộ. Về sau rõ ra thì không phải vậy, nó cũng là dân ngu cu đen như mình. Sĩ cũng lùn và lanh lợi như thằng Thủy (không biết sao ông trời cho mấy người lùn cái biệt tài đó, chắc để bù vào sự khiếm khuyết của chiều cao). Mặc dù còn trẻ măng như vậy, Sĩ lại khoái để râu mép. Có lần tôi ngạo nó:
- Mầy để râu giống Ba-Lém quá!
- Ba-Lém nào?
- Ủa, mầy không biết Ba-Lém trong tranh hoạt họa của báo SàiGòn Mới hả?
- Mầy chơi tao phải không?
- Không có! Nhưng giống thiệt đó mậy.
Nó cầm lên một cục đất ném vào người tôi. Tôi xoa lưng hít hà, bỏ chạy mà còn cố nói vói lại:
- Nói giỡn chớ giống Nguyễn Cao Kỳ hơn.
Nhưng rồi nó cũng chẳng chịu cạo râu. Cái bộ râu mép chỉ dài và rậm rịt ở hai đầu cuối gần khoé miệng.
Sáng nay tôi được cắt cử đi theo nó lấy măng. Sĩ là chuyên viên lấy măng của tổ. Như vậy là tôi phải gọi nó bằng thầy. Theo thông lệ, mỗi tổ phải cử 2 người đi lấy măng mỗi ngày để tăng cường cho phần rau xanh của nhà bếp. Mặc dù rau muống được trồng khắp nơi chung quanh trại, nhưng vẫn không đủ cung ứng cho nhu cầu hằng ngày. Chúng tôi trồng thêm dây khoai lang, cây khoai mì. Ngoài củ khoai, đọt lang và đọt cây mì cũng được sử dụng thay cho rau. Tuy vậy vẫn còn thiếu vì rau là món ăn chính bên cạnh cơm. Để giải quyết cho sự thiếu hụt này, tùy theo mùa chúng tôi đi lấy thêm các loại rau mọc thiên nhiên để ăn dậm vào. Mùa nắng thì có rau dền, mùa mưa thì có măng le. Tôi nghe nhóm của thằng Sĩ kể rằng, mùa mưa đầu tiên ở Kà-tum này tha hồ mà ăn măng. Lúc đó khu trang trại chưa được khai hoang nhiều như bây giờ. Bước vài chục bước đã tới rừng. Chỉ cần với tay bẻ, nửa giờ sau là đầy một bao cát. Măng le mọc lên từ cây le. Cây le to hơn cây tre gai nhưng không bằng cây tre tầm vông. Thân lớn cỡ nửa cườm tay có thể cao đến tám, mười thước nhưng không có gai. Le mọc thành từng bụi lớn khoảng một hoặc hai người ôm. Vì thân cây cao như thế nên chúng quằn xuống đè lên nhau tạo thành những tàng lá dầy đặc cao hơn đầu người cả thước. Đó cũng là nơi để chúng tôi tạm che mưa, lánh nắng trong lúc đi ra ngoài lao-động. Măng le được dùng trong bữa ăn cũng giống như các loại măng đựơc bày bán ngoài chợ. Cũng kho, cũng nấu hầu hết với nước lã và muối. Lúc nào có mỡ thì xào một chảo. Trước khi xào nấu như vậy, cây măng đã được luột bỏ đi hai ba nước cho bớt vị đắng. Nhiều người có kinh nghiệm sống ở rừng cho rằng, ăn nhiều măng le thì dễ bị bệnh sốt rét. Lời cảnh cáo đó đối với chúng tôi không có tác dụng; lúc nào mắc bệnh hẵng hay bây giờ thì phải no bụng cái đã. Đúng là chưa thấy quan tài chưa đổ lệ!
Mùa mưa tạo cho rừng Kà-tum một khung cảnh u-buồn ảm đạm. Buổi sáng nào cũng có sương mù giăng mắc, tựa như những làn khói trắng quyện phủ lấy cành lá còn đọng lại một vài giọt nước của cơn mưa rả rít đêm qua. Đến trưa thì có một vài tia nắng xuyên thủng bầu trời đầy mây, mang đến mặt đất một chút hơi nóng sưởi ấm lòng người cải tạo đang trĩu nặng với những niềm tâm sự riêng tư. Chiều đến, bầu trời thường mang màu xám xịt vì mây đen kéo tới. Một vài giọt nước bắt đầu rơi lác đác báo hiệu cơn mưa đêm sắp đến. Mưa càng lúc càng nặng hột hơn. Những giọt nước vở tan trong không gian tạo thành màng sương mỏng tô điểm cho đêm tối thêm dầy đặc. Nằm dưới mái tranh với cái không khí lành lạnh của đêm khuya, nghe tiếng mưa rơi êm êm đồng điệu như một khúc nhạc ru ngủ buồn. Cái hơi lạnh kia như đang len lỏi vào tận lòng người đang hướng về một phương trời xa xăm thẩm.
Từ ngày bọn cấp trung-úy chúng tôi chuyển trại tới đây, măng le đã bị tận dụng tối đa. Những đám le ở gần trại đã bị tàn sát gần hết, cả măng lẫn cây le. Bây giờ muốn lấy được măng cho đạt chỉ tiêu thì phải tìm đến những rừng le xa hơn, ít có người lui tới.
Đi lấy măng, lấy cây hay lấy củi đều phải lủi vô rừng. Vào rừng phải có kỹ thuật hay có kinh nghiệm để khỏi bị lạc. Người mới đi rừng thường chỉ quanh quẩn gần trại, nơi có nhiều đường mòn hoặc có người lui tới. Đi một lúc thế nào cũng gặp bạn bè hay tù cải tạo khác, chắc chắn sẽ được cứu bồ nếu cần. Tối hôm qua tổ trưởng chỉ định tôi đi theo thằng Sĩ để được hướng dẫn lấy măng, vì nó đã đảm nhận công tác này nhiều lần. Nó đã trở thành thổ địa ở những chỗ đó, đường đi nước bước như nằm trong lòng bàn tay.
Sau hơn một giờ đi băng rừng, thằng Sĩ vẫn lầm lũi tay cầm dao chặt dây leo phá lối đi. Tôi đứng lại, lắng tai nghe ngóng. Chỉ có tiếng dao chặt cây của thằng Sĩ vang lên sột soạt.
- Ngừng lại nghỉ một chút Sĩ ơi. Tôi kêu lên.
- Mệt rồi hả? Nó nói xong tìm chỗ trống ngồi xuống.
Tôi ngồi cạnh nó, lấy bình nước ra tu một ngụm rồi hỏi:
- Chừng bao lâu nữa sẽ tới?
- Chắc hơn một giờ nữa.
Ngoài tiếng nói chuyện của hai đứa tôi và tiếng chim bìm bịp thỉnh thoảng vang lên, chung quanh đây thật yên lặng. Cái yên lặng lạnh người kèm theo một chút ma quái của rừng sâu vắng vẻ! Tôi cố nhìn xuyên qua các thân cây, hy-vọng tìm thấy rừng le trước mặt. Nhưng không thấy một bụi nào hết, lúc đó mới tin vào lời của thằng Sĩ. Tôi cũng có dịp đi rừng lấy cây, lấy củi mấy lần nhưng chưa bao giờ phải đi xa đến như vậy. Quả thật chỗ này rất mới mẻ đối với tôi.
Đi tiếp thêm gần một giờ nữa, tôi thấy nguyên một rừng le hiện ra trước mặt. Thân cây le to và cao hơn tôi thường gặp, Sĩ đề nghị:
- Mình kiếm chỗ nghỉ một chút rồi bắt đầu đi lấy măng.
Chúng tôi ngồi xuống dưới tàng cây của môt bụi le, nhìn lên cao thấy ánh mặt trời le lói xuyên qua cành lá. Lá le dầy đặc kết gần kín cả khoảng không gian chỉ chừa lại những đóm sáng lổ chổ như một mái tranh dột nát. Nhìn chung quanh, tôi cảm thấy an-tâm vì măng le còn rất nhiều. Tôi hỏi:
- Chắc mình lấy chừng một giờ là xong phải không Sĩ?
- Coi vậy chớ phải lâu hơn đó, hơn hai giờ mới đủ. Rồi nó thêm:
- Mầy tưởng chưa ai tới chỗ này hả? Sai rồi. Mình tới được thì cũng có người tới được.
Tôi biết nó nói đúng. Dấu tích của cây bị chặt và vỏ măng lột ra rơi rớt vài nơi. Một lúc sau chúng tôi đứng lên một tay cầm dao, một tay cầm bao cát tiến về các bụi le. Đến một giờ trưa, tôi lấy được hơn nửa bao cát. Chỉ tiêu tối thiểu là một bao cát đầy, nhiều hơn thì được khen. Tôi không quan tâm đến chuyện được khen hay không, miễn đừng có ai moi ra phê bình lên lớp là được. Nghe bụng cồn cào, tôi kêu lên:
- Nghỉ tay ăn cơm cái đã Sĩ ơi.
- Mầy lấy được bao nhiêu rồi? Nó hỏi.
- Hơn nửa bao.
- Cũng được. Vậy mình ăn cơm đi.
Ngồi xuống cạnh một gốc cây, tôi cảm thấy hai cổ tay ngứa ngái nên đưa lên đầu chà một lúc - đó là cách trị chứng ngứa do lông của vỏ măng đâm vào da thịt, rồi moi trong bịt ra một lon guigoz - Cũng lon guigoz! Thật ra lon guigoz rất tiện lợi cho chúng tôi đựng đồ ăn, có nắp đậy kín mà không sợ rỉ sét. Phần ăn trưa này được chia lúc sáng sớm, hơn nửa lon. Mở nắp lon, tôi lấy ra một bao ny-lon muối bọt và một trái ớt hiểm. Muốn có muối bọt ăn, chúng tôi phải quậy muối hột được phát ra thành nước, lọc sạch rồi nấu lên.
Tôi ăn ngấu nghiến, xoẹt một cái là hết sạch. Có tí ớt vô sao mà ngon thế! Giống như một đĩa cơm tấm! Uống thêm mấy ngụm nước cho đầy bụng, tôi ngả người xuống nhắm mắt lại nhưng không quên nhờ Sĩ:
- Chút nữa kêu tao dậy đi lấy măng tiếp nghe.
- Rủi tao ngủ quên luôn thì sao.
- Vậy thôi, tao không ngủ.
- Nói giỡn chớ mầy ngủ đi, tao canh cho.
Sau giấc ngủ trưa, tôi cảm thấy mệt mỏi bần thần như người mắc bệnh. Đứng dậy vương vai, lắc đầu mấy cái rồi đổ một vốc nước vô mặt. Chúng tôi lại tiếp tục công việc.
Đang lúc lom khom chặt môt khúc măng bỏ vào cái bao cát lưng lửng, tôi chợt nghe một tiếng rống vang dội cả khu rừng. Tiếng rống rợn người của một loài thú nào đó phá tan rừng già tĩnh mịch.
- Con gì la vậy Sĩ? Tôi hỏi.
- Không biết.
Cả tôi lẫn Sĩ dừng tay lại, lắng nghe.
Tiếng rống lại vang lên, nghe rất thảm thiết.
- Có lẻ một con nai hay con mễnh nào bị sập bẫy. Sĩ đoán.
- Mễnh là con gì?
- Nghe nói cũng giống như nai, tao không rành lắm.
- Bộ ở đây cũng có người đặt bẫy sao?
- Tao nghe nói dân địa phương và bộ đội có đặt bẫy bắt thú rừng nên đoán vậy.
Tiếng rống đó càng lúc càng vang lên đều đặn hơn; đôi lúc cảm thấy như rất gần nơi chúng tôi đang lấy măng.
- Sao nghe gần quá vậy Sĩ? Mầy có nghĩ mình đang đi về hướng cái bẫy đó không?
- Cũng dám lắm. Thôi mình đi hướng khác đi, không nên tới gần con vật đang mắc bẫy.
- Sao vậy? Mầy sợ mấy người đặt bẫy là tụi vệ binh hả?
- Ừ. Mà mình không chắc con gì đang mắc bẫy. Rủi gặp thú dữ nó lại tấn công mình làm sao?
- Ở đây có cọp không?
- Tao không biết. Nhưng rừng sâu thế này cũng có thể có.
Chúng tôi trao đổi với nhau một lúc rồi đi lấy măng tiếp. Tiếng rên la của con vật mắc bẫy tiếp tục xoáy vào tai tôi như một mệnh lệnh gì thúc giục. Tôi cố vờ đi mà làm nhiệm vụ. Vừa đi tôi vừa suy nghĩ. Con thú mắc bẫy thì nằm trong rọ, sao mình lại sợ nó. Cọp mắc bẫy thì sợ là đúng, nhưng nghe tiếng la không giống tiếng cọp chút nào (thật sự tôi cũng không có kinh nghiệm để phân biệt tiếng thú rừng). Người ta đặt bẫy bắt thú rừng để làm gì? Chắc để lấy thịt thôi. Tiếng "thịt" nghe thật hấp dẫn, như một ma lực thu hút sự suy nghĩ của mình. Tại sao mình không kiếm thịt? Ăn muối với măng hoài đắng miệng quá rồi! Nhớ lại mỗi lần được giết heo, xẻ thịt mà không nhịn thèm được! Tôi đem ý nghĩ của mình ra bàn với Sĩ. Nó từ chối ngay tức khắc:
- Thôi, không nên đâu.
- Mầy sợ chuyện gì?
- Rủi gặp người hay vệ binh thì sao?
- Thì chào họ rồi bỏ đi!
- Còn gặp thú dử?
- Thì bỏ chạy!
- Mầy chắc chạy kịp không? Đã lấy được bao nhiêu măng rồi?
- Chút xíu nữa là đầy bao. Dư đủ mà!
- Được rồi. Bây giờ làm sao?
- Mình đi kiếm nó.Tôi nói
Không biết nó là con gì, nhưng nó đồng nghĩa với "thịt" là được rồi. Tôi kéo thằng Sĩ đi về hướng tiếng la mà chúng tôi đoán của con thú đang sập bẫy. Tiếng la càng lúc càng gần hơn. Tôi lấy con dao ra cầm tay. Thằng Sĩ cũng bắt chước như vậy. Hai đứa chúng tôi tiến tới chầm chậm, mắt láo liên. Chừng mươi phút sau, tiếng la đột nhiên nín lặng. Chúng tôi dừng lại chờ đợi, không quên dòm ngó chung quanh. Một lúc sau, tiếng ấy lại vang lên nhưng có vẻ yếu ớt hơn. Chúng tôi tiến lên mấy bước, tiếng la ấy lại mất đi một lúc nữa lâu hơn lần trước. Thêm vài lần mất tiếng như vậy rồi biệt tăm. Tôi với thằng Sĩ ngồi chồm hổm tại chỗ chờ đợi khá lâu mà vẫn không nghe gì nữa hết.
- Thôi đi về Chiến ơi. Chắc nó đã chạy mất hay có người lấy đi rồi.
- Mình thử kiếm chung quanh đây xem sao.
Tôi cố mở mắt thật to nhìn từng bụi cây le, bờ đất. Vẫn không thấy gì lạ hết.
- Thấy gì không Sĩ?
- Không. Đi về được chưa?
- Ừ thôi đi về!
Tôi đứng thẳng người lên, chợt nhìn thấy ngang tầm mắt mình một tàng cây le xà xuống thấp hơn những tàng cây khác. Tôi ngẩng đầu nhìn lại chỗ đó một lần nữa, thấy có cái gì lạ lạ không giống như những cành lá cây le khác. Bước tới vài bước, tôi phải vội vàng quì gối xuống chống hai tay ra.
- Cái gì vậy? Thằng Sĩ bò xuống cạnh tôi hỏi
- Mầy nhìn lại chỗ tàn cây le đó coi.
- Ý con gì vậy! Nó la lên.
- Con trăn! Tôi đáp.
Trên tàn cây le đó là một con trăn to tướng đang khoanh tròn. Vòng tròn đó lớn cỡ cái nia của nhà nông dùng để sàng gạo.
- Lớn quá Chiến ơi! Thôi đi về mầy!
- Khoan đã. Mầy nghĩ mình chơi nó được không?
- Nó mà quấn thì cả tao với mầy cũng tiêu!
- Sao nó nằm êm ru vậy?
Nó nằm im nhưng cái đầu thòng xuống khoảng vài ba tấc, lâu lâu lè lưỡi ra mặt nhìn về hướng hai thằng tôi.
- Bỏ uổng quá mậy. Tôi nói nhỏ với Sĩ.
- Mình cũng không có vũ khí thì biết làm sao?
- Có dao nè.
- Ăn thua gì!
Tôi vẫn quì gối, chống tay xuống đất không nhúc nhích mắt nhìn đăm đăm về con trăn. Không lẽ đi về? Mấy khi mà gặp được thịt cho không như thế này!
- Mầy ngồi đây canh chừng nó, yểm trợ cho tao.
- Mầy định làm sao?
- Tao sẽ đi vòng, tấn công từ phía sau của con trăn.
- Nếu thấy không êm, tao la lên mầy bỏ chạy nghe.
- Ừ.
Tôi thụt lùi một cách êm thấm, đánh một vòng lớn rồi tiến đến từ hướng sau của con trăn. Thằng Sĩ vẫn quì một chân, một tay cầm dao tay kia chống đầu gối mắt nhìn lom lom về hướng tôi. Tới đúng bụi le của con trăn đang nằm, đột nhiên tôi nghe trống ngực của mình đập liên hồi. Thì ra mình cũng bắt đầu run. Tôi đưa tay đè ngực lấy lại bình tĩnh rồi nhích từng bước nhỏ thật êm, đến đứng dưới bụng con trăn. Tôi liếc lên trên đầu, cái khoanh tròn đó còn lớn hơn cả cái nia chỉ cách đầu tôi nửa thước. Nhìn xuyên qua chỗ cái đầu con trăn, tôi thấy thằng Sĩ ở bên kia vẫn giữ nguyên vị thế không lay động. Mặt xanh như tàu lá, miệng há hốc mắt trợn trừng nhìn về phía tôi giống như những đoạn gay cấn trong các phim ma quái hay kinh dị.Tôi nghe trống ngực mình càng đánh mạnh hơn. Lúc ngồi chỗ thằng Sĩ, tôi chỉ thấy cái đầu trăn thòng xuống. Nhưng bây giờ đứng sát bên mới biết cái đầu ấy đang tựa lên một cành le trụi lá. Giữa tôi và cái đầu trăn là một cành le to bằng nửa cổ tay. Kế hoạch định chặt đầu trăn của tôi đã gặp trở ngại. Tôi suy nghĩ thật nhanh. Bụng con trăn thì ngoài tầm tay, hơn nữa muốn giết rắn phải đập đằng đầu. Tôi không thể đánh vòng ra trước đầu nó để tránh cành le, sợ nó phát giác ra mình mà tấn công ngược lại thì không trở tay kịp. Tình huống hiện tại như cỡi lưng cọp, và cũng không cho phép tôi chần chờ. Tôi liếc xuống con dao làm bằng cọc sắt ấp chiến lược trên tay, nắm chặt cán hít một hơi dài rồi vung mạnh tay chém vào cổ nó.
"Bung!" Lưỡi dao phang vào thân cành le thật mạnh nhưng không đủ sức cắt đứt và xuyên tới cổ trăn. Đầu con trăn bắn lên cao mấy tấc sau cái va chạm đó. Tôi quay đầu bỏ chạy ra ngoài bụi le, trống ngực đập liên hồi. Thằng Sĩ cũng thối lui mấy bước. Cái chém của tôi đã không mang lại kết quả mà chỉ làm cho con vật tỉnh giấc. Tôi và thằng Sĩ đứng yên; chờ phản ứng của con trăn. Trái với sự lo sợ của hai đứa tôi, con trăn từ từ quay đầu bò ngược lên tàn cây le đến một chỗ thật cao rồi nằm dài ở đó.
Bây giờ thì tôi đã lấy lại bình tĩnh, không còn ngán nó nữa. À, thì ra nó sợ mình hơn! Chúng tôi chạy tới tàn cây dưới bụng nó. Cái bụng to bằng bắp đùi! Thân dài chừng sáu, bảy thước!
- Sao nó không bỏ chạy luôn? Tôi thắc mắc.
- Chắc nó ăn no rồi nên lừ đừ như vậy. Sĩ đoán.
Trời bắt đầu nhỏ giọt lấm tấm.
- Thôi, chắc không làm gì được nó đâu Chiến! Tụi mình về, trời muốn mưa rồi.
- Sao không? Mầy cho tao thêm một chút nữa.
Tôi đi về một hướng khác tìm chặt một cây le thật to và cao nhất trong đám, tỉa hết cành lá cho suông rồi vót phần gốc thành một mũi nhọn. Đứng dưới bụng con trăn, cầm cây le đưa đầu nhọn lên trời tìm chỗ bụng to nhất, tôi đâm ngược lên thật mạnh. Mũi nhọn thủng vào bụng một đoạn làm con trăn vùng vẫy mạnh lên. Tôi sợ con trăn vuột đi nên đẩy mũi nhọn lên cao hơn nữa. Nó càng vùng vẫy. Đột nhiên tôi cảm thấy nhiều tia nước nóng bắn vào mặt mình với mùi tanh tanh. Tôi vuốt mặt, không phải máu đỏ cũng chẳng phải nước mưa mà là một chất sền sệt trắng. Thì ra nó đã đau điếng mà tè xuống mặt tôi. Tôi cố giữ cây le cho dính chặt bụng con trăn, nhưng sau một cái vùng vẫy thật mạnh nó vuột đi. Lần nầy thì nó bò thoăn thoắt như người bị ma rượt. Tôi không chịu thua cầm cây le rượt theo. Thằng Sĩ cũng chạy lăng quăng theo tôi như nó đã làm từ nãy giờ. Chạy được chừng trăm thước, con trăn quấn vào một thân cây cao mọc xuyên thủng qua rừng le. Nó quấn tròn lấy thân cây. Tôi hy-vọng nó sẽ dừng lại. Nhưng không, nó tiếp tục bò lên cao, lên cao rồi mất hút trong tàng lá xanh rậm. Tôi nhìn theo tới tận ngọn cây cao vút rồi đưa mắt xuống thấp dần đến tận gốc cây. Gốc cây to hơn một người ôm.
- Mình đốn cây nầy nổi không? Tôi hỏi.
- Không nổi đâu mầy ơi!
Tôi cũng nghĩ như nó vì hai đứa chỉ có hai con dao nhỏ so với gốc cây.
- Gần tối rồi, trời cũng đang mưa. Mình về trễ thì sẽ bị khép tội âm mưu trốn trại đó! Sĩ nói tiếp.
Tôi thở khịt ra một tiếng, vác bao măng lên vai rồi lủi thủi đi theo nó:
- Về thì về! Ăn măng có lẽ chắc hơn!
Mưa vẫn rơi lác đác từng giọt, có tiếng chim lạc đàn kêu lên thảng thốt. ..........

HuỳnhKimChiến